Vì là cháu ông

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ ngày có cháu, những mơ ước, kỳ vọng của ông đã từ từ… chuyển dần sang cho cháu.

Năm lớp 4, cháu gái ông giành được giải Nhất môn cờ vua cấp trường. Chẳng là cấp huyện tổ chức thi giải cờ vua trong các học sinh tiểu học nên nhà trường huy động học sinh đăng ký thi sơ loại. Cả trường có 5 bạn thi đấu thì cháu ông thắng được 4 ván đấu loại trực tiếp nên đứng thứ Nhất. Chỉ có thế thôi mà khi nghe tin, ông đã vui hơn bắt được vàng. Tối hôm đó, ông thủ thỉ với bà: “Cháu mình vậy là có khiếu cờ vua bà ạ. Bà xem có khi bảo bố mẹ nó đầu tư, sau này cho theo chuyên nghiệp”. Bà nghe xong thì phá lên cười vì trí tưởng tượng của ông. Sau đó, khi thi cờ cấp huyện thì… cháu ông bị loại ngay từ vòng đầu. Rồi sau đó, cháu ông cũng chán, bỏ hẳn môn cờ vua. Song, đến tận bây giờ, ông vẫn rất tự hào và cho rằng cháu ông thực sự có năng khiếu chơi cờ, chỉ là tài năng hơi phí phạm do không được tập trung học hành bài bản. 

Năm lớp 6, cháu ông lại qua được vòng sơ loại để được cô giáo xếp vào đội tuyển Toán của trường. Thế là lòng ông cũng lại rạo rực. Rồi ông kể với bà: Tôi thấy, những đứa trẻ giỏi Toán đều có tố chất thông minh, sau này thể nào cũng thành công. Bà xem như Giáo sư Ngô Bảo Châu đấy, giờ nổi danh toàn thế giới với môn Toán. 

Vì là cháu ông - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng độ một tháng sau, thì mẹ cháu về thông báo: Vừa rồi, trường sàng lọc đội tuyển, cháu không qua được bài kiểm tra nên lại thôi học đội tuyển Toán rồi. Song, ông vẫn khăng khăng bảo: “Không sao, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.

Rồi mới đây, tự nhiên bà lại thấy ông bê về một cái đàn điện tử. Thì ra nghe cháu thủ thỉ là muốn học đàn, ông liền mua ngay đàn cho cháu luôn. Ông tin, cháu ông nhanh nhẹn, khéo léo nhất định sẽ đánh đàn giỏi. Tiếc là cháu mới học được một thời gian thì dừng vì không có đam mê âm nhạc. Mỗi lần ông nhắc cháu ngồi tập đàn thì cháu nước mắt ngắn dài. Cuối cùng, ông đành chịu thua vì nghe cô giáo nói, không nên ép trẻ học thứ trẻ không thích. 

Đến bây giờ, hành trình “cháu khám phá bản thân, ông ở ngoài cổ vũ” vẫn tiếp tục. Niềm tin và hy vọng của ông vào cháu vẫn luôn tràn đầy trong mọi trường hợp. Ông bảo, cháu ông giỏi giang và nhất định sẽ thành công ở một lĩnh vực nào đó, bởi vì, cháu là cháu của ông mà.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.