Phụ nữ không làm việc nhà thì làm gì?

Chia sẻ

Mấy ngày nay, lên mạng, thấy nhiều chị em chia sẻ lại bài viết trên tường facebook của MC Trác Thúy Miêu: “Để yên cho tôi làm đàn bà”, trong đó không ít người đã có những lời rất nặng nề với nghệ sĩ này, cho rằng, MC đã cổ vũ cho tư tưởng trọng nam khinh nữ, rằng phụ nữ hiện đại có rất nhiều việc phải làm, chứ không phải chỉ gắn liền với gian bếp.

Tôi bỗng nhớ lại kỷ niệm một lần tới thăm một người chị họ. Tôi đã sửng sốt khi thấy cô cháu gái, con người chị, học lớp 12, khi chuẩn bị đi tắm, đã hồn nhiên tụt chiếc quần lót xuống chân, để nó rơi trên sàn, trước mặt khách, rồi bước đi.

Có lẽ, thấy vẻ mặt bối rối của tôi, người chị họ giải thích: “Ôi, con bé này nó học trường chuyên đấy, nó học giỏi lắm, nhưng ngố lắm, không biết làm việc nhà hay ý tứ gì cả. Tuổi này nhưng đã biết nấu cơm đâu. Sáng ra ăn gì cũng toàn mẹ nấu. Đến úp bát mì tôm cũng không biết úp, chị cũng không cho nó làm, sợ nó bị bỏng. Ôi dào, thế hệ chúng nó chỉ cần học giỏi. Sau này, đi làm nhiều tiền, thì lại thuê giúp việc. Không cần phải làm”. Chị vừa nói vừa cười, trong giọng nói không giấu được sự tự hào trước cô con gái giỏi giang và “không biết làm gì” của mình.

Dịp Tết về quê, hỏi về cháu, giọng chị họ buồn buồn: “Nó ly hôn rồi. Tại thằng chồng cũng hơi kỹ tính, mà con nhà mình lại vụng, con cái, nhà cửa không quán xuyến được. Nhà có giúp việc nhưng vẫn rối ren hết cả lên. Cãi nhau, cháu thì cô lạ gì, nó bướng. Không hòa hợp được, thế là ly hôn. Chị cũng buồn lắm”, chị chia sẻ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mỗi dịp đến các ngày kỷ niệm liên quan đến phụ nữ, chủ đề về nữ quyền, bình đẳng lại rộ lên, thành đề tài bàn tán sôi nổi. Vậy, là phụ nữ có nhất định phải biết nấu ăn không?

Thực tế, nếu như đàn ông nói rằng, “là phụ nữ không biết nấu ăn thì làm được gì”, thì đúng là khiến các chị em “nhảy dựng” lên, bực mình thật.

Vì, cũng làm công sở 8 tiếng như nhau, thậm chí, nhiều người phụ nữ còn đảm đương những chức vụ ngoài xã hội, công việc rất vất vả, vậy mà khi về nhà, chồng lại được khểnh chân nằm đọc báo, xem tivi, còn chị em lại tất bật với cả núi việc nhà, với bếp núc, điều đó có công bằng không?

Hay mỗi buổi chiều, các quán bia đông chật khách nam, những tiếng dô, dô liên tục, những gương mặt đỏ bừng bừng, tiếng cười, tiếng “chém gió” rôm rả… Trong khi đó, bà vợ của các đức ông chồng này đang ở đâu? Có phải đang loay hoay với một đống việc nhà, con cái, cơm nước… mệt đứt hơi?

Hay những bữa cỗ ở quê ê hề rượu thịt. Ăn xong, bát rác vứt ngổn ngang. Lại chỉ có các chị em dọn dẹp, lau rửa. Các anh thì ra bàn uống nước chè, ăn hoa quả. Ngay cả hoa quả cũng do người phụ nữ gọt sẵn, bưng lên. Có anh bác sĩ tâm sự, anh sợ về quê ăn cỗ. Bởi không chịu được cảnh ăn xong để chị em phụ nữ phục vụ, còn mình ngồi như bề trên. Anh có muốn làm giúp cũng không ai cho anh làm.
Nếu trong những hoàn cảnh đó, các anh nói rằng, “phụ nữ không biết nấu ăn thì làm được gì?”, thì có lẽ, không một người phụ nữ nào lại không “nổi điên”. Cùng là con người, cùng làm việc, cùng có trách nhiệm trong gia đình, sao người phụ nữ lại phải gánh vác thêm việc nhà, nấu nướng?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế nhưng, tạo hóa sinh ra âm dương, sinh ra giống đực, giống cái, ra đàn ông, đàn bà. Tạo hóa cho người phụ nữ có chức năng sinh nở, cho người phụ nữ hai bầu sữa… Phụ nữ gắn liền với mái ấm, sự săn sóc, ấm áp.

Cái câu nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” chẳng phải là trọng nam khinh nữ, phân biệt giới tính, mà thể hiện cái thuận theo tự nhiên, thuận theo tạo hóa. Trong đó, vai trò của người mẹ, người cô là sự vun vén, thắp lửa để ngôi nhà thành tổ ấm. Một ngôi nhà có thể đẹp, khang trang, người giúp việc đủ cả, nhưng thiếu bàn tay, hơi ấm của người phụ nữ, thì đó chưa phải là tổ ấm.

Cứ tưởng tượng vào một ngày nghỉ, hay lúc đêm ôn thi học bài đói bụng, khi con thèm một một món ăn nào đó, bàn tay mẹ chuẩn bị nấu nướng, những gương mặt trẻ háo hức vừa ăn vừa khen mẹ là tuyệt nhất… Đó là điều mà người giúp việc hay những món ăn nhà hàng không đem lại được.

Hoặc chưa nói tới lúc khỏe mạnh, những khi trái nắng trở giời, với người bạn đời, được một món ăn ngon do chính tay vợ nấu, thì cũng là điều sẽ khiến các anh cảm động.

Phụ nữ, không phải biết nấu ăn để phục vụ, hầu hạ người khác. Mà biết nấu ăn để vun đắp cho chính tổ ấm của mình.

Rất nhiều người con khi lớn lên, nhớ về ký ức tuổi thơ, đã luôn nhớ tới món ăn ngon mẹ nấu.

Vậy, đó có phải là điều thiệt thòi, mất mát của phụ nữ hay không? Hay đó là điều khiến những người mẹ cũng rưng rưng, xúc động?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Phụ nữ có thể lái xe, phụ nữ có thể sửa điện nước, phụ nữ có thể vác nặng…

Nhưng nếu có đàn ông ở bên, các anh sẽ không để cho người phụ nữ của mình làm. Còn nấu cho con bát cháo nóng, sắm sửa một món ăn ngon cho cả gia đình, đàn ông cũng làm được, nhưng bàn tay mẹ vẫn có cái khéo léo, dịu dàng, mà đàn ông không có được. Đó là trời đất đã sinh ra vậy.

Thế nên, đừng để phụ nữ không bị áp đặt vào những “tiêu chuẩn” phụ nữ nữa. Phụ nữ sẽ thực sự là phụ nữ nếu có sự yêu thương, chia sẻ từ một nửa của mình, để mọi việc không là gánh nặng, đổ dồn lên vai một người.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.