Nỗi niềm

Nguyễn Doãn Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thơ Đường vốn là thể thơ cổ, bắt buộc phải tuân theo những quy tắc chặt chẽ, chính vì vậy đòi hỏi người viết phải hiểu biết thông thạo các quy tắc về niêm luật, phép đối, vần điệu... Do đó thể thơ này rất kén người viết, người đọc.

Thấm thoắt thoi đưa bạc mái đầu

Lòng còn khắc khoải những đêm thâu

Chiều thu hụt hẫng mây ngang lối

Sáng hạ chơi vơi nước dưới cầu

Đất khách người thân mờ viễn xứ

Quê nhà bạn hữu biệt ngàn dâu

Ngày mưa tháng nắng bao niềm nỗi

Nhớ mẹ thương cha thuở dãi dầu

                                    Trần Minh Mãi

Nỗi niềm - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Tuy nhiên, thơ Đường vẫn có một sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân, được nhân dân gửi gắm những nỗi niềm về nhân thế và cuộc sống.

Tác giả Trần Minh Mãi hiện là giáo viên dạy học tại Quảng Nam. Ngay từ tiêu đề bài thơ chúng ta đã hình dung, mường tượng ra điều gì đó, nhưng "Nỗi niềm" gì thì tác giả hình như chưa tiết lộ, bởi thế thôi thúc ta đọc ngay vào câu thừa đề:

Thấm thoắt thoi đưa bạc mái đầu.

Câu thơ mở ra một chân lý về sự luân dịch của thời gian. Thời gian trôi nhanh làm cho tất thảy ai rồi cũng trở về già. Đến khi tuổi đã già, ngoảnh lại thấy năm tháng trôi qua như tiếng thoi đưa bằn bặt. Ai mà không hoài tiếc những năm tháng, những buồn vui của cuộc sống đời người đã qua đi? Những nỗi niềm ấy đầy dâng, đầy dâng lên theo năm tháng, trở thành nỗi "khắc khoải” khôn nguôi. Chúng ta sẽ thấy "Nỗi niềm" ấy mãnh liệt, đau đáu hơn ở hai câu sau đây:

Chiều thu hụt hẫng mây ngang lối

Sáng hạ chơi vơi nước dưới cầu.

Mây, nước, phong, hoa, tuyết, nguyệt... vốn dĩ là thi ảnh cổ điển để hồn thơ thi nhân gửi gắm xúc cảm của mình. Ở đây Trần Minh Mãi đã vận dụng hai đối tượng biểu cảm gắn với hai đại lượng thời gian là mùa hạ và mùa thu hết sức tài tình. Hai câu thơ gợi cho người đọc cảm nhận được nỗi lòng "hụt hẫng ", “chơi vơi" thông qua nhịp thời gian chiều thu - sáng hạ.

Nghĩa là nỗi nhớ mong đằng đẵng, dằng dặc cứ liên tiếp từ sáng đến chiều, từ mùa này sang mùa khác. Một dòng sông, một chiếc cầu, một bóng mây trôi ngang trời cũng khiến cho ta trào dâng nỗi niềm hoài vọng về cố hương, nguồn cội mà ta đã cách xa.

Con người ta dù với bất cứ lý do gì khi phải rời xa quê hương để đến một nơi nào đó sinh sống, lòng vẫn hướng về quê cũ. Hai câu luận tác giả không thể giấu được lòng mình nữa :

 Đất khách người thân mờ viễn xứ

Quê nhà bạn hữu biệt ngàn dâu.

Nỗi xa cách mà lòng khôn tả của tác giả cũng là tiếng lòng của bao nhiêu người con xa quê, xa xứ.

Trong nỗi nhớ thương khắc khoải ấy, tâm hồn nhà thơ hướng về hai người thân yêu nhất của mình đó là mẹ và cha. Hai câu cuối kết lại bài thơ bằng nỗi nhớ mẹ thương cha cháy lòng:

Ngày mưa tháng nắng bao niềm nỗi

Nhớ mẹ thương cha thuở dãi dầu.

Khi về già, mấy ai có vinh hạnh được còn cha, còn mẹ! Cha mẹ đã trở thành ký ức không thể nào nguôi quên. Nhất là đối với những người con xa cha mẹ từ sớm. Nỗi nhớ thương ấy luôn ngự trị trong tâm hồn họ, trong thẳm sâu cõi lòng. Và nhớ nhất lại là những năm tháng gian nan cơ cực. Cha mẹ nào không một nắng, hai sương, dãi dầu sớm hôm để gắng gỏi nuôi con khôn lớn trưởng thành. Nỗi nhớ ấy chính là cội nguồn của lòng hiếu đễ với công cha, nghĩa mẹ đã sinh thành dưỡng dục chúng ta.

Lối viết nhẹ nhàng, sâu lắng, chuẩn chỉnh về niêm, luật chặt chẽ, phép đối hoàn hảo ở hai cặp câu thực và luận đã làm nên một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật tuyệt hay. Tác giả khéo léo vận dụng các cặp từ láy: “thấm thoắt”, “khắc khoải”, “hụt hẫng”, “chơi vơi”, “niềm nỗi”, “dãi dầu”... đã lột tả đầy đủ các cung bậc cảm xúc của nỗi lòng một người xa quê nhớ nhung đằng đẵng, trong nỗi niềm khắc khoải ấy, nỗi nhớ mẹ thương cha là trung tâm của mạch cảm xúc, được tác giả dồn nén và bật ra ở những câu chữ cuối cùng của bài thơ.

Bút pháp không có gì mới lạ, lại mang nặng tâm trạng nhớ mong hoài cảm nên giọng điệu có pha chút trầm tư. Song bài thơ thành công ở chỗ chạm được vào sâu thẳm tâm cảm người đọc, nhất là những người đang sinh sống xa quê khắc khoải ngày đêm nhớ thương đau đáu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.