Tháng 3, về nguồn tưởng nhớ Hai Bà Trưng

Chia sẻ

Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh là điểm đến ý nghĩa trong những ngày tháng 3. Chuyến đi về nguồn là dịp để mỗi người tưởng nhớ hai vị liệt nữ, anh hùng dân tộc là Trưng Trắc - Trưng Nhị và tận hưởng sắc xuân ngập tràn đất trời.

Chốn tâm linh thiêng liêng và tĩnh lặng

“Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận loài tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời thề/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…” - những câu ca ca ngợi lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của Hai Bà Trưng đã “nằm lòng” trong tâm trí của nhiều thế hệ từ những ngày cắp sách đến trường. Cách trung tâm thành phố gần 30km, chính tại nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa cách đây 1982 năm đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán - người dân Mê Linh đã lập đền thờ để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn công đức của 2 Bà. Vì vậy, đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh là di tích lịch sử lớn nhất, lâu đời nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong tổng số hơn 100 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh trong cả nước. Đây là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng từ thời ấu thơ, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương, định đô.

Toàn cảnh khu di tích đền thờ Hai Bà TrưngToàn cảnh khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng

Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng toạ trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích gần 13ha. Phía sau đền, hậu cung tiếp giáp với Thành cổ Mê Linh. Phía trước đền, lần lượt qua hồ bán nguyệt, sân trong (sân đá nội) - tam quan nội, sân đá ngoại - tam quan ngoại và tiếp giáp với đường kéo quân. Trong đó, thành cổ Mê Linh và đường kéo quân là những di tích gốc gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đền thờ Hai Bà Trưng được trùng tu nhiều lần nhưng vị trí, hướng đền và những nét kiến trúc đặc sắc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như ban đầu. Khu di tích được chia làm 2 khu là nội vi và ngoại vi. Khu ngoại vi chính là khu vực phía trước đền, có diện tích hơn 8ha, dành cho phần hội. Khu nội vi có diện tích hơn 4ha, dành cho phần lễ là nơi tập trung nhiều đền thờ chính, quan trọng nhất và các di tích, công trình cảnh quan phù trợ.

Khu nội vi từ hồ bán nguyệt đến hậu cung, gồm ngôi đền chính tam toà chính điện ở giữa thờ Hai Bà Trưng; ở bên tả (bên trái) là đền thờ ông Thi Sách - chồng bà Trưng Trắc và thân phụ thân mẫu ông Thi Sách, đền thờ các nam tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; ở bên hữu (bên phải) là đền thờ thân phụ thân mẫu của Hai Bà Trưng, đền thờ các nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nằm tiếp giáp với khu nội vi, du khách tham quan có thể tìm hiểu dấu vết của thành cổ đắp đất, hình “con rắn uốn mình” với chiều dài thành là hơn 1,7km, chỗ rộng nhất là 500m, chỗ hẹp nhất là 200m.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đền thờ Hai Bà Trưng là một trong những nơi hội họp bí mật của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945. Vì vậy, tại đây đã xây dựng nhà bia tưởng niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh với tấm bia lưu niệm có nội dung: Nơi đây có cây Lụa già thân rỗng là hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1943-1945…

Không gian xanh mát và thoáng đạt tại Đồi 79 mùa xuânKhông gian xanh mát và thoáng đạt tại Đồi 79 mùa xuân

Đền thờ Hai Bà Trưng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đầu tháng 1/2022, UBND TP Hà Nội đã công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng.

Cùng với khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng, trong hành trình về nguồn - du lịch tâm linh, du khách không thể bỏ qua các điểm đến ý nghĩa khác trên địa bàn huyện. Đó là khu di tích Đồi 79 mùa xuân tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị anh hùng liệt sỹ của dân tộc tại xã Thanh Lâm. Từ chân đồi thông thứ nhất, qua 79 bậc thềm lát gạch, du khách đặt chân tới đỉnh đồi, nơi có bức tượng đồng Hồ Chủ Tịch.

Sau khi Bác qua đời, người dân huyện Yên Lãng trước đây, nay là huyện Mê Linh đóng góp các đồ vật bằng đồng trong gia đình như: hạc, lư hương, chiêng, mâm, chân nến… để đúc bức tượng. Đây là bức tượng đầu tiên sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Xung quanh tượng Bác, người dân đã trồng 79 cây ăn quả và đặt tên ngọn đồi là 79 mùa Xuân, tượng trưng cho 79 tuổi của Bác. Tại đồi thông thứ hai có đền Báo Ân thờ Đức Thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các anh hùng liệt sĩ; kế bên là chùa Linh Ẩn dựng lại hình ảnh ngôi chùa Sùng Ân ở Thanh Tước có từ thời Minh Hiến vương (con út vua Trần Anh Tông).

