“Mẹ làm gì mà đón cháu về muộn?”

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghỉ hưu đã mấy năm nay nhưng bà Liên chưa có giây phút nào nghỉ ngơi thực sự. Cả ngày bà tất bật với việc nhà, với những bữa ăn cho cả đại gia đình, rồi lại chăm mấy đứa cháu nhỏ.

Nửa năm mới gặp mấy người bạn thân mà bà Liên cứ nhấp nhổm, sốt ruột vì những công việc không tên đang dở dang ở nhà. Đáng lẽ, ở cái tuổi ngoài 60, khi con cái đã lập gia đình đề huề thì sẽ được nhàn nhã, thảnh thơi. Nhưng với bà Liên có lẽ còn tất bật, bận rộn hơn những ngày chưa nghỉ hưu. 

“Lâu lắm mới gặp nhau hàn huyên mọi chuyện mà lần nào bà cũng vội vã về sớm vậy? Mấy đứa con nhà bà ba mươi, bốn mươi tuổi rồi, để chúng tự lo đi. Mình cũng phải có thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống riêng Bà càng làm vậy, mấy đứa càng ỷ lại đấy”. Mặc cho bạn bè nói ra nói vào, cũng giống như những lần trước đó, bà Liên vẫn đứng lên ra về từ giữa buổi “tám chuyện”.

Trên đường về, bà Liên qua trường tiểu học rồi vòng lại trường mầm non để đón 3 đứa cháu nội ngoại. Về đến nhà, bà vội vàng xắn tay vào bếp nấu ăn. Mà đâu chỉ nấu ăn cho ông bà và gia đình người con trai, cô con gái lấy chồng cách mấy cây số cũng nhờ vả nấu bữa tối cho cả tháng. Thế nên, chiều nào bà cũng phải chuẩn bị cầu kỳ, cặm cụi trong bếp gần 2 tiếng đồng hồ để nấu hết món này đến món nọ.

“Mẹ làm gì mà đón cháu về muộn?” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nấu xong bà Liên lại lo cho các cháu tắm giặt, ăn uống tinh tươm thì lúc đó con trai, gái, dâu, rể mới đi làm về. Cô con gái qua đón mấy đứa nhỏ, rồi lấy luôn thức ăn bà đã chuẩn bị sẵn. Còn cô con dâu, cũng hiếm khi phải làm việc nhà, vì bà Liên lo toàn vẹn hết mọi thứ từ dọn dẹp đến cơm nước, chăm sóc các cháu.

Bà Liên làm hết việc này đến việc nọ cả ngày, người mệt mỏi khó chịu, chân tay mỏi nhừ khiến cả đêm trằn trọc. Thế nhưng hôm sau bà vẫn dậy sớm, tập thể dục nhẹ nhàng rồi đi ra chợ mua thực phẩm, nấu ăn sáng cho cả nhà. Bữa trưa, có hai ông bà ở nhà nên ăn uống đơn giản. Tuy nhiên, bà Liên cũng chẳng chịu ngồi yên mà luôn chân tay dọn dẹp, lau chùi từ phòng khách vào phòng ngủ, từ tầng dưới lên tầng trên. Ngôi nhà 5 tầng lúc nào cũng bóng loáng, sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng.

Chưa hết việc nhà mình, bà Liên lại còn vất vả khi phải lo toan cả việc nhà cho cô con gái út. Từ nhỏ, cô út, Thúy, đã được bố mẹ bao bọc, chiều chuộng hết mức, không phải làm bất cứ một việc gì. Cứ đi học, đi làm về là có mẹ dọn cơm chỉ việc ngồi xuống ăn. Đến lúc ăn xong, cái bát cũng không phải rửa rồi lên phòng lướt điện thoại, xem tivi, chăm sóc da.

