Mẹ muốn ly hôn phải “xin phép” con
Cuộc sống của tôi không còn hạnh phúc, chồng tôi biết rõ điều ấy nhưng không muốn phá bỏ hôn nhân vì danh dự và lòng ích kỷ của anh ta. Lợi dụng đứa con nhỏ luôn muốn bố mẹ hạnh phúc, chồng tôi đã ra điều kiện nếu muốn ly hôn tôi phải xin phép con trai trước...
Con “cho phép” mới được ly hôn
- Cô có thể không còn yêu tôi nhưng cô sẽ phải sống suốt đời với tôi. Đó không phải là vì tôi mà là vì chính đứa con trai mà cô đang sống hết mình cho nó. Với tôi thích thì cô cứ ly hôn đi nhưng hãy đi xin phép con trai đã.
Không biết bao nhiêu lần chồng tôi lạnh tanh nói ra những câu nói ấy. Nó không chỉ là một lời tuyên chiến mà còn là một sự thách thức. Anh ta đã nắm được điểm yếu của tôi và đứa con trai nhỏ dại: Một người mẹ sống vì con và một người con không bao giờ chấp nhận chuyện bố mẹ chia tay nhau. Nhiều năm trôi qua, con trai tôi giờ đã trở thành một đứa trẻ 10 tuổi. Tôi cứ nghĩ con lớn thì chuyện ly hôn sẽ dễ dàng hơn nhưng không ngờ đó lại trở ngại khó khăn hơn bao giờ hết. Mỗi lần nhìn thằng bé, ai cũng bảo sao vợ chồng tôi không sinh tiếp thêm một đứa nữa cho có anh có em. Phần là có con thêm như trời cho thêm của, phần là sau này các con đỡ đần giúp đỡ nhau. Tôi chỉ biết cười trừ khi nghe họ nói thế, bởi họ không biết rằng tôi đã không dám sinh thêm một đứa con nào nữa do sợ sẽ có thêm một đứa trẻ bị tổn thương với quyết định ly hôn của mình.
Khi con trai lên 3 thì cuộc sống vợ chồng tôi không còn hạnh phúc. Người chồng mà tôi nghĩ sẽ đồng hành cùng mình suốt cả cuộc đời ấy hóa ra lại là một người sống rất gia trưởng, ích kỷ và độc đoán. Cuộc sống của tôi trở nên bất hạnh và thui chột dần bởi một người chồng như thế. Là một giảng viên đại học, ai cũng nghĩ rằng đó là một người đàn ông hiểu biết, thấu đáo mọi nguyên tắc sống, tôn trọng vợ con... Tuy nhiên, tất cả đều trái ngược. Trên giảng đường anh ta tinh thông triết học phương Đông, phương Tây, nắm bắt rõ các luận đề, luận chứng... bao nhiêu thì trong gia đình lại cứng nhắc và áp đặt bấy nhiêu. Sự áp đặt khuôn mẫu ấy đối với một đứa trẻ được xem là sự yêu thương, một cách giáo dục, nhưng với một người vợ thì quả là một bất hạnh lớn.
Ảnh minh họa
Khi đi công tác về anh mua một cái áo màu đỏ cho con và bảo rằng con mặc rất hợp, trông rất ra dáng. Được bố khen nức nở thằng bé hớn hở và rất hài lòng. Chồng tôi cũng áp dụng kiểu mua quà ấy cho vợ giống con. Anh mua cho tôi một cái áo màu tím mà khi mặc vào vừa già vừa xấu, đó cũng là màu mà tôi tối kỵ vì nó quá khắc với làn da của tôi. Trong khi tôi cố phân tích để không phải mặc chiếc áo ấy thì chồng tôi nhất định bắt tôi phải diện mỗi khi đi tới những chỗ quan trọng bất chấp sự phản đối của vợ chỉ vì trong mắt anh ta thấy nó đẹp. Anh áp đặt đến nỗi nếu tôi từ chối mặc nó thì lập tức vợ chồng chiến tranh lạnh cả tuần lễ.
