Người giúp việc
(PNTĐ) - Chiều hôm ấy, khi ban thờ ông Tuyến vẫn còn nghi ngút khói nhang, anh Toàn, con trai cả của ông Tuyến đưa cho bà một chiếc phong bì.
- Chúng cháu gửi dì tiền đi đường. Nhà này vốn đứng tên cháu, nên đoạn tang bố cháu sẽ bán đi. Dì ở lại đây không tiện nữa. Cháu chúc dì sẽ sớm ổn định cuộc sống sau này. Cảm ơn dì thời gian qua đã giúp chúng cháu trông bố những năm tháng cuối đời.
Hai tai bà ù đi khi nghe lời cậu Toàn nói. Bà rụt tay lại, không nhận lấy chiếc phong bì.
- Thôi dì cứ cầm lấy tiền. Giờ cháu về, từ nay đến cuối tháng, dì thu xếp về quê. Dì đi lúc nào thì gọi cho cháu một tiếng, cháu đến nhận lại nhà…
Cậu Toàn đi rồi, chỉ còn một mình bà trong căn nhà trống. Hơn 2 năm đi lấy chồng, bây giờ là lúc bà thấy đắng cay nhất. Bà trắng tay rồi. Ông Tuyến thì đã mất, ngôi nhà này cũng chưa bao giờ là nhà của bà. Các con ông cũng chưa bao giờ coi bà là người thân ruột thịt.
Bà quen ông Tuyến khi ông góa vợ đã nhiều năm. Các con đều đã lớn, ông ở một mình nơi thành phố. Bà ở quê cũng lọ mọ vì hồi trẻ chẳng lấy ai. Sau một thời gian làm bạn, thấy hợp tính, ông Tuyến rủ bà về ở chung một nhà để cùng nhau nương tựa tuổi già.
Bà nghĩ, ông muốn vậy chứ các con ông chắc gì đã đồng ý. Việc có thêm một bà mẹ kế chẳng phải là thêm phiền hà, rắc rối cho chúng hay sao? Thế nhưng, trái ngược với suy nghĩ của bà, các con ông bà lại ra sức vun vào. Cũng chính là anh Toàn, còn chủ động đưa bố về tận quê bà thăm nom, tìm hiểu cuộc sống, gia đình của bà. Trong lúc bà còn đang chần chừ, thì anh đã chủ động nói: “Bố cháu ở một mình côi cút đã lâu, chúng cháu thương bố mà không thể nào bù đắp được. Còn bác, cũng đơn thân, ngày ngày không có ai bầu bạn. Chi bằng bác cứ gạt bỏ mọi dị nghị mà đến với bố cháu. Chỉ cần bác và bố cháu hạnh phúc là được. Bác về làm vợ của bố cháu, sau này cũng là mẹ kế của chúng cháu”.

Lời anh Tuyến nói khiến bà mủi lòng, rưng rưng cảm động. Nghĩ đến việc hai ông bà tuổi đều đã cao, có sống được mấy nỗi với nhau nữa mà chần chừ nên bà đồng ý. Bà khăn gói quả mướp theo bố con ông Tuyến lên thành phố, mặc cho ở quê, các em bà phản đối quyết liệt. Chúng bảo bà nếu muốn bầu bạn thì thi thoảng lên chơi cùng ông Tuyến rồi ai về nhà nấy là được. Tuổi này rồi, ông bà không nên ở cùng nhau. Hơn thế, ở quê, bà còn có các em ruột, cháu ruột, bà có làm gì cũng là làm cho máu mủ của mình. Nay bà lên ở với ông Tuyến, thân cô, thế cô, máu mủ không liên quan, tình cảm cũng chưa sâu đậm, rồi bà lại thành người giúp việc không công của gia đình họ. Bà nghe xong, lại oán các em không thấu hiểu cho người chị già cả này.
Rồi bà đi, chấp nhận tình cảm chị em rạn nứt. Lên thành phố, các con của ông Tuyến tổ chức một bữa tiệc gia đình nho nhỏ để bà ra mắt. Rồi chúng giục ông bà đi đăng ký kết hôn để bà sớm danh phận đàng hoàng. Bà lại càng cảm kích, thấy các con của ông thật lòng với mình và tự nhủ từ nay đây sẽ là gia đình mới để bà hết lòng chăm lo, săn sóc.
Đăng ký kết hôn được 1 tháng, một lần, đưa ông đi khám bệnh, bà bàng hoàng phát hiện thì ra ông đã bị K dạ dầy. Bác sĩ nói, còn nước còn tát, bệnh mới phát hiện nên nếu phẫu thuật thì ông có khả năng kéo dài sự sống. Hôm đó, bà như người sống dở chết dở, vừa thương, vừa trách ông vừa thương cả bản thân mình. Không ngờ, người mà bà quyết định gá nghĩa, dồn hết hy vọng cuối đời lại mắc trọng bệnh. Thế mà cả ông lẫn các con ông, đều không ai nói với bà một lời.
