TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?

Chia sẻ

Chị lẩm bẩm trong miệng câu: “đúng là tiền nhiều để là gì”. Không khéo tôi trắng tay, phải lên chùa ăn mày cửa Phật mà không biết người ta có chứa chấp không.

Họ là người cùng làng. Lấy nhau được nửa tháng thì người chồng trẻ lên đường ra nước ngoài làm thuê, mà ngày ấy người ta gọi là “hợp tác lao động”, với mục đích kiếm tí vốn, sau này về làm ăn, đỡ vất vả. May mắn thay, chồng đi được nửa tháng vợ thấy mình hay nôn oẹ, mới đi khám, bác sĩ bảo có tin vui.

Còn trẻ, lại xa chồng, một thân một mình nuôi con, người vợ trẻ ấy đã nếm trải bao nhiêu nỗi cô đơn, tủi thân, nhất là những khi con ốm, phải thức suốt đêm, mà sáng hôm sau vẫn phải đi làm.

11 năm sau anh mới về nước trong tình trạng bị trục xuất, bởi hết hợp đồng 3 năm, đáng lẽ phải về nước, nhưng anh đã trốn ra ngoài để đi làm ăn tự do thêm…hơn 7 năm nữa. Anh về như kẻ thất trận. Bù lại, con trai cũng đang học lớp 5, vợ anh cũng bỏ việc, ra ngoài kinh doanh, công việc làm ăn đang phát triển. Chị đã bỏ làng, lên sát phố huyện thuê địa điểm để bán hàng.

Chị nói, chồng về là vui rồi, coi như 11 năm qua “mất trắng” cũng được, giờ chị có người hỗ trợ làm ăn, chắc thừa sức nuôi cả gia đình. Chị mong anh chấp nhận làm một số việc như đi giao hàng, nhận hàng, đòi nợ, còn mọi việc để chị lo.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ ngày anh về đến nay đã gần 15 năm, nhưng cũng có biết bao nhiêu biến cố, nước mắt chị vẫn rơi. Bù lại, trời cho chị làm ăn buôn bán tốt, tiền bạc tài chính gia tăng hàng năm. Trong 15 năm chung sống sau xa cách, chị đã phải ba lần bỏ ăn, bỏ làm đi theo dõi, phá tan những mối tình vụng trộm của anh. Đấy là những mối tình lộ liễu, ai cũng biết, tốn kém tiền của, ảnh hưởng đến tương lai… nên chị mới phải ra tay, chứ chị biết còn nhiều cuộc tình chóng vánh, chớp nhoáng, ngắn hạn, chị chưa kịp biết đã tan, thì chị chịu. Chị bảo anh được cái mã ngoài, lại ăn nói như “kiến trong lỗ bò ra”, tuy không có tiền, nhưng sẵn có tiền hàng của vợ nên tiêu xài cũng xông xênh, nên anh có thể khoe khoang rằng “nhà anh có cơ sở kinh doanh to nhất huyện”, đó cũng là cái bả mà một số cô gái, kể cả những phụ nữ có chồng thích anh.

Nhưng bồ bịch cũng không bằng chuyện cờ bạc, lô đề của anh.

Lần thứ nhất anh bị đầu gấu đến nhà doạ nạt, đòi “xẻo” nếu không trả ngay 450 triệu anh vay, bao gồm cả gốc và lãi. Lúc đó anh mới khai thật với chị rằng anh đánh bạc, vì thua nên vay nóng để chơi tiếp, hy vọng sẽ thắng, có tiền trả xong thì thôi không chơi nữa. Nhưng càng chơi càng thua, lại vay tiếp. Tuy anh vay có hơn 200 triệu, nhưng cứ lãi ngày, lãi tháng, lãi trả chậm có cộng dồn, nên số tiền mới lớn như vậy. Lo anh bị “xẻo”, chị đành bấm bụng rút tiền ngân hàng về trả nợ cho anh, anh cảm ơn và thề không bao giờ “như thế nữa”. Lần thứ hai, anh bỏ nhà ra đi, không nói với ai, khiến chị suýt nữa đăng báo tìm người mất tích. Rồi anh gọi điện về, báo rằng anh phải trốn nợ vì anh nợ nhiều chỗ, không thể trả được, chúng đang quây anh, anh tạm lánh lên một tỉnh miền núi, đừng tìm anh, đừng nói cho ai biết anh ở đâu.

Nhưng những người cho vay nặng lãi họ đâu có cần tìm anh, họ đến cửa hàng nơi chị kinh doanh, tụ tập cả chục người, ngồi cản ở lối ra vào, vậy thôi. Một anh “xăm trổ” còn nói với chị rằng: “Em cứ tập trung làm ăn, thằng cu đi học để anh lo, nó học cấp ba, nên học cả ngày đúng không? Để chiều anh đón nó nhé!”. Chị biết rằng chúng đang doạ chị, gây sức ép với chị để chị phải trả nợ cho chồng. Họ không phá phách để chị có cớ báo chính quyền, công an. Họ chỉ ăn mặc rằn ri, đeo kính đen, sắn tay áo hay phanh ngực để lộ những hình xăm trổ hình đầu lâu xương chéo, những câu như “hận đời”, “tiền ơi”… Thế thôi. Trước sự năn nỉ của chị, chồng chị cũng về để cùng nhau “khắc phục hậu quả”. Kết quả, chị phải thanh toán nợ cho chồng hơn 700 triệu, của bốn chủ nợ khác nhau, chủ yếu anh vay mượn để đánh bạc. Lần đầu tiên trong đời chị hết tiền trong tài khoản tiết kiệm, lấy hàng chị phải nợ, kinh doanh sa sút hẳn do mang tiếng “vỡ nợ”. Rồi chị lại lao vào làm ăn, nghĩ rằng “còn người còn của”.

