Mẹ vắng nhà

Chia sẻ

Nghe lời con kể mà chị đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chị bỗng nhận thấy, hóa ra, lâu nay, chị mới là người đang lo lắng quá mức. Chị ngồi vào bàn, món ăn các con nấu tuy chưa thật ngon, nhưng cũng đã rất ổn rồi. Đúng là, thay vì cứ bao bọc, có lẽ, chị cũng nên buông tay để con tự lớn.

Mấy năm rồi, chị mới phải đi công tác xa nhà dài ngày. Việc chẳng đừng nên đành chấp nhận chứ chị không muốn chút nào. Vắng chị, lấy ai chăm sóc nhà cửa, lo cho bọn trẻ ăn uống, đi học mỗi ngày?

Từ lâu cả nhà đã quen có chị “tay hòm chìa khóa”. Sáng, chị dậy sớm chợ búa, rồi tất tả về nhà lo nấu bữa sáng cho mấy bố con. Sau đó, chị “cân” hai đứa con đi học. Chị sợ con đạp xe đạp đến trường sẽ mệt nên nhận thêm phần đưa đón con. Bằng cách đó, chị cũng có thể quản lý lũ trẻ tốt hơn. Thành thử, 2 chiếc xe đạp ông bà nội tặng cho hai đứa từ hồi sinh nhật năm ngoái vẫn bỏ xó ở góc nhà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cả ngày làm việc ở cơ quan, tối đến, chị lại bập vào bếp núc, dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo… Chị sợ sai các con làm việc nhà sẽ ảnh hưởng tới thời gian học của chúng, phần cũng nghĩ thôi thì mình làm rốn một tý là xong. Trước khi đi ngủ, chị lại lôi cả mớ quần áo của mình và của chồng, đồng phục của các con ra là lượt phẳng phiu, treo lên mắc áo. Sáng sớm, chồng con thức dậy chỉ việc mặc vào là có thể đi học, đi làm.

Đó là lý do trong nhà mà vắng chị là sẽ nháo nhào. Mấy lần mẹ chồng tới chơi, nhìn chị cứ căng sức ra làm mà chẹp miệng, bảo chị chẳng khác gì bảo mẫu. Lần đi công tác này, khỏi phải nói là chị lo đến thế nào. Vắng chị dài ngày, ai sẽ chợ búa, cơm nước, đưa trẻ con đi học. Từ trước đó cả tuần, chị đã âm thầm chuẩn bị đồ ăn, nào thì ruốc, vừng, trứng… Thực phẩm chị cũng mua chia thành từng bữa, bỏ sẵn vào hộp để trong ngăn đá tủ lạnh. Rồi chị gọi chồng xuống bàn giao các việc trong nhà. Chị lo nhất là việc anh hay đi làm về muộn, liệu có kịp đón các con đúng giờ?!

Ngày thứ nhất xa nhà, chị nhớ các con cồn cào. Sau buổi làm việc, chiều về, nằm trong khách sạn, chị nghĩ, giờ này ở nhà chị đang tất bật nấu cơm. Vậy hôm nay, không có mẹ, các con chị có bị đói không? Liệu bố chúng có biết đường nấu ăn cho các con không? Chẳng giữ được những câu hỏi ấy trong lòng lâu, chị liền gọi điện về nhà. Hai, ba tiếng chuông đầu không có người nghe, chị đã lo khéo bố con nó lại ra hàng ăn tạm bợ rồi. Ăn ở ngoài hàng vừa đắt mà khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như cơm nhà nấu. Đến tiếng chuông thứ 5 thì con gái lớn mới nhấc máy điện thoại. “Mẹ à, ở nhà ổn, con và bố đang nấu cơm ạ”. Chị nghe mà thở phào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc đưa đón các con đi học cũng vậy, chị mấy lần gọi về cứ hỏi dồn chồng là lo liệu như thế nào. Anh chỉ nói ngắn gọn là bình thường, các con vẫn đi học đều. Chị bán tín bán nghi, chẳng biết anh nói có thật không? Bình thường, chỉ riêng việc ngược xuôi đưa, đón con đã khiến chị mất bao công mất sức, thời gian. Nay anh vừa lo việc cơ quan, vừa đón con đi học thì sao có thể “nhẹ tênh” như vậy được.

1 tuần sau, chị về nhà, vừa vui, vừa háo hức gặp lại chồng con. Cứ nghĩ vắng mình thì nhà cửa cũng sẽ lộn xộn, nào ngờ, đón chị là không gian sạch sẽ, tinh tươm. Trên bàn ngoài phòng khách còn có lọ hoa hồng đang chúm chím nở. Trong phòng bếp, một mâm cơm ngon lành đã sẵn sàng, chị nhìn thấy có đầy đủ các món.

- Thế nào, các con nói xem vắng mẹ mấy bố con sống như thế nào? Chị hỏi con gái lớn.

- Dạ, vắng mẹ nên bố phân công con và em thay nhau dọn nhà hàng ngày. Bố cho con và em tự đạp xe đạp đến trường chứ bố không đưa đón. Bố kèm con đi một buổi rồi dặn từ lần sau, cứ làm theo như vậy. Việc nấu ăn thì bố lo, khi nào bố không kịp về sớm thì con nấu thay cho bố. Chúng con cứ lên mạng internet, xem cách họ dạy nấu ăn mà làm theo, thế mà cũng thành công. Hôm nay cũng là cơm chúng con nấu đó mẹ.

Nghe lời con kể mà chị đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chị bỗng nhận thấy, hóa ra, lâu nay, chị mới là người đang lo lắng quá mức. Chị ngồi vào bàn, món ăn các con nấu tuy chưa thật ngon, nhưng cũng đã rất ổn rồi. Đúng là, thay vì cứ bao bọc, có lẽ, chị cũng nên buông tay để con tự lớn.

Một tuần chị đi công tác xa kể ra cũng không uổng phí.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.