Tích cực vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ dân tộc miền núi

Thanh Thanh (Ảnh: HPN)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam đã và đang tích cực vào cuộc triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm thúc đẩy chăm sóc phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Các mô hình, hoạt động triển khai đã được người dân đồng tình ủng hộ và được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.

Nhiều mô hình hay, ý nghĩa

Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình được Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm đầu tiên trong cả nước triển khai Dự án 8 về xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" nhằm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi. Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nhấn mạnh: Trường Sơn là một xã biên giới nằm ở phía Tây của huyện Quảng Ninh, địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, có những bản cách rất xa trung tâm xã, không có điện lưới, không có nước sạch để sinh hoạt. Trẻ em muốn đi học phải đi bộ đường rừng hàng chục cây số hết cả ngày đường như bản Dốc Mây, Hôi Rấy, Nước Đắng… Xã có 4 thôn và 15 bản, có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống là dân tộc Kinh và dân tộc Bru – Vân Kiều. Trong đó, đồng bào Bru – Vân Kiều chiếm hơn 60%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi.

Đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều vẫn còn nhiều hủ tục tồn tại, là rào cản lớn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, người phụ nữ ở nơi đây vẫn là nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình với nhiều nguyên nhân và vẫn còn tồn tại nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chính vì thế việc thành lập mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" với lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn, bản, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia thì chính họ sẽ là những người đi đầu trong thay đổi những nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, văn hóa lạc hậu giống như tục nối dây trong hôn nhân vẫn còn đang trói buộc người phụ nữ khi mà chồng mất thì các chị em phải lấy em chồng hoặc anh chồng...

Điều đáng mừng nhất đó là trong thời gian thực hiện chỉ đạo điểm, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng; tại các buổi sinh hoạt trong thôn, bản đều được chuẩn bị nhiều nội dung ý nghĩa, thu hút được đông đảo bà con nhân dân cùng tham gia. Đến nay, mô hình đã và đang từng bước có những tác động tích cực đối với phụ nữ, trẻ em và người dân ở nơi đây.

Tích cực vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ dân tộc miền núi - ảnh 1
“Thủ lĩnh của sự thay đổi” trường PTDT bán trú THCS Lùng Phình ra mắt tháng 11/2022.

Còn tại tỉnh Lào Cai, mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lùng Phình, xã Lùng Phình huyện Bắc Hà cũng là một trong những mô hình của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”- được TƯ Hội LHPN Việt Nam trực tiếp chỉ đạo điểm trong toàn quốc. Thầy giáo Phạm Hữu Trượng, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lùng Phình, hiện là dẫn trình viên của CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường cho biết: Các em học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau nhưng hầu hết đều có chung những khó khăn nhất định như: Đường từ nhà đến trường thường rất xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm…

Từ thực tế của địa phương,  nhà trường đã lựa chọn được 30 em tham gia vào CLB được thành lập hồi tháng 12/2022, gồm 17 học sinh nữ và 13 học sinh nam, từ khối 6 đến khối 9, trong đó có 5 em tham gia vào Ban chủ nhiệm CLB. Toàn bộ các em tham gia CLB đều là người dân tộc thiểu số. CLB là một cơ hội cho các em có thể "thay đổi bản thân mình”. Các em được tìm hiểu về các kiến thức như: Quyền trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng tránh bạo lực học đường…

Đồng thời các em còn được tham gia các trò chơi, thảo luận nhóm, trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình; thể hiện năng khiếu của bản thân. Sau các buổi sinh hoạt, các em trong CLB cũng đã phát huy được vai trò của mình là thành viên nòng cốt tuyên truyền đến các bạn học sinh khác trong việc lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh các hành vi bạo lực, xâm hại, kết hôn trẻ em…

Tích cực vận động, tuyên truyền cho phụ nữ dân tộc

Thực hiện việc triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” với nhiều hoạt động và mô hình cụ thể thiết thực là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ này.

Theo chị Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì, Hà Nội khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi thực sự băn khoăn, lo lắng vì mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” rất mới. Nhưng nhờ sự “cầm tay, chỉ việc” của cán bộ Hội TƯ, Thành Hội đã xuống tận thôn bản để tập huấn và hướng dẫn mục đích ý nghĩa của Dự án 8, đồng thời cấp ủy chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể cùng vào cuộc đã giúp cho chị em phụ nữ cơ sở tổ chức thành công lễ ra mắt và vận hành mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã miền núi trên địa bàn huyện. Từ mô hình được Thành Hội làm điểm tại xã Ba Trại, hiện nay các xã miền núi còn lại đã và đang tiếp tục ra mắt mô hình gồm xã Minh Quang, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Khánh Thượng... 

Tích cực vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ dân tộc miền núi - ảnh 2
Hội LHPN xã Minh Quang ra mắt mô hình “ Tổ truyền thông cộng đồng” tháng 5/2023

Ông Hoàng Văn Chìu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khánh Thượng là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Ba Vì với địa bàn rộng; xã có 12 thôn, có hơn 2.000 hộ dân, với 3 dân tộc Kinh - Mường - Dao cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm 52,6 % dân số toàn xã, phụ nữ và trẻ em gái toàn xã chiếm 50,07% tổng dân số của xã. Người dân chủ yếu phát triển kinh tế vào sản xuất nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, thôn Khánh Chúc Bãi, xã Khánh Thượng có dân số gần 600 người, tỷ lệ dân tộc Mường chiếm đến 85%. “Tổ truyền thông cộng đồng” tại đây được thành lập với các thành viên gồm Bí thư chi bộ thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận làm Tổ trưởng ban điều hành; Chi hội trưởng phụ nữ thôn làm Tổ phó ban điều hành và đại diện các đoàn thể trong thôn, các ông bà trưởng các ngõ xóm, người uy tín cộng đồng, những người có tinh thần đổi mới, tiên phong đi đầu và có khả năng tuyên truyền, vận động, quy tụ đông đảo mọi người. Là mô hình mới được thực hiện trên địa bàn xã, không chỉ cán bộ Hội mà các đồng chí lãnh đạo địa phương mong muốn nhận được nhiều nguồn tài liệu tuyên truyền để hướng dẫn bà con từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”. 

 Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, năm 2023, các cấp Hội trên địa bàn cả nước cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp từ Trung ương đến địa phương. Các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng sẽ tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ trẻ em gái nói riêng; tìm hiểu những định kiến và khuôn mẫu giới tồn tại trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại địa bàn để kịp thời phản ánh với Ban điều hành, qua đó có giải pháp, định hướng xử lý. 

Tính đến tháng 12/2022, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã thành lập được 1.320 Tổ truyền thông cộng đồng; Hội Phụ nữ đã chủ động triển khai các hoạt động và bước đầu thành lập, 131 "Địa chỉ tin cậy", 206 "CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi"… Các mô hình, hoạt động của Dự án 8 đã được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.