Suýt mất tình cảm vì áp lực sinh con

Chia sẻ

Cưới nhau đã gần 2 năm nhưng Đức Anh và Mai vẫn chưa có một mụn con. Hai gia đình giục lên giục xuống, có những lúc cả hai thấy như có tảng đá đè nặng lên vai mình.

Năm đầu cưới nhau, cả hai đều chẳng bận tâm đến chuyện con cái. Hai đứa đi du lịch đây đó, tít mít tận nước ngoài vì Mai rất giỏi tiếng Anh. Cả hai còn cẩn thận phòng tránh thai để không làm một năm trăng mật bị phá hủy và muốn có thật nhiều thời gian hiểu nhau, bên nhau trước khi có “người thứ ba” chen ngang vào cuộc sống hôn nhân.

Nhưng đến năm thứ hai, “thả” đã nửa năm mà Mai không thể có con. Đức Anh bắt đầu sốt ruột.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đến tháng thứ 7 ngóng đợi, cả hai quyết định dắt tay nhau đến bệnh viện để tìm hiểu lý do. Còn trẻ, nhưng Mai có vấn đề về trứng, Đức Anh cũng gặp rắc rối về tinh trùng. Những ngày kiếm con trở thành hành trình không hề dễ dàng với đôi vợ chồng.

Mỗi tháng, Mai phải vào bệnh viện canh trứng, soi trứng, thậm chí tiêm kích trứng với số tiền ngót nghét vài ba triệu một lần thăm khám. Chưa kể sau khi kích trứng, Mai phải ở nhà, hạn chế đi lại để thuốc có hiệu quả. Từ một cô gái năng động, đi đây đi đó, Mai như bị trói chân, loanh quanh trong nhà, đến ăn phở buổi sáng cũng chẳng dám ra đường. Nhiều lúc Mai thấy chán nản, bế tắc.

Đức Anh cũng chẳng khá hơn. Anh tự ti về “khả năng đàn ông” của mình, cũng không còn hứng thú với chuyện chăn gối khi lúc nào gánh nặng sinh con cũng thường trực trong đầu. Suốt ngày anh phải nhớ uống thuốc, kiêng này kiêng nọ, phải tự dặn mình ăn những món bổ dưỡng mà đôi khi anh không ham.

Từ ngày đi khám sản khoa về, tình cảm giữa hai vợ chồng Mai và Đức Anh dường như nguội dần đi, tránh nói đến chuyện con cái, mỗi người theo đuổi hành trình chữa bệnh của mình. Những chuyến du lịch thưa dần rồi không còn được đề cập trong nhà. Mỗi khi gia đình họ hàng có dịp hội họp là cả hai sợ như bị cô giáo gọi lên bảng, cả lớp sẽ tập trung hết vào mình, để dò xét, để hỏi han. Nhiều lúc cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ căng lên như quả bóng quá cỡ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Suốt 3 tháng đằng đẵng thay đổi thói quen sống, điều chỉnh nếp ăn uống, chăm chỉ thăm khám ở bệnh viện phụ sản, Mai vẫn chưa thấy hình ảnh “hai vạch” mà nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc có được. Đức Anh đâm ra cáu bẳn, hơi tí đá thúng đụng nia, chẳng còn muốn về nhà nhìn mặt vợ. Bữa ăn tối giờ phần nhiều chỉ có Mai ngồi ăn, Đức Anh tránh mặt, về muộn, ăn sau, như để trốn tránh nói chuyện với vợ về một phần trách nhiệm sinh con đẻ cái.

Tròn 3 tháng đến lịch hẹn kiểm tra lại, Mai và Đức Anh lại cùng nhau trên một chiếc xe đến bệnh viện. Cả hai không nói gì, tất cả đều mông lung theo suy nghĩ ở một phương trời nào đó. Đức Anh cố tỏ ra mạnh mẽ trước khi nghe những lời tư vấn của bác sĩ. Còn Mai thì lặng lẽ hơn, cô tự nhủ, chấp nhận mọi khả năng có thể xảy ra, cùng lắm là chia tay Đức Anh để anh kiếm một người vợ mới, những đứa con xinh xắn và một tổ ấm rộn tiếng cười.

