Nữ quyền - Giới và Phát triển

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia sớm tham gia Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) vào năm 1982. Từ đó đến nay, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện Công ước này. Đồng thời tạo được sự thay đổi lớn về nữ quyền, thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Những thay đổi ngoạn mục về nữ quyền

Một trong những tiền đề quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu phát triển và bình đẳng giới chính là công nhận quyền của phụ nữ trong hệ thống pháp luật. Đây chính là công cụ, chế tài để xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, đồng thời công nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ đã được thể hiện trong nhiều văn bản ở nhiều cấp độ và liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, các văn bản quan trọng nhất là Hiến pháp 1992, Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2014), Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Nhờ đó, trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những tiến bộ rõ rệt về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ trong một số lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, lao động, gia đình…

Đánh giá về quyền của phụ nữ Việt Nam trong thời gian qua, bà Elisa Fernandez Saenz (Trưởng đại diện Cơ quan LHP về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam-UN Women) đã hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền cho phụ nữ. Đồng thời, bà Elisa Fernandez Saenz dành lời khen lợi Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý vững chắc về bình đẳng giới thông qua Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, thành tựu của Việt Nam còn được thể hiện ở những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, trong đó có chính trị (lĩnh vực mà phụ nữ có thể đạt được quyền ra quyết định các vấn đề xã hội, để đảm bảo bình đẳng và công bằng hơn cho phụ nữ).

Nữ quyền - Giới và Phát triển - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan TƯ Hội khẳng định thời gian qua, các cấp Hội PN đã tích cực tham gia quản lý Nhà nước thông qua việc kiến nghị lồng ghép giới trong xây dựng chính sách luật pháp ảnh: PNVN

Minh chứng gần đây nhất là Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Chiến lược cũng đã đề ra một số chỉ tiêu mang tính đột phá như: Trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030. Đồng thời, giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện đã được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tại hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2022 với chủ đề “Phụ nữ: Tạo cơ hội trong thực trạng mới” diễn ra vào tháng 6/2022 ở Thái Lan, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân – một trong ba diễn giả chính tại lễ khai mạc hội nghị đã đề xuất bốn nhóm giải pháp tận dụng tiềm năng và vai trò của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó đề cập đến giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận vốn và tri thức số. Đồng thời tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách phát triển. Đẩy mạnh các sáng kiến lồng ghép giới và trao quyền cho phụ nữ trong ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai…
 

Quyền của phụ nữ được nâng cao và bảo vệ nhiều hơn

Theo bà Elisa Fernandez Saenz, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ. Đặc biệt, việc Chính phủ thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và có hiệu lực vào năm 2021 đã bổ sung một số điều khoản nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ. Cụ thể, những quy định từ Bộ luật này đã mang lại những thay đổi tiến bộ như: Thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ xuống còn 2 năm (trước đây là 5 năm); xóa bỏ lệnh cấm phụ nữ tham gia một số loại công việc; hỗ trợ người lao động (cả nam lẫn nữ) trong việc chăm sóc con cái thông qua việc yêu cầu Nhà nước và người sử dụng lao động lập kế hoạch và xây dựng thêm nhà trẻ và các cơ sở chăm sóc trẻ em; đảm bảo quyền bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi dưỡng trẻ em bằng cách cho phép lao động nam có quyền được nghỉ phép khi vợ sinh con…

Nữ quyền - Giới và Phát triển - ảnh 2
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy bình đẳng giới - ảnh minh họa (TTXVN)

Góp phần vào việc đề xuất xây dựng các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới có vai trò không nhỏ của Hội LHPN Việt Nam. Tại hội thảo “Nữ quyền - Giới và Phát triển bền vững” do Hội đồng khoa học TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 19/8 vừa qua, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, Hội LHPN Việt Nam là tổ chức đại diện cho giới nữ, thời gian qua, các cấp Hội PN đã tích cực tham gia quản lý Nhà nước thông qua việc kiến nghị lồng ghép giới trong xây dựng chính sách luật pháp. Các chính sách này đã được đánh giá cao.

Cụ thể, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; bảo vệ thành công dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ”… Đồng thời, trong chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng đã khẳng định vai trò nòng cốt của Hội trong công tác phụ nữ và vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. 

Trước đó, khi tham gia Diễn đàn "Thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Vai trò của các tổ chức phụ nữ" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tổ chức diễn ra sáng 16/8, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cũng đã khẳng định về những chính sách thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam. Bà cho biết: Đảng và Nhà nước luôn coi thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ và thúc đẩy thực thi quyền lợi của phụ nữ, trẻ em gái, tăng cường vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xây dựng hòa bình, an ninh là những chính sách quan trọng. Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh ở các cấp độ, đặc biệt trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong 2 nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.