Nước mắt chảy xuôi bên ngoại

Huyền Thương
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Mẹ ơi ngày mai con tăng ca, mẹ trông hộ con hai cháu, chắc là tối muộn con mới về được. Mẹ cho các cháu tắm, ăn rồi cho đi ngủ trước, đừng đợi con mẹ nhé”.

Hôm nay, khi con gái gọi điện báo phải tăng ca về muộn, nhờ mẹ chăm giúp con, bà Thoan tự nhiên thấy bực bội trong người. Thế là bà xẵng giọng: “Mày bận thì gọi bà nội đến mà trông cháu. Cháu là cháu chung chứ của riêng nhà này đâu mà suốt ngày gọi”.

Con gái bà bị bà trút giận, cứ ớ ra ở đầu dây bên kia. Một lát sau, nó gọi lại cho bà, nói: “Thôi được rồi, nếu mẹ mệt thì để chúng con gửi cháu đi trẻ, ngày mai mẹ cứ nghỉ ngơi không cần trông cháu nữa ạ”.

Nghe con nói xong, tự nhiên bà Thoan lại thấy ân hận. Lúc này, đến lượt bà xuống nước: “Là mẹ tức quá thì nói vậy chứ chúng mày cứ để cháu đó mẹ trông. Lẽ nào bà ở nhà mà để cháu đem đi gửi người ngoài? Đúng là nước mắt chảy xuôi, mẹ đến mệt với vợ chồng nhà mày”.

Cô con gái hiểu tính mẹ nên không tranh cãi nữa mà vâng dạ luôn. Điện thoại tắt rồi, bà Thoan còn nghĩ trong đầu: “Cha bố chị, chị có tiền đâu mà sĩ diện. Gửi con đi trẻ vừa không an tâm, mà người ta còn lấy những 300.000 đồng, rõ là đắt”.

Nước mắt chảy xuôi bên ngoại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thực ra bà Thoan rất thương con, cháu. Con gái gửi con ở nhà cho bà trông như thế chứ có gửi lâu nữa, nhiều nữa thì bà cũng vẫn nhận. Chỉ là bà giận bà thông gia, tiếng là nhà nội mà chả có tý trách nhiệm gì với con cháu.

Nhà chồng của con gái bà đâu có xa xôi gì, cũng đều trong cùng một thành phố, chỉ cách có gần nửa tiếng đi xe máy. Bà bên ấy sinh được hai mụn con, anh con trai là cả. Sau cưới, con gái bà ở chung với nhà chồng, rồi suốt quá trình nó mang bầu cũng rất nhẹ nhàng nên bà thấy mọi việc vẫn rất ổn. Chỉ tới khi những đứa cháu ra đời, theo lý thuyết thì do nhà nội trông nhưng hóa ra không phải.

Ngay hôm đầu đón tay cháu ở bệnh viện, bà thông gia đã có lời nhờ bà đưa con gái và cháu từ bệnh viện về nhà ngoại ở. Bà cứ nghĩ có thể trong tháng đầu bà thông gia muốn con gái bà được mẹ đẻ chăm cho thoải mái nên đồng ý, còn bày tỏ sự cảm kích bà thông gia tốt bụng nữa. Không ngờ, cháu ngoại đầy tháng, rồi tròn 2 tháng, 3 tháng… vẫn không thấy bà nội sang… đón mẹ con nó về nhà chăm.

Thi thoảng, bà nội sang, đùa với cháu độ dăm phút rồi… lại về. Khi cháu tròn 6 tháng, mẹ cháu phải đi làm, bà Thoan đành đặt vấn đề thẳng thắn với thông gia xem từ nay ai sẽ giúp con trông cháu. Lúc này, bà nội cũng đánh bài ngửa: “Báo cáo bà ngoại, bà mát tay thì cứ… trông cháu luôn giúp nhà tôi. Chứ tôi lâu nay chỉ quen ở với người lớn, giờ nhà có thêm trẻ con quấy khóc là tôi không chịu được. Tôi chỉ sang chơi với cháu thôi. Bà không nhận thì tùy, các cháu muốn đem con đi đâu thì đem”. Bà thông gia đã nói trắng phớ vậy thì bà Thoan làm gì có cách nào khác mà từ chối. Không lẽ, bà cũng đuổi con gái và cháu ngoại ra đường để chúng tự lo liệu? 

Bà Thoan không phải là không hiểu chuyện. Cả bà và bà thông gia tuổi đều đã cao, việc trông thêm một đứa trẻ còn trứng nước chắc chắn sẽ mệt. Hơn thế, về lý, con ai sinh ra người đó nuôi, các con không thể bắt ông bà có nghĩa vụ trông cháu nữa. Việc bà nội bọn trẻ từ chối trông cháu cũng không có gì là sai.

