Vẻ đẹp của phụ nữ và tình yêu trong thơ Y Phương

Chia sẻ

Phụ nữ thường được ví như hoa ở vào độ xuân sắc đắm say mật ngọt. Những mùa yêu chính là mùa hoa đẹp như thế. Họ đẹp nhất khi yêu, nồng nàn, mãnh liệt nhất khi yêu và cũng đầy cả tin khờ dại. Hẳn nhiều người đã từng biết đến những câu thơ viết về điều đó hay như thế này:

Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt đỏ phừng
Thừa sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi.
                        (Mùa hoa)

Đó là thơ của Y Phương-nhà thơ dân tộc Tày có gương mặt nam tính, lãng tử. Ông tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948 ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tại sao lại là Y Phương mà không phải là một bút danh nào khác? Ông lý giải về bút danh của mình bằng thơ: “Nhưng rồi anh tự đặt cho mình cái tên/ Ấm nóng/ Rạo rực một thời…/ Và bây giờ/ Khi gọi cái tên ấy lên/ Con đường đang đi bỗng mở ra”. Cái tên gắn với mối tình đẹp của thời trai trẻ. Nhưng nó không u sầu, bi luỵ khép lại một quá khứ mà mở ra một con đường mới. Bởi thế, với nhà thơ Y Phương, thơ chính là tình yêu, một thế giới hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm, nơi mà ông gặt hái được những thành công.

Nhà thơ Y Phương được các bạn trẻ hâm mộ, xin chữ ký trong một sự kiệnNhà thơ Y Phương được các bạn trẻ hâm mộ, xin chữ ký trong một sự kiện

Thú thực, nhà thơ đã từng bỏ lại đường quan lộ đang hanh thông để chuyên chú vào văn học nghệ thuật, vào việc viết về tình yêu và vẻ đẹp của người phụ nữ. Ông làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng rồi Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Từ Cao Bằng về Hà Nội, cuộc sống có khá nhiều biến động, đổi thay nhưng con người và thơ vẫn vẹn nguyên một ngọn lửa ấy. Trong làng thơ Việt Nam, có không ít thi sĩ viết về tình yêu, về vẻ đẹp của người phụ nữ. Nhưng, ở góc độ hiểu phụ nữ, yêu phụ nữ từ những bếp núc lo toan bình dị nhất thì khó ai vượt qua được Y Phương: “Em là củi/ Đun đời anh chín thơm/ Em là nước/ Tắm đời anh sạch thơm/ Em là cơm/ Suốt đời ăn/ Vẫn ... đói” (Cơm). Những củi, lửa, cơm, nước… tưởng sẽ dập tắt ngọn lửa tình yêu, biến những rung cảm lãng mạn thành bình thường, thậm chí là tầm thường nhất trong hôn nhân. Nhưng không, với thi sĩ, người đàn ông dẫu mạnh mẽ, can đảm vẫn là bé nhỏ, đơn lẻ. Chỉ khi họ có được người vợ, soi mình vào yêu thương, thanh lọc mình trong tình yêu hạnh phúc gia đình họ mới là chính mình, mới là toàn vẹn. Ông từng viết: “Có em về/ Anh mất dần thói xấu/ Biết ăn năn trước lúc bình minh/ Khẩu súng trường qua cuộc chiến tranh/ Anh bắn vỡ tảng ngực thằng xâm lược” (Em - Cơn mưa rào - Ngọn lửa). Thế đó, người vợ là sự thanh lọc, là phép màu, là tấm gương, là dòng suối nguồn tươi mát. Nào ai hạnh phúc như người đàn ông có vợ, như thể có báu vật trong nhà.

Vẻ đẹp của người phụ nữ trong mắt của chàng thi sĩ Tày đâu chỉ là hình thức bên ngoài mà còn ở sự trân trọng, là giá trị của cô gái và lòng quyết yêu, sự thật lòng của chàng trai: “Mưa ngập đường anh vẫn tới/ Hổ báo đón đường anh vẫn tới/ Đến nơi có một Tình yêu lớn”. Để rồi, đổi lại là hơi ấm từ ngọn lửa hạnh phúc gia đình. Chẳng ai “nịnh vợ” khéo như Y Phương, đơn giản như Y Phương mà vẫn sâu sắc: “Em là mực trong ngòi/ Là cơm trong nồi/ Là gà gáy/ Cũng là quả ớt”. “Gia vị” của tình yêu là thế đó. Có đắng cay, ngọt bùi, nhưng tất cả mới làm nên bữa tiệc của hạnh phúc. Những gì bền lâu thì không đơn điệu, một chiều, có tương sinh, tương khắc, hài hoà bổ khuyết cho nhau.

