Nếp nhà Việt tại Úc

Việt Hải (Canberra, Australia)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Em sinh ra ở Úc vào 14 năm về trước. Em rất thích cái tên Việt Nam mà ông bà ngoại đặt cho em - Việt Hải. Ông bà đặt tên này cho em với mong muốn em luôn nhớ về đất nước Việt Nam và quê hương Hải Phòng, nơi bố mẹ em sinh ra.


Nhà em ở thủ đô Canberra, nơi không có nhiều người Việt sinh sống nên có rất ít cửa hàng bán thức ăn hay rau củ Việt Nam. Vì thế mẹ em phải lái xe đi khá xa mới mua được bánh phở hoặc giò chả. Nhưng mẹ rất chịu khó đi cửa hàng Việt Nam mua đồ về nấu, vì mẹ không muốn chúng em chỉ quen ăn pizza hay những món ăn Âu, Úc rồi lạ lẫm với món ăn Việt. 

Ngày đặc biệt nhất trong năm đối với em chính là ngày Tết âm lịch. Trong khi người Úc cứ nhìn thấy người gốc Á là thường bật ra câu: “Chúc mừng Tết Trung Quốc!” (Happy Chinese New Year) thì mẹ rất kiên nhẫn giải thích cho họ rằng chúng tôi là người Việt Nam và chúng tôi ăn mừng Tết âm lịch, và thế là họ đổi lời chúc lại thành: “Chúc mừng Tết âm lịch!” (Happy Lunar New Year!) 

Cứ vào dịp lễ quan trọng nhất trong năm này là mẹ lại gói bánh chưng, mặc dù thời điểm này ở Úc trời đang nóng như đổ lửa. Cả nhà em ngồi quây quần bên nhau, lau từng tấm lá chuối, viên từng nắm đậu xanh trong một không gian đầy yêu thương, gắn bó và đầy ắp tiếng cười. Ngoài việc giữ gìn truyền thống lễ Tết, mẹ cũng bồi đắp kiến thức cho em bằng những bài dân ca và truyện cổ tích từ khi em còn nhỏ nên em càng thêm yêu văn hóa Việt Nam.

Nếp nhà Việt tại Úc - ảnh 1
Tác giả và chị gái

Em được mẹ “luyện” cho từ nhỏ nên các món canh su su nấu thịt hay canh trứng nấu cà chua, thậm chí chả nem em cũng tự cuốn được. Vì vậy trong lần về Việt Nam thăm ông bà, em xung phong vào bếp, lúc đầu ông bà lo em bị bỏng nên cứ đứng gần canh chừng, nhưng cuối cùng chính ông bà lại khen em nấu ăn rất vừa miệng. Mẹ thì đứng ngoài cười tủm tỉm: “Con tập cho cháu nấu nướng dọn dẹp để trước hết về nấu cơm cùng ông bà, sau này có gia đình thì còn biết san sẻ công việc nhà với vợ”. 

Mẹ không nói đùa vì trong nhà em, dù là con trai hay gái mẹ đều khuyến khích tham gia giúp đỡ nấu nướng, sửa chữa đồ đạc, cắt cỏ hay dọn dẹp nhà cửa. Từ hồi nhỏ mẹ đã dạy em cách làm vải sáp ong để bọc thức ăn vì mẹ nói mình phải chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa và túi nilon. Còn chị gái em thì mới học lớp 7 đã biết đóng bàn ghế thô sơ dùng trong nhà và may những chiếc vỏ gối rất xinh xắn.

Em biết mẹ nhớ quê hương, muốn về sống ở quê hương nhưng vì còn phải lo cho các con nên chưa thể nghĩ đến ngày về. Một trong những mục tiêu của em trong tương lai là có một nghề nghiệp ổn định, có thể tự lo được cho bản thân để mẹ không phải lo lắng cho em và lúc đó, mẹ có thể sống một cuộc sống thực sự cho bản thân mẹ. 

