Tập trung các giải pháp thực hiện quy hoạch Thủ đô hiệu quả

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - TP Hà Nội đang bước vào giai đoạn nước rút để thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô). Đây là một thách thức rất lớn, cần nhiều giải pháp đối với các cấp, ngành.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Năm 2017, Luật Quy hoạch ra đời đã đánh dấu sự đổi mới về công tác quy hoạch. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 các tỉnh, thành phố đều lập theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là thống nhất một đồ án quy hoạch trên địa bàn, thay thế cho các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, ngoài khó khăn trong xác định phương pháp lập quy hoạch, việc lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhân lực thực hiện với yêu cầu mới cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể trong nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, 19 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có liên quan đến nhiều ngành. “Như vậy, mỗi ngành sẽ chiếm một hợp phần nhất định. Nhiệm vụ tìm ra đơn vị có năng lực tích hợp các kiến thức để đứng ra liên kết toàn bộ chuyên ngành này là bài toán khó. Nếu chọn tư vấn không đáp ứng yêu cầu, không có khả năng, quy hoạch chắc chắn phải sửa đi sửa lại nhiều lần”, ông Đào Ngọc Nghiêm nêu vấn đề.

Tương tự, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định cho Hà Nội 69 nội dung cần tích hợp vào quy hoạch, bao gồm: 39 nội dung đề xuất về phương án phát triển ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất phương án phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.

Trong khi đó, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang đề cập đến khoảng 27/39 nội dung định hướng về chuyên ngành và 30/30 nội dung định hướng về quy hoạch của địa phương trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Tập trung các giải pháp thực hiện quy hoạch Thủ đô hiệu quả - ảnh 1
Người dân xem đồ án quy hoạch tại Hội nghị công bố các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu sông Đuống. Ảnh: PV

Tuy nhiên, đến nay, mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội chưa từng có tiền lệ, cũng như hệ thống văn bản pháp luật chưa đề cập đầy đủ các diễn biến thực tế đang diễn ra. Do đó, để tránh chồng chéo, trùng lặp, cũng như để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng cần sớm có hướng dẫn cụ thể về nội dung tích hợp, bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu khi tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần có những cách làm sáng tạo

Trong khi thời gian còn rất ít, vấn đề nằm ở cơ quan thẩm tra, cơ quan tổ chức thực hiện cần có những cách làm sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc cần thiết hiện nay là thành lập một bộ phận chuyên môn, được tập hợp từ các đơn vị, sở, ngành của Thành phố để nghiên cứu, sàng lọc phương án quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực, quận, huyện đưa vào nội dung quy hoạch tích hợp.

Đặc biệt, để giải quyết “điểm nghẽn” trong lựa chọn đơn vị tư vấn, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn và cần cụ thể hơn phương án hợp tác quốc tế trong tư vấn lập quy hoạch. Một yếu tố quan trọng nữa là trong cơ cấu hội đồng thẩm định không chỉ có cơ quan quản lý chuyên ngành mà còn phải có đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp và đại diện nhân dân.

Một số chuyên gia khác cũng kiến nghị, để việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đạt được hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn.

Cùng với đó, cần ban hành đầy đủ các định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay, dù xác định đây là công việc rất khó, trọng trách lớn nhưng ngay sau khi được Thành phố giao nhiệm vụ, Viện đã bắt tay ngay vào triển khai một cách bài bản, quyết liệt. Đến nay, Viện đã thực hiện được các phần việc như tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chuẩn bị nội dung phục vụ lập quy hoạch; tổ chức các buổi tọa đàm xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế. 

“Đến thời điểm hiện nay, Viện đang khẩn trương hoàn thiện để đăng hồ sơ mời thầu và dự kiến khoảng tháng 4/2023 sẽ chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch, phấn đấu đến tháng 6/2023, có dự thảo bước đầu để báo cáo Chính phủ”, bà Hằng cho biết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.