Đó chỉ là một ví dụ. Vì những điều tưởng như lặt vặt ấy, cuộc sống của tôi không còn hạnh phúc. Đã bao lần tôi nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng rồi đành rút lại khi anh ta bảo sẽ ký đơn nếu tôi gọi con trai đến trước mặt hai vợ chồng nói rõ nguyện vọng của tôi và được nó chấp nhận.
“Nếu mẹ bỏ bố, con sẽ chết”
Năm con trai lên 5 tuổi, tôi chứng kiến cảnh cháu bé nhà hàng xóm nhảy từ tầng ba xuống tự tử chỉ vì bố mẹ nó quyết định ly hôn. Hôm ấy, tận mắt nhìn thấy đứa trẻ chết trong tình trạng toàn thân dập nát mắt tôi hoa lên và ngất xỉu. Không biết bao nhiêu đêm tôi mất ngủ vì hình ảnh đau lòng kia, và cũng không biết bao nhiêu lần tôi ôm con trai vào lòng thề với nó sẽ không bao giờ để nó phải rơi vào thảm cảnh tương tự. Ngày đó, con trai tôi mới chỉ là đứa trẻ quá ngây thơ, nó không biết được những câu thề thốt của tôi có ý nghĩa gì, nhưng chồng tôi thì hiểu tất cả. Anh ta đã nắm được điểm yếu của tôi.
Chưa bao giờ tôi có ý định kể cho con trai về cái chết của đứa trẻ hàng xóm. Ấy vậy mà chồng tôi lại làm điều đó trước. Anh ta kể cho thằng bé nghe câu chuyện, về nỗi đau của đứa con khi bố mẹ chia tay. Từ đó, anh ta tiêm nhiễm cho con và mặc định rằng bố mẹ không được ly hôn. Nếu làm điều ấy phải được sự đồng ý của con. Vậy là mỗi lần cãi nhau, không kìm được tôi thốt ra chữ ly hôn thì ngay lập tức thằng bé chạy vào và bảo:
- Nếu mẹ ly hôn bố con sẽ chết như chị nhà hàng xóm.
Lần đầu tiên nghe con nó thế, tôi có cảm giác mình sắp ngất xỉu. Những lần sau đó, tôi cố gắng giữ gìn mỗi lời mình nói ra. Dù có cãi nhau với chồng kịch liệt đến mấy, bí bách và ức chế thế nào tôi cũng không để nói ra khỏi miệng từ “ly hôn”. Con trai tôi chấp nhận những trận cãi vã của bố mẹ, bởi tin lời bố rằng đó là một cuộc tranh luận, hết rồi sẽ thôi. Nó hoàn toàn tin tưởng điều ấy và không hề nghĩ rằng trận cãi vã ấy sẽ đổ thêm dầu vào chảo lửa mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi.
Có nên chấp nhận "sống mòn" vì con?
- Con trai tôi không bao giờ chấp nhận chuyện bố mẹ chia tay, tôi phải nói thế nào cho con hiểu được điều đó? Chẳng nhẽ, tôi cứ phải tiếp tục "sống mòn" vì lo sợ bi kịch ly hôn sẽ đến với thẳng bé? Ngày nó còn nhỏ, tôi nghĩ rằng nếu ly hôn nó sẽ là đứa trẻ thiệt thòi. Bởi tâm hồn non nớt ngây thơ của nó sẽ như thế nào nếu mỗi ngày đều thấy cảnh bạn bè có bố mẹ quây quần, còn mình thì chỉ thui thủi mỗi mình mẹ. Cũng vì nghĩ đến cảm giác ấy của con nên tôi đã cố gắng sống chịu đựng đợi ngày thằng bé lớn lên, hiểu biết một chút nó sẽ hiểu và thông cảm cho tôi. Không ngờ...
