Thầy giáo nhí của ông nội

Chia sẻ

80 tuổi, ông nội tôi mới bắt đầu học dùng điện thoại di động thông minh. Câu chuyện bắt đầu từ việc tôi được mẹ tặng cho một chiếc điện thoại mới trong dịp sinh nhật nên thừa ra chiếc điện thoại đang dùng.

Chẳng nhẽ lại bỏ điện thoại cũ ấy đi, tôi liền “dỗ” ông nội:

- Ông nội ơi hay là ông dùng điện thoại di động của cháu nhé. Ông có điện thoại rồi thì mỗi khi ông đi đâu, cả nhà có thể dễ dàng liên lạc được với ông.

Tôi cứ nghĩ ông không đồng ý ngay đâu, nhưng không ngờ ông bảo ừ, để ông xem thế nào.

Ông “xem thế nào” có nghĩa là ông đã đồng ý. Ở với ông lâu năm, tôi biết cách nói ấy của ông. Vì thế, tôi phấn khởi về ngay nhà lấy điện thoại cũ mang sang cho ông dùng.

Thế nhưng, gần một tuần sau, tôi vẫn không thấy ông dùng điện thoại. Tôi hỏi bà thì bà bảo: “Ông chưa biết cách dùng điện thoại đâu. Cháu xem đã bao giờ ông được dùng điện thoại thông minh đâu”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe vậy, tôi ngại quá, thấy mình thật vô tâm với ông. Vì thế, tôi chạy vào phòng ông, đúng lúc ông đang cầm cái điện thoại trên tay ngắm nghía.

- Ông ơi, ông không biết dùng điện thoại phải không? Vậy để cháu chỉ cho ông nhé.

- Không đâu, ông biết chứ. Nhưng ông thấy chưa cần thiết phải dùng điện thoại lúc này. Nói rồi, ông liền đặt điện thoại lên mặt bàn rồi bước ra phòng khách, bật ti vi lên xem.

Lại thêm một tuần nữa, chiếc điện thoại vẫn chưa được ông sử dụng. Tôi lại hỏi lý do thì bà cười bảo: “Cháu ơi, ông cháu sĩ diện lắm. Ông ngại để mọi người biết là thời buổi này, ông vẫn không biết dùng điện thoại thông minh. Tối nào, ông cũng đem điện thoại ra tự mày mò nhưng thấy toàn chữ tiếng Anh, ông không hiểu được”.

À, vậy là tôi biết rồi. Hồi trẻ, ông tôi từng là giám đốc một công ty, ông rất giỏi, đã từng đặt chân tới mấy quốc gia lớn trên thế giới. Nhưng thời của ông, người ta chưa dùng điện thoại di động, chưa có internet như bây giờ. Sau khi ông về hưu cách đây đã rất lâu, ông tôi chỉ ở nhà bên con cháu, ngày ngày lấy ti vi làm bạn. Ông gần như không biết tới đời sống công nghệ hiện nay.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lần này, tôi quyết định thay đổi chiến thuật. Tôi đến nhà ông chơi, mang điện thoại của mình ra rồi nói ông thử gọi cho tôi xem có được không, hình như điện thoại của tôi bị hỏng nên không nhận được cuộc gọi. Ông tôi lúng túng lấy máy điện thoại ra, tôi lại bảo ông để tôi gọi thay ông, rồi tôi mở khóa, bấm vào nút gọi điện cho ông xem. Ông nhìn tôi chăm chú, tôi biết là ông đang học cách tôi sử dụng điện thoại. Cứ thế, mỗi ngày một ít, tôi không nói với ông là tôi dạy ông dùng điện thoại, mà bảo tôi với ông thử cùng nhau mày mò xem điện thoại thông minh có những tính năng gì. Tôi lấy một cuốn sổ nho nhỏ, ghi ra những lưu ý dễ nhớ khi dùng điện thoại thông minh rồi để lên bàn, ngầm ý rằng lúc nào cần, ông nội có thể mở ra xem.

Khoảng 3 tuần sau thì ông tôi bắt đầu biết dùng điện thoại nghe gọi, nhắn tin, 2 tuần nữa thì đã biết truy cập internet để đọc tin tức trên điện thoại thông minh. Ông cứ suýt xoa là bây giờ hiện đại quá, người ta có thể làm chủ cả thế giới chỉ với một cái điện thoại. Thời của ông, tìm mua một tờ báo giấy có khi phải đạp xe đi rất xa.

Hôm đó, khi hai ông cháu đang ở bên nhau, ông khoái chí vỗ vai tôi bảo: “Ông cứ luôn cho rằng mình giỏi giang, ngày xưa còn là giám đốc nên cứ cố giấu dốt. Thực ra ông đã rất lạc hậu rồi. Ông cần phải học tập các cháu của ông nhiều. Từ nay, cháu là thầy giáo nhí của ông nhé”.

Tôi vui vẻ đáp vâng và rất vui khi ở tuổi 80, ông tôi đã có thể dùng điện thoại thông minh.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.