Như đóa hướng dương hướng về ánh mặt trời

TRANG YẾN HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Người ta nói mắc ung thư tức là đã mang trên mình “án tử”. Nhưng khi trở thành bệnh nhân ung thư, dù sau lưng là chuỗi tháng ngày điều trị gian nan, người bệnh vẫn tươi cười, nỗ lực từng ngày như đóa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời; như những chùm hoa nở trong khe đá, bé nhỏ mà vô cùng mạnh mẽ, vượt lên mọi nỗi đau đớn về thể xác và tâm hồn, cùng nhau làm nên mùa xuân cho cuộc sống.

Trân trọng từng phút giây trong cuộc đời tươi đẹp

Gặp anh Vũ Việt Thành (32 tuổi, sống tại Hưng Yên) trên đường chạy Marathon, chắc hẳn ai cũng sẽ rất bất ngờ khi biết rằng, chưa đầy một năm trước, anh còn đang ở trong phòng ghép tế bào gốc để giành lại sự sống.

Cũng như bao người khác, anh Thành có cảm giác “cả tương lai như đóng sập lại” khi nhận tin mình bị bệnh Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (ung thư máu). Không cho phép mình bị nhấn chìm trong nỗi hoang mang, lo sợ, anh bắt đầu tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về bệnh theo nhiều nguồn chính thống trong và ngoài nước. Gia đình anh đã xin tư vấn của các bác sĩ và quyết định điều trị bệnh theo hướng ghép tế bào gốc ngay từ đầu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. 

Sau khi trải qua những đợt hóa trị và đạt lui bệnh hoàn toàn, anh được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột. Anh kể lại: “52 ngày trong phòng cách ly là một trải nghiệm nhiều đau đớn mà ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó hình dung được. Chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là trong thời kỳ hệ miễn dịch bị suy giảm mạnh. Có những giờ phút, chỉ cần buông xuôi, phó mặc là sự sống đã rẽ qua ngã khác.

Khi đó, dù chỉ gặp mọi người qua video call giữa những lúc nửa tỉnh, nửa mê, mình vẫn luôn có một niềm tin không bao giờ lay chuyển được, đó là gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp... luôn bên cạnh. Mình tin là chỉ cần luôn cố gắng hết sức, dù còn một tia hy vọng mong manh, ông bà, tổ tiên vẫn sẽ độ”.

Như đóa hướng dương hướng về ánh mặt trời - ảnh 1
Em Chu Ánh Tuyết tặng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bức vẽ anh Vũ Quốc Cường – người mở quán cơm chay thiện nguyện hỗ trợ người nghèo, lập bếp cơm từ thiện phục vụ tuyến đầu chống dịch và qua đời do nhiễm Covid-19.
Ảnh: Công Thắng

Và điều khiến những người xung quanh luôn cảm phục chính là ý chí vững vàng không gì khuất phục được ở anh Vũ Việt Thành. Vốn yêu thể thao, anh Thành coi đường chạy như một phần không thể thiếu trong cuộc sống để nâng cao thể chất, tăng cường độ dẻo dai của cơ thể, tăng sức đề kháng... Việc vận động còn giúp anh có suy nghĩ tích cực và thư giãn đầu óc nhằm vượt qua những đợt truyền hóa chất. Để rồi, từ những ngày cố hết sức cũng chỉ đi được vài bước ngắn, giờ đây anh Vũ Việt Thành đã chinh phục được quãng đường 42km. Đó là một hành trình chẳng hề dễ dàng nhưng với nghị lực phi thường và tinh thần không đầu hàng trước mọi thử thách, người chiến binh ấy đã làm được điều mà ngay cả những người bình thường cũng khó thực hiện.

Anh Thành tâm sự: “Trong cuộc sống, cuộc chiến quan trọng nhất là cuộc chiến với chính bản thân mình. Mình phải cảm ơn những sóng gió vừa qua giúp mình thêm trân trọng từng phút, từng giây được sống trong cuộc đời tươi đẹp này. Khi quay trở lại với cuộc sống thường nhật, có lẽ sẽ còn nhiều khó khăn, trắc trở nhưng mình tin chắc chắn rằng: “Chúng ta có thể làm được những điều đặc biệt. Cuộc sống là vậy, luôn đầy những bất trắc, vô thường, được mất, tồn vong là chuyện tất nhiên. Nhưng chỉ cần chúng ta kiên cường, cùng sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ y bác sĩ, người bệnh sẽ tìm được cuộc sống thứ hai của mình, tìm thấy những tia hy vọng, thấy bến bờ của bình an và hạnh phúc”.

Thế giới tràn ngập ước mơ và niềm tin tươi sáng

Ánh Tuyết được phát hiện mang bệnh ung thư hạch ngay khi chuẩn bị thi vào cấp 3. Ở tuổi 16, Tuyết đã không còn quá ngây thơ như các em nhỏ, em đã hiểu được sự nguy hiểm của căn bệnh mình đang mang. Những cảm xúc lo lắng, tiêu cực dần bủa vây lấy em. Em còn phải trải qua những cơn đau khi phẫu thuật hạch. Thương cô con gái bé nhỏ, gia đình và những người xung quanh đều khuyên em tạm nghỉ học để thi sau.

