Sôi động thị trường mua bán hàng đã qua sử dụng
(PNTĐ) - Xu hướng mua bán đồ cũ đang dần trở thành thói quen mua sắm của nhiều người, bởi không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường…
Xu hướng tiêu dùng đồ cũ gia tăng
Đồ cũ hay còn gọi là đồ second hand (hoặc đồ si, đồ sida,…) là những mặt hàng đã qua tay thứ 2, tức là hàng đã qua sử dụng hay gồm một số mặt hàng tồn kho. Những loại hàng này có thể bao gồm: Hàng quần áo, túi xách, giày dép, đồ điện tử, đồ gia dụng, nội thất... hay bất kì thứ gì được thanh lý, là đồ cũ được bán ra thị trường. Đa phần những loại hàng này đã được chọn lọc là hàng còn tốt, được bán lại với giá rẻ hơn nhiều so với hàng mới.
Trong số những mặt hàng đồ cũ được mua – bán thì thời trang là ngành hàng nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng hơn cả. Đồ cũ được bán trên thị trường vẫn hay được gọi là “đồ si”, “đồ sida”. Thế nhưng vì sao lại được gọi bằng những cái tên như vậy không phải ai cũng biết.
Theo đó, “quần áo sida” là tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là các thùng quần áo cũ do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Swedish International Development Cooperation Agency, viết tắt tiếng Anh là SIDA) viện trợ cho Việt Nam vào cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990.
Quần áo cũ được giặt giũ, làm sạch rồi đóng thùng gửi tới Việt Nam. Những năm sau đó, tổ chức SIDA không còn hình thức viện trợ này cho Việt Nam, nhưng khái niệm “đồ Sida” vẫn được dùng để gọi những mặt hàng quần áo của nước ngoài đã qua sử dụng vào thị trường Việt Nam và được người tiêu dùng Việt ưa chuộng đến tận ngày nay.

Chị Thư Vũ - nhà sáng lập của Passii (nền tảng ký gửi và mua bán thời trang cũ trực tuyến) - nhận định, thị trường đồ second hand tại Việt Nam hiện tại đang khá hấp dẫn và nhiều cơ hội vì sự thay đổi trong quan niệm của người dùng (nhất là người dùng trẻ thế hệ Z) đối với việc mua sắm đồ cũ và cách lựa chọn, thông qua việc tái sử dụng, kéo dài tuổi thọ của một món quần áo. Còn khảo sát của GlobalData (Công ty phân tích và dữ liệu) cho thấy, 41% người được hỏi cân nhắc mua hàng đã qua sử dụng trước khi mua hàng mới, ở Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) và Millennials (thế hệ Y những người sinh năm 1981-1996) là 62%.
Ngoài tính kinh tế, sự độc lạ của thời trang secondhand đang hấp dẫn người trẻ mua sắm. Một nghiên cứu khác của RedSeer Strategy Consultants (Đơn vị tư vấn viên quản trị doanh nghiệp ở Ấn Độ) cho thấy thị trường đồ cũ ở Việt Nam được dự báo sẽ vượt 5 tỷ USD vào năm 2026, tăng lớn so với giá trị hiện tại là 1,1 tỷ USD.
Các mặt hàng đồ cũ được tiêu thụ rộng rãi nhất là đồ điện tử, đồ gia dụng gia đình, và quần áo. Trong nghiên cứu này, 83% người Việt Nam được hỏi cho biết họ đã từng mua hàng qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua tiếp trong tương lai.

