“Nếp nhà” - trường học đầu tiên của mỗi người

Nguyễn Thị Lan Anh Chi hội Phụ nữ 14 phường Khương Mai, quận Thanh Xuân
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Gia đình là tổ ấm đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Bởi vì, trong gia đình, mọi thành viên được chăm sóc chu đáo với trách nhiệm và tình yêu thương. "Cháu mời ông ăn cơm, Cháu mời bà ăn cơm. Con mời bố/ mẹ ăn cơm. Em mời anh/ chị ăn cơm"... là những lời mời quen thuộc trước khi bắt đầu một một bữa ăn của gia đình Việt bao đời nay. "Kính trên, nhường dưới", ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà, bố mẹ... là truyền thống được những thế hệ người Việt Nam đi trước răn dạy thế hệ đi sau, bắt nguồn từ những điều giản đơn trong cuộc sống hàng ngày. Và từ chính những hành vi của ông bà, bố mẹ đã trở thành tấm gương để con trẻ noi theo một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.

Phải khẳng định rằng, việc giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình đóng vai trò quan trọng trong đời sống. “Dạy con từ thuở còn thơ”, “học ăn, học nói,…” các bậc bố mẹ giáo dục con trẻ từ thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, lễ phép, tôn kính người trên, tôn sư trọng đạo, nhường nhịn lẫn nhau để khi trưởng thành con cái biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, bố mẹ; đồng thời cũng cần uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, không hiếu kính của con trẻ.

Phụ huynh Á Đông thường có xu hướng ưu tiên cho con về mọi thứ, từ đó dễ nhận đến tâm lý ỷ lại và thượng tôn của trẻ. Bố mẹ cần giúp con hiểu rằng con không phải là số một. Như các thành viên khác trong gia đình, con cũng sẽ có trách nhiệm chia sẻ công việc phù hợp với từng độ tuổi. Ở tuổi lên 3 con có thể tự cất đồ chơi, tự đánh răng rửa mặt, tự mặc quần áo với một chút trợ giúp từ bố mẹ. Khi lên 4, con đã có thể tự sắp xếp đồ vật cá nhân của mình, bỏ rác vào thùng rác hoặc nhận thêm một số công việc phù hợp cả với ở lớp và ở nhà.

“Nếp nhà” - trường học đầu tiên của mỗi người - ảnh 1
Ảnh minh họa

Với trẻ lên 5, bố mẹ có thể giao những nhiệm vụ lớn hơn như chăm sóc vật nuôi, tưới cây hay sắp xếp bàn ăn… Ngoài ra, trẻ cũng cần tôn trọng những quy tắc ứng xử của gia đình hay còn gọi là “nếp nhà” từ cách thưa gửi, chào hỏi đến nếp ăn uống, giao tiếp. Ngay cả trong các gia đình ở Mỹ, nơi quyền tự do của trẻ được đề cao tối đa, các bạn nhỏ vẫn phải nhận được sự gật đầu của bố mẹ nếu muốn bật một kênh truyền hình hay muốn ra ngoài chơi.

Trong cuộc sống của người Việt ta từ xưa tới nay, nếp nhà là hệ thống chuẩn mực vừa có tính quy phạm, vừa có tính thực hành, được mọi gia đình trao truyền qua các thế hệ. Trong sự vận hành của nó, nếp nhà liên quan trực tiếp tới danh dự, uy tín của mỗi gia đình. 

Cộng đồng đánh giá nếp nhà của mỗi gia đình qua thái độ chăm chỉ lao động, việc nghiêm túc thực hiện bổn phận của các thành viên; ông bà, bố mẹ già luôn được quan tâm chăm sóc; con cái ngoan ngoãn, vâng lời người trên, chăm chỉ học hành; các lễ thức trong gia đình được thực hiện nghiêm túc; nhà cửa giữ gìn sạch sẽ, ngăn nắp; quan hệ gần gũi với xóm giềng…

Khi nếp nhà trở thành bộ phận cấu thành nên ý thức mỗi người, thì đó cũng là danh dự chung mà họ cố gắng giữ gìn, bảo vệ, không làm điều sai trái để ảnh hưởng tới uy tín đã có của gia đình. Từ sự tồn tại và sự trao truyền của nó, có thể thấy nếp nhà liên quan mật thiết với các giá trị tinh thần, phụ thuộc vào khả năng nêu gương của người đi trước. 

Không chỉ dừng lại ở việc duy trì nòi giống, gia đình đã trở thành môi trường tốt, đầu tiên để giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách cho con người. Một gia đình no ấm, bố mẹ thuận hòa, hạnh phúc là điều kiện, môi trường quan trọng, trực tiếp tạo nên các thế hệ sau có chất lượng cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần đắc lực vào chiến lược phát triển nguồn lực con người có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.

“Nếp nhà” - trường học đầu tiên của mỗi người - ảnh 2
Ảnh minh họa

Những năm gần đây, dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng về sự xuống cấp của đạo đức, lối sống; phê phán gay gắt những hành động đồi bại, thói hư tật xấu đang diễn ra phổ biến hằng ngày. Từ chuyện trẻ em bị ngược đãi, xâm hại; cán bộ y tế làm giả phiếu xét nghiệm máu; những trường hợp con trẻ đánh nhau, xúc phạm bạn bè ngay trên ghế nhà trường; những kẻ thủ ác ra tay rùng rợn và lạnh lùng dù tuổi đời còn rất trẻ... gây chấn động dư luận xã hội.

Ngoài những tác động khách quan từ môi trường sống, có lẽ một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu giáo dục của gia đình. Các cuộc điều tra cho thấy, rất nhiều thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật đã chỉ ra rằng nhiều đối tượng phạm tội đều từng thiếu vắng sự thương yêu, chăm sóc, bảo vệ trong gia đình. Bởi vì khi được yêu thương và giáo dục, chắc chắn con người ta sẽ không tìm đến những phương pháp tiêu cực như vậy để đối diện với những vấn đề trong cuộc sống.

Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau,  nhường nhịn nhau. Nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người  trong gia đình mình. Bao bọc nhau bằng cách bảo ban, gìn giữ và phát huy những điều tốt đẹp để ứng xử với mọi người trong gia đình, với người ngoài xã hội. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế,… những tiêu chí về đạo đức, lối sống cũng có những thay đổi nhất định để thích ứng với thời cuộc.

Đơn cử như trong việc giáo dục con trẻ, đã xuất hiện hiện tượng “lệch chuẩn”, giáo dục không đồng đều trong một bộ phận phụ huynh khi cho rằng, chỉ cần học giỏi là đủ, những nền nếp truyền thống như vâng lời, lễ phép, chăm chỉ, tự giác làm việc nhà… bị coi nhẹ. Một bộ phận bố mẹ khác lại nuông chiều và cho phép con hành xử theo lối “tự do ngôn luận”, “thích gì làm nấy”. Và hệ lụy là 1 thế hệ trẻ em chỉ toàn kiến thức sách vở, trường lớp, thiếu kiến thức xã hội, yếu kỹ năng mềm hoặc ngược lại, quá già dặn hoặc xuất sắc trong những công việc của người lớn mà mất đi sự ngây thơ trong tâm hồn, tương ứng với lứa tuổi của con trẻ. 

Gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn hay các câu ca dao, tục ngữ, bố mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách của con trẻ. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. “Nếp nhà” tốt sẽ góp phần dựng xây một xã hội tiến bộ, văn minh nhưng vẫn đậm đà bản sắc Việt với đầy đủ và vẹn nguyên giá trị.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.