Phụ nữ mèo con hay sư tử

Chia sẻ

Lắm lúc nghĩ lại quãng đời sinh viên, tôi vẫn thích thú với câu chuyện vui của một thầy giáo khá hóm hỉnh.

Chuyện là hôm ấy đúng vào ngày 7/3, tức là một ngày “nóng” khủng khiếp với lứa tuổi đang yêu. Các cô gái thì thấp thỏm chờ những bó hoa, món quà của các bạn trai. Các chàng thì lo âu không biết món quà của mình có được nhận hay không? cô lớp phó mạnh dạn đứng lên đề nghị với thầy:

- Thầy ơi, hôm nay là 7/3, ngày dành cho những người đang yêu, lại là “thứ Sáu máu chảy về tim”, thầy cho lớp nghỉ sớm hơn một chút được không ạ?

Thấy cả lớp đồng thanh hùa theo ý tưởng của lớp phó, thầy giáo đợi cho lắng xuống mới nói:

- Ờ, thầy hiểu rồi, tuổi trẻ là tình yêu, đúng thế. Những cô “mèo con” hãy tận dụng quãng thời gian vàng ngọc này nhé, chứ không mai kia, “nó” khác đấy, không có gì là mãi mãi đâu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cả lớp tôi lại được một phen “ồ” cả lên vừa bất ngờ đầy háo hức:

-“Nó” là ai vậy thầy? Chúng em chưa có “nó”, thầy cứ bắt học mãi là ế cả lũ ra đấy.
Thầy tôi bảo:

- Giờ thì “nó” nịnh ngọt ngào lắm, nào là: “Em là vầng trăng của anh, em là mèo con của anh”. Sau này bước vào cuộc sống vợ chồng hễ trái ý là “nó” đấm cả mèo con, cả “vầng trăng” sưng mặt lên đó…

Một lần hội ngộ, tôi đem chuyện xưa ra kể rồi hỏi các bạn nữ trong lớp, các bạn bảo với tôi: Giờ chúng tớ là sư tử cả rồi, đâu còn đứa nào là mèo con nữa. Cả hội nghe xong đều cười ồ lên vui vẻ nhưng khi nhìn những nếp nhăn đọng lại sau nụ cười của một lứa đang bước vào tuổi trung niên, tôi thoáng chạnh lòng. Có cái gì đó ngậm ngùi chua chát. Chỉ một câu nói đùa, chỉ là chuyện hai con vật biểu tượng mà gợi ra nhiều điều suy cảm trong cuộc đời này.

Trong đời người phụ nữ có thể chia ra thành ba quãng thời gian khác nhau. Thời thơ ấu sống trong gia đình cùng bố mẹ là lúc có thể học hỏi, tích luỹ những phẩm hạnh, những điều cần cho cả một đời người. Giai đoạn thứ hai là khi đã lớn, đi học, đi làm, biết lựa chọn công việc, lối sống, hôn nhân. Sự lựa chọn ấy rất quan trọng bởi nó quyết định đến tương lai, số phận của mỗi người. Đặc biệt ở các nước Á Đông, phụ nữ lấy chồng thường phải theo chồng, việc đi làm hay bất cứ một sự việc trọng đại nào cũng phải hỏi ý kiến chồng. Giai đoạn thứ ba là khi đã có gia đình, tạo lập cuộc sống bên người chồng và nuôi dạy con cái, gây dựng cơ nghiệp cho mai sau… Ba quãng thời gian đó cũng là hành trình khiến tính cách của phụ nữ thay đổi. Từ một cô gái nhút nhát, rụt rè, thụ động đến sự mạnh mẽ, cương quyết, thậm chí là gai góc, nanh nọc, đúng như câu ví von vui miệng mà bạn bè tôi thường nói: “Sự tiến hoá từ mèo đến sư tử”. Câu nói đó tuy có vẻ bông đùa nhưng lại khá chính xác, nó khái quát một quy luật tâm lý của người phụ nữ trong việc dạy con, giữ chồng, bảo vệ tổ ấm và hạnh phúc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Còn nhớ cách đây vài năm, khi xem bộ phim Hai trái tim vàng chiếu trên VTV, tôi rất thích thú với nhân vật Thu Huyền (do diễn viên Phương Anh thể hiện). Từ một cô gái quê vừa học xong lớp 12, Huyền trở thành người vợ của một anh chàng đã ngoại tứ tuần (nhân vật Quang Thắng - do diễn viên Công Lý thể hiện), làm ở một viện nghiên cứu. Trước khi bước vào hôn nhân, hai người chưa có thời gian tìm hiểu, yêu đương. Ban đầu Huyền khá rụt rè, e ngại và có phần bị chồng lấn lướt nhưng sau này cô dần lấy lại được vị thế. Cô biết khéo léo điều chỉnh để thay đổi con người của Thắng. Nhiều khi, Huyền cũng tỏ ra ghê gớm mạnh mẽ ghen tuông… nhưng tất cả đều vì hạnh phúc… Chắc hẳn người viết kịch bản, đạo diễn và bản thân diễn viên Phương Anh đã thấu hiểu những vấn đề của cuộc sống gia đình nên mới có thể tạo ra được những tập phim hấp dẫn như thế. Người phụ nữ hiện đại luôn phải chủ động trong việc giữ gìn hạnh phúc, họ có quyền được quyết liệt như thế chăng?

Nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn không tin là tất cả “mèo con” đều phải trở thành “sư tử”. Không phải lúc nào phụ nữ cũng cần thể hiện sự quyết liệt bởi chính người chồng của họ luôn cần một người vợ dịu dàng. Năm tháng có thể khiến nhan sắc, sự trẻ trung phai nhạt nhưng còn đó tính cách - vẻ đẹp tiềm ẩn đầy hấp dẫn những người đàn ông chúng tôi. Vẻ đẹp đó mới bền vững.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Càng trải qua cuộc sống hôn nhân, chúng ta càng nhận ra sức mạnh của một thứ “quyền lực mềm” đó là tình cảm, là nghĩa vợ chồng thay vì nhưng lý lẽ như sự quy định của luật hôn nhân, hay các phép tắc trong gia đình. Khó ai có thể kiểm soát vợ hoặc chồng mình trong từng thời điểm, trong từng ý nghĩ của nhau được. Một người vợ ghê gớm, nanh nọc quá cũng khiến người chồng thấy cuộc sống bí bách, ngột ngạt, thấy người bạn đời không có lòng tin ở mình. Nhưng ngược lại, nếu cô ta quá ngu ngơ, khờ khạo cũng dễ bị chồng qua mặt hay bày những trò gian trá sau lưng. Nếu phụ nữ biết biến sức mạnh của tình cảm vợ chồng gần gũi, của sự chăm sóc, quan tâm từ những điều nhỏ nhất thành thứ “keo” gắn kết sẽ khiến chồng nể phục, vượt qua được sự cám dỗ của ái tình, tiền bạc mà chuyên tâm vào chăm sóc vợ con.

Phụ nữ luôn băn khoăn với những câu hỏi: Liệu mình có nhiều lời, có đanh đá, có quá đáng với chồng con mình quá không? Dường như chính họ cũng nhận ra điều ấy xong lại tự nhủ: Không thế thì sao giữ được gia đình, sao có thể giữ được quyền chủ động? Càng có tuổi, càng cảm nhận được sự yếu thế về nhan sắc, phụ nữ càng biết gia tăng uy lực của lời nói, của việc làm. Bởi thế, nếu sống với người vợ không phải lúc nào cũng mềm mỏng, người chồng cũng nên hiểu và thông cảm bởi có lẽ đằng sau những hành động khá “sư tử: đó chỉ là một tình yêu dành cho chồng con vẫn rất… “mèo con”. Và có lẽ, việc những cô mèo con ấy có thành sư tử hay không còn phụ thuộc cả vào sự chân thành, chung thủy, sự nâng niu, trân trọng từ những người đàn ông.

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.