QUÁ KHỨ ĐÃ QUA, HÃY NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Chia sẻ

Chàng trai ấy năm nay 28 tuổi, đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, có tình cảm với một bạn gái “có học thức” và xuất thân trong một gia đình “bề thế”, nhưng cuộc hôn nhân đang gặp bế tắc do hoàn cảnh gia đình của chàng trai.

Chàng trai gọi điện đến văn phòng tư vấn với giọng buồn, trách móc người cha và mong muốn “tìm ra lối thoát” cho bản thân mình.

Chàng trai kể, mình sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, trong một gia đình thuần nông. Khi còn nhỏ, cậu đã chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ vì ba cậu có nhiều người phụ nữ ở bên ngoài. Năm cậu 14 tuổi và cô em gái 8 tuổi thì mẹ cậu qua đời do mắc bệnh ung thư. Trước lúc mất, mẹ cậu chỉ dặn rằng sau khi mẹ chết, các con đừng cho ba lấy vợ mới, nếu không các con sẽ rất khổ. Một thời gian ngắn sau khi mẹ mất, ba lấy vợ mới, cậu bé 14 và cô em đã ra sức ngăn cản. Kết quả, cậu bị một trận đòn thừa sống thiếu chết và bị đuổi ra khỏi nhà. Bắt đầu từ năm ấy, cậu chính thức bước vào cuộc sống tự lập ở Sài Gòn. Cậu không được học hành, nhưng bản tính nhân hậu, trung thực, chăm chỉ, nên làm thuê ở đâu cũng được gia đình nhà chủ thương yêu. Từ ngày ra đi, cậu cũng ít về quê, bởi cậu vẫn giận bố cậu và nghĩ rằng ông đã có vợ mới, có cuộc sống mới, chẳng thèm quan tâm tới cậu nữa, có về cũng vô ích.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm trước, em gái cậu lấy chồng, cậu về chúc phúc cho em. Tuy bố và mẹ kế không quan tâm, nhưng được sự hỗ trợ của các cô, các dì, các cậu bên ngoại, nên em gái cậu cũng “lên xe hoa” thành công. Chi phí cho đám cưới có hụt một ít tiền, cậu là người bỏ ra phụ giúp cho em. Vậy là cậu yên tâm về cuộc sống riêng tư của em gái. Giờ cậu bắt đầu lo cho cuộc sống của riêng mình.

Chia sẻ về điểm mạnh của mình, cậu tâm sự rằng trời cho cậu cái dáng vẻ bề ngoài cao to, điển trai, giống bố. Cậu cũng chăm chỉ làm ăn, không vướng vào mấy thứ “tứ đổ tường”. Chính vì thế, cậu cũng thường được các cô gái chủ động làm quen, tán tỉnh, chứ bản thân cậu ít dám chủ động vì luôn luôn mặc cảm mình là “thằng nhà quê, ít học, làm thuê”. Lần gần đây nhất là 2 năm trước. Cậu quen một cô gái, đang là bác sĩ điều dưỡng ở một bệnh viện trong thành phố, gia đình khá giả, lại chỉ có hai chị em gái, mà cô em gái lại du học bên Úc, rồi dự định ở lại bên đó định cư, lập nghiệp.

Bố cô là chủ xưởng sản xuất giầy da, nơi chàng trai làm thuê 5 năm nay. Cô gái chủ động dẫn dắt mối quan hệ, nhưng chàng trai cũng thật sự có tình cảm với cô gái. Cô không sang chảnh, không coi thường người ở tỉnh lẻ, sống giản dị, chăm chỉ làm việc nhà và đặc biệt rất chăm sóc cho chàng trai. Mẹ cô gái cũng quý mến, mong muốn hai đứa sớm nên vợ, nên chồng và cậu sẽ ở rể, làm nơi nương tựa cho bố mẹ vợ sau này khi họ về già. Họ nói, gọi là “ở rể”, chứ không phải cưới xong là vợ chồng cậu phải ở chung với bố mẹ vợ, mà chính cô gái cũng có thể mua nhà riêng để hai vợ chồng ở gần bố mẹ, chứ không phải ở nhờ. Nói chung, mọi điều đều thuận lợi. Tuy nhiên, bố cô gái có kỹ tính một chút. Ông muốn hai đứa lấy nhau phải “có đầu, có cuối”, đúng pháp luật và đầy đủ các thủ tục, trình tự như ông bà xưa để lại. Đầu tiên, ông muốn bố chàng trai phải lên thăm gia đình cô gái, trao đổi, trò chuyện, có lời “đặt vấn đề” để hai đứa được tìm hiểu. Sau đó cũng phải có lễ dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi chàng trai trở lại quê nhà, báo cáo với bố và mong muốn ông giúp chàng làm một số việc mà một người cha cần phải làm cho con trai mình, ông lại từ chối và có những phản ứng gay gắt. Trước tiên, ông nói rằng tưởng chàng trai không bao giờ còn cần đến bố nữa. Thứ hai, ông nói khi tìm hiểu, có bạn gái, sao không hỏi ý kiến ông, bây giờ chuẩn bị lấy vợ mới nhờ đến ông. Đã tự quyết, không cần hói ý kiến ai thì cũng tự mà cưới vợ, ông không phải là “thằng hề” để con đặt đâu, ông phải ngồi đấy. Thứ ba, ông nói luôn, không có tiền, không cho bất cứ thứ gì. Cái nhà, mảnh đất hiện nay ông, vợ mới và con gái của bà ấy ở là tiền do “mẹ kế” bỏ ra mua, bản thân ông không có gì. Ông cũng nói, ông không thể làm “sui” với gia đình ở thành phố, danh giá, lại là ông chủ. Người ta sẽ coi thường ông bởi không “môn đăng hộ đối”. Mặc cho chàng trai thuyết phục rằng chàng không xin tiền bố để cưới vợ, không đòi hỏi nhà cửa, đất đai, bởi chàng đã quen sống tự lập mười mấy năm nay rồi. Chỉ có điều, lấy vợ là việc lớn, các gia đình có nền nếp đều mong muốn hôn nhân, đám cưới của con cái diễn ra theo đúng phong tục, văn hoá truyền thống, chính vì thế nhà gái mới có những đòi hỏi đúng thủ tục. Kết quả cuối cùng, chàng trai dứt áo trở lại thành phố với hai hàng nước mắt lã chã…

