Tập nói lời “yêu”

PHÙNG THU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mấy ngày sau Tết rảnh rỗi quá hay sao đó mà hầu như tối nào thằng con lém lỉnh năm nay mới 9 tuổi của Mai cũng lôi kéo bà mẹ trung niên vào phòng để “buôn” đủ thứ... chuyện.

Hôm nay chồng Mai đi vắng, thằng con lại léo nhéo kéo mẹ vào phòng.

- Mẹ à, mẹ có yêu con không?

- Con hỏi kỳ lạ thế, mẹ đương nhiên là yêu con rồi?

- Vậy mẹ có yêu ba không?

- Nhóc con quản cả chuyện người lớn nữa hả? Mẹ đương nhiên yêu ba. Yêu... mới có con trai chứ.

- Vậy... tại sao con chỉ thấy mẹ nói “mẹ yêu con”, mà không thấy mẹ nói yêu ba?

Mai cười méo miệng vì câu hỏi của con trai. Ôi trời, làm sao mà cô có thể hình dung nhóc con mới 9 tuổi lại hỏi mình như vậy. Nhưng đứng ở góc độ bọn trẻ, kể ra câu hỏi ấy hoàn toàn vô tư. Trẻ con mà, chúng quý mến ai thì nói yêu người đó, không yêu thì không nói. Thế nên khi thấy mẹ không nói yêu ba, con trai chị thắc mắc cũng là dễ hiểu. Có điều, mấy lời vô tư của con trai ít nhiều khiến Mai giật mình. Cô trả lời con với vẻ mặt suy tư: “Hình như có chút ngại, chắc tại ba mẹ đều bận quá”. Nói vậy nhưng trong lòng Mai mang theo bao suy nghĩ.

Đúng ra thì Mai ngại nói lời yêu là thật. Ngại không phải vì xấu hổ, mà vì “lười”. Và nguyên nhân là bởi Mai từng có lần “vấp” đau trong chuyện nói lời yêu với chồng. Một ngày đẹp trời, chính vì cô bất ngờ nhắn “em yêu anh” mà hai vợ chồng suýt cãi nhau to. Tới giờ nhớ lại bối cảnh và diễn biến của sự việc, cô vẫn thấy dở khóc dở cười. 

Tập nói lời “yêu” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chuyện là đợt ấy trên mạng xã hội rộ lên trào lưu “thử” nhắn tin, nói “em yêu anh” với chồng xem ông xã phản ứng ra sao. Trước khi “bắt tay” thực hiện thử thách, Mai cũng lướt một vòng các trang facebook, hỏi thăm các chị em bạn dì, ngó nghiêng xem kết quả như thế nào. Đúng là rất đặc sắc. Nhiều người còn tìm tới Mai kể khổ vì phi vụ này.

Một trong số ấy là cậu em họ của cô. Mai vẫn nhớ hôm đó là cuối buổi chiều thứ sáu, gần tới giờ về thì cậu em gửi cho Mai ảnh chụp lại màn hình tin nhắn cuộc nói chuyện với vợ, kèm biểu tượng mặt người khóc sướt mướt và lời giãi bày: “Khổ em quá. Vợ em dỗi rồi chị ơi, lại mất mấy ngày ăn ngủ không yên rồi. Bình thường nhắn tin với nhau hay bông lơn, bốp bốp chát chát, cộc lốc, nay lại nhắn cho em mấy lời sướt mướt gì mà anh yêu với yêu anh, nhớ anh này nọ. Em còn tưởng vợ em gửi nhầm cho ai, suýt nữa cáu ầm lên. May mà định thần lại, hỏi mỗi câu “Vợ bị làm sao à?”. Ấy là em sợ vợ em bị đau bụng hay mệt, cô ấy lại suy luận thành em nghĩ cô ấy có vấn đề. Thế là dỗi em. Giờ em đau đầu luôn rồi. Ai mà biết vợ em đang thử trào lưu nhắn tin yêu đương với chồng”.

Tập nói lời “yêu” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mai nghe xong, cười ngặt nghẽo, vừa thương cậu em họ nhưng cũng thấy hả hê thay cho nhiều bà vợ bị “sốc” khi nhận “đáp án” từ chồng. Thật ra Mai cũng nằm trong số đó. Chồng Mai không tới nỗi nói những câu quá khó nghe và vô tâm kiểu như: “Rảnh quá à?”, “Hôm nay trời mát chứ có nóng đâu mà thấy chỗ nào đó âm ấm”, hay “Ngáo à?”, “Ăn nhầm gì à?”, “Đang bận cứ nói luyên thuyên”, “Mệt phờ người ra, yêu với đương con khỉ”, “Có tiền đi khám chưa để anh tạm ứng?”, “Mấy giờ mà còn chưa tỉnh dậy?” hoặc bị chất vấn kiểu “Nhắn nhầm cho thằng nào đấy?”… Tuy nhiên, anh cũng không ngọt ngào như nhiều anh chồng khác, nói “anh cũng yêu em”, hay “cảm ơn vợ luôn yêu chồng”…

