Nàng dâu mơ mộng và mẹ chồng lắm chiêu

Chia sẻ

Thương nổi tiếng là thông minh, xinh đẹp và mơ mộng nên mấy người bạn thân của cô nói rằng: “Sau này Thương chỉ cần có một công việc làm cho... “sang” còn mọi việc sẽ có chồng lo cho hết”. Quả đúng như vậy, Thương gặp được người chồng tốt và anh chăm lo cho cô chu đáo.

Nhưng thật không may, mẹ chồng cô lại là người luôn xen vào giữa và liên tục đẩy Thương vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Ban đầu Thương còn gượng cười rồi cố khắc phục, nhưng sau đó vợ chồng cô quyết tâm dứt điểm mọi chuyện.

Lần đầu gặp bà Lam, mẹ Lượng trong bữa ăn ngoài tiệm để làm quen, Thương rất ấn tượng. Bà thanh mảnh, nói năng nhẹ nhàng và rất tâm lý, chiều chuộng con trai. Thương quen được mẹ chăm, quen với sự ân cần, chu đáo của mẹ nên thấy bà Lam như thế cô rất vui. Nhưng sau này hai đứa lấy nhau, Thương mới ngỡ ngàng về mẹ chồng mình. Bà Lam bề ngoài luôn tỏ ra quan tâm tới các con trẻ nhưng khi vắng Thương bà hay thì thầm to nhỏ những điều tiêu cực về Thương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thương vô tình nghe được mấy lần, cô vô cùng kinh ngạc nhưng vì Lượng quá tốt và chu đáo nên Thương giả vờ như không hay biết. Một hôm, bà bị ốm đột ngột và kêu đau đầu dữ dội vào sáng sớm. Thương vội chạy xuống nhà mua cháo, cửa chính quên không cài nên khi Thương quay lại mà không ai biết. Vừa tới cửa Thương sững người nghe giọng bà Lam rành rọt, gay gắt không hề giống với giọng yếu ớt, ốm đau như trước lúc Thương đi mua cháo. Bà nói với con trai: “Con không cần phải tuần nào cũng có một bình hoa tươi trong nhà như thế, cả đời mẹ ở bên con ngoài mua hoa cúng mẹ đâu có bắt con phải mua hoa tươi trang trí trong nhà?”. Lượng nhẹ nhàng giải thích: “Trước đây mẹ không nói để con mua, con trai thường tâm lý bạn gái, chúng con là vợ chồng trẻ, Thương lại thích hoa có mùi thơm cho thay đổi không khí trong nhà, mẹ đừng trách”. Bà Lam chưa hết bực, nói tiếp: “Trách à, đừng có chiều vợ theo kiểu tốn kém đó. Mà mẹ đã nói con nhiều lần rồi, con không rèn vợ con, ngay cả quần áo con cũng mang đi giặt thì nó sẽ leo lên cổ con mà ngồi đấy!”. Lượng gắt lại: “Mẹ hay cự nự với Thương vậy, con thấy cô ấy rất có trách nhiệm và luôn chăm lo cho cả nhà, thi thoảng con giúp vài việc có sao đâu”. “Có sao đâu à?” - bà Lam nhắc lại lời Lượng nói và đay nghiến - “Trước đây mẹ có để con phải đụng tay đụng chân vào việc gì không? Bây giờ con không chỉ giặt quần áo mà ngay cả đi xe máy con cũng còn gạt cái để chân cho nó, nó có què đâu mà ngay cả cái mũ bảo hiểm con cũng còn đeo vào cho nó?”. “Trời ạ, mẹ “soi” kỹ quá, con sợ mẹ rồi đấy, còn chuyện gì trong phòng ngủ của chúng con mà mẹ biết nữa, mẹ nói luôn đi. Những chi tiết vặt vãnh của vợ chồng son như thế mà mẹ “soi” khi nào con cũng không biết”… Lượng nói xong bỏ ra ngoài đầy bực bội, thấy Thương đứng sững ở cửa, Lượng hơi chững lại rồi nói quả quyết: “Em để cháo đó đi, mẹ chẳng ốm đau gì đâu, nhiều lần mẹ bày ra chuyện này để gây sự với anh và chia rẽ chúng mình”.

Thương để cháo lên bàn ăn và chuẩn bị đi làm, cô không nói gì, chỉ ghé vào cửa phòng bà Lam chào tạm biệt rồi đi. Cả ngày tâm trạng Thương căng thẳng, làm việc không tập trung, cô luôn nghĩ: “Giá như những lần trước, mình nghe được rồi vờ như không biết còn đỡ, bây giờ vỡ lở ra, tối về đối mặt với mẹ chồng thế nào đây?”. Nhưng tối về bà Lam lại khỏe mạnh và bà cũng lờ đi như chưa hề có cãi vã lúc sáng sớm. Thương thầm thở dài nhẹ nhõm.

