Vì sự vươn lên bình đẳng của nữ giúp việc gia đình
5 năm qua, hơn 600 nữ giúp việc gia đình trên địa bàn Hà Nội được đào tạo thêm nhiều kỹ năng nghề nghiệp, được tìm hiểu và hỗ trợ các chính sách pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình.
Những đổi thay “ngoài sức tưởng tượng”
Giúp việc gia đình vốn chịu nhiều định kiến. Cũng là một nghề, nhưng chưa từng được xem là một nghề, người làm giúp việc còn bị xem thường, gọi bằng những cái tên thiếu tôn trọng như “osin”, “con ở”. Điều đó khiến cho lao động giúp việc gia đình còn chưa được quan tâm đúng mực, và bản thân người lao động cũng tự nhận mình kém cỏi trong xã hội nên mới phải làm cái nghề này. Nhưng trong số đó vẫn có những chị em vững tin với nghề, có cuộc sống ổn định, có khi còn “ngoài sức tưởng tượng”.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích trong việc thực hiện Dự án Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình
Năm nay là tròn 30 năm chị Nguyễn Thị Mai (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) gắn bó với nghề giúp việc gia đình. Năm 1991, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chị nhận chăm một cụ ông 102 tuổi. Thời gian đầu, chưa được nhà chủ tin tưởng, còn lắp camera theo dõi 24/24, chị rất tủi thân. Nhưng chị vẫn cố gắng làm tốt công việc và dần được nhà chủ tin yêu. “Lúc cụ mất, rất nhiều gia đình đã tìm đến thuê tôi làm giúp việc cho họ nhưng gia đình cụ vẫn mong tôi ở lại, còn thưởng thêm cho tôi”, chị Mai nói. Hàng chục năm gắn bó, tâm huyết với nghề này, điều chị Mai hạnh phúc nhất là mua được đất, xây được nhà, có sổ tiết kiệm và chuyển được gia đình từ quê lên thành phố, giúp chồng và các con có việc làm ổn định. “Giờ gia đình đã có cuộc sống tốt hơn, nhưng tôi vẫn gắn bó với nghề giúp việc, bởi tôi nhận ra đó hoàn toàn là một nghề chân chính, và khi mình toàn tâm toàn ý làm hết sức, sẽ có thành quả xứng đáng”. Nay chị Mai là thành viên ban chủ nhiệm CLB Lao động giúp việc gia đình phường Thanh Lương, tiếp tục giúp đỡ những nữ giúp việc bớt mặc cảm, có thêm kỹ năng và hiểu biết để góp phần đưa nghề giúp việc ngày càng được coi trọng.
Nhiều nữ lao động giúp việc tâm sự, họ đến với nghề này không phải vì đam mê, ưa thích, mà có khi là do hoàn cảnh. Có những chị em trình độ Đại học, hoặc đang làm việc cho công ty nước ngoài… nhưng vì gia đình xảy ra biến cố, đành chấp nhận gác lại niềm riêng để chọn nghề giúp việc, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng nhiều chị vẫn thành công và gắn bó với nghề này, không phải bởi không tìm được công việc nào khác khá hơn, mà bởi họ làm bằng cái tâm và được sự quan tâm của các tổ chức để nâng cao hiểu biết, nên họ sống vững với nghề. Chị Trần Thị Toán (phường Vĩnh Tuy), từ người phụ nữ phải bỏ ngang việc học đại học để làm giúp việc, nay chính nhờ công việc mà đã nuôi các con ăn học nên người. Hay chị Hà Thị Thanh (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), sau 25 năm làm giúp việc, đã “biến” ngôi nhà tranh vách đất lụp xụp năm xưa của mình trở thành một căn nhà gạch rộng rãi, khang trang. Chị còn đầu tư cho con dâu mở được quán café. “Giờ tôi tự lo cho tuổi già của mình được rồi”, chị Thanh phấn khởi.
