Mẹ kế phải yêu con chồng

THÁI THỊ THU
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Làm mẹ kế thì phải yêu con chồng, đừng có kiểu khác máu tanh lòng rồi có ngày bọn trẻ nó lớn lên, nó oán cho đấy”. Nghe tiếng hai đứa trẻ khóc òa trong bếp, mẹ chồng Loan vội chạy vào, vừa kéo cháu về phía mình, vừa quắc mắt mắng Loan.

Thế rồi việc “Loan hành hạ con chồng” ngay lập tức được truyền tới tai chồng Loan. Anh gọi về cho cô, rít lên: “Em làm gì bọn trẻ vậy. Có người ở nhà còn thế, sau này không có ai làm chứng thì chẳng biết em đối xử với chúng thế nào”.

Không biết bao nhiêu lần, mẹ chồng và chồng Loan mang câu “có người ở nhà còn thế” để áp đặt lên Loan. Dù cho cô có thiện chí ra sao thì trong mắt mẹ chồng và chồng, cô cũng chỉ là loại phụ nữ xấu xí, không có lòng thương cảm với hai đứa trẻ sớm xa mẹ.

3 năm trước, chính chồng Loan là người chủ động tìm đến, đặt vấn đề kết hôn với Loan. Đứng trước người đàn ông đã có một đời vợ, lại đang nuôi hai con riêng, Loan đắn đo lắm. Cô cứ tự hỏi mình liệu có thể mở rộng lòng đón nhận hai đứa trẻ không phải mình mang nặng đẻ đau không. Và câu trả lời là có. Loan đã hứa với lòng sẽ cố gắng làm một người mẹ kế tốt.

Mẹ kế phải yêu con chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nếu như kinh tế nhà Loan chỉ ở mức trung bình thì nhà chồng Loan có công ty riêng, tiền kiếm được cũng khá. Có lẽ vì thế mà mẹ chồng không bao giờ chịu hiểu Loan. Bà cho rằng, việc cô là gái tân đồng ý lấy con trai bà và là mẹ kế chẳng qua là muốn được đổi đời. Vì thế, bà sớm coi Loan chỉ như người giúp việc cấp cao, là bảo mẫu cho hai đứa cháu của bà hơn là dâu con, là mẹ của hai đứa trẻ. 

Cuộc sống hôn nhân của Loan gặp nhiều sóng gió ngay từ những ngày đầu dọn về sống chung nhà với chồng và các con riêng của anh. Sóng gió phần nhiều liên quan đến hai đứa trẻ. Vốn được chiều chuộng từ bé, hai đứa thích gì là bà và bố đáp ứng vô điều kiện. Có thêm Loan, chúng vẫn giữ cách ứng xử ấy, đòi hỏi Loan đủ thứ, khi không được đáp ứng là gọi điện sang cho bà nội mè nheo, khóc lóc, mách tội Loan.

Buổi sáng, Loan cất công dậy sớm, nấu đồ ăn cho bọn trẻ vì muốn chúng có bữa ăn lành mạnh, đủ chất, sạch sẽ. Nào ngờ, chúng không ăn, còn dậm chân dậm cẳng đòi ăn món khác, mà phải ăn ở chính cửa hàng do hai đứa chọn. Một hai lần Loan còn nhịn, nhưng rồi Loan thấy như vậy không ổn nên không thỏa hiệp nữa.

Loan chỉ muốn cho hai đứa trẻ tốt lên nhưng mẹ chồng cô lại chỉ thấy là cô nghiệt ngã. Trước mặt hai đứa trẻ, bà mắng Loan là dì ghẻ mà không biết thương con chồng. Rằng lẽ ra bọn trẻ đã chịu nhiều thiệt thòi rồi, Loan là mẹ kế thì càng cần phải bù đắp tình yêu thương cho chúng. Hai đứa trẻ nghe bà nói vậy, dần dần cũng tự đóng đinh vào đầu rằng Loan xấu xa, độc ác.

Mẹ kế phải yêu con chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Loan nhiều lần tự hỏi, dì ghẻ thì làm sao? Tại sao ở nhà chồng, dì ghẻ luôn là người sai, còn con riêng của chồng luôn đúng. Các con của chồng có lời nói hỗn với Loan, là người lớn, lẽ nào Loan không có quyền nhắc nhở, dạy bảo? Là mẹ kế, Loan yêu cầu các con tự dọn dẹp phòng của mình, tự học cách chăm sóc bản thân cũng nhằm để chúng tự lập, bỏ thói quen ỷ lại vào người khác cũng không được? Và cả việc cô dạy cho bọn trẻ phải sống tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí, dạy cho chúng hiểu rằng mình không phải là cái rốn của vũ trụ cũng đáng bị phê phán?

Tại sao chỉ cần nghe một tiếng khóc sụt sùi của cháu, một cú điện thoại cầu cứu, một buổi cháu dọa bỏ cơm là mẹ chồng cô lại trút giận lên Loan. Rồi bà còn suốt ngày phàn nàn với chồng Loan rằng Loan không tốt. Đến nỗi, anh cũng dần tin theo lời mẹ mình.

