Nhớ về những buổi gặt lúa ban đêm

ĐẶNG ĐỨC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bây giờ đang vào mùa gặt. Đối với những ai sinh ra và lớn lên ở các miền quê, những tháng ngày này thật bận rộn, nhưng cũng thật tưng bừng, náo nhiệt…

Vùng quê ngoại thành dấu yêu của tôi, nơi mà gần như 100% các hộ dân sống bằng nghề nông nên trẻ con sinh ra, khi vừa mới lớn lên đã bắt đầu học các công việc đồng áng và đứa nào đứa nấy đều khá thạo việc. Nhà tôi có tới gần một mẫu ruộng nhận khoán của HTX, mà lao động trong gia đình chỉ có mẹ, cha và tôi nên mọi thành viên đều phải cố hết sức mới mong hoàn tất phần việc. Thực ra, nghề nông chỉ vất vả nhất vào thời điểm cày cấy và khi gặt lúa, còn khoảng thời gian cây lúa sinh trưởng thì công việc chăm bón, làm cỏ cũng không đến nỗi cực nhọc. 

Kỷ niệm của quãng thời gian ấu thơ với nghề làm nông cùng gia đình là rất nhiều, thế nhưng trong hành trang ký ức vào đời tôi luôn mang theo những buổi đi gặt lúa đêm cùng mẹ. Nếu như vào vụ lúa mùa của tháng 9, tháng 10 hàng năm, công việc gặt đêm thường không diễn ra bởi tiết trời lúc này là khá mát mẻ, dễ chịu, thì vụ chiêm không chỉ gia đình tôi, mà nhiều hộ dân trong làng luôn phải đi gặt đêm để tránh cái nắng oi nồng đến cháy da, cháy thịt của thời khắc ban ngày. 

Nhớ về những buổi gặt lúa ban đêm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Công việc gặt lúa đêm thường diễn ra vào lúc nửa đêm về sáng. Vì vậy, tôi và mẹ chỉ được ngủ mấy tiếng lúc chập tối đến khoảng 12 giờ khuya là phải trở giấc để chuẩn bị liềm, dây buộc, quang gánh… cho một buổi đi gặt. Mẹ thường là người dậy trước để đánh thức tôi dậy. Thấy tôi ngái ngủ, vẻ mệt mỏi không muốn dậy đi gặt, mẹ lại động viên: “Cố dậy đi gặt cùng mẹ đi con. Mai dự báo thời tiết nắng nóng tới 35-370C nên không thể làm ban ngày được con ạ!”. Nghe mẹ nói vậy, mặc dù không muốn dậy chút nào vì hai hàng mi vẫn còn níu chặt lại, nhưng tôi ngoan ngoãn bật dậy ngay và ra giếng rửa mặt cho tỉnh táo. Ăn qua loa bát cơm nguội với dưa, cà, muối, mắm…, rồi hai mẹ con tôi tất tưởi vội vã ra đồng để gặt lúa. 

Nhiều buổi gặt vào lúc trời không có trăng, do tối quá và tính không cẩn thận nên tôi bị liềm cứa vào ngón tay chảy máu lênh láng. Lúc này, mẹ vội vàng xé mảnh vải ở vạt áo để băng bó vết thương cho tôi. Mẹ là người cẩn thận nên bao giờ cũng mang theo gói thuốc lào để cầm máu nhanh nơi vết thương. Thuốc lào rịt vào, băng mảnh vải là một lúc tôi lại có thể gặt lúa bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Những buổi gặt lúa dưới đêm trăng mang nhiều điều đáng nhớ nhất, bởi cảnh sắc của màn đêm, của lúa vàng, của ánh trăng huyền ảo làm cho không gian thêm phần lãng mạn. Nhiều bữa, do đi sớm quá và diện tích ruộng không rộng lắm nên khi gặt xong đám ruộng, trời vẫn chưa sáng nên hai mẹ con tôi lên đầu bờ ngồi nghỉ đợi sáng. Những lúc như thế mẹ thường kể rất nhiều chuyện cho tôi nghe. Nào là chuyện làng, chuyện xóm của thời ngày mẹ trẻ con, nào là chuyện tình yêu giữa bố và mẹ. Hay như các câu chuyện cổ tích mẹ cũng thuộc làu làu, mà người truyền kể lại cho mẹ chính là ngoại…

Nhớ về những buổi gặt lúa ban đêm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mỗi một vụ chiêm, thường thì tôi và mẹ phải đi gặt đêm khoảng dăm, bảy buổi gì đó. Thi thoảng có năm, do nhà không có điều kiện kinh tế nên mẹ nhận gặt thuê cho người ta và vì thế các buổi gặt đêm có thể tăng thêm nhiều hay ít tùy vào số diện tích mẹ nhận gặt.

Tôi không bao giờ quên được những buổi đi gặt đêm cùng mẹ vì bao giờ cũng vậy, khi công việc gặt lúa đêm xong xuôi mẹ luôn “bồi dưỡng” cho tôi khi thì cân dưa lê mà mẹ nhờ người mua ở chợ phiên bên làng, lúc lại nồi chè đỗ đen đặc sánh ngọt lừ đường phèn. Vì làm đêm vất vả, trong khi đại đa số mọi người được ngủ, nghỉ ngơi nên mẹ là người rất tâm lý. Chẳng buổi gặt đêm nào mẹ không pha nước chanh đường mang theo để tôi uống…

Ký ức của những buổi gặt đêm lấm lem, vất vả mặc dù đã qua đi từ lâu nhưng tôi vẫn thấy tươi mới như vừa hôm qua. Bây giờ, vùng ngoại thành của tôi đã đổi mới, đã đô thị hóa, nghề nông dần trở thành dĩ vãng và mỗi khi tìm lại kỷ niệm của những buổi gặt đêm tôi lại nghĩ về mẹ, thương mẹ, người đàn bà lam lũ, hết mực thương yêu chồng con…

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.