Vợ đỏng đảnh, chồng mất sự nghiệp

Chia sẻ

Thành phố vừa thông báo hết giãn cách Covid-19, ngày đầu tiên các cơ quan trở lại làm việc, bà Khanh đã bị sốc nặng khi nghe con trai thông báo: “Con thưa bố mẹ, hôm nay con đến Tòa nộp đơn ly hôn!”.

Vợ chồng bà Khanh thực sự không còn biết nên khuyên con trai như thế nào nữa. Câu chuyện ly hôn này cũng đã bàn qua bàn lại rất nhiều lần rồi. Con trai bà - anh Khánh - cũng đã ngoài 40 tuổi, là tuổi đủ độ chín, chứ có phải trẻ mỏ gì nữa mà bố mẹ phải khuyên bảo. Con trai của ông bà vốn cao ráo điển trai, học hành thành đạt, công danh sự nghiệp xán lạn. Thế mà chỉ vì chọn qua chọn lại sao lại lấy phải cô vợ dở hơi dở hồn, đỏng đà đỏng đảnh, thành ra mấy năm rồi, con cái chả có, lại còn gây mất đường thăng tiến sự nghiệp của chồng...

Suốt thời thanh niên, vốn từ thời phổ thông là học sinh giỏi trường Chuyên nên Khánh mải học. Anh tốt nghiệp đại học xuất sắc rồi chuyển tiếp học thạc sĩ, lại xuất sắc nên chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Vừa đi làm vừa học, quỹ thời gian của anh chủ yếu loay hoay học chuyên môn và ngoại ngữ. Đến khi anh hoàn thành các chương trình đào tạo thì lại quay như chong chóng với các “quy trình bổ nhiệm”, lại theo học trung cấp lý luận, được đề bạt cái chân phó phòng, rồi lại đi học cao cấp lý luận do Khánh có cơ cấu trưởng phòng và phó giám đốc. Cứ thế tuổi trẻ trôi vèo. Bố mẹ sốt ruột cũng giục giã chuyện vợ con, ban đầu thì anh cà tửng: “Con mới ngoài 30 tí, có gì mà cuống đâu! Vợ, từ từ lấy! Con, từ từ đẻ!”. Thế rồi vèo cái, anh đã gần 40 tuổi. Anh cũng đôi lần đưa bạn gái về nhà chơi, cô thì do anh tự quen biết qua các lớp học, qua các mối công tác, cũng có cô thì do bạn bè giới thiệu. Ông bà bắt đầu sốt ruột quá rồi, nên “Con ơi, cô nào cũng được! Con cứ quyết là bố mẹ lo tổ chức”. Tuy bố mẹ sốt ruột, nhưng Khánh cứ tửng tưng như không. Anh vẫn vừa đi vừa nhảy chân sáo, huýt sáo tưng bừng. Tính anh vui vẻ thế nên nhiều em mê đắm. Nhưng rồi cô nào cũng chả đi đến chung kết được. Nhiều lúc, cô em gái đã đi lấy chồng, dắt các con về chơi, lại chọc Khánh:

- Chắc tại anh khó tính, cô nào anh cũng chê chứ gì! Như chồng em đấy, ngày trước chả gặp cô nào cũng chê. Nào là “Cô này mặt mũi xinh tươi, nhưng hơi thấp! Thời @ này chả ai lấy vợ thấp thế nữa”, nào là “Cô này cao ráo nhưng lại gầy quá! Phụ nữ mà không có tí mỡ tích lũy nào thì khó bề sinh con, khi về già sẽ quắt lại, rất xấu!”, rồi “Cô này thì có vẻ có sự nghiệp, nhưng lại vụng đường “tề gia nội trợ”, sau này sẽ khiến mẹ vất vả”... Ối trời, bao nhiêu cái xấu của các cô bị anh ta lôi hết ra kể, làm như người ta là tội đồ! Thế rồi gặp em, lại kêu “Anh bị sét đánh trúng”. Mà em đâu có xinh, có tài gì hay khéo tay hay làm gì lắm đâu. Nhưng cơm em nấu cả nhà chồng ăn vẫn khen ngon! Anh mà cũng chê các cô gái thế thì ế cả đời! Anh bước vào tuổi 40 là đã đi qua đỉnh dốc cuộc đời rồi, chỉ còn một nửa cuộc đời về sau là tuổi già, sức yếu, không còn sức khỏe và niềm vui để đi “tìm một nửa” gì gì đó đâu. Phải phiên phiến chút đi anh ơi, dần dà về ở rồi hòa nhập sau.

