Phụ nữ đừng chạy theo những drama

Chia sẻ

Hôm vừa rồi, tôi thậm chí đã phải ăn tối khá muộn để dành thời gian lên mạng đọc về khái niệm có tên là “drama”. Nhớ ngày còn là sinh viên, vì lo lắng cho kỳ thi hôm sau, tôi đã từng đọc một cách hốt hoảng như thế khi gặp một khái niệm mà mình hoàn toàn chưa thể hiểu nổi.

Ngày đó tôi lo sợ mình sẽ thi trượt, còn hôm nay tôi lo mình bị lạc điệu trước nhịp sống được dẫn dắt bởi mạng xã hội. Liệu sau những “drama cẩu huyết”, “drama queen” sẽ còn những drama gì nữa trong một xã hội ảo nhưng thật sự đang chi phối cuộc sống thật của chúng ta trong đó có số đông là chị em phụ nữ? Có không ít chị em đang sử dụng mạng xã hội bằng một cách khá lạ lùng.

“Drama” theo tiếng Anh là “kịch”, chỉ những câu chuyện có nội dung gay cấn, hấp dẫn, giàu kịch tính. “Drama” dùng trên mạng xã hội hôm nay là để ám chỉ những chuyện bất ngờ, kịch tính, gay cấn...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chẳng cần phải đẹp và nổi tiếng như cô ca sĩ nào đó vừa phải đóng facebook để tránh thị phi bởi những cụm từ “anh em họ nương tựa” hay “phong sát”, nhiều chị em cũng đang bị cuốn vào hội chứng drama của chính cuộc đời mình. Cũng phải nói thêm rằng, sẽ là bất công nếu ôm đồm tất cả giới nữ ngày hôm nay vào khái niệm “chị em” truyền thống ấy. Nếu phụ nữ của thế hệ 7X, 8X có cách suy nghĩ, cách nhìn khá trầm tĩnh, thận trọng trước mọi việc trong cuộc sống thì thế hệ các bạn 9X ngày nay rất khác biệt, họ mạnh mẽ, sôi nổi nhưng cùng với đó lại dễ nông nổi, dại dột. Bởi lẽ, họ được lớn lên trong bối cảnh khi mạng internet đã xuất hiện, công nghệ đã lan toả đến các vùng miền, thay vì tạo ra mối quan hệ trực tiếp với hàng xóm, láng giềng, bạn bè đồng học, đồng nghiệp… họ thiết lập một xã hội ảo, xã hội dư luận và trực tiếp chịu sự chi phối của xã hội đó.

Ngày nay, một cô gái 9x sống trong khu phố, khu trọ đã có gia đình chưa? Còn giữ được quan hệ hôn nhân hay không thì chỉ… mạng xã hội biết chứ không phải là những người sống quanh họ. Nhiều khi, chính cha mẹ của họ còn không rõ vì sao con cái mình lại ly hôn, lại bị đánh ghen, lại sa vào vòng lao lý. Nhưng ngược lại cư dân mạng lại chẳng có gì bất ngờ. Người ta có thể kể vanh vách “em đấy”, “đứa đấy”, “con bé đấy” như thế này như thế kia…

Hôm rồi, ngồi ăn trưa với mấy đồng nghiệp trẻ trong cơ quan, tôi được một phen mở tầm mắt thật sự. Các bạn trẻ hỏi tôi tối qua đã xem drama của khu phố này chưa? Thấy tôi ngơ ngác không hiểu gì, các bạn liền kể rằng: có một cô gái trẻ tên D ở con phố này, khá xinh đẹp nhưng vừa “bị đánh” sau khi dám “ghen ngược”. Chuyện là D vốn chỉ là một cô bồ nhí nhưng đã dám ngang nhiên khiêu khích chính người vợ của anh tình nhân. Thấy người này im lặng (không rõ vì chị vợ đó đang tính toán kế sách hay cố gắng nín nhịn giữ hạnh phúc gia đình), D càng tỏ ra quá đáng khi lên mạng bêu riếu chị ta với lời lẽ xúc phạm. Đến khi, chị vợ không thể kiềm chế được nữa, liền huy động người thân kéo đến, đánh và có những hành động khá tàn độc nhằm huỷ hoại nhan sắc và danh dự của D. Nhanh như chớp, chuyện của D được up lên facebook, thu hút sự quan tâm của giới trẻ như một nhân vật trong… “huyền thoại”. Cho đến nhiều ngày sau khi ra đường, vào quán café… tôi đều thấy các bạn gái trẻ nhắc đến D là nhân vật “đình đám”.

