Tôi và ông “cùng nhau vào đời”

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đó là câu mà ông tôi vẫn thường nói vui mỗi khi cùng tôi đi đâu đó. Còn tôi thì chỉ muốn sẽ có thật nhiều thời gian, để được thường xuyên đưa ông đi như thế.

Thời trẻ, ông tôi là một nhà quay phim. Bàn chân ông đã in dấu ở gần như mọi miền của Tổ quốc. Nhiều lúc, bà tôi giận ông quá, còn bảo ông là khách trọ của gia đình. Nhưng bà chỉ nói vậy thôi chứ bà biết, không thể cấm ông đi được. Cho tới khi về già, giống như mọi người ông khác, những chuyến tự đi của ông ít dần rồi thôi hẳn. Thay vào đó, ông tôi phải nhờ các con cháu đưa ông đi.

Nhưng ông tôi vẫn luôn theo dõi những gì đang diễn ra xung quanh mình, rất muốn cập nhật cái mới. Còn nhớ khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh bắt đầu đi vào hoạt động, ông liền nói tôi đưa ông đi xem tàu. Là một trong những vị khách đầu tiên đi “khai trương” tàu, được ngắm nhìn cảnh vật xung quanh trôi vùn vụt qua ô cửa sổ, ông phấn khởi lắm. Ông bảo thật mừng vì đất nước ngày một phát triển hiện đại. Thời ông còn trẻ, được đi chiếc xe máy thôi đã là tốt rồi. Ai ngờ lại có ngày, ông được đi ngang qua những ngọn cây.

Tôi và ông “cùng nhau vào đời” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Những ngày gần đây, khi cả Hà Nội được sống trong bầu không khí náo nhiệt của SEA Games 31, ông cũng nói tôi đưa ông đi xem thi đấu thể thao. Chủ nhật tôi đưa ông đi xem môn thể dục dụng cụ ở Cung thể thao Quần Ngựa. Ông tôi mặc một chiếc comple, còn thắt cả cà vạt cứ như là chú rể vậy. Tôi trêu thì ông bảo ra nơi đấu trường khu vực thì phải ăn mặc lịch sự vì mình là đại diện cho nước chủ nhà. Vào nhà thi đấu, ông tôi lẫm chẫm bám lấy tôi, nhẹ nhàng bước từng bậc cầu thang rồi tìm được một chiếc ghế ở hàng ghế khán giả. Ông cũng bồi hồi với từng động tác của vận động viên, đến khi một nữ vận động viên Việt Nam giành được huy chương Vàng thì ông tôi trào nước mắt cảm động. Ông khen, bây giờ các cháu còn trẻ mà giỏi quá, chiến thắng cả vận động viên của các quốc gia khác. Ngày trước ông cũng vác máy quay phim chạy rần rần nhưng chẳng khỏe và khéo léo như các cháu vận động viên bây giờ.

Tôi và ông “cùng nhau vào đời” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mỗi chuyến cùng tôi ra ngoài như thế luôn để lại cho ông tôi nhiều cảm xúc. Ông vui với những điều mới mẻ mà ông được tiếp cận. Nhưng ông cũng bùi ngùi thấy mình già và lạc hậu nhiều, lo lắng không còn làm được gì cho hôm nay.

Tôi liền ôm lấy ông, nói những điều từ đáy lòng mình rằng ông không bao giờ “thừa” cả. Ông vẫn là đại diện cho sức mạnh của một thế hệ đi trước, là chỗ dựa cho con cháu chúng tôi. Tôi và ông, cả hai sẽ “cùng nhau vào đời”. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.