Người phụ nữ thắp hy vọng cho trẻ em gái bị bạo hành
(PNTĐ) -Từng là chuyên gia nghiên cứu dịch vụ công cộng, Michelle Tan đã dám từ bỏ sự nghiệp để chuyên tâm với công việc giúp đỡ những trẻ em gái bị bạo hành.
Xoá bỏ định kiến
Nhắc đến mái ấm Gladiolus Place, người ta thường nghĩ đến những đứa trẻ "bất trị". Với vai trò là giám đốc điều hành, Michelle Tan đã nỗ lực rất nhiều để xoá đi định kiến này.
Từng là chuyên gia nghiên cứu dịch vụ công cộng, Michelle Tan đã dám từ bỏ sự nghiệp để chuyển tới làm nhân viên quản chế tại Gladiolus Place với mức thu nhập giảm tới 40% so với trước đây. Năm 2018, khi Gladiolus Place rơi vào khủng hoảng tài chính và có nguy cơ phải đóng cửa, Michelle Tan đã mạnh dạn tiếp nhận với vai trò giám đốc điều hành để vực dậy mái ấm này. Cô tâm sự: "Chỉ còn khoảng 12 bé gái ở lại mái ấm ở thời điểm đó, điều này tạo nên bầu không khí vô cùng lạnh lẽo, không giống với một ngôi nhà dành cho trẻ em. Chúng tôi đã phải vật lộn với vô vàn sự khó khăn".
Không bỏ cuộc, Michelle Tan đã làm việc chăm chỉ trong suốt 5 năm để xoay chuyển tình thế. Cô đã xây dựng nên một đội ngũ mạnh gồm các nhân viên chăm sóc, nhân viên xã hội, cũng như một nhóm cộng tác viên để gây quỹ nhằm nâng cao chất lượng sống cho các em tại mái ấm Gladiolus Place. Rất nhanh sau đó, Gladiolus Place đã có thể thanh toán tất cả các khoản nợ của mình và hiện là nơi trú ẩn của 32 bé gái trong độ tuổi từ 12 - 21. Các bé gái thường sẽ ở lại đây khoảng một năm rưỡi trước khi quay trở về với gia đình.
Những bé gái được Cơ quan Bảo vệ Trẻ em thuộc Bộ Phát triển Gia đình - Xã hội Singapore đưa vào mái ấm Gladiolus Place đa phần đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Các em là nạn nhân của xâm hại tình dục, có những bé gái bị đánh đập tàn nhẫn hoặc bị dọa giết. Bên cạnh đó, nhiều hoàn cảnh có cha mẹ đang ngồi tù và không còn nơi nương tựa.

Ảnh: Channel News Asia
"Các em không phải là người xấu. Do gặp những hoàn cảnh không may nên các em đã có những trải nghiệm đau buồn, bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Một số trải nghiệm của các em là không thể tưởng tượng được đối với chúng tôi. Những bé gái này cần một mái ấm đúng nghĩa", Michelle Tan chia sẻ và khẳng định cô cần phải hành động để mang lại hy vọng cho cuộc đời của các em.
Vào thời điểm khó khăn nhất, chính Michelle Tan đã được một bé gái trong mái ấm truyền cảm hứng. Cô kể lại: “Đó là cô bé đã ở lại mái ấm lâu nhất – 5 năm, bởi cô bé không có nhà để về. Một ngày nọ, cô bé theo tôi đến ôtô và nói: Michelle Tan, xin hãy đưa tôi về nhà”. Yêu cầu đơn giản và tha thiết này đã làm tan nát trái tim của Michelle Tan. “Tôi đã gặp những cô bé phải sống lang thang trong 9 năm vì bị cha mẹ bỏ rơi. Nhiều trường hợp không có thức ăn hoặc nơi ở khiến bọn trẻ phải ăn trộm hay đến nhà người khác để xin ăn” cô nói. Những trăn trở này đã cho Michelle Tan ý tưởng biến Gladiolus Place thành một ngôi nhà giống như chính ngôi nhà mà cô đã xây dựng cho những đứa con ruột của mình.
Thắp lên hy vọng
Trẻ em ở Gladiolus Place được khuyến khích tự do tham gia hoạt động giáo dục và giải trí giúp xây dựng tính cách, cũng như rèn luyện các năng khiếu như âm nhạc, nghệ thuật hay thể thao.
Michelle Tan đã đề ra nhiều quy định trong mái ấm như mỗi thành viên cần tự trang bị cho mình một bản kế hoạch phát triển cá nhân hay quy định cấm dùng điện thoại và ăn mì ăn liền tùy tiện. Cách làm của cô đã thực sự phát huy hiệu quả khi giúp những đứa trẻ ở mái ấm được tiếp nhận dinh dưỡng đầy đủ và có giờ giấc sinh hoạt lành mạnh, cũng như không còn xảy ra tình trạng bỏ học. Nếu vi phạm nội quy thì các em sẽ bị phạt làm thêm công việc vặt hay bị giới hạn một số quyền lợi. Tuy nhiên, cô luôn ưu tiên phương pháp kiên nhẫn giải thích để lũ trẻ có thể thấu hiểu tại sao cần phải tuân theo các nội quy.
Do trải nghiệm của quá khứ nên bọn trẻ thường khó hoà nhập với lối sống mới. Chúng hình thành phản xạ sợ hãi, nhiều em phải đối diện với căng thẳng, rối loạn giấc ngủ hay bị trầm cảm. Đối với những trường hợp này, Michelle Tan cùng các cộng sự của mình đã có những phương pháp chữa lành tổn thương tinh thần như luôn chú tâm gần gũi và tích cực trò chuyện với các em, họ đã tìm ra cách giúp các em vượt qua nỗi đau của bản thân.
Michelle Tan tin rằng chỉ cần cô cố gắng hết sức vì mỗi đứa trẻ, cô sẽ gieo mầm cho một cuộc sống khác tốt đẹp hơn trong tương lai của chúng, ngay cả khi điều đó chưa thể hiện vào lúc này. "Tất cả những gì chúng tôi làm đều nhằm mục đích giúp lũ trẻ có thêm niềm tin vào cuộc sống, cũng như giúp chúng kiểm soát cảm xúc để từ đó chào đón tương lai tốt đẹp hơn phía trước", cô nói.