Thời gian

Nguyễn Lan Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Con về mượn chén thời gian

Dốc vò trăng rượu rót tràn cung mây

Niết bàn ở chỗ tỉnh say

Đã nhòe đường nét, đã cay đường đời

Vẫn còn nguyên dậu mồng tơi

Xanh cành nảy ngọn rối bời tuổi thơ

Rạ rơm vàng khắp chốn chờ

Mẹ còn gieo cấy phía bờ bên kia

Con còn ném đá thia lia

Câu thơ chìm nổi vọng chia tuổi mình

Cả tin mượn sóng chùng chình

Tháng năm chở ngọn lục bình đong đưa

Mẹ giờ ở phía ngày xưa

Không hoàn nguyên được bốn mùa lá xanh

Con về trái nhớ treo cành

Chôn hồn nắng để hóa thành tuổi thơ.

                                         Chu Minh Khôi

Thời gian - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Mẹ giờ ở phía ngày xưa

Trong tấm thảm cuộc đời của mỗi con người đều tồn tại một sợi chỉ tinh tế được dệt bằng sự tận tụy, hy sinh và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Và thật thiệt thòi cho những ai không còn mẹ nữa. Nỗi đau đó đã được nhà thơ Chu Minh Khôi thể hiện trong bài thơ “Thời gian” một cách đầy tình cảm và ấn tượng.

Bằng thể thơ lục bát truyền thống, bài thơ "Thời gian" với sự tinh tế, sâu lắng trong lối diễn đạt cùng những hình ảnh chắt lọc và lối dùng từ rất đắt đã tạo ra một hình ảnh đầy cảm xúc về nỗi nhớ, nỗi đau của người con khi nhớ về người mẹ đã khuất của mình.

Mở đầu nhà thơ Chu Minh Khôi đã sử dụng những hình ảnh rất độc đáo để nói về nỗi đau mất mẹ của mình:

Con về mượn chén thời gian

Dốc vò trăng rượu rót tràn cung mây

Niết bàn ở chỗ tỉnh say

Đã nhòe đường nét, đã cay đường đời

Nỗi đau đã hoà vào thời gian, sánh ngang cùng trời đất, khiến tác giả phải mượn “chén thời gian” để rót “vò trăng rượu” cho “tràn cung mây”. Và trong lúc tỉnh say đó tác giả đã như gặp được mẹ của mình nơi cõi “Niết bàn”, như thực, như mơ. Câu thơ “Đã nhòe đường nét, đã cay đường đời” thể hiện cách sử dụng hình ảnh đối lập đầy chất văn, nhưng cũng ngập tràn nỗi đau của anh.

Trong cõi tỉnh say ấy dường như mẹ lại trở về bên những hình ảnh quen thuộc của đời sống quê hương, tạo nên một bức tranh chân thực về cuộc sống của mẹ, về một tuổi thơ ấm áp trong ngôi nhà xưa, nơi có dậu mồng tơi xanh mát, nơi thơm mùi rạ rơm mỗi vụ gặt về và nơi tác giả đã được sống trong tình yêu thương của mẹ.

Vẫn còn nguyên dậu mồng tơi

Xanh cành nảy ngọn rối bời tuổi thơ

Rạ rơm vàng khắp chốn chờ

Mẹ còn gieo cấy phía bờ bên kia

Người con trở về ngôi nhà xưa, tất vẫn còn nguyên như thuở nhỏ, vẫn dậu mồng tơi “xanh cành nảy ngọn”, vẫn còn đó màu vàng của rạ rơm, tất cả vẫn đang mong chờ mẹ về, chờ bàn tay của mẹ bón chăm sắp đặt. Nhưng mẹ đã đi xa và tác giả tự an ủi mình: “Mẹ còn gieo cấy phía bờ bên kia”. Mẹ không đi xa đâu, mẹ chỉ bận việc ở một nơi nào đó, rồi mẹ sẽ về.

