Tìm vợ cho con trai khờ

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Người phụ nữ đó dắt “con dâu tương lai” đến phòng tư vấn để hỏi cách làm vợ đứa con trai khờ của mình. Chị mang theo một hy vọng là sau khi được làm chồng thì “bệnh khờ” của con trai mình sẽ thuyên giảm.

Đứa con trai khờ khạo và nỗi đau của người mẹ

Vợ chồng chị cưới nhau khi tuổi của cả hai ngoài 30 tuổi. Cả anh và chị đều là anh cả, chị đầu, sinh ra trong gia đình khó khăn. Học hết cấp 3, hai người đi làm công nhân để phụ kinh tế cùng bố mẹ lo cho các em ăn học. Làm công nhân mấy năm, đồng lương ít ỏi nên cũng chỉ phụ được chút ít, những đứa em học hành cao hơn, chi phí ngày một nhiều nên cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi. Cuối cùng họ tìm đến con đường làm giàu bằng cách đi xuất khẩu lao động theo sự chỉ dẫn của mấy người họ hàng. Duyên trời se nên trong thời gian xuất khẩu lao động ở Nhật, anh và chị quen nhau rồi yêu nhau sâu nặng. 

6 năm xuất khẩu lao động, họ về nước ra mắt hai họ rồi nhanh chóng tổ chức đám cưới. Cuộc hôn nhân được chuẩn bị kỹ càng nên họ có sự khởi đầu khá vững chắc: Có nhà riêng, có cửa hàng để buôn bán làm ăn, kinh tế khấm khá. Tuy nhiên, đường con cái của họ khá vất vả. Sau gần 4 năm, thăm khám, chạy chữa các kiểu, họ mới sinh được đứa con trai kháu khỉnh. Những tưởng hạnh phúc đã viên mãn, toại nguyện, thế nhưng đứa con trai của anh chị càng lớn thì càng khờ khạo thay vì phát triển thông minh như những đứa trẻ bình thường khác.

Anh chị lao vào cuộc chiến chạy chữa cho con, nhưng bệnh của con trai vẫn không thuyên giảm, chẳng thể đến lớp như chúng bạn bình thường. Cuộc hôn nhân của anh chị bất hạnh theo đứa con trai khờ khạo ấy. Chồng chị vừa mệt mỏi vừa thất vọng, chán nản bỏ mặc con cho vợ vất vả chăm sóc cả ngày lẫn đêm, còn mình thì vùi đầu vào công việc, lấy sự bận rộn đó để quên đi nỗi buồn về con cái. Cuộc sống của chị cứ thế gắn liền với con từ sáng đến tối, chẳng thể làm được việc gì khác. 

Tìm vợ cho con trai khờ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Càng lớn, Thành (con trai anh chị) càng có sự biến đổi về tâm sinh lý. Dù tâm hồn khờ khạo nhưng nhu cầu sinh lý của một chàng trai trưởng thành vẫn phát triển bình thường. Thế nhưng nó không biết thể hiện và giải quyết thế nào nên bộc phát bằng cách hành động như thỉnh thoảng lại chồm lên ôm chặt mẹ vào lòng, hoặc phát tiết bằng việc đập phá, đánh đập người khác. Chị trở thành “nạn nhân” bị bạo hành của con trai từ lúc nào không hay. Có lúc, Thành bỗng dưng nhảy dựng lên rồi thình lình quay sang tát mẹ một cái như trời giáng, có lúc đấm mẹ thùm thụp khiến chị thâm tím mặt mày.

Chồng chị thấy vợ bị con đánh vừa thương, vừa bực bội đứa con trai “ăn hại”, mấy lần bảo chị gửi con vào các trung tâm, hoặc bệnh viện tâm thần để... “nhẹ gánh” một chút. Nhưng chị thương con, không đành đẩy con trai vào những chỗ đó nên cố gắng chấp nhận tất cả để con được sống ở nhà. Chị âm thầm chấp nhận nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn, chỉ mong mình khỏe mạnh để có sức khỏe chăm sóc con. Điều chị lo lắng đau khổ nhất là nghĩ đến sau này mình không còn  sống khỏe mạnh để chăm sóc, nuôi con thì nó sẽ sống như thế nào. Nỗi đau này mỗi ngày, mỗi đêm đau thắt trong lồng ngực của chị, trở thành nỗi trăn trở lớn nhất khiến cuộc sống của chị luôn bế tắc.    