Ảnh minh họa
Người vợ ấy mang tâm sự của mình đến phòng tư vấn để mong tìm được một lối thoát cho cuộc sống mòn bao năm nay. Tình cảm không còn, hạnh phúc cũng chẳng thể tiến triển thêm, những bất đồng quan điểm sống của hai vợ chồng ngày càng lớn. Chồng chị là một giảng viên, anh ta không muốn đối mặt với việc đổ vỡ hôn nhân vì sĩ diện, vì bảo thủ và ích kỷ. Một người chuyên đứng trên bục giảng nói những luân thường đạo lý, những định luật, mệnh đề thì làm sao để thiên hạ biết được một cuộc hôn nhân đổ vỡ chỉ vì cách sống của anh ta. Hơn thế nữa người đầu tiên phá vỡ cuộc hôn nhân ấy không phải anh ta mà là người vợ. Vì lẽ đó, dù cuộc sống vợ chồng không như mong muốn, chồng chị vẫn chấp nhận nó thay vì phá bỏ để có cơ hội tìm đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn. Do vậy, anh ta đã dùng con làm bức bình phong để ngăn ý định ly hôn của chị.
Đã bao lần chị định nói cho con về nỗi bất hạnh mà mình đang chịu đựng, và lối thoát duy nhất của nó là ly hôn. Nhưng rồi chị đành từ bỏ ý định vì sợ sẽ tái diễn lại bi kịch của cô bé hàng xóm năm nào. Tuy nhiên, khi tuổi xuân dần trôi qua, chị mới thấy việc nhẫn nhịn sống của mình thật sai lầm. Chị không biết phải làm thế nào để cho con trai hiểu và chấp nhận việc ly hôn của bố mẹ.
Chuyên gia đồng cảm với chị về việc nói với con quyết định ly hôn thế nào để không làm xáo trộn tâm lý của cậu. Đây quả là điều không đơn giản đối với các bậc cha mẹ. Một bộ phận thì cho rằng việc ly hôn là chuyện của người lớn và con cái chỉ biết mà chấp nhận thực tế. Nó sẽ không có quyền can thiệp hay ngăn cản, vậy nên họ không cần để ý đến tâm tư tình cảm của con trẻ trước quyết định đổ vỡ hôn nhân. Ứng xử này đã thật sự đem đến cú sốc lớn cho những đứa trẻ. Có trẻ rơi vào trầm cảm, có trẻ đem lòng oán hận bố mẹ và sống tiêu cực. Cũng có một số bộ phận quan tâm đến tâm trạng của con trước việc ly hôn của bố mẹ và họ đã cố gắng tìm cách để cho con chấp nhận việc ấy một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công. Vậy nói với con thế nào khi ly hôn thì tốt nhất?
Chuyên gia khuyên chị nên chọn thời điểm thích hợp để cả hai ngồi lại nói chuyện cùng nhau, hãy nói cho con hiểu việc yêu quý tính mạng mình quan trọng như thế nào. Việc đem cái chết ra để dọa bố mẹ hoặc dùng nó để giải quyết vấn đề tối kỵ. Bởi điều đó chỉ mang lại đau khổ cho những người yêu thương con. Với vấn đề ly hôn, chị hãy phân tích cho con hiểu, đó là việc sẽ phải diễn ra, nhưng không ảnh hưởng đến tình cảm bố mẹ dành cho con. Bố mẹ dù sống mỗi người một nhà nhưng vẫn yêu thương và quan tâm chăm sóc con. Tuyệt đối không đổ lỗi cho chồng chị, dù sự thật cuộc hôn nhân đổ vỡ là do người ấy. Vì làm như thế, chị sẽ gieo niềm oán hận bố cho con. Chị hãy để con thích ứng với việc ấy từ từ và rồi con sẽ dần dần hiểu ra, chấp nhận.
TÂM GIAO