Thắt lưng, buộc bụng vì... Covid-19

Chia sẻ

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn, phải thắt chặt chi tiêu dưới mức cơ bản để duy trì cuộc sống. Nhiều cặp vợ chồng vì khó khăn về kinh tế đã xảy ra mâu thuẫn, xung đột không đáng có…

Giảm cá, thêm… rau

Từ khi dịch bệnh bùng phát đợt thứ 4 đến nay, vợ chồng chị Loan (Đông Anh, Hà Nội) phải hết sức tiết giảm sinh hoạt. Chồng chị là lái xe công nghệ, dịch bệnh khiến thu nhập của anh rất bấp bênh. Chị làm nhân viên văn phòng thường xuyên bị sếp lấy đủ lý do để trừ lương. Có tháng, thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 10 triệu đồng. Từ tiền thuê nhà, tiền học, tiền chi tiêu sinh hoạt… tháng nào cũng “âm”. Chị đành phải cho các con về quê với ông bà nội để đảm bảo việc chăm sóc, ăn uống cho các con. Ở Hà Nội, sau giờ làm ở công ty, chị nhận dạy thêm yoga online để có thêm thu nhập. “Những bữa cơm “siêu tiết kiệm” chỉ có rau luộc với chút muối vừng là chuyện bình thường nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề thiếu thốn, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội và các đợt cách ly y tế vì liên quan đến dịch” – chị Loan thở dài.

Còn chị Tú, mẹ đơn thân có con trai 4 tuổi cho biết, cuộc sống của chị và con trai vốn đã khó khăn, nay do dịch bệnh càng khó khăn hơn. Sau 3 năm kết hôn, vợ chồng “đường ai nấy đi”, chị Tú được quyền nuôi con trai lúc đó mới 2 tuổi. Lúc ly hôn, chị chỉ có hai bàn tay trắng, công việc không ổn định nên đành phải về ở chung với bố mẹ đẻ và vợ chồng em trai. Bố mẹ chị cũng không khá giả gì, chỉ có thể phụ trông con cho chị việc ăn uống hàng ngày, còn các khoản tiền sữa, học, tiền thuốc, đồ ăn thêm là do chị tự lo. Con trai chị mắc chứng tăng động, nên việc chữa trị cũng rất tốn kém. Từ ngày dịch bệnh, thu nhập của chị giảm 1/3, nên chị thắt chặt chi tiêu, chị không đóng góp nhiều vào tiền ăn cho gia đình, khiến em dâu cũng thấy khó chịu. Nhiều lần, em dâu bóng gió việc mẹ con chị đang ăn nhờ ở đậu khiến chị rất phiền lòng. “Tôi muốn dọn ra ở riêng nhưng không có khả năng kinh tế. Nhiều lúc mệt mỏi, căng thẳng, có suy nghĩ tiêu cực, nhưng vì thương con, tôi cố gắng giữ thăng bằng để vượt qua” – chị Tú nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Xung đột vợ chồng vì… khó khăn kinh tế

Chuyên gia tham vấn và chữa lành tâm lý Vera Diệp Chi, Công ty Đào tạo tư vấn tâm lý Phúc An kể, trong giai đoạn dịch bệnh, chị đã tham vấn cho nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn liên quan đến kinh tế. Như trường hợp vợ chồng chị Thảo, khi chưa có dịch, thu nhập của 2 vợ chồng chỉ đủ chi phí sinh hoạt gia đình, tiền ăn học cho 2 con ở thành phố và trả góp tiền nhà, không tích luỹ được khoản nào. Thời điểm dịch bùng phát, chồng chị Thảo nghỉ việc không lương. Công ty của chị cũng làm việc online tại nhà nên bị cắt giảm 1/3 lương. Lúc này mọi chi tiêu của gia đình đều trông chờ vào mấy triệu tiền lương của chị Thảo, khó khăn càng thêm chồng chất. Đã thế, chồng chị không quen với việc ngày hai bữa cơm cà rau cá nên thi thoảng đòi “đổi món” bằng hải sản và các món ăn ngon… khiến chị luôn mệt mỏi căng thẳng chuyện tiền bạc, dẫn đến xung đột liên miên...

Chị Ngọc Anh, 26 tuổi cho biết, vợ chồng chị vừa mở cửa hàng ăn thì dịch Covid-19 ập tới, thành phố thực hiện giãn cách nên phải đóng cửa. Kinh doanh đình trệ, mất đi nguồn thu nhập trong khi đó ở nhà vẫn phải chi đủ thứ, cộng thêm khoản nợ mà vợ chồng vay để mở cửa hàng nên càng bí hơn. Áp lực kinh tế, vợ chồng thường xuyên mặt nặng, mày nhẹ, lời qua tiếng lại. Mua cái gì, ăn uống thế nào rồi kèm con học sao… tưởng chừng là việc thường nhật nhưng giờ đôi khi lại là việc mà vợ chồng tranh cãi. Đôi khi chỉ vì một điều rất nhỏ, chồng chị cũng cáu, quát vợ con. Từ những chuyện vụn vặn như chưa kịp gấp quần áo hay vắt quả cam uống xong chưa kịp đổ, cũng trở thành ngòi nổ cho cuộc cãi vã.

