Nước mắt của bà nội

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau khi bố mẹ ly hôn, tôi theo mẹ dọn ra khỏi nhà của bà. Ngày chúng tôi đi, bà nội chạy theo sụt sùi: “Mẹ xin lỗi con và cháu. Lỗi là tại mẹ không biết dạy con mẹ. Với mẹ, con vẫn luôn là con dâu của mẹ. Sau này con cho cháu thường xuyên về nhà chơi với mẹ nhé”.

Bà nội cứ nhắc đi nhắc lại câu “sau này con cho cháu thường xuyên về nhà chơi với mẹ”. Rồi bà quay sang ôm lấy tôi: “Bà nhớ cháu gái lắm, cháu yêu của bà”.

Năm đó tôi đã học lớp 10 nên đủ hiểu hết những gì diễn ra, nhất là lý do vì sao mà gia đình tôi phải ly tán. Bố tôi, một người đàn ông luôn thèm khát con trai đã cặp bồ ở bên ngoài. Sau khi người đó có bầu con trai, bố đã dẫn về nhà ra mắt.

Phản ứng của bà nội là không chấp nhận cô con dâu từ trên trời rơi xuống ấy. Bà luôn nói chỉ công nhận mẹ tôi là dâu và tôi là cháu chính thức thôi. Bố tôi thì đổi lỗi cho mẹ mắc bệnh vô sinh thứ phát không sinh thêm được con trai nối dõi nên mới buộc phải kiếm con bên ngoài. Bố nói kiếm con trai cũng vì gia đình, vì bà nội. Sau này cháu trai sẽ lo việc thờ cúng tổ tiên thay bố. Bà tôi giận lắm, cầm chổi đuổi bố ra khỏi nhà. Bà bảo bà không cần người thờ cúng kiểu thế. Nhà này cháu gái cũng được yêu thương như cháu trai. Đường cùng, bố liền mang cái thai trong bụng người phụ nữ kia ra để đánh vào lòng thương cảm của bà.

 “Mẹ không công nhận cô ấy là dâu con thì cũng không thể ngó lơ cháu trai. Dù gì thì thằng bé vẫn là máu mủ của nhà mình”.

Nước mắt của bà nội - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mẹ tôi là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết mình vì gia đình nhưng cũng có lòng tự trọng cao. Mặc cho bà tôi khuyên mẹ đừng suy nghĩ và không phải đi đâu cả, mẹ vẫn quyết định ly hôn. Mẹ dắt tôi đi với hai bàn tay trắng mà không màng tới việc đòi chia tài sản trong hôn nhân.

Chúng tôi dọn đến căn nhà trọ trong xóm lao động. Mẹ cố gắng không để việc ly hôn làm ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi. Hàng ngày, mẹ vẫn đưa tôi đi học, tối đến mẹ nấu cơm cho tôi ăn. Vì trước đây bố tôi vẫn thường xuyên vắng nhà, chủ yếu tôi ở cạnh mẹ và bà nên bây giờ, nhà dù vắng bố tôi vẫn không thấy sốc lắm. Bà nội sau đó rất thường xuyên qua lại thăm hai mẹ con tôi. Lần nào qua bà cũng mang nhiều quà bánh. Bà còn tự tay nấu đồ ăn, rồi đi chợ cho hai mẹ con tôi. Bà dặn dò mẹ và tôi rất kỹ, rằng phải cố gắng sinh hoạt, ăn uống điều độ để giữ sức khỏe, cần cứ gọi cho bà.

Mẹ tôi cảm ơn bà nhiều, nhưng mẹ xin bà không cần qua lại nhà hai mẹ con tôi nhiều. Giờ đây bố tôi đã có gia đình mới nên mẹ không muốn chúng tôi cản trở cuộc sống của bố và bà. Bà lại gạt nước mắt gật đầu, rồi bà bùi ngùi xấu hổ lắm vì bố tôi tệ bạc, ruồng rẫy vợ con.

