Vì ích kỷ mà mẹ đã “đập vỡ” hạnh phúc của con

Kim Nga
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đi làm về, bà Nga thấy đứa cháu ngoại ba tuổi vẫn đang ngủ cạnh ông, ngay đầu giường là một lá thư con gái bà viết: “Con đã quá khổ rồi, từ trước đến nay con toàn sống theo ý mẹ. Nay con không thể chịu đựng hơn được nữa, con gửi mẹ nuôi cháu cho con, con phải ra đi để sống bằng cuộc sống của mình”. Bà không ngờ sự tình lại đến mức này.

Vợ chồng bà đều là cán bộ, có kinh tế khá giả, tiếc rằng ông bà lại hiếm hoi, có mỗi cô con gái. Được chăm bẵm, chiều chuộng từ nhỏ, lại được đầu tư, nên con gái bà Nga học khá giỏi. Thi đại học đỗ cả hai trường, nhưng bà Nga kiên quyết cho con đi du học ở Singapore, vì theo bà “phải học nước ngoài mới khá được”. 

Khi Hòa học xong về nước, bà chạy cho con làm trong một ngân hàng lớn, thu nhập khá. Thấy nhiều chàng trai dập dìu xung quanh con gái, bà quán triệt với Hòa rằng: “Bố mẹ không thiếu tiền, lại chỉ có một mình con, con phải lấy chồng cho xứng đáng, ít ra phải là đứa học ở nước ngoài về, không nghe mẹ, khổ đừng trách”. Vốn ngoan ngoãn từ bé, lại quen với việc sắp đặt của mẹ, Hòa đành rời xa dần các chàng trai “thuần Việt” (như cách gọi các chàng trai chỉ học trong nước của bà Nga). 

Vì ích kỷ mà mẹ đã “đập vỡ” hạnh phúc của con - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bà Nga có cô bạn gái học cùng lớp 10 ngày xưa cũng có mỗi cậu con trai, đang làm tiến sĩ ở Đức. Gặp lại nhau hôm hội lớp, hai người bạn đã nhất trí vun vén cho đôi trẻ để họ được trở thành thông gia. Đôi trẻ “vì cây dây leo” nhưng có vẻ như cũng tâm đầu ý hợp. Hai bên cha mẹ đều mừng với mối duyên này. Nhân dịp cậu con trai về nước nghỉ ngơi, hai bà mẹ khẩn trương chuẩn bị làm đám cưới cho đôi trẻ. Sau đám cưới, con rể bà Nga trở lại nước Đức để hoàn thành công việc học tập của mình. Hòa cũng cấn thai ngay sau đám cưới khiến gia đình hai bên vui mừng khôn xiết.

Thấy Hòa có thai nghén ngẩm yếu ớt, bà Nga xin cho con gái về bên nhà ít lâu để bồi bổ. Nhưng sau khi về bên nhà, bà lại bàn với Hòa ở lại sống cùng bố mẹ. Bà bảo, giá chồng con ở nhà, mẹ không dám làm vậy, nhưng nó đi vắng, con về đấy làm dâu, thì hầu hạ nhà chồng sớm hôm vất vả lắm, rồi có mâu thuẫn gì không có chồng bên cạnh thì làm sao tránh được ấm ức. Bà mẹ chồng, vốn là cô bạn ngày xưa của bà Nga cũng không phải dạng vừa, kiên quyết phản đối chuyện con dâu về nhà bố mẹ đẻ sống. Bà đến nhà yêu cầu vợ chồng bà Nga để mình đón con dâu về chăm sóc, rồi còn đón cháu nội ra đời. Thế nhưng bà Nga lại kiên quyết giữ quan điểm khi nào con rể về nước, bà mới cho con bà về nhà chồng. Hai bà mẹ tranh giành nhau chuyện con dâu đi hay ở, cứ thế cãi vã rồi mâu thuẫn nặng nề với nhau. Hòa vì vụng về chuyện bếp núc, nội trợ cũng không muốn về bên nhà chồng ở nên cũng hết lời xin bố mẹ chồng cho mình ở lại nhà bố mẹ đẻ một thời gian. 

Ngày Hòa sinh con, bà Nga đưa con gái vào bệnh viện, nhưng bà không báo cho bên thông gia biết. Chỉ khi cô con gái bà nhắn tin với chồng ở bên Tây, quay webcam cho chồng nhìn thấy mặt cô con gái của mình, chàng rể mới báo cho bố mẹ mình biết, hai ông bà đi taxi đến viện, họ lại cãi nhau. Bên kia bảo đã vậy không nhận cháu, bà Nga cũng nói thẳng “không nhận thì đây cũng không cần, nhà này đủ tiền nuôi mẹ con nó cả đời”. 

