Những “gia đình lớn” kết nối yêu thương trên không gian... ảo

Chia sẻ

Thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố. Song, chính trong hoàn cảnh tưởng như thiếu sự kết nối với nhiều khó khăn, thách thức chống dịch, những người dân đã “xích” lại gần nhau hơn, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết hỗ trợ nhau cùng vượt qua đại dịch thông qua… không gian ảo.

Cách ly nhưng không cách lòng

Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm thực hiện cách ly y tế do có ca bệnh mắc SARS-CoV-2 trong suốt 2 tuần đầu tháng 8. Với số lượng cư dân lớn, việc thực hiện cách ly y tế diễn ra trên diện rộng, vì thế, khối lượng công việc cần giải quyết tại đây để phòng chống dịch hiệu quả và chăm lo tốt cho cuộc sống người dân là rất nhiều. Trong những ngày này truy cập vào trang mạng xã hội (facebook): Tôi yêu phường Chương Dương quận Hoàn Kiếm của Đoàn Thanh niên Công an phường, ai nấy đều cảm nhận được hơi thở cuộc sống dồn dập, dõi theo từng bước chân của các y bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm, của tổ “hậu cần” - tổ cung ứng phục vụ nhân dân khu vực cách ly với các tình nguyện bất chấp tiết trời có ngày nắng nóng đến 38-390C, mồ hôi ướt đầm cơ thể nhưng vẫn cần mẫn, chăm chỉ chuyển từng thùng đồ, gói hàng nông sản thiết yếu đến tận tay người dân…

Những hình ảnh, việc làm đẹp được chia sẻ trên trang facebook “Tôi yêu phường Chương Dương” quận Hoàn KiếmNhững hình ảnh, việc làm đẹp được chia sẻ trên trang facebook “Tôi yêu phường Chương Dương” quận Hoàn Kiếm

Tất cả những hình ảnh chân thật này đã được chính những người dân trong “tâm dịch” ghi lại bằng chiếc điện thoại của mình. Tuy hình ảnh còn chưa thật đẹp, kỹ thuật dựng clip còn ở mức đơn giản nhưng đã mang lại hiệu quả rất cao trong tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống dịch. Nhiều người dân ở đây đã và đang tự nguyện trở thành tuyên truyền viên tích cực, biến những ngày cách ly y tế trở thành những ngày hữu ích và có ý nghĩa hơn. Hay có những người dân thường, cảm động trước sự vất vả, nhiệt tình của Tổ trưởng dân phố, Ban Công tác mặt trận khu dân cư đã tình nguyện sát cánh, tiếp nhận phần việc phù hợp với mình như tuyên truyền, thiết lập, kêu gọi, hướng dẫn người dân trong tổ tham gia nhóm zalo, qua đó, nhanh chóng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người dân để hỗ trợ, giúp đỡ nhanh nhất.

Chị Nguyễn Thị Hoa - người dân ở tổ dân phố 3 chia sẻ: những ngày thường, nhà nào cũng bận bịu vì công việc, gia đình, ít có điều kiện quan tâm kết nối với bà con lối xóm. Tuy nhiên, trong những ngày này, càng khó khăn, tôi càng cảm nhận nhiều hơn tình cảm yêu thương bà con dành cho nhau và cho cộng đồng. Thấy rõ nhất là qua các trang mạng xã hội, trong đó có mạng xã hội của phường, người dân ở phường Chương Dương và các quận, huyện khác, các nhà hảo tâm đang từng ngày kết nối để trao gửi cho nhau những phần quà, tuy nhỏ thôi nhưng thật sự cần thiết trong giai đoạn này như một bao gạo nhỏ, thùng mỳ tôm, một chút rau xanh, thịt lợn…

Chứng kiến các tình nguyện viên của tổ hậu cần rất vất vả, nhẫn nại dầm mình trong nắng nóng và chịu đựng sự khó chịu của bộ quần áo bảo hộ để vận chuyển lương thực cho bà con, người dân trao đổi với nhau công khai trên tinh thần xây dựng, đưa ra giải pháp kịp thời để điều chỉnh việc giao nhận đồ sao cho thật phù hợp để giảm tải công việc cho các tình nguyện viên. Đa phần ý kiến đều đồng thuận, có một số người vẫn còn lo ngại, băn khoăn và chưa thấy thoả đáng, chính người dân thuyết phục, động viên lẫn nhau để đôi bên cùng khắc phục khó khăn trước mắt, cùng nhau vượt qua đại dịch.

Kết nối nhanh chóng các thành viên trong khu phố, trong phường cùng nhiều thông tin, chia sẻ, những góp ý chân thành về những hạn chế, bất cập, mạng xã hội Tôi yêu phường Chương Dương quận Hoàn Kiếm đã trở thành “gia đình lớn”.

Đặc biệt, không chỉ phường Chương Dương, trên địa bàn thành phố đã có 579 nhóm facebook cộng đồng dân cư các xã, phường, thị trấn như vậy được thành lập thông qua một cú pháp chung: “Tôi yêu (tên phường/xã/ thị trấn) + (tên quận huyện, thị xã)” để người dân dễ dàng tìm kiếm kết nối. Tổ chức Đoàn các cấp trong Công an Thủ đô, quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội là đơn vị thực hiện mô hình này.