Mặt hàng đa dạng bán từ cửa hàng đến “chợ mạng”
Trước đây khi nhắc đến hàng thùng, người ta nghĩ là đồ đã cũ, hư hỏng. Nhưng hiện nay, nhiều shop nhập hàng về đều đã tuyển chọn kỹ rồi mới đưa lên kệ. Tại Hà Nội, bạn có thể dễ dàng tìm mua quần áo cũ tại các chợ đồ cũ như ở Đông Các, Đặng Văn Ngữ, Xã Đàn…
Nơi đây chuyên cung cấp các mẫu quần áo đa dạng kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ với giá bình dân. Tuy là hàng second hand nhưng bạn vẫn có thể mua được những món quần áo chất lượng, giá cả phải chăng khi biết cách chọn lựa và trả giá. Bạn Hạnh Nguyên (22 tuổi, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, thi thoảng sẽ dành 1-2 tiếng ngày cuối tuần đến chợ quần áo cũ để mua đồ, sẵn sàng đến sớm, “lăn xả” trong “biển” quần áo để tìm được những món đồ độc – lạ. Giá sẽ dao động từ 49 nghìn đồng– 299 nghìn tùy kiểu dáng, mẫu mã.
Ngoài ra còn có những nơi bán đồ nội thất, gia dụng cũ như đồ cũ Thưởng Thưởng có tiếng lâu đời tại Hải Bối, Đông Anh. Tại đây, các sản phẩm được bày bán rất đẹp và gọn gàng. Ngoài ra, website còn cập nhật hình ảnh sản phẩm mới theo thời gian. Đặc biệt là chức năng so sánh giá giữa hàng mới và hàng thanh lý; giúp khách hàng đánh giá được lợi ích khi mua hàng.
Hay thương hiệu đồ cũ Ba Huy (Dương Nội, Hà Đông) với hàng hóa ở kho hàng rất đa dạng, từ bàn ghế văn phòng, sofa, bàn ăn, bàn ghế cafe, kệ sắt, kệ siêu thị,… đủ thứ được bày bán cho người tiêu dùng thoải mái lựa chọn. Giá cả các mặt hàng tại các cơ sở bán đồ cũ này cũng rất đa dạng, từ cái ghế, cái bàn nhỏ có giá 150 nghìn đến tủ lạnh, tủ đông chục triệu đồng… Tất cả những sản phẩm này đều là đồ thanh lý, đồ cũ có giá rẻ hơn 1/2, 1/3 hàng mới.

Còn trên mạng xã hội, chỉ cần tìm kiếm các hội nhóm mua bán, trao đổi đồ cũ có đến vài chục đến vài trăm nghìn người theo dõi, hoạt động mua bán cũng diễn ra sôi nổi, tiện lợi. Các mặt hàng được rao bán tùy chất lượng của sản phẩm mà người mua và bán có thể trả giá phù hợp, thường được người bán quảng cáo “dùng/mặc 1 lần”, “mới 99%” hay “uy tín có bảo hành”…
Trung bình các mặt hàng đồ gia dụng thường có mức từ 50-300 nghìn đồng; hàng thời trang từ 39-199 nghìn đồng. Ngoài ra còn có các hội nhóm mua bán đồ cũ của các thương hiệu thời trang Việt Nam như Lép, Tiin… trao đổi những đồ đã mua nhưng chỉ mặc 1-2 lần do không hợp, hay mua nhầm size… Từ đó những chiếc váy, quần áo không bị bỏ đi lãng phí mà chuyển sang người khác có nhu cầu hơn.
Thị trường may mặc toàn cầu là một trong những ngành công nghiệp gây hại cho môi trường. Do việc sản xuất trang phục hàng loạt thải ra một lượng lớn khí carbon gây ô nhiễm môi trường, hay còn gọi là thời trang nhanh. Vì sự theo đuổi không ngừng với những xu hướng thời trang mới nhất, ngày càng nhiều quần áo được làm ra và bị vứt bỏ trong thời gian rất ngắn, tạo nên nhiều bãi rác thời trang lớn ở nhiều nơi. Chính vì vậy sử dụng đồ second hand cũng được cho là góp một phần bảo vệ môi trường. Trên thực tế, việc chọn mua các mặt hàng cũ sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm một khoản lớn chi phí mua sắm.

Tùy thuộc vào chất lượng của sản phẩm mà người mua và người bán có thể trả giá phù hợp. Tuy nhiên, không phải ai đến các cửa hàng đồ cũ cũng chọn được sản phẩm tốt. Bởi trước khi đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm này đều được đóng trong các bao kiện, chuyển qua nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Do quá trình vận chuyển trong một thời gian dài nên có thể nhiều loại vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, phát triển. Vì vậy, đối với sản phẩm thời trang người mua cần giặt quần áo kỹ với nước nóng và xà phòng, phơi dưới trời nắng để diệt các loại vi khuẩn.
Còn với những sản phẩm đồ điện tử, gia dụng, nội thất… người tiêu dùng cần tìm hiểu, quan sát và thử trải nghiệm sản phẩm kỹ càng, tránh mua phải hàng kém chất lượng hay đã bị hỏng. Ngoài ra, khách hàng cũng nên chọn những cửa hàng bán đồ uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm, có chế độ bảo hành phù hợp, cân nhắc giá cả trước khi chi tiền để có thể tiết kiệm chi tiêu.