Chuyện những cô gái như D cũng không có gì lạ. Nhiều phụ nữ ngày nay sau khi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác còn ngang nhiên xúc phạm người vợ và phải đón nhận những kết cục không tốt đẹp gì. Đó luôn là kết cục bất hạnh của những người vì nhiều lý do là nhắm mắt làm “người thứ ba” sai trái. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cổ suý cho việc làm thiếu tôn trọng pháp luật của người vợ kia, nhưng đó là câu chuyện khác. Điều mà người viết quan tâm lại là từ phía những những người đang bàn luận, những “tác nhân” không nhỏ tiếp thêm dầu vào lửa vào các drama.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhớ có lần, tôi được anh bạn kể cho nghe câu chuyện khá thú vị. Anh bảo: “Ông có biết hôm qua tôi gặp hai gã đang cà khịa đánh nhau và tôi can họ bằng cách nào không?”. Tôi đã đưa ra các dự đoán của mình nhưng anh ta đều phủ nhận: “Không phải những cách đó, mà là tôi lẳng lặng đi qua rồi nấp một chỗ quan sát và kết quả là hai gã đó… nản. Họ chỉ hung hăng khi có người xem, chứ một khi không có “khán giả”, sẽ chẳng tay nào hùng hổ nữa, đó là quy luật ông ạ”. Tôi ngẫm ra cũng đúng. Cũng trong bữa cơm vừa kể trên, mấy bạn trẻ đã cho tôi xem những lời bình luận dưới những bài viết trên trang cá nhân khiêu khích người vợ tình nhân mà D đã đăng lên. Chính những “khán giả” đó đã khiến D được “khích lệ”, thấy mình như một “ngôi sao”, thấy mình có sức mạnh và cố tạo ra một phi vụ thật đình đám. D đã đánh cược cuộc sống và có lẽ cả sinh mạng của mình cho drama ấy. Sống theo kiểu drama để cộng đồng phải “hít hà” drama của mình âu cũng là xu thế của không ít bạn trẻ hiện nay. Đặc biệt là phái nữ, họ rất dễ rơi vào drama bởi bản tính yếu đuối, muốn chia sẻ, muốn được cổ động… của mình.

Dù biết rằng trong cuộc sống luôn có những sự việc, hành động nhiều khi khiến chúng ta ức chế như vay nợ không trả, nói xấu, giành giật tình yêu… nhưng có lẽ không gì bằng chúng ta hãy bình tĩnh và giải quyết sự việc một cách êm thấm, hợp tình hợp lý và tôn trọng pháp luật. Là người trong cuộc hẳn ai cũng có sự búc xúc thậm chí sẵn sàng “ăn tươi nuốt sống” kẻ khác cho hả dạ. Tuy nhiên, sau cơn thịnh nộ đó, người phụ nữ vẫn cần sự tỉnh táo của lý trí để biết rằng: người bình tĩnh, khôn khéo dù chịu thiệt một chút nhưng sẽ được cái lợi lâu dài ấy là hình ảnh con người mình trong mắt người khác. Không ai có thể bị hủy hoại bởi một lời nói xấu, bởi một món nợ, một người tình phụ bạc sau lưng mình.

Người phụ nữ đẹp chính là người thông minh biết tỉnh táo thoát ra ngoài vòng xoáy drama vô hình để không bị rơi vào những bi kịch từ cách ứng xử trong cuộc sống. Hãy sống vì mình, vì tương lai cũng như đừng quá hiếu kỳ can dự vào cuộc sống riêng tư của người khác rồi vô hình trung trở thành “khán giả” tiếp tay cho những hành động xấu như thế…

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.