Lấy vợ thì con trai sẽ hết… khờ?

Một ngày, chị dẫn con trai về quê chơi để thay đổi không khí cuộc sống tù túng ở thành phố. Chị kể trong thời gian ở quê, một người họ hàng đã “tư vấn” cho chị giải pháp để con trai chị có cơ hội… hết khờ mà vợ chồng chị cũng nhẹ gánh khi về già. 

- Cậu em họ khuyên tôi nên tìm vợ cho con trai. Biết đâu lấy vợ về, nó được giải tỏa nhu cầu sinh lý thì sẽ khỏi bệnh dần dần. Nó có vợ tức là có người chăm sóc cả đời, sau này vợ chồng tôi già yếu, về với tổ tiên thì cũng yên tâm con trai đã có gia đình và vợ chăm sóc. Nếu tổ tiên phù hộ, vợ chồng nó sinh được đứa con khỏe mạnh thì gia đình tôi còn có người hương hỏa tiếp sau này - chị nói trong niềm hy vọng.  

Theo sự chỉ dẫn của họ hàng, chị tìm được một gia đình có cô con gái quá lứa lỡ thì, nhan sắc khiếm khuyết, từng bị một người đàn ông xấu cưỡng hiếp để lại hậu quả phải làm mẹ đơn thân. Gia đình kinh tế khó khăn, cuộc sống của mẹ con cô gái ấy vô cùng vất vả. Một mặt, người họ hàng khi thuyết phục cô gái chấp nhận làm vợ của con trai chị để “đổi đời” cho bản thân lẫn đứa con riêng của mình; một mặt phân tích cho chị hiểu về lợi ích của cô con dâu này. Dù khiếm khuyết về nhan sắc, có con riêng nhưng cô hiền lành, chăm chỉ, biết chăm sóc con trai chị. Gia đình chị có kinh tế, việc nuôi thêm hai mẹ con cô chẳng vấn đề gì mà lại giải quyết được “việc lớn” của con trai. Nghĩ con trai mình cả đời đã là người vô tích sự rồi, chị cũng chẳng trông mong gì hơn để đòi hỏi về một cô con dâu hoàn hảo, nên chị đã đồng ý. 

Tìm vợ cho con trai khờ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cô gái đó đồng ý gửi con lại cho bố mẹ ở quê nuôi, theo anh chị lên thành phố để chăm sóc cho con trai chị. Sau một thời gian, nếu thấy được thì chị sẽ tổ chức đám cưới cho con. Tuy nhiên, việc làm vợ của một người khờ khạo không hề dễ dàng gì, con trai chị thay vì phát tiết đánh đập mẹ thì nay chuyển sang làm điều đó với cô gái ấy. Thời gian đầu, cô gái sợ hãi không muốn tiếp tục kế hoạch làm con dâu của anh chị, nhưng một sự cố bất ngờ khiến cô đồng ý. Đó là đứa con trai của cô bỗng nhiên mắc bệnh cần số tiền rất lớn để chữa trị. Và, chị hứa sẽ trả khoản phí điều trị đó nếu như cô đồng ý làm vợ con trai chị “suốt đời”, dù khổ cực, vất vả cũng không được ly hôn, bỏ cuộc giữa chừng. Việc đó được anh chị lập thành giấy thỏa thuận bắt cô phải ký cam kết vào. 

Sau khi cô gái đó chấp nhận, chị nghĩ tới việc dạy cô cách làm vợ đứa con trai khờ khạo của mình. Nhưng bản thân cô gái không biết làm cách nào mà chị thì cũng không có kỹ năng để dạy cho con dâu tương lai. Đó là lý do chị đưa cô gái ấy đến phòng tư vấn để nhờ hướng dẫn, tư vấn cách làm vợ. 

Nhìn hai người phụ nữ ngồi trước mặt, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Dù họ cố tình mặc những chiếc áo dài tay để cố tình che đi những vết bầm tím, dấu tích của những lần bị chàng trai khờ đánh đập, nhưng vẫn không thể che giấu hết điều đó. Cô gái kể những lần tắm cho “chồng tương lai” bị anh ấy đè xuống sàn phòng tắm đấm thù thụp, hay có lần bị cầm tay lôi đi xệch xệch khắp nhà, rồi đang đưa cơm cho anh ăn thì bị tát thẳng vào mặt. Đối với anh đó là “trò chơi” thích thú, hay là hành động phát tiết để giải tỏa những ẩn ức sinh lý trong người. Nhưng với cô, đó là những trận đòn vô cớ đầy ám ảnh. Tuy nhiên, cô đã không còn sự lựa chọn. 

