Nhà giàu, lại lắm con trai, sao mẹ già cuối đời cùng khổ?

Chia sẻ

6h sáng mùa hạ oi nồng, nắng rát da bỏng thịt, hay mùa đông rét buốt thấu xương, thì hàng xóm vẫn thấy bà cụ Minh đã ngoài 80 tuổi mở cửa, treo tấm biển bằng các tông xộc xệch lên cánh cổng sắt cũ hoen rỉ: “Nhận làm thịt gà, vịt, cá...”. Cảnh ấy đã gần chục năm nay, ai ở xóm phố này nhìn cảnh khổ của cụ cũng thở dài...

Vợ chồng bà cụ Minh thời trẻ khá giàu có. Thời bao cấp mà chồng làm cán bộ cơ quan, sáng cắp ô đi tối cắp ô về, vợ nhanh nhạy biết làm ăn buôn bán, kinh tế khá giả, là mẫu hình gia đình lý tưởng, mơ ước của nhiều người. Vợ chồng bà sinh được 4 con thì có đến 3 con trai, lại là niềm mơ ước của mấy nhà hàng xóm sinh toàn “vịt giời”. Như nhà ông Tình chẳng hạn, khi vợ đẻ đến đứa con thứ 9 vẫn là gái, thì ông chả đặt các tên mĩ miều Như Ngọc, Tuyết Lan gì gì nữa, mà đặt luôn cô út tên là Thỏa Mãn.

Nhà có điều kiện, nên con cái bà Minh được bố mẹ cho học hành đàng hoàng cả. Nhưng có lẽ cũng do nhà “không có gì ngoài có điều kiện” nên các con bà không chí thú bất cứ việc gì. Học cũng chàng màng, hết phổ thông thì kiếm nghề cũng chàng màng. Thành ra cứ lấy vợ lấy chồng rồi xin bố mẹ ít vốn mở cửa hàng bán buôn lặt vặt. Kể ra thì không cần buôn to bán lớn, buôn nhỏ cũng được nhưng chăm chỉ thì vẫn đảm bảo cuộc sống, và cũng có người khá giả hẳn hoi. Được cái các anh cũng khá điển trai, nhà lại khá giả nên anh nào cũng chọn được vợ xinh.

Nhưng 3 con trai bà Minh mỗi người một kiểu. Cậu cả tên Hoàng thì sau khi vợ chỉ sinh được 2 cô con gái, phần thì khát con trai làm cháu đích tôn nối dõi, phần thì cũng ham gái trẻ ở hiệu cắt tóc gội đầu, nên “bập” phải một cô ngoài 20 tuổi, chỉ hơn con gái ruột của Hoàng có mấy tuổi. Thời gian đầu, dư luận đến tai vợ con, Hoàng còn chối cãi, sau này cô bồ có bầu thì không cãi nữa. Trong khi Hoàng hồi hộp xem cô bồ có đẻ cho mình đứa con trai như anh mơ ước không, thì vợ con Hoàng bí mật bàn chuyện đánh ghen. 3 mẹ con rình thấy Hoàng lén lút vào nhà bồ, liền lập tức ập vào, kẻ đấm người tát, con gái út đang học lớp 12 thì lấy ngay cái kéo học nghề may trong cặp ra, tóm tóc “cái ả dám cướp chồng người”, cắt trọc cái đầu tóc xoăn nhuộm tím rất mốt của ả. Hoàng lúc đầu thì kinh hãi, cứng mồm, không dám can, không dám bênh vợ hờ, nhưng sau thấy bồ kêu khóc la hét ầm ĩ, thì chạy ra ngoài cửa kêu cứu. Nhờ có hàng xóm chạy qua can ngan và gọi công an, nên tất cả bị đưa về đồn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lúc này vợ con Hoàng mới biết đánh ghen là dại, là vi phạm pháp luật, nhất là đối tượng bị hành hung lại là phụ nữ đang mang thai. Kết cục cả nhà Hoàng tan nát! Con gái lớp 12 bị đuổi học vì phạm tội đánh ghen, con gái cả thì có nhà trai chuẩn bị dạm ngõ nhưng sợ quá nên bỏ cuộc, cô bé bỏ nhà đi vào Nam. Vợ Hoàng hận chồng đến xương tủy nên cấm cửa không cho về nữa và đâm đơn ly hôn. Hoàng đến ở hẳn với cô bồ. Cô vợ cũ cũng không có ai đỡ đần cho việc kinh doanh, nên cũng chán nản, thu nhỏ cửa hàng, bán lặt vặt sống qua ngày. Vả lại, người phụ nữ đã cống hiến hết cả tuổi trẻ, sức khỏe để lo cho chồng con, nay cũng chán nản, bỏ bê hết mọi thứ.

