Sinh nhật đầu tiên của bố
(PNTĐ) - Hôm đó, cô em gái gọi điện cho tôi: “Cuối tuần này mình làm sinh nhật cho bố đi chị. Hôm nay em thấy zalo báo sinh nhật bố”.
Tôi liền cười: “Ôi giời, sinh nhật của bố là ảo, em biết rồi còn gì. Trên zalo thì mình khai thế nào nó thông báo ngày đó thôi mà”.
Nhưng em gái tôi nói: “Đấy, tại vì chị em mình suy nghĩ như vậy mà hết cả đời người rồi, bố cũng chưa một lần được làm sinh nhật. Vì bố đâu có nhớ sinh nhật thì bất kể ngày nào trong năm cũng có cơ hội là sinh nhật của bố mà. Em tin là bố sẽ vui lắm khi được các con tổ chức sinh nhật”.
Tôi nói với em gái vậy vì đúng là bố tôi không biết mình được sinh ra chính xác vào ngày nào. Bố kể lại là cụ nội nói sinh bố vào năm 1945, khi mà nạn đói xảy ra. Nhưng ngày thì cụ không nhớ rõ vì hồi đó loạn lạc, làm gì có ai quan tâm đến việc ghi lại ngày sinh tháng đẻ cho con đâu. Sau này, khi làm giấy tờ tùy thân, bố lấy luôn ngày sinh là ngày đi làm giấy tờ 15/1. Từ đó, ngày 15/1 được mặc định là sinh nhật của bố, nhưng với chúng tôi thì ngày đó chả có ý nghĩa gì lắm vì chúng tôi biết nó đâu có thật.
Trong đại gia đình của tôi mỗi năm có đến 8 sinh nhật. Vì thế, tháng nào chúng tôi cũng có lý do để ăn sinh nhật, từ sinh nhật các con gái, con rể, đến đàn cháu ngoại, chỉ trừ bố tôi.
Trong một lần ngồi ăn cơm cuối tuần, cháu trai tôi tự nhiên hỏi cả nhà: “Vậy sinh nhật của ông là ngày nào? Tại sao ai cũng được tổ chức sinh nhật mà ông thì chỉ được đóng vai là khách mời thế ạ”. Bố tôi cười bảo: “À, ông không có sinh nhật. Ông coi 8 sinh nhật của con cháu là sinh nhật của ông. Vì thế, ông là người có nhiều sinh nhật nhất nhà”.
Bố trả lời cháu trai như vậy lại khiến em gái tôi phải suy nghĩ. Chỉ có tôi vẫn cứ vô tư cho rằng bố đã gần 80 tuổi, già thế rồi thì làm sinh nhật gì nữa.
Tới khi em gái tôi khởi xướng làm sinh nhật, toàn thể con cháu trong nhà đều đồng ý. Mọi người bàn nhau ngay cuối tuần đó về tổ chức sinh nhật ông. Tôi nhận nhiệm vụ đến sớm lo cơm nước. Em gái tôi thì đi mua quà tặng bố là một hộp nhân sâm để ông uống tăng cường sức khỏe. Các cháu thì lanh chanh đòi ra cửa hàng tự tay mua bánh gato cho ông kèm theo một chùm nến và mấy cái mũ giấy.
Và thế là, gần hết chặng đường đời, bố tôi mới tổ chức sinh nhật lần đầu tiên. Các cháu đội mũ giấy lên cho ông, cắm tượng trưng 10 ngọn nến lên bánh rồi bảo ông nói lời ước trước khi thổi nến. Mọi năm, bố tôi luôn là người vỗ tay hoan hô cổ vũ con cháu thổi nến sinh nhật. Lần này, tôi thấy bố hơi ngượng ngịu, ngài ngại nhưng rồi được con cháu động viên, ông cũng chắp tay trước ngực, nhắm mắt, nhủ thầm điều gì đó rất chăm chú.
Khi nến được thổi tắt, các cháu nhao nhao hỏi ông: “Ông ước gì trong sinh nhật vậy ạ. Có phải là ước có nhiều quà to không”. Bố tôi cười: “Ông ước là cả đại gia đình ta đều được bình an, bố mẹ các cháu đi làm được cơ quan khen thưởng còn các cháu của ông thì học hành giỏi giang. Với ông đó là quà to mà cả nhà tặng cho ông đấy”.
Chúng tôi lần lượt xếp hàng để chụp ảnh với bố. Nào thì bố chụp ảnh với các con gái, các con rể, các cháu và với từng gia đình các con. Đúng như em gái tôi nói, chỉ có thế thôi mà bố cứ rưng rưng xúc động, đôi mắt long lanh. Rồi bố tôi bảo: “Cảm ơn các con đã quan tâm tới bố. Hôm nay bố vui lắm. Thế là bố lại có động lực rèn luyện sức khỏe để được khỏe mạnh, sống thêm nhiều năm nữa với con cháu”.
Tôi nghẹn lòng khi nghe bố nói. Cả cuộc đời, bố tôi đã hy sinh cho con cháu. Mẹ tôi mất sớm từ khi tôi còn rất nhỏ. Bố đã bỏ qua hạnh phúc riêng để chuyên tâm lo cho chúng tôi. Sau đó, bố gả chồng cho hai con gái, giúp các con chăm cháu. (Bố tôi là nam giới mà chăm cháu còn khéo léo hơn cả phụ nữ). Chúng tôi lâu nay chỉ quen nhận tình yêu thương, sự tận tâm của bố chứ nào đã làm được gì, dù là nhỏ nhoi cho bố. Mãi tới hôm nay, khi được các con tổ chức sinh nhật vào một ngày... mà chẳng biết có phải sinh nhật không cũng đủ làm bố mãn nguyện.
Tôi thầm cảm ơn em gái đã giúp tôi sửa chữa sự vô tâm của mình. Từ nay, không chỉ sinh nhật mà chúng tôi sẽ làm thật nhiều điều để báo hiếu bố.