Socola cho “tuổi băm”

Thùy Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tết vẫn đang còn dư âm thì ngày lễ tình nhân Valentine (14/2) đã chuẩn bị tới. Trên những con phố, trong những nhà hàng, quán cà phê và ngập tràn khắp mạng xã hội sẽ là hình ảnh các cặp đôi tay trong tay hạnh phúc. Với các cô gái còn độc thân đang loanh quanh tuổi ba mươi – cái tuổi mà theo tiêu chuẩn là phải đề huề chồng con rồi, họ có buồn, có tủi thân không?

“Mình không còn ghen tỵ”

Nhiều năm về trước, khi còn là một cô gái mới ngoài đôi mươi, vừa tốt nghiệp đại học ra trường và còn nhiều mộng mơ, Thu Nga (29 tuổi, đang làm kinh doanh online đồ đặc sản Tây Bắc tại Hà Nội) chắc chắn sẽ không ngần ngại trả lời: Valentine, với cô là ngày lễ dành cho tình nhân, không phải ngày dành cho những người độc thân. “Là những hộp quà xanh đỏ với những viên socola nhiều màu sắc đẹp đẽ, đáng yêu, là những lẵng hoa to ơi là to như thể càng to thì càng thể hiện chân tình lớn thì phải”- Nga nói vui. 

Khi ấy, Nga chưa có  người yêu. Nhưng bạn bè của cô thì có nhiều lắm rồi. Như bao cô gái trẻ mê truyện ngôn tình, phim Hàn Quốc, Nga cũng tập “thả thính” bằng những status buồn bã, thất tình, thấu hiểu sự đời. Rồi đầu năm thì đi xem bói tình duyên, đi chùa cầu duyên. Không có người yêu hẹn hò thì về nhà trùm chăn cày phim Hàn Quốc sến súa. Và thuở ấy, cô ghen tỵ với những người có socola vào ngày lễ tình nhân lắm.
“Mình không còn nhớ rõ ghen tỵ cụ thể vì điều gì, nhưng chắc chắn là vì mình không được như họ. Càng nghĩ thế, mình càng giận chính mình. Còn tủi thân nữa. Cứ thi thoảng lại ủ ê như thế. Thấy tình yêu của người ta màu hồng, mình càng thấy đời mình đen tối, chán chường thế”.

Socola cho “tuổi băm” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thu Nga của bây giờ đã gần chạm vào ngưỡng tuổi 30, có thành công nhất định trong công việc của mình, tự lo được cho cuộc sống và đủ để lo lắng, chăm chút cho bố mẹ, gia đình mình. Cũng từng đi qua một vài mối tình, nhưng giờ đây, trong cô không còn cảm giác ghen tỵ giống ngày xưa nữa. “Ngày xưa mình khao khát có tình yêu như người ta mà quên mất phải yêu thương chính bản thân mình, và yêu thương những người thân, ruột thịt của mình trước hết. Và ngoài ra, không chỉ tình yêu, mình còn sự nghiệp để phải phấn đấu. Từ đó, mình nỗ lực cải thiện bản thân.

Theo thời gian, mình vẫn còn khao khát tìm kiếm tình yêu lắm chứ, nhưng khao khát trong sự an yên, hài lòng và chẳng còn vội vàng đi ngưỡng mộ người khác nữa. Mình cũng không còn đi xem bói, đi cầu duyên, hay trùm chăn cày phim, mà bước ra ngoài đi du lịch, quen biết thêm nhiều người bạn để làm giàu vốn sống”, Nga chia sẻ.

Socola cho “tuổi băm” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Sống cho chính mình

Đã quá tuổi ba mươi được 2 năm rồi mà “chưa có tí gì”, “ở quê mình như thế là bố mẹ xấu hổ với hàng xóm lắm đấy”, Kim Chi, một cô gái vùng cao đang làm biên tập viên cho chương trình truyền hình thực tế tại TP HCM hóm hỉnh chia sẻ. “Nhưng biết làm sao được, yêu đương không phải là ưu tiên của mình”.

Chọn làm một cô gái độc thân “lâu năm”, Chi dành nhiều thời gian để theo đuổi đam mê, ước mơ và vun đắp sự nghiệp. Tưởng chừng sẽ nối tiếp đam mê làm cô giáo dạy Sử sau khi rời lớp chuyên Sử ở trường nội trú để chọn vào học Đại học Sư phạm chuyên ngành Lịch sử, thì được 2 năm, Chi quyết định nghỉ. Cô bạn chọn làm lại từ đầu với ngành truyền thông sau khi thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ra trường, sau khi làm qua khá nhiều công ty tại Hà Nội, lại một lần nữa Chi muốn làm mới mình hơn và đã chọn Nam tiến. “Mình thấy rất hào hứng trước mỗi quyết định thay đổi của cuộc đời và háo hức muốn được thể hiện nó.