Trong chuyện học hành, mẹ chỉ dặn em: “Mẹ không yêu cầu con ganh đua với bạn bè, chỉ cần con học hỏi từ bạn và cố gắng thay đổi để mỗi ngày lại tốt hơn bản thân mình của ngày hôm qua”. Nhờ câu này của mẹ mà em bớt đi mặc cảm mình đang thua kém một người bạn mới chuyển vào lớp. Vì trước đây em luôn đứng thứ nhất, từ khi bạn vào thì em tụt xuống thứ hai. Sau khi em đặt mục tiêu học hỏi từ bạn và thay đổi cách học của mình thì mỗi một ngày em nhận thấy mình đang tốt hơn ngày hôm qua dù chỉ là từng chút một.

Điểm em thích ở mẹ là mẹ hay nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi”. Mẹ quan niệm kể cả là người lớn, nếu làm sai cũng phải xin lỗi. Vì thế chúng em coi mẹ như một người bạn, chuyện buồn vui em đều chia sẻ với mẹ. Và nếu mẹ nói gì chưa đúng thì chúng em sẽ lựa lúc mẹ bình tĩnh để phân tích cho mẹ là nếu mẹ xử lý theo cách khác thì sự việc sẽ đi theo chiều hướng tốt hơn. Và thế là mẹ lại gật gù: “Mẹ xin lỗi các con, bây giờ mẹ con mình sẽ cùng suy nghĩ xem nên làm thế nào cho tốt nhất nhé!”.

Nếp nhà Việt tại Úc - ảnh 2
Ảnh minh họa

Có một sự “phá cách” ở mẹ mà em thấy rất thú vị. Đấy là vào mỗi lần em đi thi học sinh giỏi, mẹ không nấu xôi gấc hay xôi đỗ xanh cho em ăn để thi cho “đỏ” mà mẹ toàn… luộc trứng. Thứ nhất là vì em thích ăn trứng, thứ hai là vì mẹ nghĩ trứng có nhiều giá trị dinh dưỡng, giúp no lâu hơn chứ mẹ không để ý đến chuyện quả trứng luộc giống hình con số không nên có thể đem lại sự không may mắn. Mẹ bảo em, con thi đạt giải hay không đạt chính là do khả năng của mình chứ chẳng hề liên quan đến thức ăn có màu sắc hay hình dạng gì. Vì thế, tránh để bản thân bị tác động bởi những yếu tố xung quanh cũng giúp em luôn giữ được tâm lý thoải mái trong những ngày thi cử.

Với mẹ, dù sống ở đất nước nào đi nữa thì mình vẫn phải giữ truyền thống của người Việt Nam, đó là giàu tình yêu thương và lòng nhân ái. Mẹ luôn thắp hương mỗi dịp lễ Tết, khấn vái ông bà và đi chùa lễ Phật. Nhưng mẹ không nghĩ nhất định phải làm những điều này mới mang lại những sự tốt lành trong cuộc sống, mà mẹ nói với chúng em điều quan trọng nhất mình phải nhớ chính là chữ “Tâm”. Nếu hành động của mình bị ảnh hưởng bởi những mong muốn có lợi cho bản thân nhưng lại có hại cho người khác thì có khấn vái hàng ngày cũng không mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống. Chỉ khi những hành động mình làm xuất phát từ tâm thì lòng tự nhẹ nhõm, từ đó mà sự tốt hay xấu đến mình cũng đều có thể đón nhận nó một cách tự nhiên và bình thản nhất. 

Nếu ai hỏi khi em lớn lên và có gia đình riêng thì em có còn nhớ đến những lời mẹ dạy năm xưa, thì em sẽ trả lời rằng, em luôn nhớ câu này của mẹ: “Cuộc đời là vòng xoay của những ân tình, các con phải nhớ không chỉ nhận về mà còn phải biết cho đi…”.

Em rất thích chủ đề “Xây chắc nếp nhà” của cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” năm nay. Thông qua cuộc thi, em muốn gửi lời cảm ơn mẹ, đã giúp em giữ nếp nhà Việt dù em đang sống xa Việt Nam. Dưới nếp nhà ấy, em đã được nuôi lớn bằng văn hóa của người Việt. Em sẽ không bao giờ quên quê hương Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.