Nằm cách khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng hơn 1km là tổ đình Trung Hậu, xã Tiền Phong. Có bề dày lịch sử 300 năm, đây là tổ đình danh tiếng xứ Kinh kỳ với nét cổ kính hài hòa với vẻ uy nghiêm, tráng lệ của chốn tùng lâm đã qua bảy đời trụ trì của bảy vị Cao Tăng Tổ Đức có tài năng và đạo hạnh xuất chúng. Từ Tổ đình, đã có lớp lớp thế hệ minh sư nối truyền mạng mạch chính Pháp.

Thư thái trong không gian xanh của cỏ cây, hoa lá

Các khu di tích lịch sử và tâm linh của huyện Mê Linh đều nằm trên diện tích rộng với hệ thống hồ nước, thảm cỏ và cây xanh rợp bóng mát. Rời xa những ồn ào náo nhiệt của những con phố trung tâm của TP, vãn cảnh đền, chùa tại Mê Linh du khách không chỉ được thành kính dâng nén tâm nhang tưởng nhớ công đức của những anh hùng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mà có cơ hội thư thái, lắng mình trong thiên nhiên xanh mát, khí hậu trong lành và không gian yên bình, tĩnh lặng. Tại khu di tích Đồi 79 mùa xuân, trên diện tích rộng lớn hơn 18ha có hàng ngàn cây bồ đề cùng các loại cây quý hiếm được lựa chọn từ nhiều vùng miền trong cả nước và du nhập từ các nước: Ấn Độ, Indonesia…

79 bậc thềm lát gạch dẫn lên đài tưởng niệm Hồ Chí Minh tại Đồi 79 mùa xuân79 bậc thềm lát gạch dẫn lên đài tưởng niệm Hồ Chí Minh tại Đồi 79 mùa xuân

Trong khi đó, tại Tổ đình Trung Hậu, ngoài các loại cây cau, bồ đề, còn có hai cây vô ưu (sala) cổ thụ rất đẹp - loại cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và gắn liền với truyền thuyết Phật Thích Ca. Hoa vô tư nở quanh năm, nở thành chùm; nhìn bề ngoài, bông hoa vô ưu gần giống hoa sen, cánh hoa màu cam lẫn đỏ thắm và hồng, hương thơm ngát. Lá cây vô ưu màu xanh đậm, có thể dùng đun nước để uống rất tốt cho sức khoẻ. Giữa sân chùa là hồ nước lớn với mảng lá xanh mát cùng những bông hoa súng nhiều màu sắc rực rỡ.

Đặc biệt, khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng nằm giữa vùng đất hoa nổi tiếng của Hà Nội và cả nước. Vì vậy, ngoài hệ thống cây xanh cổ thụ, vào những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, trong không khí đất trời vào xuân, bà con trong xã Mê Linh đã cung tiến rất nhiều loại hoa tươi như hoa cúc, hoa hồng, hoa hướng dương, hoa trạng nguyên, hoa thược dược, hoa xác pháo… để trang trí làm đẹp cho khu vực nội và ngoại vi; đồng thời kết hợp với các nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thân thiện với môi trường để tạo thành những tiểu cảnh hoa ấn tượng trước các đền thờ, nhà bia tưởng niệm, cổng ra vào…

Ngoài ra, với những người yêu thích hoa cây cảnh, sau khi thắp hương và vãn cảnh đền có thể dạo bước trên con đường làng của thôn Hạ Lôi và các thôn lân cận để tham quan các nhà vườn trồng hoa cây cảnh. Đặc biệt, với sự cần cù, khéo léo và sáng tạo, bà con trồng hoa ở đây đã tạo ra nhiều loại dáng, thế mới lạ và độc đáo cho cây hoa, cây cảnh. Trong đó, chủ lực hoa hồng thế, hoa hồng nhập ngoại cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Với thương hiệu đã được khẳng định, nhiều nhà vườn tại xã Mê Linh đã trở thành địa chỉ cung ứng hoa hồng thế, hoa cảnh với số lượng lớn cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ thành công của xã Mê Linh, thời gian gần đây, một số xã lân cận đã phát triển dòng sản phẩm hoa hồng thế. Trên con đường hơn 1km từ Tổ đình Trung Hậu đến khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng san sát các nhà vườn trồng hoa hồng và hàng trăm loại hoa cảnh theo mùa để du khách có thể mãn nhãn khi đến với Mê Linh.

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.