Câu trả lời của chồng Mai vốn hoàn toàn nằm trong đáp án trù bị cô đưa ra: “Ủa, chắc làm gì có lỗi với chồng hả, hay em muốn gì cứ nói, anh đáp ứng ngay”. Chồng cô không quá gay gắt, thậm chí còn hài hước. Nhưng vì Mai đang quá háo hức, và có chút chờ mong rằng chồng mình sẽ đáp lại bằng lời tình cảm nên kết quả thực tế khiến cô hụt hẫng. Cô giận và chạnh lòng vì cho rằng “hóa ra trong mắt chồng, chỉ khi nào vợ cần giúp hay thấy có lỗi thì mới nói những lời yêu thương”. Tính khí trẻ con nổi lên, Mai dỗi luôn. 2 ngày liền cứ về tới nhà là cô mặt nặng mày nhẹ, đi ngủ cũng “bơ” luôn anh chồng nằm cạnh. Mãi sau khi chồng Mai thanh minh, xin lỗi mãi cô mới chịu “bắc thang” xuống nước.

Tập nói lời “yêu” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cũng chính từ câu chuyện của mình nên lúc em họ tâm sự nỗi niềm bị vợ giận, Mai cũng tranh thủ chất vấn, mắng mỏ vài câu: “Vợ giận là đúng rồi. Ngày xưa chúng mày yêu nhau, chị nhớ là sến tới mức người ngoài còn ngại, chắc mấy lời yêu đương nói cả ngày. Thế mà cưới xong là biến đổi luôn. Giờ thấy vợ nhắn cho một tin ngọt ngào lại nghi ngờ, không biết đáp lại. Rõ ràng là được bày tỏ tình cảm còn nghĩ sai lệch đi. Trong khi các bà vợ chỉ mong chờ điều rất đơn giản, là gửi đi một lời yêu sẽ nhận về lời yêu khác. Chừng đó cũng đủ để các chị vui vẻ, âm ỉ sướng, có khi tự hào khoe khắp cả cõi face. Không phải ai đó bỗng nhiên nói lời ngọt ngào với vợ/ chồng mình cũng là “rào trước đón sau” cho một lỗi lầm ẩn giấu, mà có thể chỉ là phép thử, là sự đổi mới”.
Mắng cậu em xong Mai cũng hiểu suy nghĩ của chồng hơn. Chỉ có điều “đau” một lần rồi nên sau “sự cố” đó, Mai đã tự nhắc mình: “Yêu thương chuyển thành hành động là được, còn mấy lời ngọt ngào, sến súa thì thôi, chỉ nói khi nào vợ chồng gần gũi, cảm xúc thăng hoa… để đỡ bị hiểu lầm”. Cho đến hôm nay, khi con trai vô tình hỏi, Mai mới nghiêm túc nhìn nhận lại. Còn cậu bé, chẳng biết học ở đâu kiểu động viên mẹ như người lớn:

- Mẹ à, mẹ đừng ngại, mẹ yêu ba thì cứ nói, giống như mẹ nói mẹ yêu con, hay con nói con yêu mẹ vậy.

- Nhưng giờ ba con đâu có ở đây, nói cũng vô ích.

- Thì đó, không có ba ở đây… càng tiện chứ sao ạ. Mẹ nói thử đi, mẹ đừng ngại.

Tập nói lời “yêu” - ảnh 4
Ảnh minh họa

Mai gật đầu với con trai, làm bộ nói: “Chồng à, vợ yêu chồng”. Vừa dứt lời thì phía sau lưng cu cậu vang lên lời đáp: “Vợ à, chồng cũng yêu vợ”, nhóc con của Mai cũng tinh nghịch cười khúc khích. Hóa ra từ đầu tới giờ cuộc nói chuyện của hai mẹ con đều được chồng cô nghe thấy hết. “Chắc có sự thông đồng giữa hai bố con” - Mai mỉm cười, vừa thấy ngại nhưng cũng có chút thích thú. Trong đầu bỗng hiện lên lại bao điều tốt đẹp mà hai vợ chồng đã cùng nhau trải qua, bao mơ ước từng cùng nhau ấp ủ, vun vén để có được hôm nay. 

Câu hỏi vô tư của con trai nhưng thật sự đã khiến Mai phải suy nghẫm nghiêm túc về một khía cạnh rất đơn giản của cuộc sống, đó là hạnh phúc. Rõ ràng là yêu thương nhau, thì đừng để lời yêu bị chôn chặt. Từ mai, vợ chồng cô sẽ cùng nhau cố gắng tập nói lời “yêu”, đó là thứ nên sẻ chia thay vì tiết kiệm. Bởi đôi khi quá tiết kiệm lời yêu thương sẽ khiến hôn nhân nhàm chán, tình cảm thiếu sự gắn kết. “Lời nói chẳng mất tiền mua”, cớ gì ta lại hà tiện những điều sẵn có? Chính cô hôm nay khi nghe chồng nói yêu mình cũng thấy bồi hồi, đâu đó là cảm giác xao xuyến, mong chờ như thuở mới quen.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.