Nỗi đau của người phụ nữ khuyết tật
Không ai mong muốn rơi vào nghịch cảnh, nhưng nếu không may nghịch cảnh đến với mình, chúng ta phải học cách chấp nhận và sống vượt lên nghịch cảnh đó.
Chuyện đã qua gần hai tháng nay, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh tiếng kêu khóc của người phụ nữ gọi điện đến văn phòng tư vấn tâm lý – hôn nhân của chúng tôi hôm ấy.
Như thường lệ, khi nghe tiếng chuông điện thoại đổ, tôi nhấc máy và thưa: “A lô, đây là văn phòng tư vấn tâm lý, hôn nhân, gia đình. Chúng tôi có thể giúp gì cho chị?”. Đầu dây bên kia, giọng người phụ nữ òa khóc, rồi nức nở nói trong nước mắt: “Em khổ lắm các anh các chị ơi. Cứu em với, em chết mất. Sao chúng nó khốn nạn thế, chúng nó có còn là người không hả các anh, các chị? Em đã làm gì nên tội mà ông trời bắt em chịu bao nhiêu kiếp nạn thế này? Em đã hết lòng lo toan cho chúng nó, vậy mà bây giờ chúng nỡ bỏ rơi em, em đang sống trong cô đơn, đói khổ…”. Chuyên viên tư vấn động viên và cũng là ngắt lời:
- Chị ơi, tôi biết chị đang có chuyện không vui, muốn chúng tôi chia sẻ và tháo gỡ khó khăn. Vậy, chị hãy bình tĩnh rồi kể cho chúng tôi nghe, càng chi tiết càng tốt. Chúng ta nói qua điện thoại, chị lại vừa nói vừa khóc, thành ra câu được, câu mất. Chị hãy uống ngụm nước, bình tâm và chúng ta tiếp tục nhé!
Ảnh minh họa
Người phụ nữ vâng vâng, dạ dạ, xin lỗi vì quá đau khổ, không nói được với ai, nay có người quen chỉ cho cách gọi lên tư vấn và cho mượn điện thoại, nên mới kết nối được, nên cứ luống cuống. Tư vấn hỏi han vài câu, cốt để người phụ nữ bớt xúc động và tự tin chia sẻ câu chuyện của mình. Chị kể:
“… Năm nay em 49 tuổi, chồng em 50 tuổi, sống ở tỉnh T, có hai đứa con, con gái đã lấy chồng, có con, nhưng sống ở tỉnh khác. Chồng và con trai đi làm ăn ở đâu em không biết. Gần 2 năm nay không ai hỏi han gì đến em, em sống lủi thủi một mình, dựa vào sự cưu mang của bà con xóm làng và có chút chế độ của người khuyết tật, mỗi tháng được hơn 800 nghìn. Đã hai lần em tự tử, nhưng không thành. Có lẽ trời còn hành em, bắt em phải chịu thêm nhiều khổ nhục nữa.
Cách đây vài năm, gia đình em cũng đông vui, sum họp. Sống ở nông thôn, làm nông nghiệp, nên kinh tế khó khăn. Chính vì thế, cháu gái mới 19 đã lấy chồng, ở riêng, coi như “xong được một đứa”. Thằng con trai của em, cũng vì bố mẹ nghèo quá, cộng với cháu không thích học, nên đã bỏ học, theo bố đi làm ngay sau khi học xong lớp 9. Ruộng nương, cấy cày chẳng được bao nhiêu, nên vợ chồng em theo những người trong thôn đi phụ hồ cho các đội xây dựng, nay Hà Nội, mai lại Hà Giang, Hải Phòng. Tuy làm thợ hồ cũng vất vả, nhưng vợ chồng có nhau. Thằng con cũng được cai thầu nhận vào vừa làm vừa học việc, nên buổi tối cả nhà cũng gặp nhau, ăn uống ngay trong lán trại. Lâu lâu, khi trong họ hay làng có việc gì, vợ chồng chúng em cắt cử nhau về quê để tham gia. Ngày lễ, Tết thì cả nhà về quê, nói chung cuộc sống cũng bình thường và yên ổn”.
Thấy người phụ nữ đang kể, lại ngừng lại, nên chuyên viên tư vấn hỏi chen vào một câu: “Chắc sau đó ông xã nhà chị cặp bồ và bỏ rơi chị à?”. Người phụ nữ cải chính ngay:
- Không phải vậy ạ. Tất cả tại em bị tai nạn lao động cách đây 2 năm. Hôm ấy em đang lúi húi dọn đất, đá, tre, củi ở trên giàn giáo cao, bất ngờ giàn giáo sập, em bị rơi từ tầng 3 xuống đất, bao nhiêu thanh gỗ đè lên người, tưởng chết. Mọi người chạy lại, dỡ củi, gỗ ra để cứu em ra, đưa em đi viện cấp cứu. Em không chết, nhưng bị dập nát hai chân, rồi sau đó phải cưa một chân, em không đi lại được, phải ngồi xe lăn hoặc lê trên đất suốt đời. Chủ thầu có đền bù cho em được ít tiền, chồng em cầm hết, nói rằng để trang trải thuốc men, phẫu thuật cho em. Sau đợt đó em về nhà, không tiền, không thóc gạo, ruộng vườn không làm được nữa. Em chính thức trở thành người khuyết tật. Chồng em cũng về nhà một hai lần, rồi sau đó anh ấy bỏ rơi em, gần hai năm nay không về. Anh ấy còn lôi kéo con trai em đi theo, vào mãi trong Nam làm việc, con em cũng không hỏi han gì đến em. Em chỉ muốn chết để không còn là gánh nặng của ai nữa…
Ảnh minh họa
- Câu chuyện chị gặp nạn, tôi đã nắm rõ – chuyên viên tư vấn nhắc – Nhưng bây giờ tình hình sức khỏe cụ thể của chị ra sao? Chị có tự phục vụ bản thân được không hay có ai giúp đỡ hàng ngày? Tiền hàng ngày sinh sống ai chu cấp? Thật sự khi gọi đến cho chúng tôi, chị mong muốn điều gì nhất?