Nhưng trong cuộc đời không chỉ có những niềm hạnh phúc viên mãn mà còn có cả những tiếc nuối. Bản thân trong mỗi con người chúng ta cũng đầy ắp những dở dang, nhức nhối của kỷ niệm sau va vấp. Người ta yêu thì không đến được, người yêu ta đã phải lấy chồng. Nói như nhà thơ Thuận Hữu “Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ”, với nhà thơ Y Phương, “ngoài chồng ngoài vợ” ấy, “một nửa” ấy trong thơ cũng đau đáu, thiết tha, như cách ông đặt tên cho bài thơ Biết gọi tình yêu là gì?: “Nào/ khuya rồi/ Em về đi/ Chồng và con đang chờ/ Nào/ Sắp sáng rồi/ Sương rụng ướt mà không hề lạnh/ Co đôi vai lại/ Ấm rất lâu/ Vai mình còn hơi người/ Tình yêu là gì, trời ơi!”. Ai cũng hiểu, có thể chẳng có cuộc gặp nào, sương lạnh, đêm khuya nào nhưng trong lòng vẫn thấy bờ vai ấm. Chỉ là gặp nhau trong tâm tưởng vẫn quan tâm, vẫn nhớ đến nhau. Không hề xảy ra mà vẫn cảm nhận được sự lưu luyến lúc chia tay mới thật thấm thía. Bất giác, người viết nhớ đến bài thơ của một cây bút dân tộc Mường, cố nhà văn Bùi Minh Chức: “Mới nhắc đến nhau đã là kỷ niệm/ Dù rằng vẫn bến, dù rằng vẫn sông” (Rằm này trăng sau).

Vẻ đẹp của phụ nữ và tình yêu trong thơ Y Phương - ảnh 2

Y Phương đi xa khỏi cái làng nhỏ trên núi để trở về yêu hơn quê hương mình. Quê hương với ông là mẹ-người phụ nữ thiêng liêng liêng của đời ông: “Con là con trai của mẹ/Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ”; “Ơi cái làng của mẹ sinh con/Có ngôi nhà xây bằng đá hộc”… Đi đâu, lớn đến nhường nào, thành ông nọ, bà kia thì vẫn cứ là “con của mẹ”, vẫn chưa ra khỏi được vòng tay yêu thương của mẹ. Mẹ là ngôi nhà lớn nhất, vĩ đại nhất và luôn bền vững nhất.

Y Phương viết về mẹ bằng một sự phản tỉnh cao độ. Nhà thơ không chỉ biết thương mẹ, nghe mẹ mà còn ân hận, mà suy xét cái lẽ hiếu thuận ở đời. Đã có mấy người ngồi ngẫm ra lời mẹ như thế đâu:

Con ơi
Mẹ yêu con như nắng
Nắng chẳng bao giờ thừa
Nhưng con ơi
Con thương mẹ bằng mưa
Mưa một ngày đã nhạt
Mưa cả tháng thì sao.

Đúng là, trước mẹ ta nhỏ bé, ta mãi vụng về. Rồi nhớ lại ngày xưa mẹ ốm, chính là lúc tình cảm gia đình đầm ấm và hạnh phúc nhất: “Trưa nay Mẹ ốm/ Chi gắp thịt cho Mẹ/ Em gắp thịt cho Mẹ/ Chị rủ em ăn toàn rau” (Mẹ ốm). Những câu thơ ông viết đơn giản như lời người dân làng Hiếu Lễ, như lời đứa trẻ mà đặt cạnh nhau, chúng tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Mẹ là mạch nguồn của thơ. Mẹ là nguồn cảm hứng bất tận và cũng là lẽ sống.

Thương vợ, thương mẹ, với nhà thơ Y Phương còn chưa đủ. Tất cả những chiêm nghiệm, thấm thía ông dồn vào tình yêu với con gái. Người phụ nữ bé nhỏ, đại diện của phái đẹp mang gen của thi nhân. Nào là:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
                                  (Nói với con)

Những câu thơ ấy đã đưa tên tuổi ông xuất hiện trong trang sách giáo khoa của các em học sinh phổ thông. Các thày cô giáo và các em học sinh đã đón nhận và yêu quý thơ ông, một giọng thơ mới mẻ, hiện đại những vẫn mang bản sắc Tày và tâm thức của người miền núi.

Một ngày tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022, khi “Tiếng hát tháng Giêng” (như tên một bài thơ của ông) vừa cất lên trên quê hương ông, nhà thơ Y Phương đột ngột ra đi trong sự bàng hoàng, luyến thương của mọi người. Một người thơ yêu phái đẹp, yêu cái đẹp, một thi sĩ của tình yêu đã cưỡi hạc về cõi tiên, để lại cho đời những câu thơ mà hôm nay và cho đến mai sau vẫn còn hơi ấm như lời thơ ông viết: “câu hát này thiêng liêng lắm chứ/hát bây giờ còn đề hát mai sau”.

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.