Nước mắt chảy xuôi bên ngoại - ảnh 2
Ảnh minh họa

Song, nhìn đi rồi cũng phải nhìn lại, nếu vợ chồng con gái bà có tiền của, ăn nên làm ra mà vẫn ỷ lại vào bố mẹ thì đáng trách. Đằng này, hai vợ chồng đều vất vả, đứa làm công nhân, đứa làm nhân viên, lương tháng ba cọc ba đồng. Chỗ tiền đó, chúng nuôi thân và nuôi con thôi đã vất vả, nói gì đến việc ở riêng, hay là thuê người trông con giúp. Cháu ngoại bà mới có mấy tháng tuổi, nếu đi gửi người ngoài thì cũng chẳng yên tâm. Trong hoàn cảnh đó, các con không bấu víu vào bố mẹ thì còn biết trông cậy vào ai.

Đó là lý do gần 3 năm qua, bà Thoan trở thành ôsin không lương của gia đình con gái. Cuối tuần, các con bà tranh thủ tăng ca làm thêm để kiếm tiền nên cũng gửi con cho bà. Thành thử, bà làm gì có ngày nghỉ. Ban đầu, bà Thoan tính để cho nhà nội trông cháu 2 ngày cuối tuần, còn bà trông từ thứ 2 đến thứ 6. Ấy thế mà bà nội vẫn kiên quyết không nhận. Lý do là bà nói mình vụng về, không biết trông trẻ nhỏ. Rồi bà đang tham gia nhiều hội nhóm, cứ cuối tuần là phải đi sinh hoạt, không trông cháu được. Bà Thoan nghe xong thì tức quá, vì không lẽ chỉ có bà thông gia mới được quyền đi chơi. Bao lâu nay, bà Thoan cũng phải bỏ hết quan hệ với bạn bè chỉ để tập trung trông cháu đấy thôi.

Quyết không thể để cho bà nội “đứng ngoài cuộc”, một lần, bà Thoan lấy lý do bận việc họ hàng phải đi vắng nên gọi điện điều bà nội sang nhà mình trông cháu một lúc. Trong lúc đi, lòng bà vẫn cứ cồn cào, lo lắng không biết cháu ngoại ở nhà với bà nội ra sao. Quả nhiên khi đi về, bà thấy cả nhà như bãi chiến trường. Bà nội thì đang chăm chú ngồi xem phim Hàn Quốc, vừa xem vừa sụt sùi còn kệ cho cháu bò lổm ngổm dưới sàn, mặt mày lấm lem, thích ăn thì ăn, mà không ăn thì nhịn. Thấy bà nội trông cháu như vậy không ổn, bà Thoan lại đành nhận hết việc với sự ấm ức trong người.

Nước mắt chảy xuôi bên ngoại - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mỗi năm, hai đứa cháu ngoại thêm lớn khiến sự tất bật của bà Thoan càng nhiều hơn lên. Ngoài cho ăn, bà còn lo đưa đón cháu đi học, rồi dạy bảo cháu lời ăn tiếng nói. Bà nội bọn trẻ vẫn chỉ thi thoảng sang chơi cho cháu đỡ… quên mặt mình rồi lại tểnh tênh đi về. Thậm chí, bà còn tuyên bố cứ để hai con ở hẳn bên ngoại cho tới khi các cháu lấy vợ, lấy chồng cũng được. “Tôi không nề hà việc con trai đi ở rể. Vì thế, bà cứ giữ các con, cháu quanh mình cho nhà cửa đông đúc. Tôi quen ở một mình, nhà cửa rộng rãi, thoáng mát rồi, có thêm người giờ lại không chịu được”, bà nội nói.

Cách đây hai năm, đến lượt cô con gái của bà thông gia đi lấy chồng, bà Thoan rất tò mò xem lần này thì liệu có phải “cháu bà nội, tội bà ngoại” không. Ấy vậy mà tuyệt nhiên không. Con gái vừa sang nhà chồng, bà thông gia lại đã ra tối hậu thư với con gái: “Bước chân đi cấm kỳ trở lại, bà chỉ đón con cháu về chơi thôi, chứ không đón về ở hẳn. Khi nào con sinh con thì… con cứ ở lại nhà nội để bà nội trông chứ bà không trông”.

Và thế là với cái lý đó, bà thông gia thoát đủ cả 4 lần trông 4 đứa cháu nội, ngoại. Nếu mà bảo phải trông cả ngày, chăm cả đêm đã đành, đằng này, đố con nào nhờ được bà trông dù chỉ mươi phút. Bà thông gia chỉ vui vẻ khi các cháu đã sạch sẽ tinh tươm, ăn no, cười tươi ngoan ngoãn. Còn chỉ cần cháu khóc, mệt, hay là muốn đi vệ sinh là bà sẽ… gọi người đến xử lý ngay vì bà không chịu được bẩn.

Thôi thì cũng là mỗi người mỗi tính, chẳng trách được gì. Bà Thoan chỉ ước giá như bà thông gia biết nghĩ cho các con hơn và chia sẻ trách nhiệm trông cháu sẽ không làm một bên nào quá nặng gánh.

Với bà, ngay từ hôm nay, bà có thể trả cháu ngoại cho các con và yêu cầu chúng tự lo, nhưng cứ nghĩ đến việc các con đang phải vất vả mưu sinh, căn cơ từng đồng tiền lẻ một là bà lại gắng gượng. Thôi thì nước mắt chảy xuôi, tiếc là chỉ có xuôi bên ngoại mà bà nội thì vẫn… vô tư lự.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.