Tan vỡ gia đình vì thói kể công của vợ

NGUYỄN THỊ LOAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mặt Nam tái đi khi Hương nói oang oang với bạn bè và đồng nghiệp cấp dưới của anh: "Trong nhà này chị là đàn ông thì đúng hơn. Sao số chị lại khổ thế không biết, mấy đứa bạn chị thì được chồng lo hết nên rảnh rang đi spa, mua sắm, du lịch đằng này chồng suốt ngày chúi mũi vào báo cáo, đề tài, việc gì cũng đến tay vợ…”.

Tốt nghiệp trường Ngoại ngữ với tấm bằng loại giỏi trong tay, cộng với khả năng nói tiếng Anh lưu loát như người bản ngữ, nên vừa đi tuyển dụng, Hương đã được nhận ngay vào làm phiên dịch cho một công ty liên doanh nước ngoài, cùng mức lương gần 40 triệu đồng/tháng. Đi làm được hơn năm, Hương kết hôn với Nam, một chàng tiến sĩ, hiện đang giữ chức vụ trưởng phòng của một viện nghiên cứu. Công việc của Nam không hề an nhàn, trong khi mức lương nhà nước không mang lại cho anh thu nhập cao như vợ.

Tan vỡ gia đình vì thói kể công của vợ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cuộc hôn nhân của họ êm đềm được 5 năm, để rồi sau đó là những cuộc chiến tranh nóng, lạnh liên tiếp xảy ra đến nỗi có lúc Nam phải ngủ luôn tại cơ quan vì cảm thấy chán ngán, áp lực nặng nề. Nguyên nhân của những cuộc cãi cọ giữa hai vợ chồng bắt nguồn chỉ từ việc thích kể công của Hương. Hương kể công đủ thứ, từ lo việc nhà, quán xuyến gia đình, đối nội đối ngoại, cho tới việc kiếm nhiều tiền hơn chồng... Hương có thể nói về chuyện này với bất cứ ai: Người thân quen, hàng xóm, họ hàng... Ngay cả khi có chồng ngồi đó, Hương cũng chẳng e ngại gì. Chính vì thế mà nhiều khi Nam cảm thấy quá xấu hổ, bởi vợ đã làm... mất mặt mình không biết bao nhiêu lần!

Chẳng nói thì ai cũng biết Hương tháo vát, nhanh nhẹn nên mọi việc cô làm cho nhà chồng khó có thể chê trách. Nam cũng mát mặt khi họ hàng khen ngợi và nói anh may mắn lấy được vợ vừa kiếm tiền giỏi lại biết lo toan. Có lẽ vì thế mà Hương thấy mình được coi trọng và tự cho phép mình lên mặt với mọi người, đặc biệt là Nam. Mỗi lần vợ chồng có gì cần bàn bạc thống nhất, Hương cũng là người giành lấy phần quyết định. Cô nói: “Anh thì giải quyết được gì? Trong gia đình này từ cái bé cho tới cái lớn đều một tay gái già này lo liệu”.

Nhiều lần phải nghe "bài ca" của Hương, Nam khó chịu, góp ý với vợ thì cô lấp liếm: “Em nói không đúng sao, trong nhà này mà không có em thì có được như ngày hôm nay không? Anh có ung dung mà có chức quyền, rồi nhà cửa con cái có đoàng hoàng như thế này không? Công việc của mấy đứa em trai, em gái của anh liệu có được ngồi trong máy lạnh mà hưởng hơn chục triệu một tháng không? Tất cả là do em lo liệu, xin xỏ, thử hỏi anh làm được gì nào? Lương tháng anh đưa không đủ tiền đóng học cho 2 đứa con, vậy thì sao có thể sống trong thời buổi giá cả đắt đỏ như hiện nay?”.

Tan vỡ gia đình vì thói kể công của vợ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Dù giận bầm gan tím ruột nhưng Nam đành lặng lẽ đi về phòng vì không muốn vợ chồng to tiếng ảnh hưởng đến các con. Dần dần anh ít nói chuyện với vợ hơn, nhiều lúc còn lấy lý do bận để ngủ lại cơ quan mà không về nhà. Hương cũng chẳng thiết vì biết kiểu gì cũng chỉ giận dỗi vài ngày rồi lại đâu vào đấy. Hương không biết rằng, càng ngày Nam thấy Hương càng xa lạ, khó gần. Từ sự cảm phục và yêu thương, Nam cảm thấy Hương bình thường và ích kỷ. Thế rồi, chuyện gì đến cũng phải đến, khi “cuộc chiến” dai dẳng, kết hợp với sự chán ngán, áp lực nặng nề, Nam đã chủ động làm đơn ra tòa bởi anh không thể chịu đựng được thêm nữa về một người vợ quá quắt, khi cô ta không chỉ kể công không thôi mà nhiều khi còn miệt thị, coi thường chồng và những người thân thuộc nhà chồng. Bản thân Nam mặc dù không hề muốn gia đình tan vỡ, các con sẽ khổ nhưng anh đành phải nhắm mắt để làm chuyện đó. Khi nhận tờ đơn từ chồng, Hương cũng sốc lắm, nhưng với bản tính tự cao, tự đại của mình, Hương cầm bút ký luôn không cần suy nghĩ. Hạnh phúc chỉ vì thế mà tan vỡ, thật đáng tiếc.