Vì ích kỷ mà mẹ đã “đập vỡ” hạnh phúc của con - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tức mình, gia đình thông gia ép con trai mình ở lại Đức kiếm việc làm, không thèm về nước nữa. Thương vợ, nhớ con, nhưng chàng tiến sĩ trẻ vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ quen rồi nên không dám có ý kiến riêng, đành nghe lời mẹ. Chàng trai chỉ bảo vợ khi con được một tuổi, sẽ làm thủ tục cho vợ con cùng sang Đức…

Khi Hòa nói chuyện muốn theo chồng sang Đức sống, bà Nga giận sôi máu, mắng con: “Nó có coi con ra cái gì đâu mà con theo nó sang đấy? Con còn thiếu thứ gì mà phải theo chồng? Sang đấy ai lo cho con, cho cháu mẹ? Không đi đâu hết, cứ ở nhà, nó còn coi con là vợ, nó phải về, không thì… cắt”. Mẹ chồng cấm con trai về nước, mẹ đẻ cản không cho con gái đi. Thương con gái cô đơn, xa chồng, bà Nga chủ động giành việc chăm sóc, nuôi nấng cháu ngoại để con bà đỡ vất vả. Bà cũng nói xa xôi rằng con còn trẻ, cứ sống vui vẻ, không việc gì phải giữ gìn khổ sở. Ngoài việc đi làm, con gái bà không phải nhúng tay vào việc gì. Buổi tối, ăn uống, tắm rửa xong, cô con gái váy áo xúng xính đi hẹn hò với bạn bè bên ngoài.

Khi đứa cháu ngoại của bà Nga tròn 1 tuổi, con rể bà về nước thăm vợ con. Bấy giờ, bà Nga ép con gái viết đơn ly hôn để được giải phóng khỏi gia đình chồng tồi tệ kia. Chàng rể khóc lóc, van xin mẹ vợ không nên chia rẽ đôi vợ chồng, nhưng bà Nga nói thẳng: “Nó sống làm sao được ở nhà anh? Bố mẹ anh quá đáng lắm, tôi còng lưng nuôi cháu cho họ, họ không biết ơn, còn thỉnh thoảng gây sự. Anh thì nghe mẹ, không dám trái lời mẹ. Sống với anh, nó cũng không hạnh phúc. Tôi đã cho con gái tôi có bạn trai rồi, anh không ký đơn thì… tùy”. Sau khi về nhà hỏi ý kiến cha mẹ, hôm sau chàng trai đến đồng ý ký đơn ly hôn. Đôi vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa trong sự thỏa mãn cái tôi của hai bà mẹ vốn xem nhau là thù địch lâu nay. 

Vì ích kỷ mà mẹ đã “đập vỡ” hạnh phúc của con - ảnh 3
Ảnh minh họa

Từ ngày bị mẹ ép bỏ chồng, Hòa bất mãn hay ra ngoài đi chơi với các bạn trai hơn, có khi cô còn đi cùng họ du lịch cả tuần. Tuy cô gái trẻ trung, xinh đẹp, nhưng các chàng trai cũng chỉ muốn cặp kè với cô cho vui, chứ nói đến chuyện xa hơn, các chàng đều lảng dần, bởi dù sao cô cũng là gái có một đời chồng, lại đang có con nhỏ. Cô đơn, buồn chán, thất vọng trong cuộc sống, Hòa quay ra trách móc mẹ. Bà Nga bực mình nói thẳng: “Mẹ thương mày, lo cho mày mới bắt nó ly hôn, mày mới được giải phóng, bây giờ tùy ý chọn bạn, cứ để con cho bố mẹ nuôi, được chưa?”.

Ai ngờ sau lần đó, Hòa bỏ nhà đi tìm cuộc sống mới bên ngoài, để lại đứa con nhỏ cho bố mẹ. Đêm đêm, nhìn đứa cháu còn nhỏ không có cả bố và mẹ ở bên chăm sóc, bà Nga hối hận khôn nguôi. Giá như bà gả con đi rồi nhưng để cho nó tự do quyết định hạnh phúc thì đâu đến nỗi. Giá như, bà biết hạ cái tôi xuống, không thua đủ với gia đình thông gia thì hạnh phúc của con gái đã không đổ vỡ và ông bà không chịu cảnh thân già chăm cháu mọn như bây giờ. 

Khi con cái ly hôn, nhiều bậc sinh thành bị vạ lây, tai tiếng, vất vả. Song cũng không ít trường hợp, cha mẹ đôi bên là tác nhân khiến cuộc hôn nhân của con cái bị tan vỡ. Vô tình, họ làm khổ con cháu mình, đồng thời cũng tự “mua tròng đeo cổ” cho chính mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.