Khánh cười ngặt ngẽo: “Anh mà khó tính? Cô điêu thế!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế rồi có anh bạn học thời phổ thông, sống ở nước ngoài về chơi, dắt theo cô em họ tên Nga, là phiên dịch tiếng Hàn. Thế rồi nhờ anh bạn “mát tay”, Nga say Khánh như điếu đổ. Một tuần vài ba lần, Nga đều lấy lý do để đến tìm Khánh, lúc thì hẹn cafe ngoài cơ quan “để em nhờ anh tư vấn chút việc”, lúc thì đến thẳng nhà riêng vào buổi tối “Em có việc ở gần đây, nên ghé thăm anh và 2 bác”. Thế rồi chả biết có phải ngại lời cô em gái dọa “ế cả đời” không, Khánh cũng có vẻ “kết” Nga. Bà Khánh cũng cả mừng vì Nga xinh xắn, cao ráo, có trình độ và có nghề nghiệp ổn định. Con dâu thế thì cũng “mát mặt” cho con trai bà vốn danh giá, đang trên đường thăng tiến về công danh sự nghiệp. Cả nhà vui mừng khôn xiết.

Đám hỷ nhanh chóng tổ chức. Khách khứa đông vui tấp nập. Tuy Nga kém Khánh đến gần 10 tuổi, nhưng ai cũng mừng cho cô dâu chú rể đẹp đôi. Hai họ vui mừng hết sức. Cứ tưởng cưới được cô dâu thế là ổn, không ngờ lại chả ổn chút nào...

Vợ chồng bà Khanh nguyên đều là thủ trưởng các đơn vị, đều có học thức và biết đối nhân xử thế, khá tế nhị với con, nhất là dâu/ rể, coi như thượng khách. Nhưng chả hiểu sao Nga về làm dâu được ít hôm, đã “xin phép về nhà ngoại”. Bà Khanh dù trong lòng nghĩ “nhẽ ra vợ mới cưới thì phải làm sao cho chồng yêu hơn chứ”, nhưng bà biết con gái đi lấy chồng nhớ bố mẹ đẻ là bình thường, nên bà rất ủng hộ cho Nga về thăm bố mẹ ruột. Khánh lúc đầu cũng nghĩ vợ nhớ nhà thì cho về chơi cho thỏa. Nhưng không ai ngờ Nga đi một mạch cả tuần không tỏ ý gì muốn quay về với chồng, buộc Khánh phải qua nhà mẹ vợ xin phép đón về. Lần thứ nhất thì chưa vấn đề vì ai cũng cảm thông, chịu nhịn cho vui vẻ. Nhưng chỉ được vài ba tuần, Nga lại đòi về mẹ ruột. Lần thứ 2, rồi lần thứ 3, rồi nhiều đến lần “n”, đến nỗi chả ai còn muốn đếm xem mấy ngày, mấy tuần thì “cô dâu mới” lại để chồng và nhà chồng mong ngóng, cô cứ biệt tích ham vui ở nhà mẹ đẻ và đi chơi, đua đòi du hí khắp các tỉnh thành với các đám bạn, lúc thì đám bạn thân phổ thông, lúc đám bạn thân đại học, lúc đám bạn thân... facebook. Lúc đi du lịch Mèo Vạc xem hoa, khi lên Sapa ngắm tuyết rơi, lúc đi Cà Mau “thưởng thức cá kèo”, khi vào Đà Nẵng lượn cảnh đẹp sông Thu Bồn, ăn sầu riêng chín rụng xuống gốc “mới là sầu thứ thiệt, không bị ủ thuốc”...

Khánh cũng bận công việc, nên nhiều khi cũng muốn kệ cô vợ ham chơi. Nhưng bố mẹ Khánh thì sốt ruột vì dâu cưới về chả thấy hòa hợp với chồng và nhà chồng, chả thấy sinh con đẻ cái, chỉ thấy ăn chơi. Bà Khanh tế nhị nhắc con trai đón vợ về và làm sao cho vợ vui, “nếu vợ thích đi du lịch thì con sắp xếp đưa nó đi”, sao cho bố mẹ nhanh có cháu bế.

Khánh nghe theo mẹ, cũng bàn với vợ. Nhưng anh chỉ có thể đưa vợ đi du lịch 1-2 lần trong 1 năm, sao mà tháng nào cũng “phượt” theo đám bạn thanh niên ham đú đởn kia được. Thế thì vợ lại tiếp tục vui thú với các đám bạn khác nhau. Thật nể phục là thứ 7, Chủ nhật tuần nào cũng “phượt” được. Đã thế về nhà chồng thì đỏng đảnh hết mức. Nấu ăn thì Nga không màng, nhưng mẹ chồng nấu món gì cô cũng “Con ăn không quen”, cô book điện thoại gọi món nhờ ship đến. Món mà Nga gọi thì đương nhiên bố mẹ chồng không hợp. Thế là trong nhà bà Khanh bị khó, nấu thì con dâu không ăn, mà không nấu thì lại ngại mang tiếng là không nấu cho con ăn. Nên ngày nào bà cũng lén dấu tiếng thở dài vì phải đổ bỏ đồ thừa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khánh biết mẹ luôn gắng giấu tiếng thở dài, anh cũng biết mẹ không còn vui vẻ như trước. Anh góp ý với vợ thì Nga cãi bay. Cuộc khẩu chiến đó kết quả Nga bỏ về nhà ngoại cả mấy tuần không hề hối lỗi. Khánh đã làm đơn định ly hôn. Nhưng bố mẹ anh khuyên con cứ bình tĩnh, từ từ động viên vợ, suy cho cùng thì nó cũng tốt, có trình độ, cho nó chơi chán rồi nó sẽ hiểu ra, cuộc sống không chỉ có ăn, chơi, vui thú, mà còn phải có trách nhiệm với công việc, với gia đình đôi bên, với cha mẹ già và sinh con cái nối dõi...