Một ngày, sợ cô sẽ hành hạ cháu mình, mẹ chồng còn dọn đến ở trong nhà Loan. Bà lấy cớ nhà là do bà mua cho các con thì bà có toàn quyền được sử dụng mà không phải xin ý kiến của Loan, cũng không cần hỏi xem cô cảm thấy như thế nào. Loan không ngại cảnh sống mẹ chồng -nàng dâu, cô chỉ thực sự thấy từ ngày có bà, sự bất lực của Loan trước hai đứa trẻ càng nhiều lên. 

Mẹ chồng Loan công khai cưng chiều các cháu, còn Loan chỉ có nhiệm vụ làm theo yêu cầu của bà như là ôsin phục vụ hai cô cậu nhỏ. Bọn trẻ được đà càng lên mặt lấn lướt Loan, chưa một lần coi Loan là mẹ kế của chúng.

Loan vẫn nhớ cảm giác đau lòng mỗi khi cô đưa hai đứa trẻ ra đường. Sự tự do quá trớn, ăn nói thì cộc lốc, hành vi thì lệch chuẩn của chúng khiến cho Loan nhiều khi phải nhận về mình cái nhìn thương hại của mọi người xung quanh. Họ tưởng Loan làm mẹ mà không biết dạy con. Mẹ con Loan ỷ thế nhà giàu, coi mình là nhất thiên hạ.

Trở về nhà, Loan đã nhiều lần nói chuyện với chồng để anh quan tâm dạy các con hơn. Loan nghĩ, có thể để chồng cô dạy con thì sẽ tốt cho chúng, cô cũng đỡ tai tiếng “ác với con chồng”. Nhưng, chồng Loan suốt ngày lo việc kinh doanh của công ty, chỉ tối đến mới về nhà khi các con đã ngủ. Trong mắt anh, các con vẫn còn nhỏ dại và cơ bản đều ngoan ngoãn. Anh cho rằng Loan đang cố tình nhìn tiêu cực về con mình và làm cho mọi việc quá lên. Thậm chí, cho rằng Loan đang muốn hạ thấp vợ cũ của mình là sinh con mà không biết dạy con.

Mẹ kế phải yêu con chồng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Rồi câu chuyện tâm sự riêng của Loan với chồng cũng đến tai mẹ chồng khiến bà lại càng giận dữ với Loan hơn. Bà nói, Loan chưa từng làm mẹ thì cũng chẳng biết cách dạy con. Rằng dòng giống nhà bà không có loại hư thân. 

- Tôi biết cháu tôi không như lời cô nói nói là hư, khó bảo. Cô đã ở với các cháu tôi được mấy ngày? Cô mới chỉ về đây là dâu ít năm, còn chúng tôi đã sống bên bọn trẻ từ lúc chúng còn trứng nước.

- Tôi nhắc cho cô nhớ, muốn được các con chồng sau này yêu thương thì từ bây giờ phải đối tốt với chúng. Cô làm mẹ kế kiểu gì mà luôn ác cảm với con chồng, muốn nhìn các con chồng phải sống khổ.

- Làm mẹ kế thì phải biết thương con chồng. Cô đừng để sau này nhà tôi không thể chấp nhận thì cô phải ra đi trong tai tiếng.

Ấy là những lời nói mà mẹ chồng trút lên Loan mà không cho cô thanh minh lấy nửa lời. Mà Loan biết cô có cố gắng thanh minh cũng sẽ chẳng có ích gì. Đã có lúc, Loan tặc lưỡi nghĩ rằng sao cô phải khổ sở như thế. Dù sao chúng cũng không phải con cô sinh ra hay nuôi dưỡng. Vậy, chúng lớn lên như thế nào, ngoan hay hư cũng đâu liên quan đến cô.

Nhưng, nếu nghĩ vậy mà làm được vậy thì Loan đã không phải dằn vặt. Đằng này, mỗi ngày về nhà, thấy cảnh con chồng như vậy Loan lại thấy rất đau lòng. Cây non không uốn, sau này sẽ thế nào? Rồi Loan cũng tự nhủ, hay là mình ly hôn đi cho rảnh nợ. Loan và chồng chưa có con chung thì việc gì phải cố sống trong tình cảnh này?

- Thôi con cố gắng cái gì không cần nhìn thì đừng nhìn. Giờ, con sinh ra một đứa con chung với chồng, rồi mâu thuẫn sẽ được hóa giải. Sau này, con sống cho con của con là được, mẹ Loan khuyên khi nghe Loan nói muốn chia tay.

Có lẽ, khao khát có một gia đình ở vào cái tuổi đã không còn trẻ là sợi dây duy nhất còn neo buộc Loan ở lại. Nhưng, đồng nghĩa với việc, Loan phải sống khổ tâm. Cái tiếng “làm mẹ kế” mà không thương con chồng sẽ đeo bám cô, khiến cô muốn làm điều gì tốt cho con chồng cũng không được. Kể cả sau này có làm mẹ đi nữa, thì cô cũng khó mà mắt nhắm mắt mở, chỉ lo cho con mình mà mặc kệ con riêng của chồng.

Mẹ kế thì phải thương con chồng? Chằng lẽ, Loan không đang rất thương các con chồng hay sao?

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.