Quả mít lên men

HUYỀN LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lệ đi làm mà mẹ 5 lần 7 lượt gọi điện giục cô ghé về nhà để lấy đồ “bà gửi cho bọn trẻ”. Không qua thì sợ mẹ giận, Lệ đành đồng ý chứ cô thấy ngại lắm. Về nhà mẹ ngược đường, Lệ phải vòng lại thêm 7km nữa rồi mới về nhà. Mà ngày đi làm, cô chỉ muốn về nhà thật sớm để nghỉ ngơi.

Lệ về nhà thấy mẹ đã để sẵn mấy bọc lớn nhỏ trên bàn. “Đây là xoài ngọt, mẹ mua của nhà người ta trồng nên đảm bảo sạch, an toàn”, “Cái túi này đựng quả mít chín, mẹ cũng đặt cô bán rau hái từ trong vườn. Mẹ thấy bọn trẻ thích ăn mít nên mua cho chúng nó. Tối nay mấy mẹ con ăn ít cơm thôi để còn dành bụng ăn mít”. 

Hết xoài, mít, mẹ còn dặn kỹ lưỡng lấy cả rau lang, rau ngót, bầu, bí… nấu thế nào, ăn ra sao nghĩ tới quãng đường xa ngoài kia đang vừa đông, vừa tắc, Lệ nhanh nhanh chóng chóng xách đồ ra xe rồi chào mẹ, phóng vụt đi.

Quả mít lên men - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cả tiếng sau Lệ mới về tới nhà, mặt mày cô khô ráp vì tiếp xúc với khói bụi. May mà bọn trẻ đã nấu xong cơm nên Lệ chỉ việc ngồi vào bàn ăn. Lát sau, nhớ lời mẹ, cô vội lấy quả mít ra bổ, còn mời gọi bọn trẻ con “chuẩn bị tinh thần ăn mít”. Nào ngờ, quả mít vừa bổ ra nghe đã thấy có mùi men rượu. Bên trong quả mít, mấy cái hạt đã nẩy mầm, rễ túa ra. Lệ ăn thử một miếng, mít vừa sượng, lại vừa cay. 

Lệ lấy điện thoại, gọi cho mẹ, càu nhàu. Mẹ cô nghe xong, im lặng hồi lâu. Bỗng Lệ thấy có tiếng sụt sùi từ đầu dây bên kia. “Mày mắng mẹ xong chưa? Mẹ chỉ là nghĩ cho mẹ con mày. Quả mít này mẹ đã gọi mày về lấy từ lâu rồi nhưng mày bảo bận. Cuối tuần mẹ con cũng chẳng sang nhà bà. Mẹ thì già rồi, có tự sang nhà mày được đâu. Vậy thì mẹ làm thế nào để giữ cho mít ngon được nữa? Mẹ lại tiểu đường, có dám bổ mít ra ăn thử đâu mà biết chín hay sống”.

Từ “nạn nhân”, sau khi nghe mẹ trách xong, Lệ bỗng trở thành người có lỗi. Mẹ nói đúng, tiếng là ở trong cùng 1 thành phố, nhưng cũng nửa tháng rồi Lệ chưa về nhà với mẹ. Hết bận việc cơ quan, lại các con bận học hành, rồi thấy mệt trong người…

- Mẹ ơi, mít này ăn chán lắm. Bà toàn cho mình ăn đồ bị hỏng. Hôm trước, bà cũng gửi cho mình nải chuối bị chín quá. Mẹ xem thế nào, tốt nhất từ giờ đừng ăn đồ bà cho nữa. 

Quả mít lên men - ảnh 2
Ảnh minh họa

Lệ đang ngồi ngẩn ở ghế suy nghĩ thì thấy con gái ca cẩm, rồi nhè miếng mít trong miệng ra.

- Này, hai đứa lại đây mẹ bảo. Các con không được nói về bà như thế. 

Rồi Lệ chia sẻ với con về cảm giác ân hận của mình lúc này. Nhìn bề ngoài thì quả mít mẹ cho Lệ đúng là đã hỏng. Nhưng, từ góc khác, quả mít hỏng lại chứa đựng tình yêu, sự quan tâm mẹ dành cho Lệ và các cháu. Lệ dù đã bước vào tuổi trung niên, đầu hai thứ tóc rồi mà mẹ vẫn cứ lo lắng, nghĩ ngợi cho cô và các con. Có chút gì ngon, mẹ cô chẳng dám ăn mà cứ dành dụm gửi đi, tới mức đồ còn bị hỏng. Còn Lệ thì đâu đã nghĩ gì cho mẹ? Đến việc về thăm mẹ thường xuyên cô còn chẳng làm được.

- Quả mít bị chín quá không phải là lỗi của bà, là lỗi của mẹ đấy. Chẳng người mẹ nào muốn cho cháu mình đồ hỏng, đồ xấu cả, các con biết không?

Hai đứa nghe mẹ nói xong thì gật đầu đáp: “Chúng con hiểu ạ. Chúng con yêu bà”.

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.