Sự đơn điệu đến nhàm chán của phim truyền hình Việt
Những người làm phim truyền hình, thậm chí cả một số người phê bình phim vẫn có ý tự hào rằng mảng phim gia đình là thế mạnh của phim truyền hình Việt hiện nay. Điều đó đúng khi so phim truyền hình Việt với… chính mình, nhưng, đây cũng lại là nguyên nhân khiến phim truyền hình Việt dần trở nên đơn điệu và nhàm chán…
Những mối quan hệ gia đình loanh quanh, mệt mỏi
Trước hết phải khẳng định rằng, nhờ đề tài về tình cảm gia đình như “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”… mà phim truyền hình Việt đã có một cuộc bứt phá ngoạn mục, thẳng bước chinh phục trái tim khán giả Việt Nam. Trước đó, người ta thường thở dài mỗi khi nhắc đến phim Việt, thậm chí, phim Việt bị “nuốt chửng” trong sự phát triển như vũ bão của phim truyền hình các nước châu Á. Thì nay, phim Việt đã thực sự có khán giả, diễn viên đã trở thành những người nổi tiếng, được các nhãn hàng, công chúng quan tâm. Thậm chí có những bộ phim khá dài tập như “Gạo nếp gạo tẻ” 109 tập; “Cả một đời ân oán” 72 tập (chính thức) và 2 (tập đặc biệt), “Hương vị tình thân” tới 131 tập (2 phần), “Cây táo nở hoa” 70 tập… nhưng vẫn được khán giả nhiệt tình theo dõi.
Sự thành công này đến từ việc các nhà làm phim đã hướng vào đề tài gia đình, nơi dễ bị tổn thương, rạn nứt trong thời kinh tế thị trường giúp khán giả dễ tiếp nhận, đồng cảm và thậm chí có thể liên hệ ngay với cuộc sống bản thân. Các nhà làm phim đã khéo léo khai thác những câu chuyện nhiều chiều trong “bốn bức tường” ở nhiều góc độ khiến khán giả cảm thấy gia đình như một xã hội thu nhỏ với đầy những gai góc, ngổn ngang.
Phim “Cây táo nở hoa” bị nhiều khán giả phàn nàn vì “xem thấy mệt”.
Tuy nhiên, cũng chính vì tận dụng khai thác quá sâu đề tài này mà gần đây phim truyền hình Việt đã bắt đầu bộc lộ sự nhàm chán và đơn điệu. Ví dụ như chỉ cần nhìn vào 6 pha đánh ghen trong hơn chục tập phim của “Hãy nói lời yêu” là người xem có thể nhận ra đỉnh điểm của “phong trào” ngoại tình trong dòng phim này. Biên kịch bế tắc đến nỗi “mượn” ngoại tình để tạo cao trào. Cùng với đó là những câu chuyện gia đình cứ phải cãi lộn gay gắt, gồng mình lên để “chiến đấu” với nhau thì mới lột tả được các mâu thuẫn gia đình và xử lý tình huống trên nền tảng những mâu thuẫn căng thẳng đó. Khi xem “Cây táo nở hoa” nhiều khán giả bày tỏ muốn “phát điên” với những mâu thuẫn phi lý bị đẩy quá “căng” trên phim. Có khán giả bực mình nói hễ mở kênh nào có phim truyền hình Việt là chỉ được một lúc đã thấy cãi cọ, gào thét bởi đánh ghen, ngoại tình, con không nhận cha, mẹ gào thét vì con, chồng vợ mâu thuẫn... Ai cũng biết đó là cách phản ánh đời sống nhưng nó lặp lại thành công thức lại là điều “khó nuốt”.
Cái này là do sự tham lam của các nhà sản xuất khi thấy có một vài phim thành công thì cứ muốn “đào” mãi thành công này. Nhưng bên cạnh đó, một đạo diễn phim truyền hình phân tích rằng, cũng có cái khó cho các nhà làm phim khi cứ loay hoay trong dòng phim gia đình là vì hiện nay với nguồn kinh phí dành cho sản xuất phim truyền hình thì làm phim đề tài gia đình là nhanh, gọn, phù hợp nhất. Bởi lẽ, thực hiện phim đề tài này sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất, các khâu phải lo như bối cảnh cũng không phải vất vả, tốn kém, diễn viên dễ quy tụ, sản xuất nhanh… Tuy nhiên, một món ăn dù là khoái khẩu cũng trở nên phản cảm nếu xuất hiện quá nhiều trên thực đơn. Chính sự chật chội của mảnh đất đề tài hôn nhân, gia đình đã và đang làm khó các nhà làm phim cùng như đội ngũ diễn viên mà khán giả đã quá quen mặt, mở kênh nào ra cũng thấy.