Ly hôn xong thì mẹ Hoàng đương nhiên không thể ở với con dâu cũ, mà dâu mới thì bà không chấp nhận loại gái ấy đã đành, bà có cưới xin gì nó đâu, mà nhà nó thuê trọ chỉ có 10m2. Bà đành khăn gói về nhà con trai thứ 2 ở.

Nhưng cậu 2 cũng đang có chuyện tày đình. Vợ chồng cậu sắp bị ngân hàng siết nhà vì vợ đem sổ đỏ ký cho cháu ruột vay ngân hàng tiền tỷ để nó đầu tư kinh doanh gara ô tô, mua xe cũ mông má bán lại. Ai ngờ nay nó bị bắt vì đánh bạc trên mạng, chủ nợ kéo đến ùn ùn, vì nó vay trả lãi cao, vợ cậu 2 cũng như các chủ nợ khác, ai cũng tưởng nó kinh doanh ô tô nên cứ hùn vốn cho nó, kiếm tý lãi cao hơn ngân hàng. Khi nhận được lãi cao, ai cũng đua nhau ăn chơi, mua sắm tẹt ga. Giờ vỡ nợ ra thì đồ đạc mua sắm chả còn giá trị gì mà bán!

Thế là cậu 2 mất nhà. Mất thì cũng đồng nghĩa là mất luôn cửa tiệm bán hàng, tương lai chưa biết kiếm sống bằng nghề gì mà nuôi 2 đứa con ăn học nữa. Bà Minh cùng vợ chồng con cái cậu 2 dọn về tá túc tạm cái nhà cũ xưa của vợ chồng bà mà vợ chồng cậu út đang ở. Bà Minh đứng trước bàn thờ khóc chồng: “Ông ơi sao ông bỏ tôi đi sớm, không cho tôi đi cùng, để tôi ở lại khổ sở thế này, ông ơi...”.

Nhà cậu út thì không may sinh con thứ 2 là trai nhưng bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh “phổi úng thủy” khiến cậu bé suốt ngày tím tái vì không thở được, hầu như cả nhà nằm viện quanh năm với nó. Làm ra đồng nào cũng chỉ lo trả tiền viện, lại còn phải tích cóp để chuẩn bị mổ tim cho con. Vì vậy tiếng là về ở với con trai út nhưng bà Minh không hề được dựa dẫm gì vào con. Tài sản vốn liếng của ông bà ngày xưa cũng là lo cho con cái ăn học, lo dựng vợ gả chồng, lo mua đất cát dựng nhà cửa cho các con, đứa nào cũng có cơ ngơi riêng, bà còn cho vốn mở cửa hàng cửa hiệu nữa. Bà vì con vì cháu mà cho hết chúng nó, cũng nghĩ sau này “già cậy con”, ai ngờ “Tam nam bất phú” thế này! Nhà có mỗi cô con gái thì theo chồng vào Nam, bà cũng không nhờ cậy gì được.