Tối hôm đó, ông Tuyến cho họp đại gia đình. Ông Tuyến và các con do đã biết trước bệnh nên rất bình tĩnh. Sau một hồi bàn bạc, mọi người quyết định ông sẽ không phẫu thuật mà chỉ uống thuốc. Ông Tuyến nói ông già rồi, lại lắm bệnh nền, giờ phẫu thuật cũng rất nguy hiểm.
Những ngày sau đó, bà bắt đầu bước vào cuộc chiến cùng ông chống lại lệnh của tử thần. Hàng ngày, bà lo nấu ăn, chăm sóc, cho ông uống thuốc đúng giờ. Các con ông đều bận việc chỉ có cuối tuần mới ghé qua nhà thăm bố. Còn lại, chúng hỏi thăm sức khỏe bố từ xa. Rồi chúng ngọt nhạt nhờ bà: “Nếu có việc gì khẩn cấp, dì cứ gọi cho chúng cháu biết”.

Lúc mới quen, bà thấy ông Tuyến là người biết điều còn hay quan tâm tới bà. Nhưng sống với nhau rồi, bà càng ngày càng thấy ông khó tính, khó nết. Cũng có thể tâm lý đang mắc bệnh hiểm nghèo, cơ thể lại mệt mỏi khiến ông lúc nào cũng cáu bẳn, hay quát nạt bà. Mỗi lần trở bệnh, ông nằm vật ra giường, làm mình làm mẩy rên rẩm để bà phục vụ. Bình thường khi ở quê chỉ có một thân một mình, bà buồn thật nhưng vẫn có thời gian nghỉ ngơi, thích làm gì là làm. Nay, làm vợ của người bệnh, bà xoay như chong chóng từ sáng tới chiều. Nhiều lúc bà cũng nản nhưng nghĩ tới tình nghĩa vợ chồng, không đời nào bà bỏ ông lúc khốn khó thế này nên lại gắng gượng.
2 năm trời đằng đẵng, bà gần như quên hết bản thân, chẳng còn thời gian về quê thăm các em, các cháu. Giỗ bố, bà cũng chỉ dám gửi lễ về quê nhờ các em thắp hương giúp vì bà sợ mình đi rồi, ông còn lại một mình nhỡ xảy ra việc gì. Ngày thì chăm kiểu ban ngày, đêm đến, nhiều hôm bà lại thức trắng lo lắng, thuốc thang, xoa bóp cơ thể cho ông. Bà gầy sọp đi, hai mắt hõm sâu khiến nhiều người nhìn thấy bà mà ái ngại.
Song, trên hết, bà vẫn luôn tự nói với mình: “Mình làm gì được cho chồng và con chồng thì sẽ làm hết sức”. Nhờ có bà, các con ông gần như không phải bận tâm lo cho bố suốt 2 năm bố bệnh. Anh cả Toàn vẫn có điều kiện phấn đấu nên đã được thăng chức trưởng phòng. Cô con út thì học xong thạc sĩ với tấm bằng loại ưu.
3 tháng trước khi ông mất, ông Tuyến yếu đi thấy rõ. Bác sĩ nói ông nên nhập viện để theo dõi. Nhưng, nằm viện dài ngày thì tốn kém, hơn thế, ông cũng không thích môi trường bệnh viện. Vì vậy, các con ông để bố ở lại nhà, rồi nhờ bà toàn tâm toàn ý chăm sóc cho ông. “Bố cháu dành nhiều tình cảm cho dì, thế nên được dì chăm là tốt nhất”, anh Toàn nói ngọt.
Bà cứ nghĩ, với tất cả những gì bà đã làm cho ông Tuyến và gia đình này, mọi người sẽ cảm động và yêu thương bà. Bà không cần nhận tài sản, hay là được nhận công. Thứ bà cần nhất là tình cảm gia đình. Lấy ông, bà không chỉ coi ông là chồng mà còn coi các con chồng như con mình, coi cháu chồng giống như cháu của mình vậy.
Bà không thể nào ngờ được, ngày ông Tuyến mất, cũng là lúc các con ông dứt tình với bà. Chúng cho bà chút tiền về quê như một cách để tống khứ bà ra khỏi nhà chúng càng nhanh càng tốt. Bố chúng mất, nghĩa là bà đã trở nên vô tác dụng trong mắt các con của ông.
Bà không muốn nghĩ đó là sự thật nhưng đau xót làm sao khi 2 năm qua, sở dĩ các con ủng hộ ông đón bà về cũng là để có người thay chúng chăm bố bệnh tật. Chúng biết, bà là vợ sẽ chăm sóc ông chu đáo nhất mà không đòi hỏi công xá gì. Điều này thì không có một người giúp việc nào có thể làm tốt hơn bà.
Nghĩ đến tình người, nước mắt bà chảy ra, mặn chát.