Cần một sự phong phú cho “thực đơn” phim truyền hình
Nhiều người cho rằng thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng thời gian lý tưởng cho phim truyền hình đi sâu vào đời sống khán giả. Khán giả sẽ đơn giản mà tiếp nhận, thưởng thức các bộ phim. Thậm chí còn cho rằng, có phim xem giải trí là tốt rồi. Tuy nhiên, sự thực, đây cũng là thời gian mà phim truyền hình Việt nên lo lắng khi khán giả có quá nhiều phim của các nước khác trên thế giới để xem và đối sánh. Lúc này, truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc lại phát hành hàng loạt bộ phim đề tài gia đình vô cùng nhẹ nhàng, dễ chịu mà thấm đẫm tình yêu thương như “Điệu cha cha cha làng biển” (Hàn Quốc), “Nữ nhi nhà họ Kiều” (Trung Quốc)… Những câu chuyện đời sống, gia đình, tình thân tinh tế đan xen trong câu chuyện xã hội làm trái tim người xem ấm áp, như được thả lỏng trong bối cảnh căng thẳng vì dịch bệnh. Đây cũng là một bài học mà phim truyền hình Việt cần học tập, bởi ngày nay người xem cần tìm ở đó những bộ phim đề tài gia đình là những câu chuyện sâu sắc, dung dị từ góc độ tình cảm, tinh thần hơn là sự gay gắt, chát chúa.
Phim “Hương vị tình thân” khiến nhiều người bức xúc vì hình ảnh của các bà mẹ.
Nhìn lại những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam có cơ hội tiếp cận rộng lớn với khán giả Việt, nhưng tính đến thời điểm này, sau mấy năm “thắng thế”, phim Việt dường như đang bỏ lỡ nhiều cơ hội cho mình khi cứ loay hoay với sự nhàm chán, đơn điệu cố hữu từ dòng phim gia đình. Hiện nay, chúng ta đang trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hoá, với bất kỳ quốc gia nào đi lên công nghiệp văn hoá đều đặt điện ảnh, truyền hình ở yếu tố đầu tiên. Bởi đây là hạng mục thu lợi nhuận lớn nhất, dễ phát triển rộng rãi trên bình diện đại chúng, đồng thời là phương tiện quảng bá văn hoá tốt nhất tới quốc tế… Để có thể trở thành một mảng quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hoá, phim truyền hình nước ta còn phải cần rất, rất nhiều nỗ lực. Trước hết là ở mảng đề tài phim. Ở hầu hết các nước, đề tài phim truyền hình luôn phong phú, chưa kể đã vươn tới những phim sử dụng kỹ xảo không thua kém phim điện ảnh. Việc này là nhằm phục vụ thị hiếu của nhiều kiểu khán giả và thể hiện năng lực của các đơn vị sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ với truyền hình thế giới.
Nhưng, với phim truyền hình nước ta, có lẽ ngoài đề tài gia đình ra thì lâu lắm mới xuất hiện một đề tài khác như “Người phán xử” là đề tài giang hồ, vụ án, rồi hồi năm ngoái là “Sinh tử” thuộc dòng chính luận, lâu thật lâu mới có mảng đề tài thương trường như “Tình yêu và tham vọng”. Hiện nay, phim “11 tháng 5 ngày” được cho là “có hơi thở mới” do là đề tài dành cho khán giả trẻ, nhưng kỳ thực ngay cả bộ phim cho giới trẻ “Phòng trọ Balanha” phát sóng hồi năm ngoái cũng không quá nổi bật. Vài năm mới có 2, 3 phim cho giới trẻ như vậy là quá ít. Lâu lâu mới có phim đề tài xã hội như “Quỳnh búp bê” thật đáng tiếc. Nếu vẫn cứ viện đủ mọi lý do để tiếp tục dòng phim gia đình như hiện tại, phim truyền hình Việt sẽ trượt dài trong bế tắc của mình khi các phim không thể liên tục tạo nên những đột phá.
Lúc này, khi tiếng gọi của “công nghiệp văn hoá” đang dần trở nên bức bách trong công cuộc phát triển chung của đất nước, đòi hỏi các nhà sản xuất phim truyền hình một sự dũng cảm để vượt ra khỏi “mảnh đất quen thuộc” của mình từ đó có những bước phát triển mới. Sự mới mẻ này vô cùng cần thiết, trước hết là đáp ứng tình cảm của khán giả, đem đến thực đơn giải trí phong phú cho họ, từ đó khẳng định vị thế của phim truyền hình Việt trong lòng khán giả Việt và trong môi trường cạnh tranh với các nước trong khu vực. Sau đó mới có thể đạt được cái đích là một trong những lĩnh vực trọng yếu của công nghiệp văn hoá như Chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá theo Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra.
LÂM VIỆT - MẠC VY