Bố mẹ đương nhiên muốn mình ổn định, có người yêu, lấy chồng, rồi sinh con và có một công việc lương ít cũng được, nhưng có thời gian cho gia đình. Nhiều năm nay, mỗi mùa Valentine qua đi, mình vẫn được ăn socola, nhưng là socola trong những chuyến đi công tác, hay của những người bạn cùng chí hướng dành tặng. Ai cũng cần tình yêu, nhưng nếu nó chưa đến, thì cứ sống cho mình đã chứ!”.

Socola cho “tuổi băm” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Những cô gái như Nga hay Chi chọn độc thân một cách chủ động, nghĩa là họ lựa chọn cách sống yêu bản thân hơn là dành tình yêu đó cho người không phù hợp, và khi yêu bản thân đủ nhiều, tự khắc họ sẽ tìm được người phù hợp. Việc sống độc thân ngày nay không phải lúc nào cũng mang đến cảm giác tiêu cực về sự cô độc, thậm chí nhiều cô gái còn thấy hài lòng.

“Nếu lấy cái cớ tại mình cô đơn nên gặp ai thấy được thì “hốt” ngay hoặc yêu đại đi thì liệu bản thân có đang dễ dãi quá không? Chúng ta là những phụ nữ hiện đại nên hãy mạnh mẽ và suy nghĩ chín chắn. Chỉ cần đủ duyên, sống tốt cho bản thân thì sẽ gặp được người phù hợp thôi. Có người yêu muộn không sợ, chỉ sợ yêu nhầm người thôi”, Nga tâm sự.

Luôn hoàn thiện bản thân, hạnh phúc sẽ sớm gõ cửa 

Các cô gái bị mang danh “ế” thường được tặng kèm câu “trâu chậm uống nước đục”. Thế nhưng với Nguyễn Thu Hằng (đang sống và làm việc tại Tuyên Quang), dù “chốt đơn” lúc gần bước sang tuổi 30, thì đó vẫn là một đơn… đắt xắt ra miếng!

Lúc biết tin Hằng sẽ lấy chồng, những người quen biết nhà chồng cô đánh tiếng với Hằng rằng, gia đình ấy khó tính lắm đấy! Bố chồng thì hay soi, mẹ chồng thì nghiêm khắc, chồng thì quá khứ ăn chơi, tới nỗi hàng xóm còn lo Hằng sau này về đấy khó sống. Ấy thế mà, dù mang tiếng gái ế lấy chồng, cô vẫn được sống trong sự yêu thương, che chở và thấu hiểu của cả gia đình chồng.

Socola cho “tuổi băm” - ảnh 4
Ảnh minh họa

“Mình có một bố chồng “khó tính” đến mức chỉ cần thấy mình đi làm về muộn mà dọn mâm ăn cơm luôn cùng cả nhà, là y rằng bố không cho rửa bát, để đấy bố rửa cho con lên tắm giặt đi. Hay chỉ cần thấy con dâu nhăn nhó kiểu đau đầu, đau bụng, đau toàn thân là lại để đấy bố làm, con lên nghỉ ngơi đi. Và mình cũng có một mẹ chồng “khó tính”, đến mức đang ăn cơm mà đồng nghiệp gọi đi nhậu, là không cho đi. Bắt ăn nhanh nhanh lên rồi mẹ chở đi, khi nào uống gần xong thì nhắn tin mẹ ra đón về.

Còn kể về chồng mình một tí. Rất hay quát vợ kiểu: “Lượn ra để tôi nấu cơm, loanh qua loanh quanh vướng hết cả người”. Đấy, những cuộc đối thoại trong gia đình chồng mình cứ ngắn ngắn và yêu yêu như thế thôi!”, Hằng chia sẻ trong niềm hạnh phúc trọn vẹn. Câu chuyện của Hằng khi chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng và nhiều chị em cũng đang ngấp nghé tuổi băm mong được “nhả vía” để cũng tìm được hạnh phúc ngọt ngào như thế.

Tình yêu cũng như socola, là dành cho tất cả mọi người, không chỉ riêng tình nhân. Vì thế, Valentine không phải “ngày thảm họa” của người độc thân hay những cô gái bị coi là quá tuổi, nhỡ nhàng. Hài lòng với mình mới là chìa khóa cho hạnh phúc. Socola “tuổi băm” cũng vẫn sẽ rất ngọt ngào nếu bạn biết luôn yêu thương bản thân mình!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.