Sự vận động cảm xúc của bài thơ theo trục tuyến tính nhưng trường liên tưởng lại toả ra nhiều mạch đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Những câu thơ tiếp theo vẫn là nỗi nhớ về tuổi thơ của tác giả, nhưng ở đây ta thấy có gì đó như nuối tiếc, nghẹn ngào. Cho dù con có lớn khôn đến đâu thì cũng vẫn chỉ là đứa trẻ tinh nghịch “ném đá thia lia” ngày nào và cuộc sống của người con đã trải qua biết bao chìm nổi khi không còn mẹ nữa:

Con còn ném đá thia lia

Câu thơ chìm nổi vọng chia tuổi mình

Cả tin mượn sóng chùng chình

Tháng năm chở ngọn lục bình đong đưa

Nhà thơ Chu Minh Khôi đã biểu đạt tình yêu thương đối với mẹ qua những chi tiết vô cùng tinh tế. Đó là những cảnh vật rất gần gũi với cuộc sống của người mẹ nông dân như dậu mồng tơi, rạ rơm, ngọn lục bình. Tất cả những cảnh vật ấy vẫn còn hiện hữu nên khiến tác giả “cả tin” rằng mẹ vẫn còn đó, như ngày nào.

Nhưng rồi tác giả chợt tỉnh, và đớn đau nhận ra mẹ đã không còn nữa, mẹ chỉ còn là những kỉ niệm thật sâu trong ký ức:

Mẹ giờ ở phía ngày xưa

Không hoàn nguyên được bốn mùa lá xanh

Câu thơ “không hoàn nguyên được bốn mùa lá xanh” thể hiện sự đau đớn đến cùng cực. Mẹ đã ra đi vĩnh viễn và không thể nào quay trở lại, vườn rau, ruộng lúa không có bàn tay mẹ sẽ không còn tươi xanh như trước nữa, cũng như cuộc đời của con vậy, thiếu vắng bóng mẹ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Cuối cùng, bài thơ kết thúc bằng việc bộc lộ tình cảm của người con, sự nghẹn ngào và rưng rưng tạo nên một cảm xúc mạnh mẽ, đó là sự biểu lộ của tình yêu và nỗi nhớ của người con đối với mẹ.

Con về trái nhớ treo cành

Chôn hồn nắng để hóa thành tuổi thơ.

Cho dù có đi xa đến đâu thì tác giả vẫn muốn trở về bên mẹ. Cuộc sống của anh đã trải qua vất vả, trải qua nắng mưa, và khi dừng chân nhìn lại anh muốn trở về nơi ngôi nhà tuổi thơ, nơi có những “trái nhớ” vẫn “treo” trên cành cây trong khu vườn của mẹ và vì thế mà anh muốn “chôn hồn nắng để hóa thành tuổi thơ”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi nào tiền cho thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng?

Khi nào tiền cho thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng?

(PNTĐ) Câu hỏi: Vợ chồng tôi có 3 căn nhà, 1 căn ở chung còn 2 căn thống nhất chia làm tài sản riêng của mỗi người. Xin hỏi tiền cho thuê nhà phát sinh thu được trong thời kỳ hôn nhân từ các căn nhà là tài sản riêng hay chung?                                                                                    Hoàng Thị Vân (Hoài Đức)
Con ma trên cây thị

Con ma trên cây thị

(PNTĐ) - Ở trong xóm, cách nhà tôi không xa có một ngôi nhà hoang. Đó là một ngôi nhà sập sệ, không có mái, chỉ còn lại bốn bức tường loang lổ vôi vữa và rêu thì bám phủ xanh rì. Xung quanh cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Tụi trẻ con trong xóm đứa nào cũng sợ, chẳng dám bén mảng tới. Thằng Vũ nói ngôi nhà này là nơi trú ngụ của một ma nữ.
“Bản sao” của bà

“Bản sao” của bà

(PNTĐ) - Tối đó, trong lúc dùng bữa tối, mẹ của Chíp thưa với bà ngoại: “Ngày mai con phải họp muộn, mẹ cho Chíp ăn rồi đi ngủ trước cho con nhé”. Vừa nghe đến đây, Chip liền nói luôn: “Bố mẹ chả được cái tích sự gì, chỉ làm bà khổ là giỏi”. Mẹ Chíp hoảng quá, liền vỗ nhẹ vào tay Chip một cái, rồi nhắc: “Chíp hư, sao con lại bảo là bố mẹ vô tích sự”.