Chuyện trong nhà đã khó xử, đã không vui thế rồi, không ngờ chuyện ở cơ quan Khánh thật... khủng. Đó là con gái ông giám đốc cũ (đã nghỉ hưu) của Khánh, muốn lên trưởng phòng, cơ quan lấy phiếu tín nhiệm thì chỉ có Khánh cao phiếu, còn cô ấy chỉ được 1 phiếu duy nhất do cô tự bỏ cho mình. Thế là không ai ngờ, ông giám đốc (GĐ) mà Khánh vốn quý trọng, giở mặt do tức giận chuyện “Khánh cướp mất cái ghế trưởng phòng của con ông”. Ối trời, thế là đơn thư nặc danh bay đến cơ quan như bươm bướm.

Chuyện đơn nặc danh thì xưa nay chả cấp nào giải quyết. Khi cấp trên trả lời “nặc danh không giải quyết”, ông cựu GĐ liền lên tiếng “để tôi ký tên, là đơn có danh ngay”. Chuyện đơn thư với các nội dung ông bịa ra, Khánh chả dính vấn đề gì, nên anh không sợ. Nhưng đau đớn tận tim gan của Khánh chính là ông cựu GĐ kia lại lấy chuyện Khánh lấy vợ mấy năm mà không có con là bởi anh bị “gay”, do có mác tiến sĩ, nên anh lấy vợ là để che mắt cơ quan, ra vẻ không bị “gay”, nhằm thăng quan tiến chức cho thuận lợi. Chính vì lấy phải chồng “gay” là bị lừa nên cô Nga suốt ngày về nhà mẹ đẻ và đi “du lịch bụi” với bạn bè, không kể thân sơ, cho quên sự đời. Vậy là “anh Khánh lừa cưới cô gái đó, là quá tàn ác với một cô gái trẻ, có trình độ, có cơ hội được đào tạo phát triển, sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội”! Đơn thư chả biết đúng sai, nhưng trong khi cần thời gian để xác minh thông tin, việc thăng tiến của Khánh bị dừng lại. Một trưởng phòng nơi khác được điều đến.

Sau vụ đau đầu này, Khánh đã yêu cầu vợ bỏ bớt du hí, bớt về nhà mẹ ruột, nên chí thú với chồng và nhà chồng, nên sinh con sớm vì anh cũng không còn trẻ nữa. Nhưng Nga không chịu: “Anh già nhưng em chưa già. Thời nay đẻ một đứa con, có gì phải vội”. Lại khẩu chiến, và Nga lại bỏ về nhà mẹ đẻ. Chuyện cũng đã là cốc nước tràn ly, nhưng Khánh thương bố mẹ nên anh gắng nhịn vợ. Không ngờ, Nga đi được 2 tuần thì dịch Covid-19 tràn lan, Hà Nội bị giãn cách liên tục mấy đợt. Nga càng lấy cớ để không về nhà chồng, dù Khánh có dỗ dành hay trách móc. Suốt ngày Khánh thấy vợ trên facebook với đủ các kiểu ảnh thời trang khác nhau, lúc tự chụp khoe “vẻ đẹp mới”, lúc lại đưa đẩy ảnh của các chuyến “phượt” cũ. Bây giờ anh bỗng nhận ra, Nga y như các nhân vật phụ đỏng đảnh trong phim Hàn. Việc quyết theo đuổi và lấy được “ông nghè giấy” có dán mác con nhà tử tế như Khánh chắc chỉ để cô thỏa mãn là cô “rất có giá” và bố mẹ cô cũng tự hào “con gái lấy chồng danh giá”, thế thôi. Chứ Nga thực sự không hề muốn có một gia đình đúng nghĩa!

Bởi vậy, Khánh đã viết sẵn đơn ly hôn. Anh chỉ chờ ngày thành phố “mở cửa”, anh sẽ báo cáo bố mẹ rồi đến Tòa nộp đơn. Anh muốn được “sổ lồng”.

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.