Nhân lúc người mẹ đi ra ngoài nghe điện thoại, cô rụt rè nói: Thật ra, em không sợ anh ấy đánh đập, điều này em chịu đựng được. Nhưng điều em lo lắng nhất là “bố mẹ chồng tương lai” mong muốn chúng em quan hệ rồi sinh con. Lỡ con em sinh ra sau này lại giống anh ấy thì sao? 

Câu hỏi của cô cũng là điều mà chúng tôi nghĩ đến khi người mẹ nói đến chuyện con trai lấy vợ sinh con. Khi chị kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại, quay lại với câu chuyện dang dở, chúng tôi bắt đầu cuộc tư vấn cho hai người phụ nữ. Họ đã và đang là hai người mẹ, dù đứng ở góc độ nào thì cả hai đang có một điểm chung là yêu thương con và hy sinh cho con cái của mình vô điều kiện. Mỗi người đang đánh đổi cho con mình những điều tốt đẹp nhất bằng những bất hạnh mà bản thân đang hứng chịu. Nhưng cả chị và cô gái đó đang có sự lựa chọn sai lầm. 

Về phía chị, một người mẹ chịu nỗi đau bởi đứa con khờ khạo trong suốt một thời gian dài. Đã đến lúc, chị cần thay đổi suy nghĩ để bản thân và con trai thích nghi cuộc sống tự lập của bản thân. Chị hãy nghe lời chồng, hãy cứ thử đưa con vào các trung tâm chăm sóc đặc biệt sống một thời gian. Ở đó, những người chăm sóc có kỹ năng sẽ biết cách để giúp con trai chị giải phóng những nhu cầu của bản thân, hạn chế được những hành vi bạo hành bố mẹ và người chăm sóc mình. Khi ổn định hơn, gia đình có điều kiện kinh tế thì thuê một nam giúp việc để cùng chị hỗ trợ chăm sóc con trai. Bởi giải pháp lấy vợ để nó hết khờ hiện nay của chị không hề khả thi.

Kết quả, chị cũng đã nhìn thấy, đó là có thêm một phụ nữ nữa bước vào vòng tròn bất hạnh mà chị đang trải qua. Con dâu chị cũng sẽ bị chồng khờ vô tình bạo hành, và nếu thành công trong việc mang thai chửa đẻ, liệu đứa cháu sinh ra có tránh khỏi “bản lỗi” của tạo hóa giống như bố của nó. Hiện nay, các dịch vụ chăm sóc gia đình phát triển, sẽ có những trung tâm chăm sóc con trai anh chị đến hết đời, nếu như anh chị chuẩn bị sẵn tiềm lực kinh tế để bảo đảm cuộc sống cho con trai khi mình già yếu mất đi. Chị không nên vì lợi ích của mình mà khiến cuộc đời của một người phụ nữ khác cũng u tối theo.

Về phía cô gái, những gì cô đang làm cũng không phải là giải pháp đúng. Cô hãy tìm cách khác để có nguồn tiền chữa bệnh cho con trai, thay vì chấp nhận sống bị bạo hành, bất hạnh cả đời bên người chồng khờ khạo, bạo lực. Bởi những hành động bạo lực của người chồng khờ kia rất nguy hiểm cho bản thân cô, nó có thể xảy ra trường hợp xấu nhất là nguy hiểm đến tính mạng. Cô hãy nhờ người thân vay mượn, tìm đến các tổ chức từ thiện để được giúp đỡ chữa trị cho con trai trong tình huống cấp bách vượt quá khả năng của mình và gia đình. Cuộc sống của cô đã không may mắn thì cũng đừng tự mình bước vào những bất hạnh đã nhìn trước được. Cuộc đời sướng khổ là do cách lựa chọn bước đi trong cuộc sống của mình đúng hay sai. Một khi cô lựa chọn sai lầm thì chắc chắn cái kết sẽ là sự bất hạnh. 

 Bữa đó, hai người phụ nữ ra về với tâm trạng nhẹ nhàng hơn, bởi họ cũng đã nhìn thấy được mình cần phải làm gì trong chặng đường sắp tới. Họ vẫn là những người mẹ hy sinh vì con nhưng sẽ theo cách tích cực và bước dần ra khỏi những bất hạnh đã và đang cam chịu lâu nay. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.