Mẹ ơi, con mệt rồi...

Bình Nhiên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hai năm trước, đến sát ngày thi đại học My bị khủng hoảng. Ngày nào 2-3 giờ sáng vẫn còn ôm đống đề ngồi giải cho xong vì mẹ bảo “có công mài sắt có ngày nên kim”.

Khi ấy, My là học sinh lớp 12, là sĩ tử chuẩn bị bước vào cuộc thi cam go nhất cuộc đời. Giống như các bạn lớp 12 khác, My đi học đầy đủ và rất chăm giải đề. Giải đề cô cho, giải đề mẹ in bảo làm mỗi ngày. Đề mẹ My in cho My chính là áp lực lớn nhất dành cho cô học trò lớp 12 này. 

Mẹ My tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên cũng hy vọng My có thể tiếp bước mình vào ngôi trường danh giá này. Mỗi ngày, mẹ đều động viên My cố gắng chăm học, học nhiều thêm chút để có cơ hội đỗ đại học cao. Nhưng mẹ đâu biết rằng, chính mình đã làm con gái mệt mỏi, áp lực và rơi vào căn bệnh về tâm lý.

Càng ngày My càng ngủ nhiều trên lớp, về nhà cũng chỉ muốn ngủ. Người My mệt mỏi, xuống cân một cách trầm trọng. Mẹ My chỉ nghĩ con mình do học nhiều nên mới bị suy nhược cơ thể, lập tức mua thuốc bồi bổ cho con rất nhiều. 

Đến một ngày, cô giáo báo với mẹ là thành tích học tập của tuột dốc, con hay ngủ trên lớp, không làm hết bài tập về nhà cô giao. Mẹ My nổi trận lôi đình, mắng nhiếc My: “Tao cho mày đi học, mày không học cho tử tế để cô giáo phàn nàn nhiều thế à? Hay mày chơi bời gì nên muốn bỏ học? Mày bỏ được thì bỏ luôn đi.” Bà đóng sầm cửa lại rồi mặc My một mình trong căn phòng đấy.

My nhắn tin cho một người bạn thân: “Tao mệt mỏi lắm rồi mày ạ. Có lẽ đây là tin nhắn cuối cùng mà tao nhắn cho mày. Tao không biết hồi này tao bị làm sao nữa. Tao chán học, nhưng cũng chẳng muốn đi chơi, tao chỉ muốn ngủ. Mẹ tao thì không hiểu tao, vừa mắng tao một trận xong. Tao đi ngủ đây, ngủ một giấc thật dài, thật dài. Mày sống tốt nhé Lan, thi thật tốt nhé!”. My nhắn xong tắt điện thoại và cầm lọ thuốc ngủ đã chuẩn bị, lấy ra một vốc và uống. My nằm xuống và chờ lúc mình không còn những vướng bận gì nữa trên cuộc đời này.

Mẹ ơi, con mệt rồi... - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngay sau khi đọc được tin nhắn, Lan đã gọi điện cho mẹ My ngay và phi đến nhà My thật nhanh. Đến nơi, Lan thấy My đang nằm trên cáng được bác sĩ đưa lên xe cấp cứu, mẹ My thì khóc ngất bên cạnh. Nhưng Lan thấy lạ lắm, vì nét mặt của My giờ rất thanh thản, cười một nụ cười mà lâu nay Lan không nhìn thấy.

Được bác sĩ cấp cứu kịp thời, My đã qua cơn nguy kịch, mẹ My thì ngồi bên cạnh tự dằn vặt mình, cầm tay My mà thủ thỉ: “Nhà có hai mẹ con, con là niềm hy vọng của mẹ, giờ con bỏ mẹ đi thì mẹ sống làm sao được”. My đã tỉnh và nghe được câu nói của mẹ, giọt nước mắt lăn dài. My nói với mẹ: “Con mệt quá rồi, sao mẹ không cho con chết đi, cứu con làm gì? Con muốn một ngày không phải áp lực, một ngày con được thoải mái sống là chính con”.

Thật ra, My không muốn thi vào trường mẹ mong muốn, dù trường đó rất danh giá. My đã rất chán nản vì mẹ không cho thi vào trường mình thích, và cũng rất áp lực khi ôn thi vào trường mẹ hy vọng My theo học.

Sau khi nhập viện, My được thăm khám và kết luận là bị trầm cảm và rối loạn lo âu mức độ nặng. Mẹ My gần như sụp đổ còn My đón nhận chuyện này một cách bình thản lạ kỳ. Kết luận này của bác sĩ đã lý giải được cơn buồn ngủ, những lúc mệt mỏi, tuyệt vọng của My.

Bệnh ập đến, My mất 2 năm để có thể hồi phục phần nào đó. Cuối cùng mẹ cũng hiểu My hơn, cho My quyết định theo đuổi ngành học yêu thích của mình. Hai năm tuy ngắn nhưng cũng rất dài đối với My, chữa bệnh, hồi phục và tạo nên kỳ tích. My đã đỗ đại học, học chuyên ngành mà mình muốn. Tương lai phía trước đang chờ My chinh phục và điều tuyệt vời nhất là My vượt qua được căn bệnh trầm cảm đáng sợ mà bản thân mắc phải.

Căn bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu này, bắt nguồn từ sự kỳ vọng của mẹ, từ áp lực học tập của con và cả sự lo sợ phụ niềm tin yêu của gia đình. Mỗi đứa trẻ có một ước mơ riêng dành cho mình, nên tôn trọng ước mơ của trẻ. Học tập rất quan trọng, nhưng nhu cầu nghỉ ngơi ai cũng có nên cần biết cân bằng cho con nghỉ ngơi và học tập. 

Hy vọng cũng tốt, nhưng đừng đem hy vọng làm áp lực cho những đứa trẻ đang ở độ tuổi mới lớn. Làm cha, làm mẹ rất khó, hãy quan tâm đến con và chăm lo cho con nhất là sức khỏe tâm thần của con.

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.