Vợ chồng có cần “tương kính như tân”?

Phương Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) -Các cụ ta thường nói vợ chồng “tương kính như tân” (tôn trọng nhau như khách). Giờ thì, chẳng cần phải bàn nhiều, ai cũng thấy cái lập luận ấy đã lạc thời đến thế nào.

Những cô vợ trẻ lúc vui thì xưng hô trống không với chồng, thậm chí còn ương bướng: “Con mang họ đứa nào đứa ấy đón”; “Đứa nào yêu hơn thì nhớ”. Lúc tức lên, không ít thê tử 9x còn quát: “Tao hận mày”, rồi than thở với bạn bè: “Thằng chồng tao…” thế này, thế kia. Chung quy lại, bản thân của hôn nhân hiện đại là sự lấp đầy các khoảng trống, phá bỏ các rào cản từ xưng hô đến cách ứng xử. Nhưng liệu sự thay đổi đó có đem lại hạnh phúc khi mà độ tuổi ly hôn ngày càng giảm xuống? Ngày nay, nếu có một dãy nhà, một cơ quan nào mà không có single mom thì mới là chuyện lạ…

Nhưng đến một ngày, ghé nhà dì tôi, tôi hiểu một điều khá thú vị. Ở vào tuổi 60, dì vẫn giữ được nét đẹp thanh xuân, cách ăn mặc đứng đắn nhưng không xuề xòa, già nua mà gọn ghẽ, năng động. Điều bất ngờ nhất là từ mâm cơm úp lồng bàn, từng chiếc áo được là, từng bông hoa được cắm trên bàn đều chỉn chu và đặc biệt nhất là việc dì rất nhẹ nhàng với chú rể tôi. 

Vợ chồng có cần “tương kính như tân”? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi nhớ có lần đã từng hỏi dì: “Sao chú dì đã sống với nhau gần bốn mươi năm, có với nhau mấy mặt con mà dì vẫn còn khách sáo với chú thế?”. Dì tôi cười bảo: “Con phải hiểu là chung sống nhưng không chung đụng”. Tôi bật cười về cái lập luận đó. Dì kể: Lúc nào, kể cả ở nhà hay ra đường dì cũng ăn mặc đẹp, giữ vẻ đẹp và không bao giờ ra lệnh với chồng. Tất nhiên, đó là sự tôn trọng chứ không phải sợ sệt, nịnh bợ hay quỵ lụy. Việc vợ chồng giữ được sự gần gũi nhưng không xuề xòa, thân mật nhưng không rẻ rúng cũng là điều đáng bàn.

Tôi vẫn bán tín, bán nghi nên đi tìm những trường hợp khác trong cuộc sống. Trước đây, tôi từng khuyên chị gái tôi phải tiếp tục trẻ trung khi trở thành bà nội ở cái tuổi 50 để làm bạn với… con dâu. Hôm rồi, gặp chị, chị tâm sự: “Cậu nói đúng thật, hôm trước chị vừa mắng cho con dâu một trận”. Tôi nghe xong thì hoảng quá: “Ấy chết, người ta bảo dù gì cũng không phải con mình, chị phải nhẹ nhàng, khéo léo chứ!”. Chị tôi giải thích: “Chị mắng là để nó biết cách giữ chồng chứ sao, ai đời sống vô tâm như thế lúc mất lại kêu”. Tôi nghe chị nói mới hiểu ra cô cháu dâu tôi từ ngày “về chung một nhà” thì không còn giữ vẻ lung linh nữa. Từ đầu tóc lôi thôi, quần áo luộm thuộm, ỷ vào chút nhan sắc vốn có mà chẳng hay biết rằng mình đang mất điểm dần. Đã thế, trong cách ứng xử với chồng cũng lại đoảng hết đường nói. Cuối cùng, chị tôi chốt một câu: “Ai đời để chồng thấy hết cái xấu của mình, trong khi con gái ngoài đường thì hơ hớ ra, đứa nào cũng làm duyên làm dáng”.

Nhưng liệu như thế có giả tạo quá không khi vợ chồng là cái nghĩa trăm năm, đầu gối, tay ấp? Khi được hỏi, không ít người cho rằng với hôn nhân hiện đại mọi thứ hãy tính bằng năm trước đã rồi mới nghĩ đến trăm năm. Tức là, hãy chú ý, cố gắng từ điều nhỏ nhất thay vì cách sống đại khái, chung chung, hời hợt, thiếu trách nhiệm với người bạn đời của mình.