Cuối tuần, bà Tính, chị gái cả của bố chồng sang chơi, bà gọi Thương lại dặn dò: “Cháu mới về làm dâu nhà này, cháu cần tìm hiểu kỹ nề nếp gia phong, không có chuyện đàn bà về chưa đóng góp gì đã đòi chia tài sản, muốn mua cái gì cũng cần phải chính đáng. Đừng nghĩ chồng làm ra tiền mà đòi hỏi này nọ là không nên đâu”. Thương ớ người, phân bua: “Cháu có đòi chia gì đâu ạ? Bố mẹ cháu cho hai chúng cháu căn chung cư mới mà vợ chồng cháu còn cho thuê, không dùng đến. Xe máy đi làm mẹ cháu tặng. Lương cháu cũng cao, cháu còn chưa tiêu hết, cháu có đòi hỏi anh Lượng gì đâu bác?”. Bà Lam nghe xong nhẹ nhàng nhắc: “Bác cả nói con cứ dạ thôi, sai trái thế nào còn có mẹ đây. Đấy, chị xem, bọn trẻ bây giờ nó ghê thế đấy, đụng đến là nó kê khai một loạt luôn!”. Bà Tính nghiêm mặt, quay ngoắt đi, không nói lại với Thương lời nào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lượng nghe thế nói đỡ cho vợ: “Thương nói đúng đấy ạ, cháu nghĩ mẹ cháu hay gọi điện cho bác thì mẹ cháu phải kể hết rồi chứ, hay mẹ cháu nói ngược lại. Còn giới trẻ chúng cháu bây giờ giải quyết mọi việc trực diện, thẳng vào vấn đề cần nói, không giống thế hệ các bác, từ chuyện này vòng sang chuyện kia rồi sai lạc hết”. Đến lượt bà Tính ngớ người ra, bà thật thà bảo: “Được đúng như thế thì tốt quá, mẹ cháu lại bảo với bác là vợ cháu đòi mua đồng hồ tiền tỷ, đòi học lái xe. Còn cái nhà chung cư bố mẹ vợ cho đã có người ở, chắc giờ cũng cũ rồi. Mẹ cháu còn bảo vợ cháu nó yếu, làm việc nhà không xong rồi đi làm cơ quan kham sao nổi”. Thương nghẹn giọng vì bị hiểu lầm, không nói được câu nào, ngồi im. Lượng thở hắt ra, buông một câu: “Thôi, cháu hiểu ra rồi, mẹ cháu vẫn cái kiểu cố tình nói để người khác hiểu sai: thế nào là nhà đã có người ở, chúng cháu nhận nhà mới cho thuê thì hẳn là phải có người ở rồi; chúng cháu cho thuê gần một năm thì nhà đó đâu còn mới tinh; đồng hồ thì chúng cháu đi làm về vào mạng ngó nghiêng bàn luận chứ Thương có đòi mua đâu; học lái xe thì nhà có xe không học khi cần sẽ thế nào…”.

Bà Tính tạm biệt ra về, lúc vợ chồng Thương tiễn bà ra cầu thang, bà chép miệng: “Thực ra ngày xưa mẹ cháu mới về làm dâu, còn ở cùng bên nhà ông nội, bác cũng bị mẹ cháu “chơi” cho “mấy vố”, thế mà giờ đụng tới các cháu mẹ cháu lại giở “chiêu” đó ra mà bác không nhớ. Thông cảm cho bác. Được cái mẹ cháu cứ xong thì xem như không có chuyện gì, lại nhẹ nhàng vui vẻ nên cũng đành thôi. Các cháu nhịn đi kẻo nhà ầm ĩ người ta chê cười”.

Lượng chân thật: “Cứ làm cho mọi việc rối tinh lên, gây ra bất hòa, hiểu lầm và tổn thương người khác rồi lại xem như không có chuyện gì thì không được. Cháu ở bên mẹ mà không ảnh hưởng tính cách đó là may. Vì thế chúng cháu đã bàn bạc và quyết định tới đây sẽ chuyển ra căn chung cư ở riêng, để tránh những rắc rối”.

Bà Tính vui vẻ đồng tình. Vợ chồng Thương cảm ơn bà bác, tiễn bà ra về, mong bà và mọi người bên nội thông cảm cho hai đứa. Thực ra, trong cuộc sống, nhất là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, có rất nhiều điều khó giải quyết. Quan trọng nhất là hai bên nỗ lực hòa hợp, nếu không, mẹ chồng rất dễ “mất” con trai vì đi ở riêng như thế. Vì vậy, “thuận mẹ, thuận con”, biết sẻ chia, nhường nhịn mới có thể có hạnh phúc chung bền vững.

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.