Đấy cũng là lý do chàng phải gọi điện đến văn phòng tư vấn tâm lý – hôn nhân – gia đình của chúng tôi.

Chúng tôi bày tỏ sự xúc động trước hoàn cảnh khó khăn của chàng trai, cũng như sự ngưỡng mộ trước tinh thần tự lập, vượt khó, sống lương thiện của cậu. Chúng tôi chỉ cho cậu thấy những khó khăn, buồn tủi của những năm xưa đã lùi vào quá khứ, trước mắt chỉ có tương lai đang ngày càng sáng rạng. Chúng tôi cũng chia sẻ với chàng trai rằng thái độ của người cha không phải là ông ấy độc ác, muốn hại con cái, mà chỉ là do nhận thức bó hẹp, một chút ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự tự ái cá nhân, mà không thấy trách nhiệm của một người cha. Đây cũng là tâm lý né tránh, mặc cảm của một người cha nghèo khó, chưa hoàn thành trách nhiệm với con, lúc nào cũng sợ người khác chê cười, coi thường. Với những người có tuổi, tư duy cứng nhắc như vậy, không cần thuyết phục quá nhiều, chỉ mất thời gian mà thôi. Chàng trai có thể nghĩ đến những phương án khác.

Chúng tôi nhắc nhở chàng trai suy nghĩ kỹ một lần nữa về mối quan hệ với cô gái mà chàng dự định kết hôn. Đây có thực sự là một tình yêu, cuộc hôn nhân thật sự vô tư, chàng trai kết hôn với cô gái chủ yếu vì tình cảm hay có ý định vụ lợi về tiền tài? Nếu đây thực sự là mối quan hệ tốt đẹp, tự nguyện, còn điều kiện gia đình của cô gái chỉ tạo điều kiện cho vợ chồng đỡ khó khăn hơn sau khi kết hôn, chứ không phải là động cơ để có đám cưới thì rất tốt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc tiếp theo, chúng tôi nhắc chàng trai quay lại nói chuyện hết sức cởi mở, chân thành với gia đình, đặc biệt là cha vợ tương lai. Chắc hoàn cảnh của chàng trai thế nào, gia đình cô gái cũng đã biết, vậy mà họ vẫn thương yêu chàng trai, thì nay không có gì phải giấu giếm họ. Hãy cho họ biết khó khăn của mình và có lời đề xuất sẽ đưa những đối tượng khác như ông chú, ông bác, bà cô, ông cậu, là những người đại diện “họ nhà trai” đến thực hiện các thủ tục cần thiết, thay vì cứ phải ông bố. Đặc biệt, với hoàn cảnh gia đình như của chàng trai, nên tổ chức đám cưới gọn gàng, ở thành phố, nơi có những người bạn bè, đồng nghiệp, anh em gắn bó. Ngày hôn lễ, cậu có thể chỉ mời “đại diện” bên nội, bên ngoại tới chung vui mà thôi.

Sau khi cùng nhau bàn bạc hướng khắc phục khó khăn trước mắt, chàng trai cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, chàng trai vẫn nói “thấy nó sao sao” và “thật sự buồn”. Chúng tôi nói với chàng trai rằng, nam nữ yêu nhau, lấy nhau là việc tự nguyện của đôi bên. Nhiều đôi nam nữ, vì nhiều lý do mà không có đám hỏi, chẳng có đám cưới, nhưng họ đã làm những thủ tục pháp lý cần thiết để được công nhận là vợ chồng. Vậy mà họ vẫn chung sống với nhau bền lâu, hạnh phúc. Đám hỏi, đám cưới, các thủ tục… chỉ là điều kiện “có cũng được, không có không sao”. Trường hợp của chàng trai, hãy nghĩ đến những may mắn, những việc quan trọng sau khi kết hôn, đó là tổ chức đời sống gia đình trẻ ra sao, khi nào dự định có đứa con đầu lòng, chuẩn bị tài chính, tâm lý để đón đứa con đầu lòng ra đời thế nào. Đặc biệt, cả hai học cách chung sống, ứng xử với những mối quan hệ mới sẽ nảy sinh sau kết hôn. Hãy sống sao cho xứng đáng với niềm tin yêu của người vợ tương lai và gia đình cô ấy!

Trong thâm tâm chúng tôi, những người làm công tác tư vấn, cũng chỉ mong trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta biết làm cho chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện quá nhỏ, có thể bỏ qua. Trước khi chia tay, chúng tôi chúc chàng trai gặp nhiều may mắn và nói rằng khi nào có tin vui, hãy báo chúng tôi biết để chúng tôi chia vui. Chàng trai cảm ơn và nói “nhất định rồi ạ”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.