“Mẹ làm gì mà đón cháu về muộn?” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Khi con gái đến tuổi lấy chồng mà vẫn lười biếng, vụng về, bà Liên sốt ruột dạy con việc nữ công gia chánh thì đúng như “nước đổ lá khoai”. Những việc đơn giản như cắm cơm cũng bữa nhão bữa khô, rửa bát không làm vỡ thì còn nguyên dầu mỡ, phơi quần áo thì nhàu nhĩ, xộc xệch… Bởi thế mà bà Liên cũng chẳng hy vọng là cô con gái rượu sẽ nấu được một bữa ăn đơn giản cho gia đình.

Đến khi con gái đi lấy chồng, bà Liên chỉ mong vợ chồng chúng bảo ban, chăm sóc lẫn nhau để bố mẹ bớt phiền lòng. Ai ngờ, cậu con rể cũng vụng về, suốt ngày chỉ có công việc thế nên bữa nào hai đứa cũng “cơm hàng cháo chợ” hoặc lại về nhà bà ăn bữa tối.

Đến khi con gái sinh con đầu lòng, bà Liên lại càng thêm tất bật, trở về đúng thời kỳ nuôi con mọn. Bà thông gia ở quê xa không ra chăm cháu được, thế là mọi việc lại do bà ngoại quán xuyến hết. Chạy đi chạy lại giữa hai nhà khiến bà Liên luôn trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ. Con gái bà Liên từ khi sinh con bớt vụng về hơn một chút nhưng cũng chỉ quanh quẩn việc bỉm sữa, còn mọi việc nhà, nấu ăn vẫn do một tay bà lo toan. 
Khi cháu ngoại lớn hơn thì cậu con trai cả của bà Liên mới lấy vợ và sinh đôi hai bé trai kháu khỉnh. Cô con dâu cũng biết làm chút việc nhà nhưng do bà Liên nhanh nhẹn, đảm đang làm hết cả nên thành ra đứa nào cũng ỷ lại. Và từ đó, bà Liên lúc nào cũng quay cuồng việc nhà với 3 đứa cháu.

“Mẹ làm gì mà đón cháu về muộn?” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thế nhưng, điều làm bà không hài lòng nhất là cô con dâu và con gái không hề cảm kích mà còn tỏ thái độ như “đó là việc của mẹ”. Có hôm bà đi gặp gỡ bạn bè, vì tắc đường nên về muộn, thành ra đón cháu muộn. Con gái bà không ngại ngần mà buông lời trách móc: “Mẹ làm gì mà đi đón mấy đứa nhỏ muộn vậy? Cả lớp về rồi còn mỗi con nhà mình ngồi một góc. Đợt này con thấy mẹ đi chơi suốt, chểnh mảng cả việc đón cháu”.

Những lời nói đó vô tình làm bà Liên buồn, tủi thân ghê ghớm. Thế nhưng, bà cũng không chấp nhặt với con cái mà lẳng lặng cho qua. Chồng bà hiểu được tâm trạng của vợ nên an ủi: “Thỉnh thoảng bà cũng cho bản thân nghỉ ngơi một ngày đi, việc của mấy đứa cứ để nó tự xoay. Bà ôm hết việc vào người thì bao giờ chúng đó mới lớn được”.
“Lần sau bà muốn đi chơi thì cứ nhắc nhở để chúng tự lo. Bà cứ vui chơi thoải mái một ngày rồi về, không phải suy nghĩ nhiều” - ông nói tiếp.

Bà Liên nghe chồng nói vậy thấy cũng “xuôi tai”. Nhân dịp cuối tuần cả nhà ăn uống đông đủ, bà tuyên bố: “Từ tháng sau mẹ tham gia đội cầu lông buổi chiều, mỗi tuần tập 3 buổi. Những hôm đó, mấy đứa sắp xếp công việc mà lo đón con rồi nấu ăn tối. Mẹ lo cho quen thói, đến lúc không vừa ý lại lên giọng trách cứ. Mẹ không nói lại tưởng hay”.

Nghe bà Liên nói vậy, cô con gái dường nhận ra lỗi nên cúi mặt nói “Con xin lỗi mẹ vì hôm trước con quá lời”. Còn nàng dâu thì lý nhí: “Con biết rồi mẹ”.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.