Năm mới của bà Xoan

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lúc nhà hàng xóm lên đèn, thì nhà bà Xoan vẫn tối mịt. Còn khi họ cơm nước xong, vui vầy cùng con cháu, chuẩn bị đi ngủ thì bà Xoan vẫn lạch cạch dỡ đống hàng còn thừa, chuẩn bị hàng cho buổi chợ sớm mai, và trên bếp là dúm thức ăn nấu từ mấy hôm trước đang đun lại, suýt thì cháy khét.

Bà Xoan đi miết cả ngày, 7-8 giờ tối mới về, và cũng từ đó con chó nhà bà sủa không dứt tới đêm muộn. Chó sủa một tí đã ồn ào rồi, đằng này sủa dai dẳng đúng cái lúc nghỉ ngơi, nên hàng xóm rất bức xúc.

Nhưng người ta sẽ đóng cửa kín lại, coi như nhắm mắt, bịt tai, không nghe thấy gì, vì dây vào với “dân chợ búa” như bà Xoan cũng mệt lắm. Chuyện sẽ không có gì nếu như bà Liên, sát nhà bà Xoan, mới có cháu nội, con dâu vừa mới sinh được đôi tháng. Chó sủa inh ỏi thế cháu bà sao mà ngủ được. Điên quá, bà Liên sang mắng thẳng bà Xoan. “Bà làm thế nào cho con chó nó im đi chứ! Nhà hàng xóm có trẻ con, bà phải biết ý! Không ai nói cho lại được nước, chẳng xem ai ra gì!”. 

Đang chán cảnh ế hàng chiều, bà Xoan cũng không nể nang: “Có tí cháu mà bà cứ làm trò, tôi đây chăm mấy đứa cháu, chó sủa có sao đâu!”. Bà Liên bĩu môi: “À đúng rồi, thế nên đừng hỏi tại sao chúng nó bỏ đi hết, để bà cun cút một mình nhé!”.

Rồi bà Liên ngúng nguẩy đi về. Để lại bà Xoan, vẫn một bồ tức ngang ngực, nhưng còn đau lòng nữa. Chỉ mới mấy năm thôi, mà căn nhà này, và cả cuộc sống của chính bà nữa, đổi thay đến không ngờ.

Năm mới của bà Xoan - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhiều năm trước, nhà bà Xoan rộng nhất làng này. Lại thêm vài mảnh đất cho thuê, trong nhà, bà lúc nào cũng tiền tiêu rủng rỉnh không phải nghĩ. Sự hống hách, kênh kiệu của bà từ đó mà ra. Rồi cũng chính cái tính ấy hại bà, dễ dàng lôi kéo bà vào những trò lừa đảo tinh vi. Chơi hội, chơi hụi bể sạch, chỉ trong một thời gian ngắn bà Xoan mất trắng mấy tỉ, phải bán tống bán tháo đất rồi nhà để trả nợ những người đã cho bà vay tiền đóng hụi, nếu không người ta cho xã hội đen đến “xử lý” theo luật giang hồ. Người làng vẫn còn nhớ, chồng bà Xoan, tóc bạc trắng đầu chỉ sau mấy đêm. Một số tiền quá lớn bỗng chốc biến mất khiến ông ngã khuỵu, đổ bệnh rồi ra đi sau một thời gian không chống chịu nổi.

Các con của bà Xoan vừa xấu hổ, vừa giận mẹ, không dám vác mặt về nhà, vợ chồng con trai, con dâu và các cháu cũng bỏ về nhà ngoại. Từ một người phụ nữ không xem ai ra gì, bà Xoan mất tất cả. Hàng xóm, thời ấy rất hả hê, người ta bảo, đúng là quả báo kiểu gì cũng đến, và nó đến bất ngờ tới nỗi còn lâu mới trở tay kịp!

Kể từ đó, chẳng còn ai lui tới nhà bà Xoan nữa. Người ta sẽ đi thật nhanh qua cái cổng đã bị che kín đến gần một nửa vì giàn hoa giấy quá lâu rồi không ai buồn cắt tỉa. Hoặc giả có ngoái lại nhìn, thì ánh mắt ấy cũng không hề thương xót.

Những ngày lễ Tết, hay hội làng, đám cưới, đám hỏi, cũng ít khi thấy mặt bà, chứ không nói là rất hiếm. Chỉ đơn giản là “không thấy thì thôi”, không ai muốn hỏi thêm điều gì về bà nữa.

Tiếng con chó vẫn sủa inh ỏi kéo bà Xoan về với thực tại. Bà quát con chó, nhưng nó càng sủa to hơn. Tức mình, bà đá nó một cái, nó tru lên như ai oán, rồi nằm rên ư ử. Thế là cả xóm đã được chìm trong yên bình, cháu bà Liên đã được ngủ ngon. Một niềm vui nho nhỏ nhen lên trong lòng bà. Lần đầu tiên, đúng đấy là lần đầu tiên bà làm một điều vì người khác như thế.

Lại nói chuyện ế hàng chiều. Bà Xoan ế hàng liên tục, vì hàng của bà đâu có ngon, lại ít nên khách không sà vào cũng đúng.