Năm sau, con trai không thi đại học, nó cũng muốn đi xuất khẩu lao động để sau này có vốn làm ăn. Nhà có mỗi thằng con, sau này chị cũng mong nó kế tục sự nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng của mẹ, nên cũng không cần nó học đại học. Chị muốn con có dịp bay nhảy, vài năm cho lớn lên, chững chạc hơn, chứ mới có 18 tuổi đầu, làm ăn gì được. Thế là chị lo cho con một xuất lao động nước ngoài. Suốt mấy năm con đi làm, thỉnh thoảng gửi tiền về “biếu mẹ”, nhưng chị không đụng đến tiền của con, gom lại và mở một tài khoản tiết kiệm. 4 năm được 4 trăm triệu, chẳng phải là nhiều, nhưng chị nghĩ còn hơn bố nó đi 11 năm còn về tay không.

Rút kinh nghiệm từ vụ người chồng, ngay khi con trai hết hạn xuất khẩu lao động về nước, chị nói với con số tiền nó có và dặn dò con chịu khó làm ăn cùng mẹ. Nếu có yêu cô gái nào thì cô ấy cũng phải là người nhanh nhẹn, năng nổ, chịu khó làm ăn, phụ được với mẹ là tốt, không thì làm ăn riêng. Tuy nhiên, trời không chiều lòng người, những mong ước chính đáng của chị đều không đạt được. Lần đầu con trai xin lại mẹ 400 triệu để mở quán café, sau sáu tháng thì phải gọi người đến bán bàn ghế, quầy bar và trang thiết bị nội thất. Coi như trắng tay. Sau khi làm ông chủ không thành công, con trai vay mẹ 50 triệu để đi học nghề cắt tóc, làm đầu, trang điểm. Tại đây con trai chị lại bập vào yêu đương với một cô gái 20 tuổi, mới học hết cấp hai, nhưng đã có thành tích cao trong nghề “gội đầu thư giãn” dành cho nam giới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sáu tháng sau con trai dẫn “người yêu” về ra mắt, xin bố mẹ hỗ trợ tiền để mở spa (thật ra chỉ là quán cắt tóc, gội đầu, tỉa lông mày…), khi quán đi vào hoạt động ổn định, sẽ làm đám cưới. Nghĩ con có chí làm ăn, chị cũng hỗ trợ con 150 triệu để khởi nghiệp. Được nửa tháng, con chị đánh một người đàn ông trung niên khi phát hiện ông ta sờ soạng “vợ chưa cưới” của con trai chị trong lúc con bé đang cạo mặt cho ông ta. Ông ta bị thương, công an huyện đến bắt giữ. Quán giải thể. Con trai đi tù 9 tháng. Cũng lúc ấy con trai báo rằng còn nợ thêm 200 triệu nữa, vì mẹ cho 150 triệu không đủ mua sắm, mở quán spa. Chị bảo “đúng là giậu đổ bìm leo”. Trong lúc tiền kéo nhau đội nón ra đi, con trai vào tù, con dâu hờ bỏ của chạy lấy người, chồng chị lại nhắn tin xin lỗi vợ và mong em “cứu anh nốt lần này nữa”. Hoá ra cả bố và con cộng lại, chị cần phải chi 500 triệu nữa.

Chị kiệt sức và đã phải tìm đến các chuyên viên tư vấn tâm lý.

Qua trò chuyện với các chuyên gia tư vấn, chị nhận ra rằng suốt mấy chục năm qua chị kinh doanh “công cốc”, vào lỗ hà lại ra lỗ hổng, mặc dù chị có duyên làm ăn, nhưng không có người đồng hành. Chị cũng nhận ra việc tốt bụng, đảm đang của mình đã đẩy hai người đàn ông quan trọng nhất của chị vào cảnh “cứ chơi, có người lo làm rồi”. Con chị hư một phần là có người bố vô tích sự. Chắc chắn người bố như chồng chị không dám hé răng nửa lời dạy dỗ con vì mình cũng có ra gì đâu. Chị cũng không dám mắng con vì bố nó hư nhiều lần, nợ nần chồng chất mà chị cũng cứ cặm cụi chi tiền trả nợ chứ có nói gì ông ấy đâu. Chị cũng nhận ra chị mệt mỏi, tuổi cũng dần cao, cho đến giờ cũng không có tài sản gì lớn. Chị nhận ra, mai mốt về già, chị khó trông cậy vào hai người đàn ông mà chị cả đời hy sinh, vất vả, cưu mang. Không cẩn thận, chị còn có thể “ra đứng đường” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Chị lẩm bẩm trong miệng câu: “đúng là tiền nhiều để là gì”. Không khéo tôi trắng tay, phải lên chùa ăn mày cửa Phật mà không biết người ta có chứa chấp không.

Nhưng qua gợi ý của các chuyên viên tư vấn, chị dự định, sau hôm nay về, chị sẽ thu hồi vốn, thu hẹp kinh doanh. Số tiền có được, một phần chị sẽ gửi tiết kiệm và không cho chồng con biết. Một phần, chị sẽ mua cho mình một hợp đồng bảo hiểm. Chị sẽ làm ăn túc tắc, không phải cố gắng chạy theo lợi nhuận như trước nữa. Chị sẽ chăm lo sức khoẻ cho mình tốt hơn. Chị cứ kệ con trai chấp hành án tù 9 tháng. Ra tù, chị khuyên con nên đi làm ở công ty gần nhà như nhiều thanh niên khác, thu nhập không cao nhưng ổn định. Còn con không nghe, muốn làm gì, ở đâu, chị cũng tôn trọng con vì nó lớn rồi. Đã đến lúc chị học cách sống cho riêng mình!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.