Rối loạn dạng cơ thể ở trẻ em

Ths.BSNT. Vũ Thị Mỹ Hạnh Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Rối loạn dạng cơ thể là tình trạng xảy ra khi các vấn đề tâm sinh lý của trẻ biểu hiện bằng các triệu chứng khó chịu về mặt cơ thể như đau đầu, đau bụng. Các triệu chứng có thể có tổn thương cơ quan nhưng mức độ không tương xứng với lâm sàng trẻ thể hiện, hoặc có những trường hợp không có tổn thương cụ thể.

Rối loạn dạng cơ thể có căn nguyên sinh học rõ ràng, do trẻ cảm nhận tín hiệu trên não bị “sai vị trí” và không phải trẻ cố tình hay “giả vờ”.

Nguyên nhân nào gây nên rối loạn dạng cơ thể?

Yếu tố sinh học và yếu tố tâm lý xã hội góp phần tạo nên triệu chứng cơ thể, các yếu tố này bao gồm: Trẻ có những căng thẳng, khó khăn trong học tập, mối quan hệ bạn bè, gia đình…; ngưỡng chịu đau của trẻ thấp; trẻ/bố mẹ lo lắng quá mức về sức khỏe; sống trong gia đình có nhiều tiền sử bệnh tật; nền tảng giáo dục, tình trạng kinh tế xã hội ở mức trung bình-thấp; trẻ đã/đang điều trị một bệnh nào đó.

Các triệu chứng thường gặp ở trẻ

Trẻ có thể xuất hiện một triệu chứng duy nhất hoặc kết hợp các triệu chứng sau: Đau một hoặc nhiều vị trí cơ thể; mệt mỏi hoặc chóng mặt; đau bụng, buồn nôn hoặc nôn; khó thở, hụt hơi hoặc thở rướn; ngất; khó khăn vận động: Yếu, liệt hoặc có những cơn co giật không do động kinh.

Mức độ triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng này thường được bố mẹ đưa trẻ đi khám nhiều lần nhưng không lý giải được triệu chứng, điều trị không đỡ hoặc thuyên giảm ít, dễ tái phát trong những đợt trẻ gặp căng thẳng. Ở trẻ em, triệu chứng cơ thể có thể là biểu hiện của rối loạn lo âu hay rối loạn trầm cảm.

Rối loạn dạng cơ thể ở trẻ em - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mức độ phổ biến của rối loạn dạng cơ thể

Rối loạn dạng cơ thể khá phổ biến, được quan sát thấy ở hầu hết mọi lĩnh vực chăm sóc chuyên khoa nhi, chẳng hạn như đau ngực ở khoa tim mạch, đau bụng ở khoa Tiêu hóa, yếu liệt ở khoa Thần kinh… mà không tìm được tổn thương hoặc tổn thương không tương xứng với mức độ lâm sàng.

Rối loạn dạng cơ thể ảnh hưởng đến khoảng 5-7% dân số, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Đây là một trong những tình trạng phổ biến được báo cáo trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trẻ gái phổ biến hơn trẻ trai, cao hơn ở những bệnh nhân có bệnh điều trị kéo dài.

Chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào?

Để chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể ở trẻ cần một đội ngũ bác sĩ, bao gồm bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ chuyên khoa (tiêu hóa, thần kinh, tim mạch…).

Trên thực tế lâm sàng, nhiều gia đình đã đưa trẻ đi khám tại nhiều cơ sở y tế khác nhau với những xét nghiệm kiểm tra lặp lại nhiều lần tại một chuyên khoa nhưng vẫn không tìm thấy nguyên nhân; tuy nhiên lại ngần ngại không đưa trẻ đi khám chuyên khoa tâm thần nên rối loạn của trẻ không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Mục tiêu điều trị của rối loạn dạng cơ thể là quản lý các triệu chứng dựa trên liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behaviral therapy -CBT), nghĩa là trò chuyện, chia sẻ cùng trẻ để trẻ hiểu được các triệu chứng, có cách thay đổi suy nghĩ và hành vi để thay đổi cảm nhận về triệu chứng. CBT giúp trẻ đối mặt với các tình huống tốt hơn, giải tỏa căng thẳng lo lắng. Một số trẻ có chỉ định dùng thuốc hướng thần tùy theo các tình trạng bệnh lý sức khỏe tâm thần phối hợp.

Tiên lượng và phòng ngừa

Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp, các triệu chứng cơ thể dai dẳng sẽ gây ra ảnh hưởng đáng kể trong thời thơ ấu ở trẻ trong quá trình học tập, tương tác bạn bè... Một số thăm dò xâm lấn không cần thiết gây thêm đau đớn cho trẻ. Những trẻ này cũng có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm khi trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ rối loạn dạng cơ thể nếu được can thiệp đúng cách thường hồi phục tốt, trở lại với nhịp học tập và sinh hoạt bình thường.

Để phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể cho trẻ cần rèn luyện cho trẻ biết cách đối mặt với căng thẳng, thư giãn nghỉ ngơi hợp lý, nếu trẻ có bệnh cơ thể nên cung cấp cho trẻ những kiến thức đúng, vừa đủ về bệnh, tránh những lo lắng không cần thiết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chỗ dựa cho con

Chỗ dựa cho con

(PNTĐ) - Trong khi các con tập trung hết tâm sức để ôn luyện trước các kỳ thi chuyển cấp, tuyển sinh sắp tới, bố mẹ đóng vai trò không thể thiếu để chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần và trở thành chỗ dựa tin cậy giúp các em giảm bớt áp lực, để vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Con giời

Con giời

(PNTĐ) - Nghe vợ bảo tháng này chịu khó đi làm bằng xe máy, Dũng giật nảy mình: “60 cây số cả đi lẫn về mà em bảo anh đi xe máy thì về tới nhà, anh tắm bằng bụi à?”.
Hạ mình xuống để yêu

Hạ mình xuống để yêu

(PNTĐ) - Để có một cuộc hôn nhân lâu dài, điều đáng quý nhất là cả người phụ nữ và người đàn ông đều dành cho nhau sự trân trọng và chân thành. Đôi khi, để tìm thấy điều quý giá đó, người ta còn phải hạ mình xuống.
Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

(PNTĐ) -Tôi là Nguyễn Thị Bích Vân, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Thạch Thất. Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” với chủ đề “Xây chắc nếp nhà” lần thứ XIII năm 2023 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức trên Báo Phụ nữ Thủ đô là một chủ đề thiết thực, gần gũi với đời sống. Chủ đề của cuộc thi cũng mang tính thời sự, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội đang ít nhiều ảnh hưởng tới tính bền vững của nếp nhà.