- Vâng ạ - người phụ nữ tiếp tục câu chuyện của mình – Bên chồng em ít anh em, lại đi công tác xa, nên cũng không ai giúp gì được. Nhà em thì có 4 chị em gái, em là út, các chị ấy cũng lớn tuổi rồi, có chồng con ở các xã trong huyện thôi, nhưng kinh tế cũng không khá giả, nên lâu lâu thương em, đến chơi cho cân cam, chục trứng gà, chứ hơn thì không có. Con gái em lấy chồng, con còn nhỏ, nên cũng không giúp gì được cho mẹ. Các bác ở trên xã thấy hoàn cảnh của em như vậy, thương tình, giúp em được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước, mỗi tháng cũng được gần 1 triệu “tiền lương”. Đây là nguồn sống duy nhất của em, còn nay quả trứng, mai bó rau, con cá, mớ ốc… do mọi người cho, lúc có lúc không... Em không đi lại được, nhưng em ngồi trên cái ghế gỗ thấp, dùng tay hỗ trợ thêm, cũng lê đi lại trong nhà. Tuy khó khăn, nhưng mọi việc như tắm rửa, cơm nước, vệ sinh… em đều tự làm. Em đau khổ là vì chính thái độ của chồng em, con em. Em vì đi làm để có tiền cho gia đình, nên mới bị tai nạn, vậy mà “chúng nó” nỡ bỏ mặc em lúc này. Nhiều khi em nghĩ, chẳng may em chết một mình, thối ra mới có người biết!
Khi đã nắm được chi tiết hoàn cảnh, cũng như nguyện vọng của người phụ nữ, chuyên viên tư vấn trao đổi ngắn gọn:
- Đúng là hoàn cảnh của chị thật đáng ái ngại. Tuy nhiên, chị phải mừng rằng trời cho mình sống, mình còn mắt sáng, tai tinh, còn biết suy nghĩ. Nhiều trường hợp, cũng bị tai nạn, sau đó sống đời sống thực vật, chẳng biết gì nữa, chỉ nằm một chỗ, mọi thứ đều phải có người phục vụ. Thứ hai, đúng là ông xã và các cháu con chị thật vô tâm, thiếu trách nhiệm, có lẽ cũng do túng quẫn, khiến cho con người ta không nghĩ ra được điều gì chu đáo. Tuy nhiên, chị có trách móc, căm giận họ, cũng không làm gì được, bởi tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm nó phải xuất phát từ tâm. Anh ấy và con trai chị cố tình xa lánh, bỏ mặc chị, đây cũng là hành vi “bạo lực gia đình”, chị có thể viết đơn tố cáo, nhờ các cơ quan chính quyền, pháp luật can thiệp, buộc họ có trách nhiệm với chị là việc có thể cân nhắc.
Ảnh minh họa
Thứ ba, việc làm kịp thời của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ chị có chút thu nhập hàng tháng, tạm đủ tiền gạo, rau, là rất quý. Tuy nhiên, cá nhân mình cũng cần có những đề xuất, kiến nghị với các tổ chức khác ở địa phương như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Ban mặt trận, Hội tương thân tương ái… để khi có điều kiện, họ lưu ý đến hoàn cảnh của mình, đưa vào danh sách hỗ trợ đầu tiên. Đừng ngại nhờ bà con lối xóm, chị em gần gũi, thỉnh thoảng qua lại thăm nom, hay giúp mình việc này, việc khác. Đặc biệt, học cách sống tự lập, giữ gìn sức khỏe, có điều kiện thì nuôi con gà, trồng chậu rau, vừa khỏe người, vừa có thêm thực phẩm, thức ăn tự túc. Cố gắng mua hay xin ai đó cái điện thoại rẻ tiền, lưu số điện thoại của những người thân, đặc biệt của hàng xóm, để khi cần có thể gọi nhờ vả.
Cuối cùng, chị có thể nhờ những người thân, quen gọi điện tâm sự với các con của chị, nhắc chúng về cách sống, cách ứng xử của chúng đối với mẹ. Cô con gái đã lấy chồng, có con, không thể lấy lý do nhà nghèo, khó khăn mà không quan tâm tới mẹ. Cậu con trai, dù sao cũng là một thanh niên mới lớn, cũng được học hành, không lẽ vô tâm tới mức không biết mình đang có một người mẹ bị nạn sống vất vưởng ở quê nhà?
Đúng là không ai mong muốn rơi vào nghịch cảnh, nhưng nếu không may nghịch cảnh đến với mình, chúng ta phải học cách chấp nhận và sống vượt lên nghịch cảnh đó.
Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN