Những chuyện cảm động về giúp việc gia đình

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển của xã hội, nghề giúp việc gia đình càng trở nên phổ biến. Người giúp việc đã trở thành một thành viên không thể thiếu trong nhiều gia đình, ở đó cũng xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động về tình người.

Người bạn tâm giao

Trước đây, gia đình bà Vinh (Long Biên, Hà Nội) cũng thuộc diện khá giả. Thế nhưng, mười năm trước, chồng bà làm ăn thua lỗ, rồi bị tai biến. Tiền bạc trong nhà cứ đội nón ra đi. Dù sau đó nhờ được chạy chữa kịp thời, chồng bà Vinh đã vượt qua nguy kịch, nhưng sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, không thể làm việc. Bà Vinh phải đi làm giúp việc để có tiền sinh hoạt và thuốc thang cho chồng.

Bà Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) là giáo viên đã nghỉ hưu. Bà lại bị bệnh tim mạch, nhiều lần phải vào viện điều trị. Sau khi cú sốc chồng đột ngột qua đời khiến bà Hằng  càng suy sụp hơn. Dù các con luôn tận tâm chăm sóc mẹ, nhưng nỗi nhớ chồng khiến bà Hằng luôn sống trong trạng thái buồn bã. Để có người bầu bạn với mẹ, các con bà Hằng thuê giúp việc gia đình. Qua một người bạn giới thiệu, bà Vinh về làm giúp việc cho nhà bà Hằng, với nhiệm vụ chăm sóc bà Hằng là chính. “Bà ấy nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Tôi vừa gặp đã có cảm tình” – bà Hằng nói.

Từ ngày bà Vinh về làm giúp việc gia đình, bà Hằng có thêm người tâm sự. Bà Vinh coi bà Hằng như chị ruột để dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc. Bà Vinh không ở lại nhà gia chủ, nhưng sáng nào bà cũng đến sớm, đi chợ, nấu ăn sáng rồi cùng bà Hằng chuẩn bị đồ lễ tụng kinh, niệm Phật, cùng ăn trưa với nhau. Bà Vinh đọc báo, thấy người tim mạch nên ăn nhạt, nên các món bà nấu đều bỏ ít gia vị. Bà Hằng ăn chay, bà Vinh nghĩ ra nhiều món chay ngon, mỗi ngày một vị khác nhau.

Những chuyện cảm động về giúp việc gia đình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bà Vinh thuộc làu lịch sinh hoạt của bà Hằng, giờ nào bà tụng kinh, ngày nào đi chùa, ăn chay… để chuẩn bị sẵn. Rảnh rỗi, hai bà lại hàn huyên chuyện con cháu, chia sẻ những tâm sự khó nói trong lòng. Điều mà bà Vinh tâm phục nhất ở bà Hằng là dạy con thành đạt, hiếu thuận, ứng xử dâu rể vô cùng khách quan và yêu thương. Nhà bà Vinh chỉ có một con trai đã lấy vợ ở riêng, thi thoảng trong chuyện mẹ chồng nàng dâu, bà Vinh lại nhờ bà Hằng tư vấn để mẹ con luôn hòa thuận.

Buổi tối, sau khi đã xong hết việc ở gia chủ, bà Vinh thường về nhà. Nhưng nhà bà Hằng luôn để dành riêng một phòng có đủ đồ để bà Vinh ngủ lại, bởi bà Hằng hay ốm mệt, dù đã có các con cháu bên cạnh, nhưng những lúc đó, bà Vinh vẫn muốn ở lại, túc trực chăm sóc. Có lần, bà Hằng bị giãn dây chằng, thoái hóa cột sống. Bên cạnh trị liệu bằng thuốc, hằng ngày, bà Vinh rang muối lá ngải chườm 3-4 lần cho bà Hằng.

Rảnh tay ra, bà Vinh lại xoa bóp chân tay hoặc ngồi đọc báo, nói chuyện cho bà Hằng vui. Ngày ba bữa, bà Vinh nấu cháo, bón từng thìa cho bà Hằng, lúc nào cũng động viên bà cố gắng. Bà Hằng còn không ngồi dậy được, bà Vinh là cánh tay, đôi chân, dìu dắt bà Hằng đi lại, tập trị liệu cho bà Hằng.