Nhóm zalo của ngõ 49 phố Tràng Tiền, quận Hoàn KiếmNhóm zalo của ngõ 49 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm

Đến nay, sau vài tháng hoạt động, theo thống kê của Đoàn Thanh niên Công an thành phố, đã có 1,7 triệu lượt tương tác với nhân dân trên các nhóm facebook cộng đồng. Trong những ngày giãn cách xã hội, các nhóm facebook cộng đồng dân cư mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực phục vụ nhân dân, tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương, quy định về công tác phòng chống dịch bệnh đến từng người dân; nhanh chóng phản bác, đính chính thông tin trên không gian mạng, thông tin truyền miệng không chính xác tại địa bàn từng tổ dân phố, thôn, xóm của các phường, xã, thị trấn giúp nhân dân an tâm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Bên cạnh đó, những phản ánh người dân về khó khăn được các lực lượng cố gắng hỗ trợ trong thời gian ngắn nhất.

“Giao liên” trong thời đại 4.0

Không chỉ có mạng xã hội facebook, những ứng dụng mạng xã hội khác như zalo, viber cũng đang phát huy hiệu quả trong việc kết nối, hỗ trợ người dân rất tốt. Hai năm trước, ở tuổi 31, đảng viên trẻ Nguyễn Thị Hương được nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8 phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm với 315 hộ dân và số lượng nhân khẩu lớn: hơn 900 người. Đây là thời điểm dịch Covid -19 bắt đầu xuất hiện và sau đó, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội lần thứ nhất. Để kết nối với người dân không bị đứt đoạn, nhanh chóng truyền tải chủ trương, chính sách về mọi mặt của đời sống, nhất là thông tin phòng chống dịch, chị Nguyễn Thị Hương đã thành lập nhóm zalo có tên gọi là “Tổ dân phố Trung 8”. Đại diện mỗi gia đình cử một người tham gia, đến nay, nhóm zalo của Tổ dân phố số 8 đã có hơn 100 thành viên.

Nhờ vậy, suốt hơn 1 năm qua, những chủ trương chính sách, quy định phòng dịch, chế độ hỗ trợ người dân, các hộ kinh doanh… được truyền tải một cách nhanh nhất, kịp thời nhất để người dân nắm bắt, qua đó góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận để người dân yên tâm, chấp hành nghiêm quy định phòng dịch... Người dân tổ số 8 thường phải đi trồng hoa, đia làm ở đồng xa các xã, huyện lân cận chiều tối mới về nhà nhưng luôn được cập nhật thông tin đầy đủ.

“Thời gian qua, Tổ dân phố đang triển khai đăng ký và phát phiếu tiêm chủng vắc-xin phòng dịch cho bà con, chúng tôi đã gửi thông báo, hướng dẫn để người dân thực hiện. Danh sách đăng ký tiêm phòng được đưa công khai trên nhóm để người dân biết, giám sát” - chị Hương cho biết. Khai thác hiệu quả của công nghệ nên có nhiều thời điểm, công việc của Tổ dân phố rất nhiều nhưng chị Hương vẫn triển khai hiệu quả, vừa phù hợp với điều kiện chống dịch, vừa tiết kiệm thời gian, giấy tờ…

Những ngày này, ở ngõ 49 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, tấm biển “vùng xanh” được đặt ngay đầu ngõ để kiểm soát người dân ra vào khu dân cư, hạn chế tối đa nguy cơ mầm bệnh lây lan từ bên ngoài và lây nhiễm chéo; hàng hoá, nông sản người dân đặt mua được để hết ở bên ngoài. Để thuận tiện cho việc liên hệ, không mất nhiều công sức, thời gian đi lại của các thành viên trực chốt, nhóm zalo chung của ngõ được thành lập với sự tham gia của các thành viên trong 28 hộ dân đang sinh sống. Không chỉ có các bạn trẻ thành thạo công nghệ mới thao tác nhanh các tính năng ứng dụng của mạng xã hội zalo mà các thành viên của chốt trực, đại diện các gia đình trong ngõ là các bác lớn tuổi, cán bộ hưu trí vẫn liên tay bấm máy, soạn tin nhắn, gửi hình ảnh qua zalo để thông báo cho các thành viên khác khi có việc cần.

“Chị H ra cổng ngõ nhận báo”; “Anh B ra đầu ngõ nhận đồ” - là những tin nhắn thường xuyên được bác Hoàng Quốc Hưng, một cán bộ hưu trí cao tuổi trực chốt tại ngõ soạn thảo và gửi vào nhóm zalo. Tuy thao tác chưa thể nhanh như các bạn trẻ nhưng các bác đã làm chủ công nghệ để phục vụ hiệu quả cho công việc xã hội của mình. Như “giao liên” thầm lặng, qua ứng dụng zalo kết nối trong những ngày dịch, dù ở ngõ có nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cùng chung sống, các nhân khẩu làm việc ở nhiều ngành nghề, ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng các thành viên trực chốt nắm rất rõ từng người trong ngõ, ai thì làm nghề liên quan đến lĩnh vực thiết yếu, ai có giấy đi đường...

Với sự nhanh nhạy, kịp thời, thuận tiện trong huy động được sức mạnh của cộng đồng, trên địa bàn TP ngày càng có nhiều khu dân cư, xã/phường, quận/huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc kết nối nhân dân, vừa phù hợp với điều kiện phòng dịch vừa giải quyết tốt, kịp thời công việc; đặc biệt, từ những hình ảnh đẹp được đăng tải trên mạng xã hội đã có “sức mạnh” lan tỏa tình cảm yêu thương, lòng nhân ái, giá trị tích cực của cộng đồng, đẩy lùi tiêu cực, hạn chế.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.