Bà Xoan chỉ bán được hàng cho những người ở xa xa nhà mình, còn với hàng xóm, họ tuyệt nhiên không mua rau quả của bà bán. Người ta biết thừa, nhà bà làm gì còn vườn, thì lấy đâu ra rau tự trồng. “Lại đi nhập linh tinh ở đẩu đâu rồi về bán đắt đấy chứ!”, họ bảo nhau thế. 

Năm mới của bà Xoan - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng, nói gì thì nói, tình làng nghĩa xóm luôn là một điều gì đó khó có thể buông bỏ. Từ ngày con chó không còn sủa nữa, có vẻ như bà Xoan cũng không còn quá ác cảm trong mắt mọi người.

Người ta vẫn kệ bà, vẫn hả hê với bà, nhưng sau cái hả hê ấy đã có chút gì thương xót. Bởi không còn nghe tiếng chó sủa, họ cũng quên mất là bà Xoan đã về nhà sau buổi chợ chưa. Giàn hoa giấy kín mít khiến muốn nhìn vào xem đèn trong nhà sáng chưa cũng khó.

Bữa ấy, bỗng nhiên bà Liên - người hàng xóm mới chấp nhau tiếng chó sủa với bà Xoan lại chủ động sang hỏi: Bà biết chỗ nào bán rau sạch không, đứa con dâu tôi nó thèm cải canh, mà thứ ấy dễ phun thuốc nhiều lắm!

Lâu ngày không được nói chuyện “bình thường” với hàng xóm, bà Xoan tươi tỉnh hẳn: “Có, để tôi mua cho!”. “Nhớ rau sạch cho tôi nhé, con bé ăn còn cho con nó bú!”, bà Liên dặn đi dặn lại. Có vậy thôi mà bà Xoan tươi cả ngày.

Từ sự khởi đầu ấy của bà Liên, hàng xóm đã hồn hậu hơn với bà Xoan. Người ta có thể phiên phiến chuyện rau có sạch thật hay không, nhưng cũng mở lòng hơn, nhờ bà Xoan mua, hoặc thậm chí mua bó rau, củ hành ủng hộ bà.

Những buổi bà ế hàng, họ cũng tình nguyện mua hộ một ít, dù biết cũng chỉ toàn hàng thừa, nấu lên ăn cũng không ngon như đồ tươi mua từ buổi sáng. “Nhưng chẳng đáng là bao, thi thoảng mua hộ cho bà ấy đỡ khổ!”.

Bà Liên giờ đã hết phải trông cháu 24/24 như hồi trong cữ, nên tối đến khi tiếng xe máy của bà Xoan vừa dứt, bà đã chạy sang kiếm người nói chuyện. Bà bảo với bà Xoan: “Bà không nhớ con nhớ cháu à? Xin lỗi chúng nó đi, rồi bảo về cả đây mà ở!”. Bà Xoan cười buồn: “Tôi ngại lắm, đã không cho chúng nó được gì, lại để các con mang tiếng có mẹ chơi bời…”.

Từng ấy năm sống một mình, mỗi cái Tết về, các con thường chỉ đảo qua nhà, đưa cho bà túi quà nhỏ rồi đi luôn. Có hôm bà đi chợ, vắng nhà, thế là về chỉ nhìn thấy túi quà, còn con thì đã đi từ lâu rồi. Chỉ còn lại bà và con chó sủa inh ỏi. Chạnh lòng lắm, bà muốn khóc lắm chứ, nhưng khóc rồi có ai xem, ai thương đâu. Thôi thì cứ lay lắt thế, để còn chờ mỗi năm các con về thăm mình lấy một lần. Giàn hoa giấy um tùm, nặng trĩu như nỗi ân hận của bà vậy.

Những ngày cuối năm đang dần khép lại. Không khí Giáng sinh vui vẻ, hân hoan khắp mọi nhà. Cháu nội bà Liên đã biết hóng chuyện, ê a suốt ngày, bà Liên hầu chuyện cháu thôi cũng phát mệt. Các nhà đã chuẩn bị cờ để treo trong mấy ngày đầu năm mới. Chỉ có nhà bà Xoan, giàn hoa giấy vẫn um tùm lá. Một buổi tối đi chợ về, người rã rời vì trở trời, thời tiết hanh khô khó chịu, bà Xoan bất ngờ nhận được điện thoại của con trai: “Bà dọn dẹp nhà cửa, mấy bữa nữa con đưa các cháu về chơi!”. “Ối, thế là nó sắp về à!”, bà Xoan reo lên trong lòng. Bà quên cả cơn đau, đứng phắt dậy nhìn ngó quanh nhà xem phải dọn dẹp từ đầu thế nào.Rồi bà lại bỏ cả đấy, sang kể ngay chuyện với bà Liên. 

Bà Liên bảo, “Dọn gì thì dọn, đầu tiên cũng phải phát bớt cái giàn hoa giấy!”. Ừ nhỉ, Tết năm nay bà có các con các cháu về rồi, mọi thứ phải gọn gàng, sáng sủa, tươm tất. Bà sẽ treo cờ, sẽ bật thật nhiều điện, để bù lại những ngày chỉ có một mình, bật điện chỉ cần đủ để nhìn thấy đường đi. Sẽ không còn là giấc mơ khao khát hàng đêm nữa, năm mới này, với bà, mọi thứ sẽ dần trọn vẹn!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.