Nhớ mẹ

Chia sẻ

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Từ xưa tới nay có rất nhiều nhà thơ viết về người mẹ ở những phương diện khác nhau. Bài thơ “Nhớ Mẹ chiều đông” của tác giả Nguyễn Thị Thiện đăng trong tập “Hương sắc Tây Phương tập XII” (CLB Thơ Thạch Thất, Hà Nội - 2017) đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc lắng đọng khó quên.

Mạ non Mẹ cấy xuống đồng
Hàng cây thẳng lối, hàng sông thẳng hàng
Cấy chiêm trời rét miên man
Cấy mùa Mẹ đội vô vàn mưa giăng
Mong sao con được ấm thân
Mong sao nhà cửa ấm êm vuông tròn
Mong con, cháu, chắt lớn khôn
Sống cho có đức, phúc bền sẽ theo
Cuộc đời Mẹ đẹp làm sao
Thật thà, giản dị, xiết bao khiêm nhường…
*****
Mẹ đi… cuối một chiều đông
Chúng con thương mẹ thắt lòng mẹ ơi…!
Mẹ về cõi Phật, cõi Trời
Cầu mong Mẹ tới được nơi thanh nhàn
Sống khôn mong Mẹ thác thiêng
Phù hộ cho đại đoàn viên gia đình
Mẹ - con liền khúc ruột mềm
Nói sao hết được nghĩa tình mẹ ơi!…
                                  Nguyễn Thị Thiện

Nhớ mẹ - ảnh 1

LỜI BÌNH:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Từ xưa tới nay có rất nhiều nhà thơ viết về người mẹ ở những phương diện khác nhau. Bài thơ “Nhớ Mẹ chiều đông” của tác giả Nguyễn Thị Thiện đăng trong tập “Hương sắc Tây Phương tập XII” (CLB Thơ Thạch Thất, Hà Nội - 2017) đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc lắng đọng khó quên. Thi phẩm là nỗi niềm nhớ thương sâu lắng và tri ân người mẹ tảo tần, cả đời lam lũ, hy sinh thầm lặng vì các con và gia đình.

Nhan đề của bài thơ thật giản dị: “Nhớ Mẹ”. Đó là nỗi lòng người con thương xót, nhung nhớ mẹ khôn nguôi. Ngay phần đầu của bài, hình ảnh người mẹ đã hiện lên thân thương, gần gũi gắn với công việc đồng áng cấy lúa quen thuộc hằng ngày. Chỉ với mấy câu thơ tác giả đã phác họa nên một bức tranh đồng quê thân thuộc, ở đó hiện lên người mẹ nông dân chất phác đang lao động giữa thiên nhiên khắc nghiệt: “Mạ non mẹ cấy xuống đồng/ Hàng cây thẳng lối, hàng sông thẳng hàng/ Cấy chiêm trời rét miên man/ Cấy mùa mẹ đội vô vàn mưa giăng”. Những câu thơ gây xúc động lòng người bởi cảm xúc chân thật của chủ thể trữ tình, người con thật sự thấu hiểu công việc và nỗi vất vả của mẹ. Cấy lúa thẳng hàng, thẳng lối cho dù là hàng sông (dãy ngang), hay hàng cây (dãy dọc), chứng tỏ người làm ruộng phải thông thạo và khéo léo. Cấy chiêm thường vào tháng Chạp (âm lịch) khi đó trời thường rét buốt, có đợt mưa phùn gió bấc kéo dài “miên man”, chân tay chân tê cóng, nhưng mẹ vẫn lội ruộng cấy lúa cho kịp thời vụ. Ngược lại cấy mùa, lưng mẹ cúi xuống ruộng lầy, bùn nước, nhiều khi mưa gió giăng khắp nhưng mẹ bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên, một tay chia đều số rãnh, tay kia thoăn thoắt cắm mạ xuống bùn. Cùng ý thơ này, nhà thơ Tố Hữu cũng đã so sánh “Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”. Hình ảnh mẹ hiện lên trong công việc đồng áng vất vả nhưng cũng đẹp biết bao nhờ nghệ thuật ẩn dụ và cái nhìn đầy tình thương của người con. Động cơ nào khiến mẹ tần tảo một nắng hai sương như vậy? Mấy câu thơ tiếp đã lý giải rõ điều ấy: “Mong sao con được ấm thân/ Mong sao nhà cửa ấm êm vuông tròn/ Mong con, cháu, chắt lớn khôn/ Sống cho có đức, phúc bền sẽ theo”.

Điệp từ “mong” nhắc lại tới ba lần, điệp ngữ “mong sao” hai lần, kết hợp với “mong cho” đã khắc sâu thêm tâm nguyện ước mong của mẹ: con cái được ăn no mặc ấm, gia đình an lành hòa thuận, các thế hệ “con, cháu, chắt lớn khôn” kịp người. Trong bài tác giả luôn khắc sâu lời mẹ dạy: “sống cho có đức” rồi “phúc bền sẽ theo”. Ước mong và lời mẹ dạy thật bình dị nhưng hàm chứa một quan điểm sống nhân văn, cao đẹp. Điều đó, người con đã ghi nhận ở câu thơ tiếp theo “Cuộc đời mẹ đẹp làm sao/ Thật thà, giản dị, xiết bao khiêm nhường”. Không chỉ riêng mẹ của tác giả, trên đất nước Việt Nam, còn rất nhiều bà mẹ khác sống như thế. Ở đây, đúng là “cái đẹp nằm trong sự giản dị” (L.Tôn-xtôi). Phần hai của bài thơ, tác giả nói tới sự ra đi của mẹ vào thời điểm “Mẹ đi… cuối một chiều đông/ Chúng con thương mẹ thắt lòng mẹ ơi!”.

Lời thơ cảm thán cùng với lối đảo từ “thắt lòng” đã nói lên nỗi đau đớn ruột gan như bị ai thắt buộc, khắc sâu nỗi tiếc thương mẹ vô hạn. Liền đó, người con chợt tỉnh táo, nhận thức được sự ra đi của mẹ là tất yếu. Ở đời sinh – lão – bệnh – tử có ai tránh được? Nỗi đau thương được kìm nén lại, thay vào là niềm mong mỏi: “Cầu cho mẹ tới được nơi thanh nhàn”. Tác giả tin rằng hương linh thiêng của mẹ sẽ “Phù hộ cho đại đoàn viên gia đình”. Bài thơ kết thúc như một tiếng khóc cố nén lại “Mẹ - con liền khúc ruột mềm/ Nói sao hết được nghĩa tình mẹ ơi!…” đã khắc sâu thêm tình thương nhớ mẹ không thể nói hết bằng lời…

Bài thơ với ngôn từ dung dị, thể lục bát êm đềm, thiết tha dễ đi vào lòng người, tác giả đã nói hộ nỗi lòng của bao người con với người mẹ ruột của mình. Cảm ơn tác giả vì điều đó.

NGUYỄN THỊ NÕN

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.