Từ ngày dịch bệnh, các cửa hàng đẩy mạnh bán hàng online kèm theo những lời mời hấp dẫn như siêu giảm giá, giờ vàng sale, black Friday… thu hút đông đảo mọi người canh sale. Chị N (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng không ngoại lệ. Nhất là trong khi bị cách ly y tế tại nhà, không thể đi làm, khi rảnh rỗi, chị đều lên mạng xem livestream. Ngày đều đặn ba lần: trưa, chiều, tối, các cửa hàng quần áo, trang sức, phụ kiện… tổ chức livestream giảm giá, chị N đều mở “canh sale”, chốt đơn. Đơn 1 chưa kịp giao, đơn 2 lại được đặt… Tính ra mỗi ngày, chị đều “đặt” hàng onlie được 1-2 sản phẩm gì đó, từ quần áo, giày dép, túi, ví… rồi hào hứng khoe chồng: Cái này bình thường nó bán giá gần triệu bạc, nay giảm hơn 1 nửa, còn có 3-4 trăm nghìn, không mua sau này lại tiếc. Hay “giá hời quá, đằng nào chẳng có nhu cầu dùng đến…”. Cứ như thế, chị N mất cả chục triệu đồng để mua quần áo, giày dép, trong khi dịch bệnh khiến cho thu nhập của hai vợ chồng giảm đi đáng kể. Vợ chồng vì thế thường xuyên chiến tranh lạnh.

Chị Trịnh Thu Hà, cán bộ dự án, trưởng phòng tư vấn, Văn phòng hỗ trợ nạn nhân của trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên Csaga kể, cuối tháng 7/2021, văn phòng hỗ trợ người bị bạo lực giới của trung tâm Csaga có nhận cuộc gọi của nạn nhân bị chồng đánh nhiều lần. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, mọi người đều ở nhà, chồng chị thường xuyên đổ lỗi cho chị không biết đi chợ, không nấu được bữa cơm tử tế cho chồng con. Chị đã giải thích là trong giai đoạn dịch bệnh cần thông cảm vì đi chợ khó khăn và tiết kiệm vì thu nhập đang không có, song anh ta không nói liền cầm dao rượt đuổi đòi giết chị. “Tôi vội ôm con về nhà bố mẹ đẻ nhưng anh ta doạ mang dao sang giết cả nhà tôi. Sợ phiền bố mẹ, tôi đã ôm con đi thuê trọ riêng để đảm bảo an toàn” – chị cho biết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trường hợp khác là một phụ nữ 43 tuổi (trú tại Hưng Yên) kêu cứu vì bị chồng bạo hành. Gia đình chị làm nghề đổ cây cảnh, hoa cảnh. Dịch bệnh căng thẳng khiến cho việc đi lại khó khăn, chồng chị mất việc, không có thu nhập, lo hoa quá lứa phải đổ đi khiến chồng chị càng cáu bẳn. Thay vì cùng vợ chăm sóc con, nghĩ cách vượt qua khó khăn, chồng chị đi uống rượu. Chị góp ý thì chồng chị đánh đập thậm tệ. May mắn có hàng xóm can ngăn, chị mới được cứu thoát.

Theo thông tin của trung tâm CSAGA, từ đầu năm 2021 đến nay, số cuộc gọi đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ tăng 130%. Số cuộc gọi đến đường dây nóng 1900969680 trong 6 tháng đầu năm để tư vấn tăng 140%, số ca bạo hành gia đình liên hệ tăng 51%; số lượng nạn nhân được Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ cũng tăng 110% với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, cuộc sống của nhiều gia đình đang bị ảnh hưởng, không chỉ về mặt kinh tế mà cả tình cảm vợ chồng.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Tuý, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng kéo theo nhiều vấn đề về việc làm, kinh tế và cả đời sống hạnh phúc của mỗi gia đình. Khó khăn về kinh tế, bí bách trong cuộc sống, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội nhiều cặp vợ chồng gần như 24/7 ở nhà khó tránh khỏi sự khắc khẩu, tranh luận không đáng có. Họ bị stress bởi áp lực tài chính, công việc…, mâu thuẫn càng dễ xảy ra. Khi mâu thuẫn không kịp hóa giải, hạnh phúc dễ “lung lay”. Do đó, mọi người cần có biện pháp để thích nghi với cuộc sống khi có những thay đổi ngoài dự kiến. Mỗi người cần thay đổi những thói quen xấu, thông cảm với nhau trong cuộc sống, chia sẻ cảm thông nhau để hóa giải, cần biết cách chi tiêu để đảm bảo an toàn trong mùa dịch…

Đối với các trường hợp bị bạo lực, chị Trịnh Thu Hà, cho biết, Trung tâm đã có nhiều biện pháp để giúp đỡ các trường hợp bị bạo lực như hỗ trợ tâm lý, trấn an và bàn bạc các cách thức liên hệ trong trường hợp các cuộc gọi/chat bị ngắt đột ngột; hướng dẫn người bị bạo lực tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ ngay tại địa phương; kết nối với các dịch vụ cần thiết để theo dõi và hỗ trợ cũng như thúc đẩy tác động để địa phương sẽ vào cuộc xử lý người gây bạo lực…

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.