Có một đôi vợ chồng gần khu tôi sinh sống mà tôi biết khá rõ, họ suýt ra tòa chia tay nhau cũng chỉ vì lý do gần tương tự như vợ chồng Nam - Hương: Người vợ luôn kể công lao với chồng! Đó là vợ chồng Thu - Đàn, năm nay đều 36 tuổi và đã có với nhau 2 mụn con đủ cả nếp, tẻ. Đàn làm kỹ sư xây dựng nên rất hay phải đi theo công trình, tỉnh này, tỉnh khác. Cho nên mọi việc trong nhà do Thu quán xuyến hết từ chăm sóc các con nhỏ tuổi, phụng dưỡng bố mẹ chồng già, rồi lo cơm nước cho cả nhà.

Tan vỡ gia đình vì thói kể công của vợ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Thu không kể công chăm sóc bố mẹ chồng khắp nơi, nhất là với mấy chị hàng xóm hay buôn chuyện để rồi đến tai mẹ chồng và cuối cùng lọt đến tai Đàn. “Ông bà ấy có đưa tiền ăn cho vợ chồng mình đâu, mà có đưa mình cũng chẳng lấy, vợ chồng mình nuôi ông bà hết. Những lần đi viện toàn mình chăm sóc, lúc ốm đau toàn mình cấp cứu. Nếu không có mình thì ông bà ấy chết lâu rồi”... Đó là tất cả những gì mẹ Đàn nước mắt ngắn dài kể cho con trai về chuyện con dâu nói với thiên hạ.

Nói qua, nói lại vợ chồng cãi nhau, ai cũng cho là mình đúng còn người kia ích kỷ, hẹp hòi. Đàn mặt đỏ phừng phừng nói: “Thích thì tôi và cô ly dị, đừng có kiểu làm rồi kể công, nếu kể công thì đừng làm”. Tức mình Thu cũng đáp: “Tôi cũng muốn ly dị lắm rồi”. Khác với trường hợp của Hương ở trên, khi đơn ly dị được Đàn đưa ra thì Thu lại cảm thấy hối hận. Lúc này cô nghĩ: Giá như không kể công biết đâu Đàn sẽ biết ơn cô nhiều hơn. Mặc dù Đàn cương quyết đòi ly dị với người vợ kể lể, nhưng Thu biết lỗi của mình, cũng biết đường tìm mọi cách để nhận lỗi, xin được sửa chữa để cứu vãn hôn nhân. 
Người xưa từng bảo “của chồng, công vợ”, vì vậy dù chồng hay vợ có của cải, hay người này có làm ra nhiều tiền bạc hơn người kia đi chăng nữa, công lao trong nhà có to đến đâu thì cũng không nên kể lể công trạng… Như chúng ta biết, con người ai cũng có sĩ diện và lòng tự trọng, bởi thế một khi vợ quá coi thường và hay kể công thì người chồng sẽ không thể chịu được, nên việc tan vỡ hạnh phúc là điều khó tránh khỏi… 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

(PNTĐ) - Chị khóc vùi bên mộ cha, gần 10 năm rồi chưa một lần được thăm cha mẹ, cho đến hôm nay chị cũng không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối cùng. Mẹ chị nói, cha chị yếu dần nhưng vẫn cố gắng hết sức để đợi chị về. Tâm nguyện cuối của ông trước khi ra đi là được gặp đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, tâm nguyện đó của ông cũng chẳng thể toại nguyện.
Tình đầu đâu có... xấu

Tình đầu đâu có... xấu

(PNTĐ) - Hôm đó, mẹ vợ anh trở bệnh phải nhập viện gấp. Hai vợ chồng anh lại đang ở xa. Anh liền nhắn tin cho Như “cầu cứu”: “Mẹ vợ anh vào viện em khám chỉ có một mình. Em lo cho bà giúp anh nhé. Nay vợ chồng anh đều không đưa bà đi được”.
Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

(PNTĐ) - Ngày nay, phụ nữ không chỉ tự tin, độc lập mà còn xây dựng các chuẩn mực, thước đo để khẳng định giá trị bản thân, hướng đến hình mẫu phụ nữ hiện đại. Họ dám nghĩ, dám làm, dám bước qua ranh giới và rào cản, quyết tâm theo đuổi đam mê, từ đó khẳng đinh tài năng trên từng lĩnh vực mà mình theo đuổi.