Không quá khi nói rằng, hạnh phúc gia đình chỉ đến khi ta luôn dành cho người bạn đời của mình những gì tốt đẹp nhất. Có lẽ, ai cũng hiểu trong cuộc sống hiện đại, không có tổ ấm nào đóng kín, cả vợ và chồng đều thường xuyên tiếp xúc với những người khác giới nên xuất hiện những so sánh tự nhiên. Bởi lẽ đó, cũng khó để có thể nói rằng anh là chồng tôi, được pháp luật thừa nhận nên anh chỉ được ngắm tôi và ngược lại. Cũng như, hạnh phúc không phải chỉ là tờ giấy chứng nhận kết hôn mà luôn tồn tại ở một trạng thái động, có lúc thất thế, có lúc giành lợi thế trước những người bạn khác giới của bạn đời nhưng không được thất bại.

Vợ chồng có cần “tương kính như tân”? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Không chỉ những người phụ nữ mà nhiều người đàn ông cũng cho thấy họ đang coi thường vợ mình trong cách sống. Họ không chỉ thiếu trách nhiệm, ham nhậu nhẹt, thậm chí cả lười… tắm rửa. Ngày trước, chị em chỉ có thể gặp nhau tụm năm, tụm ba để kể cho hết cơn tức nhưng ngày nay nhiều phụ nữ đã sẵn sàng chấm dứt cuộc sống hôn nhân với những người đàn ông vô tâm, ích kỷ. 

Hãy coi người chồng/vợ của mình chính là “khách quý” nhưng không phải khách khí, khách sáo mà là một người bạn khách quan nhất để luôn khiến bản thân phải nỗ lực để xứng đáng, xứng đôi, để không phải mất tự tin khi cùng sánh bước. Một hành trình năm, mười hay hai mươi năm đã là đủ để hiểu nhau chưa? Xin thưa rằng dẫu có nhiều hơn thế vẫn là chưa đủ để thấu cảm một con người. Khát vọng thấu hiểu nhau để chăm sóc, để quan tâm và đem lại hạnh phúc cho nhau biết đâu sẽ là bí quyết tự nhiên nhất, tuyệt vời nhất giữ gìn hạnh phúc trong cuộc đời này. 

Nói đến đây, người viết bỗng nhớ đến một câu chuyện. Ngày nọ, một chị hàng xóm của tôi phải đi công tác hai tuần. Khi về, vừa mới đến đầu ngõ, bà bán nước đã “mách”: “Từ hôm cô đi, tôi chẳng thấy chú Thiều đi chợ bữa nào. Lạ thế không biết, nhà cửa cứ đóng im ỉm”. Chị hàng xóm của tôi nghe xong thì nửa mừng, nửa lo. Mừng vì chứng tỏ chồng mình không tranh thủ “nóc nhà” đi vắng để “bung lụa” nhưng lo ở chỗ sợ anh ta ốm. Khi chị mở cổng bước vào, thấy chồng đang ngồi cặm cụi sửa chữa những đồ dùng hư hỏng. Chị xuống bếp mở tủ lạnh, ra vườn ngó mấy luống rau thì phát hiện ra một điều bất ngờ: Tất cả rau củ dự trữ trong tủ lạnh đã biến mất.

Tương tự như vậy, tất cả các loại mồng tơi, rau đay, lá ớt, ngọn gấc… nghĩa là những gì có thể nấu canh được được đã được “khai thác” triệt để. Chị hiểu rằng, trong hai tuần mình đi vắng, anh chồng đã tận dụng hết những thứ có sẵn để tiết kiệm một khoản tiền đi chợ. Nhưng điều bất ngờ hơn, khi chị mở cánh tủ quần áo thì đã thấy chiếc váy đỏ mà mình ao ước nhưng không dám mua đang treo trên mắc. Lúc này, chị chợt nhận ra suốt bao năm qua qua cứ hễ lĩnh lương về anh đều “sạch túi” nên chẳng có cơ hội nào mua quà tặng chị… 

Một người chồng không quên quan tâm đến người bạn đời như thế chính là một người hạnh phúc…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.