Một tiểu phẩm tuyên truyền về hỗ trợ LĐGVGĐ của liên CLB LĐGVGĐ 3 quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hai Bà Trưng
Các chị Mai, Toán, Thanh… là ba trong số hơn 600 nữ lao động giúp việc gia đình đang sinh hoạt tại các CLB Lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) tại các phường trên địa bàn ba quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng. CLB này được ra đời từ dự án Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm, do Hội LHPN Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu về giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) phối hợp thực hiện từ năm 2017. Chủ nhiệm các CLB chính là các cán bộ Hội Phụ nữ nòng cốt, góp phần giúp đỡ nhiều chị em là LĐGVGĐ thoát khỏi mặc cảm, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Để chị em “tự hào là giúp việc”
Những năm trước đây, tỷ lệ ký hợp đồng lao động bằng văn bản giữa lao động giúp việc và gia chủ rất thấp; gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cả 2 bên khi có tranh chấp xảy ra. 5 năm qua, Hội LHPN Hà Nội và GFCD đã tổ chức hàng chục buổi hội thảo phổ biến kiến thức, pháp luật đến các thành viên CLB LĐGVGĐ. Thông qua đó, các thành viên hiểu được sự cần thiết của việc ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản, những quyền lợi, nghĩa vụ mình được hưởng. Về nghiệp vụ, chị em được tập huấn sâu những kỹ năng nghề cơ bản, kỹ năng thương thuyết, đề nghị, kỹ năng điều hành sinh hoạt CLB sao cho sáng tạo…
Đến nay, đã có 15 CLB LĐGVGĐ ra đời và sinh hoạt định kỳ 4 lần/năm. CLB được chị em LĐGVGĐ xem như ngôi nhà thứ hai của mình, bởi tình cảm và sự quan tâm của các thành viên dành cho nhau. Một số CLB có nhiều sáng kiến kết nối chị em như gây quỹ để ủng hộ thành viên ốm đau (CLB phường Nhân Chính), tổ chức các cuộc thi (CLB phường Vĩnh Tuy), tổ chức các buổi trao đổi cách tự bảo vệ bản thân khi có sự cố (CLB phường Phố Huế, Đồng Tâm), thi nấu ăn (CLB phường Quan Hoa)… Theo TS Nguyễn Kim Quý, Trưởng ban Tổ chức – Kiểm tra, Hội LHPN Hà Nội, vẻ dè dặt của các chị những ngày đầu tham gia đã không còn, thay bằng sự tự tin, cởi mở. 5 năm, dự án đã góp phần giúp 656 nữ LĐGVGĐ ký kết hợp đồng lao động, hầu hết đều đã mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giúp chị em yên tâm cống hiến với công việc của mình.
Một buổi sinh hoạt của CLB LĐGVGĐ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân
Là phường có số thành viên CLB LĐGVGĐ được ký hợp đồng lao động nhiều nhất quận Thanh Xuân, thời gian qua Hội LHPN phường Nhân Chính đã tích cực tuyên truyền, vận động chủ nhà và người giúp việc hiểu được ý nghĩa của hợp đồng lao động. Bà Đoàn Thị Hưng, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Nhân Chính cho hay: “Các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ luôn gắn với những dịp lễ như ngày 8/3, 20/10…, lồng ghép giữa sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với thông tin về bảo hiểm y tế tự nguyện, hợp đồng lao động, rồi những kỹ năng cụ thể phục vụ công việc hay bảo vệ bản thân. Không chỉ các chị em giúp việc cảm thấy vui vẻ, vơi bớt nỗi nhớ nhà, mở mang kiến thức mà ngay cả các thành viên là gia chủ cũng đồng cảm và chia sẻ hơn với người giúp việc”.
Dù vậy, với hành trình 5 năm của mình, dự án vẫn còn đó một số khó khăn. Theo TS Lê Văn Sơn, Giám đốc GFCD, định kiến xã hội về người và nghề GVGĐ vẫn còn nặng nề, nên cộng đồng còn chưa đánh giá đúng về những giá trị kinh tế, xã hội mà người LĐGVGĐ đóng góp. “Một khó khăn nữa là sự di biến động đặc trưng của LĐGVGĐ, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần có nhiều thời gian hơn nữa để tiếp tục tuyên truyền và vận động chính sách cho vấn đề tiếp cận an sinh xã hội liên quan đến hợp đồng lao động, bảo hiểm và quản lý LĐGVGĐ”, ông Sơn cho biết.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh đánh giá: “Dù vậy, hoạt động CLB LĐGVGĐ đã có tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhận thức về nghề, người làm GVGĐ của chính quyền địa phương và người dân, giúp người lao động và người sử dụng lao động gắn kết và bình đẳng hơn trong mối quan hệ lao động. Thời gian tới, hy vọng mạng lưới LĐGVGĐ sẽ được lan tỏa và củng cố hơn, đặc biệt có một nền tảng số kết nối các chị em, để các CLB LĐGVGĐ thật sự trở thành điểm tựa để người làm nghề GVGĐ được vươn lên và bình đẳng”.
QUỲNH ANH