Từ đó, cứ cuối tuần là mẹ nhắc tôi về thăm bà. Để tránh phiền hà mẹ không trực tiếp đèo tôi đến mà gọi grab đưa tôi đi. Song, mỗi lần đến nhà của bà và bố, tôi không thấy thoải mái lắm vì có cảm giác vợ mới của bố không thích sự hiện diện của tôi. Vì có bà nên dì cố gắng giữ không khí hữu hảo chứ cái cách dì lạnh te nhìn tôi hoặc là đáp lại tiếng chào của tôi một cách miễn cưỡng là tôi hiểu tất cả.

Bà tôi chắc cũng biết nên một lần, bà bảo thôi, tôi bận học thì cứ tập trung lo học hành. Nếu nhớ cháu thì bà sẽ chủ động qua thăm tôi. Thế là khi thì bà nhờ người đèo đến cổng trường để tranh thủ gặp tôi lúc tan học. Khi thì bà đợi gặp tôi ngoài đầu ngõ vào nhà trọ. Lần nào gặp, bà vẫn giữ thói quen mang cho tôi rất nhiều quà.

Bẵng đi một thời gian, tôi không thấy bà đến thăm nữa. Tôi đoán chắc là bà đang bận giúp vợ mới của bố trông nom em trai cùng bố khác mẹ với tôi. Nhưng rồi một ngày kia, bỗng bà gọi cho mẹ tôi nói: “Vợ chồng bố nó đem con về ngoại chơi dài ngày rồi. Hai mẹ con qua đây chơi với bà đi. Nhà giờ chỉ còn mỗi mình bà nên không có gì ngại cả”. Mẹ tôi vẫn từ chối thì bà mới đành thú thật lý do: “Mẹ bị ngã rạn xương, phải bó bột cả tháng nay. Giờ mẹ mới túc tắc đi lại được nhưng vẫn chưa đi xa được. Mà mẹ thì nhớ cháu quá rồi”. Nghe vậy, mẹ tôi hốt hoảng vội đưa tôi đến thăm bà ngay.

Chúng tôi thực sự cám cảnh khi bà bị vậy mà bố và vợ mới vẫn dọn về ngoại, để cho bà tự lo thân mình. Gặp mẹ tôi, bà nội không chia sẻ nhiều, nhưng không kìm lòng được nên đã kể cho mẹ đôi chút. Rằng bà buồn vì dâu mới không biết ứng xử, cậy thế có con trai mà nhảy lên đầu lên cổ mọi người. Bố tôi giờ cũng vất vả, bị vợ coi thường mà vẫn phải nín nhịn vì sợ mất con trai.

Nếu bố tôi chỉ ly hôn mà chưa cưới vợ, chắc chắn mẹ sẽ đón bà nội về nhà trọ để chăm bà. Nhưng bây giờ, mẹ không tiện để làm việc đó nữa nên giao lại việc qua lại chăm bà cho tôi. Mẹ còn bảo trong thời gian bà ở nhà một mình, hàng ngày mẹ sẽ nấu đồ bổ rồi cho tôi mang qua, bà phải cố gắng ăn hết cho lại sức.

Trước lúc chúng tôi rời đi, bà ôm chầm lấy mẹ, lại khóc một trận lớn. Bà cứ một hai xin lỗi mẹ. Bà nói thôi thì “con dại cái mang”, bố tôi tự phá bỏ hạnh phúc của mình còn đẩy bà vào thế khó. Rồi bà từ từ lấy từ trong túi ra một chiếc túi đỏ, bảo mẹ phải đồng ý thì bà mới thôi khóc. Mẹ tôi đành gật đầu.

“Mẹ chẳng có gì nhiều ngoài mấy chỉ vàng này, mẹ cho con để con lo cho cháu. Mẹ thương con và cháu nhiều lắm”.

Hai mẹ con tôi cùng ôm lấy bà. Hơn bao giờ hết, tôi thương bà nội vô cùng. Tôi ước, giá như trước khi bố tôi làm điều sai trái chỉ vì thèm khát con trai, nếu bố không nghĩ cho tôi và mẹ thì hãy nghĩ cho bà. Bố có biết là bố đã làm cho bà tôi buồn đến thế nào không?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.