“Bà ấy nhỏ, thấp, còn tôi cao và béo hơn. Thế nhưng, bà ấy dìu nhẹ nhàng, cẩn thận, cứ như sợ tôi đau ấy” - bà Hằng kể. Nhờ vậy, sức khỏe bà Hằng khá lên rất nhanh.

Ngày con gái bà Hằng lấy chồng, thời gian đầu ở chung với mẹ và vợ chồng anh trai. Khi con dâu và con gái cùng sinh con, hai thông gia bà Hằng lên và ở lại trong nhà để hỗ trợ chăm sóc cháu. Lúc nào các con bà Hằng cũng giới thiệu bà Vinh với mọi người là “dì họ hàng xa”.

“Đợt ấy, nhà tôi lúc nào cũng có 10 người cùng ăn ở, sinh hoạt trong nhà, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Công việc hằng ngày mỗi người một tay giúp đỡ, bà Vinh có nhiệm vụ đi chợ nấu cơm. Mâm cơm lúc nào cũng phong phú các món, ai cũng khen ngon. Bà ấy còn để ý đến sở thích của từng thành viên trong nhà. Con rể tôi thích ăn rau tía tô, thi thoảng, bà nấu cà bung, lươn om chuối đậu, ốc xào…, con trai tôi thích ăn món chua, bà Vinh chuẩn bị thực đơn có món canh chua... Cứ như vậy đều đặn, ai cũng được ăn món mà mình thích” – bà Hằng nói.

Chính tình cảm tốt đẹp ấy, nên đi đâu, hai bà cũng có đôi như cùng đi lễ chùa, ăn chay, đi chợ hay cùng nhau đưa đón các cháu…  “Ngày nào bà Vinh nghỉ làm là ngày đó tôi lại thấy thiếu thốn, trống vắng. Kể cả lễ Tết, bà Vinh cũng ghé qua nhà để giúp tôi chuẩn bị đồ lễ. Đó là tình cảm yêu thương, biết thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau” - bà Hằng nói. Đáp lại tình cảm ấy, bà Hằng luôn giúp đỡ khi gia đình bà Vinh gặp khó khăn, cùng các con đến nhà bà Vinh chơi Tết hay khi bà Vinh có công việc, bà Hằng tạo điều kiện để bà về nhà thu xếp, lo toan...

Không chỉ là làm tròn trách nhiệm…

Chị Oanh (quê Thái Nguyên) lại được gia đình gia chủ coi như người nhà, thậm chí còn cho vay tiền để nuôi hai con học đại học. Gia đình chị Oanh thuộc diện khó khăn, qua môi giới, chị làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động nhưng không may bị lừa hết tiền. Nhờ một người quen ở quê giới thiệu, chị Oanh xuống làm giúp việc cho vợ chồng bà Đông ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Năm đó, vợ chồng con trai đầu của bà Đông vừa sinh con được 1 tháng.

Chị Oanh đồng hành cùng gia đình bà Đông qua biết bao biến cố, trở thành người thân trong gia đình bà lúc nào không hay. Trong mắt bà Đông, chị Oanh là người ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, chuẩn mực, yêu thương con cháu của bà bằng sự chân thành, thật thà. Nhà chị Oanh có việc gì cũng tâm sự, chia sẻ với bà. Như lúc mẹ đẻ bà Đông ốm, hay con gái bà vì bạo bệnh mà qua đời, chồng bà ốm nhập viện…, chị Oanh đều tận tâm chăm sóc, quán xuyến lo toan hộ bà Đông…

Những chuyện cảm động về giúp việc gia đình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhà chị Oanh có hai con, mỗi tháng, bà Đông đều cho chị Oanh về nhà một lần. Tiền lương thì chị gửi về quê cho chồng trả nợ và nuôi con ăn học. Có lần, thấy chị Oanh đứng ngồi, không yên, lúc nào mặt cũng đăm chiêu rầu rĩ, làm việc không tập trung, bà Đông bèn gặng hỏi có chuyện gì.

Chị Oanh thở dài nói tiền học phí của con đã đến thời hạn đóng mà chưa có tiền đóng. Bà nói với con trai cho chị Oanh mượn trước mấy chục triệu để đóng học phí, sau đó sẽ trừ dần vào lương. Khi con trai đầu của chị ra trường đi làm, bà Đông còn tìm căn nhà trọ giá thấp để con trai chị Oanh ở, vừa gần mẹ, thi thoảng đến thăm mẹ và chơi với ông bà…

Còn bà Vân (quê ở Chương Mỹ, Hà Nội) mất chồng, chỉ có một con gái duy nhất lại lấy chồng xa. Nhiều lúc quanh quẩn với ruộng vườn, dù có anh em họ hàng bên cạnh cũng không khiến bà Vân vơi đi nỗi buồn. Thế nên, qua một người quen giới thiệu, bà xuống Hà Nội làm giúp việc gia đình cho gia đình chị Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội). Công việc của bà lúc ấy là làm việc nhà và trông nom con trai 5 tuổi của vợ chồng gia chủ.