Không còn vốn liếng, không thể nhờ cậy vào các con, bà Minh phải nghĩ cách gì để sinh nhai. Thôi thì bà vẫn còn đôi tay, tuy cái lưng già rồi nó đau, không làm được việc nặng, nhưng việc không nặng mà bà vẫn quen của người phụ nữ hay lam hay làm. Bà đành nhờ cháu nội viết cho cái bảng bằng bìa các-tông: “Nhận thịt gà, vịt, cá...”. Hàng ngày bà dậy sớm, treo cái biển xộc xệch lên cổng. Được cái hàng xóm cũng thương bà, ai có con gà sạch, gà đồi, vịt cỏ đem ở quê ra, cũng đều “nhờ bà làm hộ”. Mấy ông có thú đi câu, cứ có cá thì to nhỏ gì cũng về nhờ bà làm. Mỗi ngày bà làm được 4-5 con vừa gà vừa cá, mỗi con 20 ngàn, thế là đủ sống.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dạo này dịch bệnh Covid, bà nghe nói đường ngang ngõ tắt gì đều có chốt gác, không để mọi người đi lại lung tung dễ lây lan dịch bệnh. Bà treo cái biển từ sáng đến trưa chả có nhà nào sang thuê bà làm thịt gà vịt gì cả. Mấy ngày trôi qua, bà lo quá, thế này thì mình lấy gì mà ăn? Mấy bà hàng xóm cầm cái phiếu đi chợ được phân rõ ngày chẵn/ lẻ, canh giờ nào, buổi sáng hay buổi chiều, cứ thế là chạy ù đi mua rồi chạy ù về nhà. Cũng chả ai qua nhà ai chơi, chả ai ra đường hóng chuyện, “buôn dưa” thăm hỏi bà Minh vài ba câu, hay tò mò nghe bà kể về cái thời xưa buôn bán kiếm đồng tiền nó xông xênh thế nào. Bà Minh thở ngắn thở dài. Bà lần cái hầu bao, mỗi ngày bà tích một chút vào đó với mong muốn có chút tiền hỗ trợ con trai út mổ tim cho con, nay bà cứ phải lấy bớt ra một chút để mua cái ăn hàng ngày. Bà nghĩ gần nghĩ xa, cũng may bà có đôi bông tai và cái dây chuyền vàng ta, cũng gần 1 cây, bà đã đem gửi cô em gái cất kỹ, sau này bà có 2 năm mươi thì đưa cho các con lo đám hiếu cho mẹ.

Bà Minh đang nẫu ruột ngồi nghĩ lung tung, chợt có chị Chi hội trưởng Phụ nữ đến, bảo: “Bà rỗi thì bà ngồi nhặt rau hộ cho chúng con với. Bây giờ đi chợ cứ mua ào ào rồi chạy về, không dám chờ người bán rau nhặt cho như trước. Bà nhặt hộ, chúng con cũng gửi bà tiền công. Mà bà thì có việc làm cho vui bà nhé!”. Bà Minh vui vẻ nhận mớ rau muống của chị phụ nữ. Không ngờ một lát sau, do chị phụ nữ đi vận động hay sao, có mấy chị khác cũng đem rau qua nhờ bà nhặt. Thế là cứ người trả cho bà 3.000, 5.000, có người nhờ bà nhặt 2-3 loại rau thì trả hẳn 10.000, có chị đưa 20.000 rồi bảo “bà không phải trả lại”, có chị lại đem biếu bà chục trứng gà “nhà con đem ở quê lên”. Bà Minh thấy vui trong lòng mà nước mắt cứ ứa ra. Bà sống ở khu phố này mấy chục năm, bà đối xử với mọi người cũng thân thiện và tốt tính nên ai cũng thương bà. Bà cũng hiểu chị Chi hội trưởng tốt bụng đi vận động mọi người chia sẻ khó khăn với bà.

Cuộc đời bà đã trải qua mấy cuộc chiến tranh, bây giờ gặp dịch bệnh nặng nề này, bà đều hiểu người dân mình thương nhau lắm, nhất là lúc khó khăn hoạn nạn, rất sẵn lòng sẻ chia với nhau. Bà Minh lặng lẽ thắp nén hương khấn chồng: “Ông ơi! Nhiều lúc tôi thấy mình nhiều tuổi mà đời cực quá! Thằng Hoàng thì bỏ vợ cái con cột chạy theo gái trẻ, mơ đẻ con trai, nhưng nó vừa đẻ đứa thứ 2 cũng lại là gái nữa. Thế là có đến 4 đứa con gái. Tôi cũng buồn lắm... Nhưng bây giờ tôi thấy tình người hàng xóm đối xử với tôi tốt lắm ông ạ. Tôi vui mà chảy cả nước mắt... Lại sắp đến Rằm tháng Bảy, lễ Vu lan, con cái chúng ta không được may mắn, đang khi chúng lận đận, chúng không được chu đáo lễ lạt, ông đừng trách các con, ông nhé!”.

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.