Nhưng Tuyết là một cô bé kiên cường và mạnh mẽ hơn mọi người nghĩ. Chỉ một tuần sau, khi vết mổ vẫn chưa lành hẳn, Ánh Tuyết đã cố gắng tham gia kỳ thi như bao bạn bè khác. Vừa chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, vừa chăm chỉ ôn tập để đi thi, cô bé Chu Ánh Tuyết không quên động viên bố mẹ: “Con không sao mà, rồi con sẽ khỏi thôi!”. Kết quả, Tuyết đã đỗ vào trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).

Sau khi thi đỗ cấp 3, Ánh Tuyết và mẹ lại tiếp tục hành trình điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Những đợt truyền hóa chất khiến em kiệt sức, buồn nôn, nhức đầu, không ăn được suốt nhiều ngày liền. Qua hai đợt điều trị cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Ánh Tuyết và mẹ không thể về quê vì giãn cách xã hội.

Trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2, với bút màu và những tờ giấy trắng được san sẻ từ các bệnh nhi khác, Tuyết đã tìm thấy niềm vui và đam mê qua vẽ tranh. Em đã vẽ nên những ước mơ bé bỏng và giản dị của cô bé ung thư máu về một cuộc sống khỏe mạnh, được vui chơi, được đi học hàng ngày; sự biết ơn và tri ân với các bác sĩ, các cán bộ y tế đã chăm sóc cho em trong suốt thời gian qua.

Như đóa hướng dương hướng về ánh mặt trời - ảnh 2
“Chiến binh” Vũ Việt Thành đã chiến thắng ung thư, chinh phục bản thân với cung đường 42km và hơn 5 tiếng chạy trong đêm. Ảnh: BVCC

Giờ đây, sức khỏe của Ánh Tuyết đã ổn định trở lại. Dù còn phải đi khám định kỳ nhưng em đã có thể trở về nhà đi học và vẫn tiếp tục vẽ tranh về những người em yêu quý, tiếp tục cùng các bệnh nhi ung thư bày tỏ ước mơ: “Em mong sao căn bệnh này không đến với tuổi thơ chúng em. Điều kỳ diệu sẽ đến và cuộc sống của chúng em sẽ trở lại như trước kia. Hãy lạc quan lên các bạn nhé! Chỉ cần luôn hướng về phía trước, mọi trắc trở ở thời điểm hiện tại sẽ biến thành một món quà mà cuộc sống dành cho chúng ta”.

Và món quà đã thực sự đến với em Lâm Tiến Thăng (sống tại Tuyên Quang). Năm 2017, những ngày tháng tươi đẹp ở tuổi mới lớn của Thăng bỗng dưng chấm dứt vì ba chữ “ung thư máu”. Lúc ấy bố em vừa mới bị tai biến dẫn đến liệt nửa người, sau đó mẹ lại phát hiện bị u thực quản khi chăm con ở viện. 

Trước bao biến cố, Thăng vẫn luôn tỏ ra cứng rắn, không sợ hãi, không kêu ca bởi: “Em không muốn bố mẹ phải lo lắng thêm nữa. Nếu em suy sụp thì bố mẹ có kiên cường thế nào cũng không thể đứng vững”. Để rồi, sự hy sinh thầm lặng, đong đầy yêu thương của mẹ, sự quan tâm của những người xung quanh đã trở thành động lực để Thăng luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày.

Khi cuộc sống thu hẹp trong phòng bệnh, chiếc máy tính xách tay và sách tin học đã mở ra cho Thăng một thế giới mới. Em ngồi hàng giờ say sưa bên màn hình máy tính, không gian sáng tạo của em trở nên nhiệm màu. Ngoài niềm yêu thích đặc biệt với ngôn ngữ lập trình, Thăng tìm đến âm nhạc để xua tan tự ti và cân bằng lại cuộc sống. Em nghe nhạc, tự học piano và đàn những bản nhạc không lời đầu tiên trong thư viện khoa Bệnh máu trẻ em. 

Rời bệnh viện, Thăng càng say mê hơn với học tập, có những ngày mệt phải nghỉ học thì ngày hôm sau Thăng đã tự học và làm bài tập đầy đủ. Kết quả của niềm đam mê và tinh thần học tập đó là Thăng đã đạt giải Nhất cấp thành phố, rồi cấp tỉnh môn Tin học, giành giải Quán quân cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới do Trung ương Đoàn phát động năm 2019; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Giờ đây khi đã trở thành sinh viên đại học, những nỗi buồn ở tuổi 14 đã lùi lại phía sau nhưng yêu thương và đam mê sẽ ở lại, chắp cánh cho khát vọng của Thăng bay xa...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.