Cả hai đang tỏ ra lo lắng rõ nét thì ông bác sĩ già chừng 60 tuổi tháo kính, nhìn cả hai vợ chồng đầy ngạc nhiên:

- Kết quả rất tốt, tại sao hai vợ chồng lại không thể thụ thai nhỉ?

Gương mặt cả hai vợ chồng Mai bắt đầu giãn ra, tươi tỉnh hẳn. Nhưng cả hai đều ngạc nhiên, tâm trạng đi từ lo lắng dồn nén đến ngỡ ngàng, thở ra một tiếng.
Ông bác sĩ tiếp lời:

- Đừng khiến cả hai căng thẳng như thế, hai vợ chồng nên đi đâu đó du lịch, thoải mái tư tưởng, kiểu gì cũng có con. Nhìn kết quả này thì phải có con từ tháng trước rồi chứ?

Quãng đường về của Mai và Đức Anh trở nên sôi nổi hơn hẳn. Đức Anh lái xe đằng trước, cười không thôi vì mọi giả thiết anh tự vẽ ra đều sai lè. Anh và Mai đều còn trẻ, đều sung sức, chỉ cần điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống, uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ là hoàn toàn có thể sinh con, tại sao cứ phải tạo ra một bầu không khí nặng nề đến vậy? Anh đã quá trầm trọng vấn đề, bỏ mặc vợ với những bữa ăn tối cô đơn, để sa đà quán xá với lũ bạn, để kêu ca than vãn này nọ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mai ngồi sau lưng chồng cũng tự thấy mình đã quá tự ti khi đã vội nghĩ đến cảnh ly hôn. Nếu không cố gắng thì làm sao có quả ngọt? Bao gia đình sống bên nhau 10 năm mới có mụn con mà giờ hai vợ chồng cô mới nửa năm chưa có đã dần xa nhau, không hỏi han, không trò chuyện thân mật như trước… Gia vị của hôn nhân là những cái nắm tay, những câu chuyện cởi mở trước khi đi ngủ, những lời an ủi khi cuộc sống khó khăn… đều vắng bóng trong khoảng thời gian có tính quyết định và thử thách nhất của hai vợ chồng.

Buổi tối hôm ấy, thay vì mỗi người đôi ngả, Mai quen nấu vội bát mì trứng để uống thuốc thì cô rủ chồng ra ngoài ăn hàng. Đức Anh thoáng nhìn thấy đôi mắt vợ lại tươi vui như hồi yêu nhau, anh bỗng xao xuyến gật đầu. Một bữa tối ấm cúng với toàn món thuần Việt, trong một cửa hàng nho nhỏ ở phố Trung Hòa đã khiến tình cảm của cả hai ấm áp lên. Đức Anh nhìn vợ chăm chú, Mai tha thiết ngắm chồng ăn trong cảm giác cả nửa năm qua “bỏ bẵng nhau”, không muốn nhìn nhau, không ai muốn nhắc đến chuyện con cái. Suýt nữa, cả hai đã đánh mất nhau giữa cuộc sống đầy áp lực và nhiều thử thách này.

Đức Anh nhìn vợ, hỏi đùa, không ngại nói đến chuyện con cái:

- Bác sĩ nói mình có thể có con từ tháng trước đấy, thế mà em bỏ lỡ…

- Vậy thì hôm nay, nhất định không được bỏ lỡ…

Mai lém lỉnh nhìn chồng cười tinh quái. Nhưng cô biết, ngày rụng trứng chưa đến. Chẳng sao cả, cả hai nhất định, đến ngày quan trọng đó, cô sẽ book một chuyến đi du lịch cho cả hai vợ chồng, như bao lần hai đứa nắm tay đi khắp thế gian. Chuyện con cái là cái duyên, tất cả đều phải chờ đợi, không phải cặp vợ chồng nào muốn là được. Nhưng quan trọng hơn, Mai hiểu, phải kiên trì, không được buông tay ra, không được lảng tránh. Tất cả phải nảy nở từ sự thông cảm, thấu hiểu, nói chuyện với nhau, chia sẻ với nhau, để cơ hội sinh con không tuột mất chỉ bởi lòng sĩ diện.

QUANG ANH

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.