Tính tình bà Vân hiền lành, thật thà lại chịu khó, nên bà nhanh chóng được gia chủ yêu quý. Khi chị Thảo sinh con thứ hai, bà Vân giúp chị chăm sóc cháu nhỏ. Sau một thời gian làm việc, bà được gia chủ tín nhiệm giao “tay hòn chìa khóa”, quản lý mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà hay chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn ăn dặm, hỗ trợ lúc ốm đau... Vì thế, bà Vân càng cẩn thận hơn, tiền bạc phân minh, chăm sóc trẻ nhỏ khéo léo và chu đáo.

Càng sống chung, tình cảm giữa gia chủ và giúp việc càng nhân lên. Hàng xóm xung quanh chưa một lần nghe tiếng cãi vã hay chê trách giữa vợ chồng chị Thảo với bà Vân. Ngược lại, chị Thảo chăm sóc bà như mẹ đẻ của mình. Trong một lần đang làm việc nhà, bà bị bỏng. Vợ chồng chị Thảo thay nhau túc trực chăm sóc, thuê bác sỹ về nhà để chăm sóc y tế, bồi dưỡng thuốc thang chu đáo, động viên bà giữ sức khỏe. Khi bà Vân “lỡ” làm hỏng đồ trong nhà, dù cái đó giá trị lớn, vợ chồng chị cũng chỉ mỉm cười cho qua. Anh chị cũng luôn tạo mọi điều kiện để bà Vân tham gia giao lưu, sinh hoạt tại địa phương hoặc về quê khi có việc hiếu, việc hỷ...

Trong một lần đi chùa, bà Vân gặp gỡ ông Lập - người đã từng ly hôn vợ, hiện đang làm lái xe ôm, sống một mình cạnh nhà hai con trai ở nhà chị Thảo. Ông Lập cảm mến bà ngay từ lần gặp đầu tiên ấy. Ông âm thầm tìm hiểu về bà, rồi lần tìm địa chỉ để đến thăm bà. Cứ như thế, mỗi ngày, bà lại nhận được một bài thơ ông gửi tặng kèm theo một món quà, khi thì một vài trái hoa quả, khi lại là cái cặp tóc... 

Sự quan tâm của ông khiến bà cảm động. Bà tâm sự với chị Thảo về mối quan hệ này. Vợ chồng chị Thảo âm thầm tìm hiểu về ông Lập, khi biết ông là người sống hiền lành, tốt tính, được mọi người quý mến, vợ chồng chị vun vén, bồi đắp cho mối quan hệ của ông bà. Chị Thảo tạo điều kiện cho ông bà tìm hiểu, tiếp xúc với nhau, cùng nhau đi chơi, đi lễ chùa... Thấu hiểu tấm lòng gia chủ, bà Vân cũng cố gắng để hoàn thành hết việc nhà trước khi đi đâu đó cùng ông.

Sau khi kết hôn, bà Vân vẫn nói với chị Thảo: “Dù có lập gia đình mới, nhưng bác vẫn sẽ giúp việc cho vợ chồng cháu”. Thế là mỗi sáng, bà đến làm việc cho gia đình chị Thảo, buổi trưa, bà lại về ăn cơm cùng chồng. Tối đến, sau bữa cơm tối cùng gia đình anh chị, bà lại về nhà chăm sóc chồng. Bà Vân cười: “Chồng tôi chăm sóc tôi chu đáo lắm”.

Sáng sáng, sau khi tập thể dục về, ông vào bếp nấu cơm cho bà. Buổi trưa, ông cũng chuẩn bị sẵn cơm nước sẵn đợi bà. Buổi tối, ông lại ngồi ngâm thơ cho bà nghe. Thi thoảng, ông bà lại sắp xếp thời gian đi du lịch, ngắm cảnh với nhau. Tình già mà ấm áp nghĩa tình ấy được se duyên từ chính “gia chủ” mà bà Vân từng làm giúp việc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.